Thêm một đề cử bảo vật quốc gia của khu di tích đặc biệt Lam Kinh (Thanh Hóa) năm 2016

Đây là lần thứ ba, lại một tấm bia nữa của khu di tích này được đề cử. Như thế, tưởng như sẽ thiên lệch chăng, nếu lần này tấm bia được giới thiệu, sau tấm bia Vĩnh Lăng và tấm bia Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao lại là một tấm bia lăng mộ nữa.

Với tôi, chẳng có sự thiên lệch nào, vì “Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng bi” giới thiệu sau đây, chắc sẽ làm hài lòng độc giả vì tính độc bản, giá trị lịch sử văn hóa to lớn chứa đựng trong đó, cùng với quy mô đồ sộ và chất liệu đá được sử dụng là vô cùng hiếm quý.

Bia có chiều rộng 1,90 m, cao 2,76 m, dầy 0,28 m được đặt trên bệ là một cụ rùa có chiều dài 2,65 m, rộng 1,89 m, cao 0,69 m, với trọng lượng toàn bộ lên tới gần 13 tấn.

Bia được dựng trên một gò đất giữa một thung lũng nhỏ, cách Lăng Vua Lê Thánh Tông khoảng 150 m về phía Đông Nam, thuộc Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Bia được làm từ một tấm đá xanh nguyên khối, nhiều vân, patin cổ kính màu vàng nhạt, tạo cảm giác bề thế, vững chãi khi nó được đặt trên bệ là một cụ rùa vô cùng sinh động trong tư thế ngẩng cao đầu.

Mặt trước bia có bố cục như sau: Trán bia tạo hình vòng cung trang trí ba rồng, theo lối hai rồng chầu vào rồng giữa. Rồng giữa lớn, chạm kiểu rồng ổ, mặt rồng ở chính tâm, đao lửa và cuồng mây chạm dầy hai bên, thân cuộn hình chữ “Vương” (), chân lộ rõ 5 móng sắc nhọn. Hai bên dạng hồi long, mình uốn lượn hình sin, ngẩng cao đầu, chầu vào rồng chính, miệng há to, phun ra đao lửa, tư thế bay về trước, ngậm hạt trân châu. Nền trán bia điểm xuyết các hoa văn đao lửa tạo nên không gian của bầu trời vần vũ, chuyển động linh thiêng.

Viền dọc bia chạm 12 rồng đối xứng nhau. Viền ngang, dưới bia cũng chạm 6 rồng, chầu vào nhau. Một bố cục khác, phần dưới bia, ở hai viền biên cũng chạm 6 rồng, tư thế nối nhau, đang bay lên. Toàn bộ viền biên được chạm đăng đối kiểu rồng yên ngựa, thân uốn lượn hình sin doãng, miệng há to, phun ra các đao lửa, chân lộ rõ năm móng sắc nhọn, khỏa trong các tầng mây, đao lửa.

Ngăn cách giữa trán và thân bia là 7 chữ Hán khắc theo chiều ngang kiểu chữ triện “ĐẠI VIỆT LAM SƠN CHIÊU LĂNG BI”, bên phải văn bia, hàng đầu tiên có 15 chữ Hán “Đại Việt Trung Hưng Thánh Tông thần Hoàng đế Thiên Lăng bi tính tựa”, tiếp sau là các dòng lạc khoản, nói về niên đại dựng bia: Ngày 28 Giáp Ngọ, tháng 2 Mậu Ngọ, niên hiệu Cảnh Thống nguyên niên (1498) đời Lê Hiến Tông. Tác giả soạn gồm 3 người: Thân Nhân Trung, chức Quang Kiến đại phu, Hàn Lâm Viện thừa chỉ, Đông Các Đại học sĩ kiêm Quốc Tử giám tế tửu Chính trị khanh; Đàm Văn Lễ, chức Thượng thư Bộ Lễ, Gia hành đại phu kiêm Đông Các Đại học sĩ, Khuông Mỹ Doãn; Lưu Hưng Hiếu, chức Đạt tiến Đại phu, Đông Các đại học sĩ, Tu Thiện Thiếu Doãn. Người viết chữ triện là Tô Ngại, chức Hiển cung Đại phu, Kim quang môn đãi chiếu. Người viết chữ trên bia là Phạm Bảo, chức Cẩn sự Tá Lang, Ngự dụng giám Thư cục Cục chính.

Nội dung văn bia, có phần mở đầu, các soạn giả đã dùng điển tích Thiếu Khang giúp cơ đồ Trung Hưng nhà Hạ, sự nghiệp nhà Ân suy vi có Cao Tông minh triết (ở Trung Hoa) để lấy cái ý nghĩa tương tự, viện dẫn truyện cổ để chứng minh chuyện nay.

