Tính đến nay, qua 4 đợt xếp hạng, Hà Nội chiếm 9/48 di tích quốc gia đặc biệt của cả nước. Việc phân cấp quản lý các di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn Hà Nội hiện đang được thực hiện như sau:
- Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý;
- Di tích lịch sử và khảo cổ Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long và Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật và Khảo cổ Cổ Loa do Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hoá Thăng Long-Hà Nội trực thuộc UBND thành phố tổ chức quản lý;
- Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Văn Miếu - Quốc Tử Giám do Trung tâm Hoạt động Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý;
- Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn do Ban Quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức quản lý.
- Di tích lịch sử đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh) do Ban Quản lý di tích Đền Hai Bà Trưng thuộc huyện Mê Linh tổ chức quản lý;
- Các di tích: Đình Tây Đằng, đền Hát Môn và đền Phù Đổng do Ban Quản lý Di tích thuộc cấp xã trực tiếp quản lý.
Như vậy, 6/9 di tích quốc gia đặc biệt có bộ máy tổ chức quản lý riêng, thuộc các cấp Trung ương, thành phố, cấp huyện quản lý, số còn lại do cấp xã trực tiếp quản lý.
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Tính đến thời điểm này, Thủ đô Hà Nội có số lượng lớn di tích được vinh danh ở cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt: 1.193 di tích trên tổng số 3.231 di tích quốc gia của cả nước, 9 di tích trên tống số 48 di tích quốc gia đặc biệt của cả nước. Các di tích này đa dạng về loại hình, phong phú về chất liệu và phân bố khá đậm đặc, là niềm vinh dự lớn lao của người dân Thủ đô và cả nước, đồng thời cũng đặt ra cho chúng ta những trách nhiệm nặng nề trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa và thiên nhiên mà các bậc tiền nhân đã sáng tạo, xây dựng truyền lại cho chúng ta để trao lại cho các thế hệ tương lai.
Trách nhiệm đồng thời là thách thức lớn nhất trong việc bảo tồn và phát huy giá trị khối di sản này là việc bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển trong một thủ đô có bề dày lịch sử hơn một nghìn năm đang trong quá trình phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, bộ mặt đô thị thay đổi từng ngày, để giải quyết tốt những mâu thuẫn của quá trình đô thị hóa, cải tạo chỉnh trang đô thị với việc bảo tồn di sản đô thị; bảo đảm sự hài hòa giữa lợi ích của người dân, cộng đồng sống trong di sản đang hướng tới cuộc sống đô thị hiện đại và bảo tồn các giá trị truyền thống; giải quyết tốt nhu cầu của công tác bảo tồn phát huy giá trị số lượng cả ngàn di tích được làm bằng các chất liệu kém bền vững tồn tại lâu năm đã và đang xuống cấp trong bối cảnh các nguồn lực kinh phí (nhà nước và xã hội) đầu tư cho công tác này còn rất khiêm tốn so với nhu cầu thực tế…
Di tích lịch sử và khảo cổ Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long
Vượt qua các thách thức, nhằm bảo tồn và phát huy tốt các di sản của Thủ đô, trước hết là các di tích đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, cần phải có sự chung tay góp sức của toàn bộ hệ thống chính trị. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thủ đô là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý chuyên ngành, các đơn vị quản lý trực tiếp các di tích chịu trách nhiệm tổ chức bộ máy quản lý, tổ chức các hoạt động đáp ứng được việc bảo tồn nguyên vẹn những giá trị tiêu biểu, những giá trị đặc biệt đã được quốc gia công nhận, vinh danh để phục vụ cộng đồng dân cư, quảng bá hình ảnh nhằm thu hút nhân dân, đồng bào trong nước và khách quốc tế, tạo cơ hội cho sự phát triển du lịch của Thủ đô Hà Nội.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cấp bách, trong thời gian tới cần phải tăng cường hoàn thiện công tác quản lý các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh nói chung, các di tích quốc gia đặc biệt nói riêng. Cần tập trung rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống cơ chế chính sách về bảo tồn và phát huy giá trị di tích ở Thủ đô; Hoàn thiện bộ máy quản lý di tích ở các cấp bảo đảm năng lực chuyên môn nghiệp vụ của các ban quản lý di tích; quan tâm hơn nữa đến công tác tuyển dụng và đào tạo, đào tạo lại cán bộ chuyên ngành đáp ứng yêu cầu của chuyên ngành di sản văn hóa; đẩy mạnh tuyên truyên truyền, quảng bá giá trị, hình ảnh di sản văn hóa của Thủ đô, động viên toàn xã hội quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa theo đúng quy định của pháp luật; Tăng cường đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di tích, ưu tiên đầu tư dứt điểm cho các di tích quốc gia đặc biệt; Chủ động xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn Thủ đô; Nghiên cứu, đánh giá các quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị các di tích quốc gia đặc biệt, di tích nào chưa có cần tiến hành làm ngay, quy hoạch nào chưa hoàn chỉnh cần tiến hành bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành Văn hóa tại các di tích, bảo đảm di tích được bảo tồn và phát huy đúng các quy định của nhà nước và phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương sở tại.
Đối với các di tích quốc gia đặc biệt mà hiện nay chưa có bộ máy riêng, trước mắt, cácPhòng Văn hoá - Thông tin phải có trách nhiệm đối với toàn bộ hoạt động liên quan đến công tác quản lý và bảo tồn, phát huy giá trị di tích, đồng thời, cơ quan chuyên ngành của thành phố cũng cần cử cán bộ tăng cường, hỗ trợ về chuyên môn và đầu tư kinh phí khi cần thiết.
Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Bên cạnh các nhiệm vụ nêu trên của ngành Văn hóa, các cấp, các ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc lập và triển khai các quy hoạch, dự án đầu tư, xây dựng nhằm bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển bền vững, giảm bớt và tiến tới loại bỏ những quy hoạch, dự án xây dựng ảnh hưởng xấu đến các di sản văn hóa của Thủ đô.
Thực tế cho thấy các di tích được vinh danh đã tạo cơ hội cho sự phát triển của Thủ đô qua việc quảng bá hình ảnh, khẳng định vị thế, sự thu hút đối với nhân dân, đồng bào trong nước và quốc tế.
Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể là một nguồn tài nguyên quan trọng góp phần đáng kể vào quá trình phát triển du lịch, đổi mới cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư ở nhiều địa phương, nhất là đối với các di tích được vinh danh là Di tích quốc gia đặc biệt, các Di sản thế giới ở Thủ đô. Những năm tiếp theo, Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng thêm một số di tích quốc gia đặc biệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia, sẽ nâng cao chất lượng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Thủ đô.
Ngày 22 tháng 02 năm 2014, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã long trọng tổ chức Lễ đón bằng xếp hạng 05 di tích quốc gia đặc biệt đợt 4 tại vườn hoa Lý Thái Tổ. Đây là vinh dự lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, luôn đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực không ngừng để bảo tồn tốt, phát huy bền vững giá trị của các di sản đó và trao truyền lại cho các thế hệ mai sau, xứng đáng với niềm tin của Chính phủ, của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.
Tô Văn Động
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội