Theo dấu chân Văn Ba trên hành trình tìm đường cứu nước

Văn Ba là tên gọi gắn liền với thời kỳ đầu tiên trên hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ. Tên gọi này được ghi trong sổ lương của con tàu Đô đốc Latusơ Tơrêvin, nơi Nguyễn Tất Thành làm thuê để đi sang Pháp năm 1911.

Nguyễn Tất Thành đã tự giới thiệu với chủ tàu tên mình là Ba và anh được chủ tàu nhận làm phụ bếp cho chiếc tàu trở hàng lớn này từ ngày 2-6-1911. Ngày 3-6 Nguyễn Tất Thành nhận được thẻ nhân viên của tàu với tên là Văn Ba. Ngày 5-6-1911, tàu rời Bến cảng Nhà Rồng ở Sài Gòn, trên đó có người thanh niên Việt Nam đi sang Pháp để khám phá những gì ẩn sau từ Tự do - Bình đẳng - Bác ái.

Theo hành trình của con tàu, Văn Ba đã ghé cảng Singapo, cảng Côlômbô thuộc Xơri Lanca, cảng Xait của Aicập. Sau một tháng, tàu đến hải cảng Mácxây. Đến Mácxây, thủy thủ được nhận lương “mỗi nhân viên Việt Nam được từ một trăm đến hai trăm quan, thêm vào đấy tiền thưởng của hành khách. Anh Ba là phụ bếp chỉ được mười quan” (Trần Dân Tiên. Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch).

Bến cảng Sài Gòn ngày ấy. (Ảnh: internet)

Sau đó tàu rời Mácxây đi tới một hải cảng ở miền Bắc nước Pháp- cảng Lơ Havơrơ, cảng Đoongkéc trên bờ biển Măngxơ, rồi lại trở về Mácxây. Cuối tháng 10 năm 1911,Văn Ba vẫn làm việc trên tàu này trở lại Sài Gòn, và sau đó lại theo tàu trở lại nước Pháp.

Năm 1912, khi đang làm vườn cho ông chủ hãng Sácgiơ Rêuyni thì được biết có một chuyến tàu trở hàng đi vòng quanh châu Phi, Văn Ba đã nhận làm phụ bếp trên tàu. Một người bạn đã khuyên: “Ba ơi, khí hậu ở châu Phi rất nắng…Và một chiếc tàu trở hàng rất tròng trành, dễ làm cho anh say sóng. Đi như thế anh dại dột lắm, nhất là một thân một mình, bầu bạn không có”. Anh Ba nói: “Anh không nên nói như thế. Tôi là thanh niên, tôi khỏe, tôi chịu được khổ. Và tôi muốn đi xem các nước” (Trần Dân Tiên. Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch).

Bến cảng Sài Gòn ngày nay. (Ảnh: internet)

Trong chuyến đi này, Văn Ba lại có dịp dừng lại ở những bến cảng của một số nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Angiêri, Tuynidi, Cônggô, Đahômây, Xênêgan, Rêuyniông. Đối với Văn Ba, chuyến đi vòng quanh châu Phi là dịp may hiếm có để anh “xem các nước làm như thế nào để trở về giúp đồng bào mình”. Cho nên mỗi lần tàu cập bến anh đều kiếm cách đi thăm thành phố. Buổi sáng mỗi ngày, anh Ba dậy sớm để xem mặt trời mọc. Và trong những đêm trăng, anh Ba không ngủ mà đi đi lại lại trên tàu, ngắm trời ngắm bể. Một thực tế anh Ba tận mắt chứng kiến đó là sự thống khổ của những người dân thuộc địa và sự tàn ác vô nhân đạo của bọn thực dân. Một trong những cảnh tượng ấy anh Ba nhìn thấy ở Đa-ca, bọn thực dân đã bắt những người da đen phải bơi từ bờ ra tàu để bắt liên lạc trong lúc bể nổi sóng dữ dội. Hết người này đến người khác đã bị sóng cuốn đi. Anh Ba cũng đã từng thấy cảnh đó ở Phan Rang, bọn Pháp đã cười sặc sụa trong khi đồng bào ta chết đuối vì chúng.

Tàu Latouche Treville, con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước từ Cảng Sài Gòn. (Ảnh: internet)

Sau cuộc hành trình vòng quanh châu Phi, anh Ba đã rút ra một kết luận quan trọng, đó là: Đối với bọn thực dân thì tính mạng của người dân thuộc địa dù là da vàng hay da đen cũng không đáng một xu. Thực tế đó là cơ sở để Nguyễn Tất Thành -  Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh xây dựng nên tình đoàn kết gắn bó giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước và Người đã trở thành người đầu tiên tổ chức cuộc đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa.

Anh Ba Nguyễn Tất Thành (Ảnh: internet)

Tên gọi Văn Ba chỉ là một trong hàng trăm tên gọi, bí danh và bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Văn Ba, người con trai thứ ba của một gia đình yêu nước đã gắn bó với những tháng năm đầu tiên trong hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ kính yêu.

TS Nguyễn Thị Tình
 

Top