Then Tày - Một loại hình nghệ thuật tổng hợp

Cũng như các dân tộc khác, trong quá trình tồn tại và phát triển, dân tộc Tày đã sáng tạo ra một di sản văn hóa quý báu, xây dựng được một nền nghệ thuật với nội dung phong phú, đa dạng, đặc biệt là tục hát Then của người Tày.

Then từ lâu đã gắn với cuộc sống tinh thần của các dân tộc Tày - Nùng, có vị trí quan trọng trong đời sống thường ngày và đời sống tâm linh. Then là một loại hình nghệ thuật tổng hợp có văn học, âm nhạc, múa, mỹ thuật... được lưu truyền rộng rãi trong quần chúng.

Từ nhân lõi là yếu tố tín ngưỡng, Then đã sản sinh và tích hợp nhiều giá trị nghệ thuật, tạo nên một hiện tượng văn hóa dân gian tổng thể rất tiêu biểu của người Tày. Các yếu tố nghệ thuật này tồn tại trong một tổng thể nguyên hợp, đan xen, cái nọ là tiền đề cho sự tồn tại của cái kia, tạo nên một môi trường diễn xướng hài hòa, trọn vẹn.

Âm nhạc Then

Then là một loại hình diễn xướng dân gian thường được tổ chức ở trong nhà, thường là vào đêm khuya thanh vắng, do đó âm nhạc trong Then là loại nhạc êm dịu, ấm cúng và tâm tình. Phạm vi sân khấu của nó là một chiếc chiếu gồm một người đàn, hát và người xóc nhạc vừa đủ cho người nghe và xem trong khuôn khổ một gia đình. Âm nhạc Then khá phong phú về giai điệu và chặt chẽ về tiết tấu nhịp điệu. Hát Then của người Tày và hát chầu văn của người Kinh rất gần gũi với hình thức Saman - một thứ tôn giáo khá phổ biến ở miền Đông Xiberi và miền cực Bắc Châu Á. Thông thường, thầy Saman chỉ đánh trống và ngâm nga lời ca không rõ tiếng, hát văn phải có cung văn thể hiện lời hát, còn người làm Then vừa hát những bài ca theo thể thơ dân gian Tày, vừa phải sử dụng nhạc cụ để tạo không khí linh thiêng của buổi lễ. Vì thế, người ta tin rằng, nhạc cụ do Then đang sở hữu như đàn tính, nhạc xóc đều trở thành vật thiêng.

Then là một loại hình nghệ thuật tổng hợp có văn học, âm nhạc, múa, mỹ thuật... được lưu truyền rộng rãi trong quần chúng. (Ảnh:TL)

Nhạc cụ quan trọng trong trình diễn Then là cây đàn tính. Đàn tính là loại nhạc cụ họ dây vì có nguồn rung là dây rung và thường mắc 3 dây. Bầu đàn được làm bằng quả bầu khô, dây đàn được se bằng sợi tơ săn, lấy sáp ong vuốt nhẵn, trơn. Cây đàn tính và người hát Then luôn gắn bó với nhau, nó được Then sử dụng, biến hóa khôn lường, làm cho cây đàn trở nên có tính linh thiêng. Trong Then, người hành lễ không thể thiếu chùm nhạc xóc. Nhạc xóc là nhạc cụ đúc từ đồng hoặc bạc, tán thành từng chùm với nhiều quả to, nhỏ phát ra các âm thanh khác nhau.

Văn học trong Then

Văn học trong Then được biểu đạt bằng ngôn ngữ Tày, song trong từng câu, từng đoạn có nhiều chỗ xen kẽ tiếng Việt, tiếng Hán. Thơ ca trong Then là loại thơ tự sự, kể lể, có tích truyện. Thể thơ phổ biến là 5 đến 7 chữ, cũng có câu dài hơn, tức là thể thơ không gò bó mà tùy thuộc vào nội dung bài hát để diễn đạt sao cho có vần điệu. Ngôn ngữ trong Then là hình thức biểu hiện trực tiếp sắc thái tâm lý và lối tư duy của người Tày với nhiều ý nghĩa sâu sắc. Trong Then đã kết tụ những đặc điểm nghệ thuật tuyệt vời nhất của tiếng Tày, đồng thời vận dụng linh hoạt, tài tình ngôn ngữ nhiều dân tộc như Nùng, Kinh, Hán. Qua ngôn ngữ, ta thấy sự giao lưu văn hóa giữa người Tày với người Kinh, Nùng, Hán đã có từ lâu và Then chịu ảnh hưởng sâu sắc của giao lưu văn hóa ấy.

Văn học trong Then được biểu đạt bằng ngôn ngữ Tày, song trong từng câu, từng đoạn có nhiều chỗ xen kẽ tiếng Việt, tiếng Hán. (Ảnh:TL)

Nghệ thuật múa Then

Then là một nghi lễ tín ngưỡng dân gian, chính vì thế mà múa trong Then là múa tín ngưỡng. Múa Then nằm trong nghi thức tôn giáo, song nội dung diễn tả của nó lại rất gần gũi với dân gian. Đó là sự hoan hỉ, phấn khởi như “múa sluông”, kính cẩn như “múa chầu”, lòng thiện chí như “múa tán hoa”. Ngoài ra còn có múa vượt biển (khảm hải), múa khúc lên đường, múa chiến đấu với ma vương, múa vượt rừng tuyết, múa chầu nhạc, múa chầu quạt...

Trang trí mỹ thuật trong Then

Trong nghi lễ Then, ta bắt gặp nhiều mẫu giấy cắt hình hoa, hình người, hình súc vật, chim muông, hoa lá... kể cả mẫu thêu trang trí trên miếng đệm xóc nhạc, đệm ngồi đều thể hiện hoa văn rất độc đáo mà họ tự tay làm nên. Đầu cần đàn tính được trang trí những tua vải màu xanh, đỏ để tô điểm cho vẻ đẹp của cây đàn. Màu sắc là một trong những yếu tố có tác dụng gây ấn tượng và tác động đến tâm lý những người tham gia nghi lễ, gam màu chủ đạo là màu đỏ, tượng trưng cho sự long trọng, thiêng liêng.

Ngoài đàn tính, nhạc xóc và chiếc quạt, Then còn có một số vật thiêng khác như chuông đồng, ấn, bộ gieo quẻ âm - dương. Ấn của Then hình vuông, làm từ đồng, trên bề mặt có khắc hình chữ Nho, ấn được coi như vật tín của Ngọc Hoàng giao cho bà Then sử dụng để làm điều thiện hoặc có thể là vật thông hành khi đi qua các cửa lên mường trời. Nếu đi làm lễ giải hạn mà bà Then quên ấn ở nhà nghĩa là hoạn nạn, tật bệnh của gia chủ khó giải cứu được. Chuông của Then cũng được làm bằng đồng, dùng để báo hiệu mỗi khi lên đến cửa trời. Bộ gieo que âm - dương gồm 2 miếng gỗ được tách đôi từ một đoạn gỗ nhỏ. Khi gieo quẻ, bà Then chập 2 miếng gỗ vào nhau rồi buông xuống, nếu cả 2 cùng úp hoặc ngửa nghĩa là thần linh đã đồng ý.

Xét về nghệ thuật biểu đạt, phản ánh thì Then vừa là truyện, vừa là thơ, vừa tự sự, vừa trữ tình. (Ảnh:TL)

Như vậy ta thấy rằng, Then được lưu truyền trong khi nền văn học dân gian của người Tày đã phát triển khá cao. Xét về nghệ thuật biểu đạt, phản ánh thì Then vừa là truyện, vừa là thơ, vừa tự sự, vừa trữ tình. Hát Then là dân ca gắn liền với nghi lễ nhưng không tẻ nhạt mà sinh động bởi việc sử dụng linh hoạt ngôn ngữ và thể thơ truyền thống. Một điều dễ nhận thấy rằng dân tộc Tày từ xưa đến nay yêu thích Then là bởi vì họ yêu thích một loại hình nghệ thuật diễn xướng tổng hợp độc đáo. Hình thức nghệ thuật ấy đã đi sâu vào lòng người và cảm hóa họ bằng nội dung và sức truyền cảm của giọng hát, bằng sự rung động của cây đàn cũng như đường nét, động tác đẹp mắt của nghệ thuật múa và trang trí mĩ thuật phong phú. Tất cả đã tạo ra một sự hài hòa về âm thanh và màu sắc, nó vừa mang tính nghiêm trang của nghi lễ, vừa mang tính nhiều vẻ của đời sống văn hóa dân tộc.

Phạm Thị Thu Hà

Top