Cái gánh hát bội duy nhất còn lại ở làng Nam Diêu (phường Thanh Hà, TP Hội An, Quảng Nam) ấy dễ có tuổi đời hơn 40 năm, mà cũng toàn là người trong cùng gia đình. Hai vợ chồng anh Hải - chị Hoa theo nghề từ khi còn nhỏ. Gặp nhau, kết duyên và vợ chồng cũng lại sống chết với tuồng. Trở thành những anh kép, chị đào có thâm niên hàng chục năm trời đứng trên sân khấu tuồng Hội An. Rồi đến con, cháu của anh chị cũng mê tuồng và theo nghề như cha mẹ.
Hai mẹ con chị Hoa và bé Yến cùng biểu diễn trích đoạn "Kim Liên tiễn mẹ"
Cô bé Hoàng Yến - diễn viên nhí nhất của gánh tuồng gia đình cũng là con gái út của anh chị, năm nay mới 15 tuổi nhưng hầu như những vở diễn tích xưa tuồng cũ nào cô bé cũng vào vai rất ngọt. Chị Hoa kể: Từ hồi bé Yến mới lẫm chẫm đi, vợ chồng đi diễn ở đâu là mang bé theo, vừa diễn vừa chia nhau trông chừng. Chắc vậy nên máu tuồng ngấm vô Yến từ nhỏ. Ba mẹ diễn trên sân khấu, dưới này Yến nhẩm theo. Tới hồi xin ba mẹ lên sân khấu, Yến diễn thử cho ba mẹ xem Lê Lai cứu chúa, Trần Quốc Toản ra quân, Trưng Vương đề cờ,…ngọt như được học hành bài bản. Chừ đến mấy đứa cháu nội ngoại cũng ham tuồng y như bé Yến.
Mà kể cũng lạ, gánh tuồng gia đình ấy dễ chừng đã diễn hàng ngàn đêm, nhưng lần nào, mỗi lần ra phố, lại háo hức như thể mới diễn lần đầu. Như thể, được trình diễn tuồng, là chuyện vui nhất trần đời.
Anh Hải tâm sự: Chắc lẽ, cái sự háo hức, xôn xao ấy là chất keo kết dính các thành viên trong gia đình với bộ môn nghệ thuật tưởng chừng rất xưa cũ rồi. Trước mỗi đêm diễn, mỗi thành viên lại tự phân chia công việc hậu trường như trang phục, hóa trang, tập luyện, vẽ mặt nạ tuồng, xem lại kịch bản,…
Anh Hải và chị Hoa thị phạm cho học trò ở lớp truyền vai hát bội được Quỹ HOàng Châu Ký tài trợ
Làng Nam Diêu (phường Thanh Hà, Hội An) - nơi vợ chồng anh Hải sinh sống cũng là vùng đất được mệnh danh là “cái nôi” của nghệ thuật hát tuồng Hội An. Ở đó, trẻ con ra đời, dường như máu tuồng đã thấm sẵn vào từ bao giờ. Và cứ thế, khi bước lên sân khấu, họ lại “rút ruột rút gan” ra diễn như lần đầu được diễn. Gánh tuồng gia đình anh Hải cũng “trung thành” với những vở tuồng tích xưa, trân quý và giữ lối hát truyền thống, không pha tạp, lai tạo.
Khi làng tuồng Nam Diêu rơi vào cảnh suy tàn, cũng như nhiều nghệ sỹ trong làng, anh Hải ngậm ngùi rời quê vào Sài Gòn mưu sinh. Với người hát tuồng được lưu truyền từ ba đời, đó là một nỗi đau âm ỉ. Năm 2002, tình cờ biết thông tin Hội An chủ trương phục hồi và đưa tuồng vào các đêm phố cổ biểu diễn phục vu du khách, anh quay về tìm cơ hội để được sống lại trên sân khấu tuồng. Gánh diễn được gây dựng lại với 05 thành viên là vợ - chị Hồ Thị Ánh Hoa - đào chính và những người bạn diễn ngày xưa như chị Ánh Hồng, Nguyễn Văn Tú, Nguyễn Xuân Giá,…Họ hầu như là anh em, họ hàng cùng làng Nam Diêu với nhau. Căn nhà nhỏ của hai vợ chồng cũng chính là nơi họ tập tuồng xưa tích cũ, lưu cất những dụng cụ hóa trang, trang phục, dụng cụ sân khấu,…và cũng là nơi họ tập luyện, truyền dạy cho những đứa trẻ trong làng vì mê tuồng, vì tò mò mà tìm đến. Ngoài lớp dạy tuồng định kì tối thứ 7 ở phố cổ, gánh tuồng gia đình cũng cố gắng duy trì lớp dạy tuồng cho khoảng 10 bạn trẻ trong làng.