Phần tiếp theo ghi về công lao sự nghiệp Vua Lê Thánh Tông “Vua có tên húy là Tư Thành, hiệu Thiên Nam Động Chủ, là con của Thái Tông Văn Hoàng đế và là em của Vua Nhân Tông Tuyên Hoàng đế. Mẹ là Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao.

Vua sinh ngày Mậu Tý, tức ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442). Năm Thái Hòa thứ 3 (1445) Vua được phong làm Bình Nguyên vương, được từ bên ngoài về kinh sư, hàng ngày cùng các vương vào kinh diên học tập. Lúc bấy giờ các quan viên giảng tập trong Kinh diên là Trần Phong thấy Vua dung mạo nghiêm trang thông minh hơn người, lấy làm khác lạ. Vua lại càng che dấu tài năng, không lộ vẻ anh minh ra ngoài, chỉ lấy sách vở cổ kim nghĩa lý thánh hiền làm vui. Bản tính vốn trời sinh lại chăm chỉ sớm khuya không rời quyển sách. Vốn đã có lỗi lạc trời phú cho mà việc chế tác cũng rất để ý. Vua ưa điều thiện, thích người hiền tài, được tuyên từ Thái Hậu coi như con đẻ. Nhân Tông Hoàng đế đã xem Vua như người em hiếm có. Đức hiếu thuận của Vua khiến trong ngoài kinh đều tin phục.

Khi Lạng Sơn, vương Nghi Dân nghe theo lời phản nghịch của gian thần, gây biến giữa người trong nhà, lén cướp đoạt gươm báu, ấn báu xưng niên hiệu là Thiên Hưng. Bọn ác đảng hung đồ hoành hành chỉ biết làm theo ý riêng mà không biết đến mệnh trời. Lại đổi phong vua làm Gia vương, xây dựng phủ đệ phía Tây Đại Nội để ở. Vua cứ theo ngôi vị mà làm, thuận trời mà xử cho nên được yên ổn.

Không bao lâu, đạo trời lại trở nên tốt đẹp, lúc bấy giờ có đại thần huân danh là Khai phủ nghi đồng Tam Ty, nhập nội kiểm hiệu, Thái Phó, Bình Chương quân quốc trọng sự, Á quân công Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Thái Phó, Bình Chương quân quốc trọng sự, Quốc Thượng hầu Lê Lăng, Tư Mã, tham dự triều chính, Đinh Thượng hầu Lê Niệm, cùng hiệp lực một lòng trừng phạt kẻ có tội, nêu cao đại nghĩa. Một lời vừa khởi xướng, muôn người nghe theo, bọn hung đồ bị diệt hết…

Các huân thần bàn luận đưa Tư Thành lên ngôi vua, đại xá Thiên La, đổi niên hiệu là Quang Thuận, dâng tôn hiệu cho Vua Nhân Tông, đặt húy hiệu cho Tuyên Từ Thái Hậu. Trừng trị kẻ ác, cân nhắc người có công, sửa sang nền chính trị, dẹp loạn giặc bồn man, cải cách việc nông tang, nhờ vậy mà quốc gia được thịnh trị.

Năm Đinh Tỵ niên hiệu Hồng Đức thứ 28 (1497) tháng Giêng, ngày Tân Mùi, tức ngày 29 Vua ốm nặng, bèn tựa ngọc tỷ mệnh cho Hoàng Thái tử lên nối ngôi, đến ngày 30 cùng tháng Vua băng ở cung Bảo Quang, hưởng thọ 56 tuổi, tại vị 38 năm, đổi niên hiệu hai lần Quang Thuận mười năm, Hồng Đức hai mươi tám năm.

Vua sinh được mười bốn hoàng tử và hai mươi hoàng nữ. Ngày Vua lên chầu trời, Hoàng Thái tử tuân theo di mệnh làm tang lễ cho cha và tuân theo điển lễ cổ để tang ba năm. Ngày Tân Mão tức ngày 24 tháng 11, lễ rước kim sách, dâng tôn hiệu cho Vua là Sùng Thiên, Quảng Vận, Cao Minh, Quang Chính, Chí Đức, Đại Công, Thánh văn, Thần Vũ, Đại hiếu Thuần Hoàng Đế, niên hiệu là Thánh Tông.

Ngày Giáp Tuất tức ngày 8 tháng 2 niên hiệu Cảnh Thống thứ nhất (1498) đưa quan tài của Thánh Tông Hoàng đế về Lam Kinh, đến ngày Giáp Ngọ 28 tháng 2, an táng tại Lam Sơn, bên tả Vĩnh Lăng, gọi là Chiêu Lăng.

