Trước tiên, ta đến với thuật ngữ “Gagaku” của Nhật Bản. Ở khái niệm rộng, có hai định nghĩa của các nhà nghiên cứu âm nhạc tiêu biểu: “Gagaku là một trong các thể loại âm nhạc truyền thống tiêu biểu của Nhật Bản. Thuật ngữ Gagaku xét theo ý nghĩa văn học với Ga: thanh lịch, Gaku: âm nhạc. Các đặc điểm về âm nhạc của Gagaku được hiểu ở cả lĩnh vực nhạc khí, thanh nhạc và múa. Nhìn một cách tổng quát Gagaku có thể xếp theo hai hệ thống: thanh nhạc và khí nhạc…” (F.Koizumi, K.Okada). “Gagaku nghĩa là âm nhạc trang nhã, loại âm nhạc cổ xưa nhất còn sót lại đến ngày nay của Nhật Bản, được thành lập ở trong Cung đình cách đây khoảng 1.200 năm, hiện diện trong Cung đình, và một số đền chùa. Ngày nay, các nhạc mục Gagaku bao gồm cả bốn yếu tố: hòa tấu nhạc khí, nhạc múa, các bài hát, âm nhạc tôn giáo và các nghi lễ Thần đạo” (Kishibe Shigeo). Ở khái niệm hẹp, tác giả đã chỉ ra rằng, thuật ngữ “Gagaku” còn được hiểu là hình thức Kangen. Kangen là một loại dàn nhạc hòa tấu khí nhạc cổ truyền, đại diện cho tổ chức âm nhạc thuần túy, thuộc bộ phận âm nhạc Cung đình Nhật Bản. Dàn nhạc này gồm 3 nhạc khí hơi: Sho, Ryuteki, Hichiriki; 2 nhạc khí dây: Gaku-shou và Kaku-Biwa; 3 nhạc khí gõ: Kakko, Taiko, Shoko.
Hai góc độ này đã giúp ta hiểu hơn về Gagaku, trong đó, “Gagaku” ở khái niệm rộng chiếm ưu thế hơn cả. Với ý nghĩa bao trùm cả nhạc mục thanh nhạc, khí nhạc và múa của âm nhạc Cung đình Nhật Bản, “Gagaku” xuất hiện là một thuật ngữ âm nhạc được dùng phổ biến và có nét tương đồng với thuật ngữ “Nhã nhạc” của Việt Nam.
(Ảnh: TL)
Ở Việt Nam, nhã nhạc được TS Văn Thị Minh Hương tóm gọn ở lời giải thích sau: “Nhã nhạc chỉ là một trong những loại hình âm nhạc thuộc dòng âm nhạc Cung đình. Loại hình âm nhạc này chiếm ưu thế và có vị trí quan trọng đối với âm nhạc Việt Nam thời kỳ phong kiến”.
Tại Trung Quốc, “Nhã nhạc” biết đến với tên gọi “yǎ yuè”. Yǎ yuè là chữ phiên âm cách đọc của “雅 樂”, dịch sang âm Hán Việt là “Nhã nhạc”. Từ Hải tự điển, giải thích rõ từ này như sau, nhã nhạc là “đối xưng” của “tục nhạc”. Là loại nhạc vũ mà các vị Đế vương của Trung Quốc cổ đại dùng để tế tự trời đất, tổ tiên và trong các dịp Triều hạ, yến hưởng. Thời Chu dùng làm lục vũ của nhạc Tông Miếu, Nho gia cho rằng âm nhạc này “trung chính hòa bình”, ca từ “khúc nhã thuần chính”, nên lấy nó làm điển phạm của nhã nhạc. Các nhà thống trị phong kiến các đời, sau khi giành được chính quyền, đều tác nhã nhạc theo thông lệ để ca tụng công đức của triều đại mình”.
Như vậy, Nhã nhạc là nhạc khúc trong Cung đình. Truy nguyên nguồn gốc của thuật ngữ này, ta hãy tìm về với thời đại phong kiến Trung Quốc khi mà tư tưởng “dĩ nhạc trị quốc” của Nho gia còn thịnh hành. Tại đây, ta thử đặt câu hỏi: Vì sao nhã nhạc lại được dùng trong trị quốc? Thực ra, thời bấy giờ Nho gia rất tôn sùng lễ chế của Triều Chu. Lễ chế của Triều Chu chú trọng đến phục vụ cho lợi ích của giai cấp thống trị phong kiến và chủ nô. Vì thế, ý nghĩa chủ yếu của “nhạc” chính là công cụ giáo hóa con người và thống trị con người. Những loại nhạc thể hiện tình cảm trai gái, những âm thanh thút thít, buồn sầu làm ảo não lòng người, bị Nho gia xem là “dâm thanh”, “loạn thế chi âm”, “vong quốc chi âm”, chỉ có Nhã nhạc với “chính thanh” phù hợp với luật lữ mới xứng đáng được tôn sùng, xứng đáng để giai cấp thống trị phong kiến các thời đại của Trung Quốc chọn dùng làm tín điều trong trị quốc.