Anh Hải và các học trò biểu diễn trích đoạn "Lê Lai cứu chúa"
Từ năm 2016, nhằm bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật hát tuồng, Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP Hội An đã mở lớp truyền vai hát bội cho thiếu nhi vào tối thứ 7 hàng tuần, từ 19 giờ 30 đến 21 giờ 30 tại số nhà 39 Nguyễn Thái Học (Hội An). Cùng gánh trách nhiệm truyền vai hát bội ấy là gia đình nghệ sỹ Lê Phú Hải và Hồ Thị Ánh Hoa. Lớp học cũng nhằm thực hiện di nguyện của GS Hoàng Châu Ký - người được xem là bậc thầy của bộ môn nghệ thuật này tại Quảng Nam - Đà Nẵng. Khi GS Hoàng Châu Ký qua đời đã di nguyện lại gia đình dành tặng toàn bộ số tiền phúng điếu của ông để thành lập Quỹ Hoàng Châu Ký hỗ trợ TP Hội An khôi phục, bảo tồn bộ môn nghệ thuật này từ trong những người trẻ.
Chị Hoa luôn chăm sóc cho học trò sau sàn diễn
15 bạn thiếu nhi tham gia lớp học hầu hết được tuyển chọn từ làng Nam Diêu. Có gia đình, có cả 2 anh em cùng tham gia khóa học này, như hai anh em Võ Văn Việt ( lớp 7 ) và Võ Văn Nhựt ( lớp 9). Vợ chồng anh Hải - chị Hoa không giấu nổi sự yêu thương, hãnh diện khi nhắc đến những “học trò - người con” của “gánh tuồng” đặc biệt này.
Anh Hải kể, dạy các em nhỏ tuổi, mọi điều còn non nớt nên rất háo hức khi mới học. Nhưng thời gian, nhiều khi thấy khó, lại nản, bỏ không đến lớp. Hai vợ chồng vừa là thầy, vừa kiêm luôn “bảo mẫu - tài xế”, đến tận nhà vận động, tới bữa học là tới nhà kèm chở luôn học trò đến lớp. Chọn theo nghề cũng đồng nghĩa những lớp phấn son dày cộm sẽ thường xuyên được phủ lên da mặt của các em. “ Dạy ở lớp trong phố cổ xong, vợ chồng lại hướng dẫn, tập luyện thêm ở nhà nếu các học trò muốn học thêm. Cả ngày ở nhà lúc nào cũng như một sân khấu tuồng, người lớn tập, trẻ con luyện. Rứa mà vui, mà có thể sống chết với nghề”, anh Hải nói.
Khán giả xuống phố xem gánh tuồng gia đình anh Hải, chị Hoa biểu diễn
Từ 15 em lúc mới mở, lớp học còn 9 bạn, đáng mừng là 9 em bây giờ đã thực sự trở thành “đồng nghiệp”, có thể cùng diễn những vai phù hợp cùng với thầy cô. Lớp học truyền vai đã tập trung vào các nội dung như : Trang bị kiến thức cơ bản về kỹ năng vũ đạo, các làn điệu hát bội. Thực hành các trích đoạn hát bội truyền thống phù hợp với độ tuổi thiếu nhi như Lê Lai cứu chúa; Trần Quốc Toản ra quân,…và truyền vai cho các em. Các em đã có thể trình diễn những trích đoạn như Hạ sơn, Múa kiếm, Kim Liên tiễn mẹ, Hát giáo tuồng...
Theo nghề là những lớp son phấn sẽ thường xuyên được phủ lên da mặt các em
Bạn Phương Dung (17 tuổi, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi) tâm sự, hồi mới khai giảng có nhiều bạn đến học và đến xem. Có bạn theo đến giờ, có em bỏ nửa chừng vì thấy hát bội khó quá, không “sành điệu” như những bộ môn khác. “Như con nè, nhiều khi cũng muốn nghỉ vì hay bị bạn bè trêu chọc đi học hát bội như mấy “bà già”. Nhưng nghĩ đến thầy Hải, cô Hoa, các bạn trong lớp đều coi nhau như người nhà. Thấy ông bà, ba mẹ con cũng hỏi thăm chừng chừng con học tới đâu và ai cũng háo hức muốn được xem tụi con hát ra sao nên con theo tới chừ. Càng học, càng luyện, tụi con càng hiểu và yêu bộ môn này một cách tự nhiên, sâu sắc hơn”, Dung kể.
Anh Lê Phú Hải cho biết lớp truyền vai hát bội sẽ tập trung vào các nội dung như : Trang bị kiến thức cơ bản về kỹ năng vũ đạo, các làn điệu hát bội. Thực hành các trích đoạn hát bội truyền thống phù hợp với độ tuổi thiếu nhi. Mỗi khóa học kéo dài 3 tháng và sẽ được tổ chức kiểm tra, đánh giá cụ thể sau khi kết thúc. Anh Hải tâm sự: “Tấm lòng của GS Hoàng Châu Ký và gia đình chính là ngọn lửa thúc đẩy những người theo nghiệp hát tuồng như tôi luôn cố gắng giữ nghề, cố gắng chung tay nhen nhóm, bảo tồn và phát huy bộ môn hát bội truyền thống”.
Bài và ảnh: Việt Dân