Lăng mộ Vua Lê Thánh Tông nằm trong Khu Di tích Lam Kinh (Thanh Hóa).

Cuối bia có bài minh ca ngợi công đức của vị vua anh minh với những từ ngữ đầy hoa mỹ và trân trọng.

Mặt sau bia, trang trí như trên trán bia. Viền đỉnh và hai viền biên mặt trước, viền sát đế bia là hoa văn sóng nước gối với nhau và dưới là hình vẩy cá, trên sóng nước là hình nấm, bên trên chín lớp sóng. Thân bia chạm viền, bên trong khắc bài thơ của Vua Lê Hiến Tông. Bên trong đường viền chạm 6 rồng, hai bên 4 rồng chầu mặt nhật và bên dưới 2 rồng. Tiếp đến là hàng chữ Khải, khắc theo chiều ngang, gồm 25 chữ Thánh Tông Sùng Thiên quảng vận, Cao Minh Quang Chính, Chí Đức Đại công, Thánh văn Thần vũ, Đạt hiến Thuần Hoàng Đế văn thi. Phía dưới những hàng chữ này, khắc bài thơ của Vua Lê Hiển Tông điếu viếng vua cha và 35 bài thơ họa của các văn nhân đương thời.

Hai bên hông bia trang trí mỗi bên một rồng lớn đang thăng cùng với hoa văn sóng nước.

Rùa đế bia được tạo tác thể hiện sự sung mãn. Đầu ngẩng cao như đang di chuyển, hai mắt to, hai mép miệng chạm văn mây hóa, miệng được tạo hình sóng, hai lớp mềm mại. Phần mí mắt trang trí văn mây biến thể hình chữ Vương (). Lưng rùa chạm bông sen mãn khai. Chân rùa có 5 móng, đuôi nổi vắt lên mai.

Bia Chiêu Lăng ghi lại thân thế, sự nghiệp của Vua Lê Thánh Tông, một vị vua có công lao lớn trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Các sử gia xưa khi đánh giá về ông có viết Lê Thánh Tông là một người nổi tiếng thông minh, tài giỏi nhất trong số các vị vua Việt Nam nói chung và các vua thời Lê sơ nói riêng. Những cải cách chính trị, kinh tế, giáo dục, quân sự, văn hóa của ông đã đưa quốc gia Đại Việt phát triển rực rỡ nhất trong các triều vua thời Lê, với mỹ danh Hồng Đức Thịnh thếvà có ảnh hưởng lớn tới khu vực lúc đương thời. Văn bia đã phần nào nói được công lao to lớn ấy của ông, theo đó, nó thực sự là một pho sử vô cùng có giá trị còn lại đến hôm nay.

Bia Vĩnh Lăng – Bảo vật quốc gia, chế tác từ đá trầm tích, có niên đại thế kỷ XV (Thuận Thiên năm thứ 6).

Ngoài giá trị nhân vật, sử liệu mà bia Chiêu Lăng có được, thì yếu tố điêu khắc trên bia cũng là một đóng góp quan trọng, bởi những hoa văn trang trí như rồng, sen, sóng nước… đi liền với một niên đại tuyệt đối ghi khắc trên bia, hẳn sẽ là một thang bậc đối chiếu thú vị cho nghệ thuật của một triều đại dài lâu nhất trong lịch sử Việt Nam.

Nếu như bia Vĩnh Lăng được xem là cái gạch nối giữa đời trước và đời sau, là điểm mở đầu cho giai đoạn phát triển mới của nền nghệ thuật điêu khắc, có sự kế thừa tinh hoa điêu khắc thời Lý – Trần và truyền thống quý báu của nghệ thuật dân gian thì bia Chiêu Lăng có thể coi là một dấu mốc định hình cho một phong cách nghệ thuật mới: Nghệ thuật thời Lê sơ.

Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng bivới đôi dòng ngắn ngủi trên đây, dẫu chưa nói hết được giá trị to lớn của nó, nhưng thực sự, khi đứng trước tấm bia này, dẫu chẳng hiểu nhiều thân thế sự nghiệp của vị Vua Lê Thánh Tông, dẫu chưa biết về những bậc Đại Nho soạn thảo nội dung văn bia và dẫu chưa biết về những áng văn kiệt xuất cùng những bài thơ tuyệt cú trên đó, thì chỉ sự hoành tráng và điêu khắc tinh mỹ của nó cũng đủ để tiên đoán rằng, bia Chiêu Lăng chắc chắn sẽ được Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2016 này. Tôi rất tin điều ấy, do đó muốn giới thiệu đôi nét tới bạn đọc xa gần.

TS PHẠM QUỐC QUÂN

Top