(Ảnh: TL)
Chính thanh phù hợp với luật lữ trong Nhã nhạc được hiểu chính là hiệu quả âm nhạc. “Chính thanh” là thanh âm ngay thẳng, chính thống, mẫu mực, hòa hợp với luật lữ, nó trái ngược với “gián thanh” (thanh âm có khuynh hướng không thuần nhất, không hợp với luật lữ). Trần Dương, Nhà âm nhạc thời Bắc Tống ở Trung Quốc, khi nói về chính thanh đã chỉ ra rằng: “dùng thanh trung hòa, cho nên dẫn đến khí trung hòa, trong nhưng không được cao quá, nặng nhưng không được thấp quá, phải làm cho bát âm cùng hài hòa, âm thanh của ca khúc phải thong dong mà có thể vịnh được lời”. “Quốc Ngữ, Chu Ngữ” viết, lấy thanh để hòa nhạc, lấy luật để hòa thanh có thể khiến cho gió mưa thường đến, phúc lành sinh sôi, nhân dân sống hòa bình và thuận lợi. Đây mới chính là Nhã nhạc.
Nhã nhạc của Trung Quốc với chính thanh, trung hòa, không lả lướt, không ủy mị trở thành điển phạm của âm nhạc Trung Quốc cổ đại. Cũng dựa trên tiêu chuẩn này, vào năm Hồng Võ thứ nhất Triều đại nhà Minh, chế độ Trung Hòa Thiều Nhạc (中 和 韶 樂) đã được thiết lập, đến Triều đại nhà Thanh, chế độ âm nhạc này vẫn tiếp tục được kế thừa và phát huy. Tại đây, để hiểu hơn về dụng ý của người xưa khi đặt tên cho chế độ âm nhạc này, ta hãy thử tiến hành việc cắt nghĩa và giải nghĩa “Trung Hòa Thiều Nhạc”: “Thiều Nhạc” (韶 樂) là tên nhạc của đời Vua Thuấn thời đại nhà Ngu. “Thư Ích Tắc” viết rằng: “Tiêu thiều cửu thành, phượng hoàng lai nghi”. “Lễ Ký, Nhạc Ký” viết: “Thiều, kế giả” (“韶, 繼 也”). “Kế” ở đây có nghĩa là “nối theo”. Trịnh Huyền chú thích như sau: “Thiều là ý nói nối theo, rằng, Vua Thuấn có thể tiếp nối cái đức của Vua Nghiêu”. Như vậy, nói một cách đơn giản, thiều nhạc là âm nhạc đẹp nhất phù hợp với luân lý đạo đức của Nho gia. Còn “Trung Hòa” (中 和), “Trung Thư Lễ Ký” viết: “Hỉ, nộ, ai, lạc chi vị phát vị chi trung, phát nhi giai trung tiết vị chi hòa. Trung dã giả, thiên hạ chi đại bổn dã, hòa dã giả, thiên hạ chi đạt đạo dã. Trí trung đạo, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên”, nghĩa là: “Hỉ, nộ, ai, lạc chưa phát ra, gọi đó là “trung”. Chúng phát ra nhưng đều có thể điều tiết ở mức trung gọi là “hòa”. Cái gọi là trung, là cái gốc lớn của thiên hạ; cái gọi là hòa, là cái đạo đạt được của thiên hạ. Nếu đạt đến mức trung hòa, thì ở đó trời đất có trật tự, vạn vật sinh sôi”. Như vậy, khi chọn đặt tên cho chế độ âm nhạc này, người xưa còn gửi gắm trong đó là khát vọng tìm cầu đến cảnh giới mà nhạc cần phải đạt được, và “Trung Hòa Thiều Nhạc” nhất định phải là tiêu biểu cho một nền âm nhạc hài hòa hoàn mỹ nhất, phù hợp với luân lý đạo đức của Nho gia.
(Ảnh: TL)
Kế thừa điển phạm Nhã nhạc trong âm nhạc Cung đình Trung Quốc, ở Việt Nam, thuật ngữ “Nhã nhạc” bắt đầu xuất hiện từ năm Thiệu Thành thứ 2 (1402), đời Hán Thương, Triều đại nhà Hồ. Lúc bấy giờ, Vua “đặt Nhã nhạc. Lấy con các quan văn làm kinh vĩ lang, con các quan võ làm chỉnh đốn lang, tập điệu múa văn, võ”. Từ đó trở về sau, âm nhạc Cung đình Việt Nam không ngừng được hoàn thiện dần qua các triều đại. Đến thời Nguyễn (1802-1945), nhã nhạc đã trở nên đầy đủ với: Giao nhạc, Miếu nhạc, Ngũ tự nhạc, Đại triều nhạc, Thường triều nhạc, Đại yến nhạc, Cung trung chi nhạc và Cứu nhựt nguyệt giao trùng nhạc, nhưng vẫn không ngừng được chỉnh đốn để tìm cầu đỉnh cao của âm nhạc. Bắt nguồn từ hệ tư tưởng Khổng giáo Trung Quốc, nền âm nhạc Cung đình ở nước ta cũng chú trọng đến sự trung hòa, các loại “dâm nhạc”, “Chiêm Thành âm” với giọng điệu sầu oán đau thương, không được tấu ở trong Cung đình, chỉ có nhã nhạc là điển phạm, là tiêu chuẩn cao nhất, được các vị Vua triều đại Việt Nam chọn dùng. Trong Vân Đài Loại Ngữ, Lê Quý Đôn đã một lần nữa chỉ ra sự ảnh hưởng sâu sắc và sự đồng điệu giữa Nhã nhạc Trung Quốc và Việt Nam đó là “Âm quý trung hòa” .
Từ những lý lẽ trên, xét về mặt ý nghĩa, thuật ngữ “Nhã nhạc” được hiểu một cách đơn giản, khúc chiết đó là nhạc khúc trong Cung đình, tuy nhiên bên cạnh đó, nó còn hàm chứa một chuẩn mực vươn tới đỉnh cao của âm nhạc.
Lê Na