Thêm động lực cho những người nặng lòng với di sản Việt

(TGDS). Nhân kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23-11), tại Hà Nội diễn ra Lễ kỷ niệm và Lễ trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp di sản văn hóa Việt Nam” của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam xét và trao tặng Kỷ niệm chương cho những người có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá Việt Nam và những người có đóng góp xuất sắc vào việc xây dựng và phát triển Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.

Ghi nhận thành tích và tấm lòng

Cả nước hiện có 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới; 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố; gần 3.500 di tích quốc gia; 95 di tích quốc gia đặc biệt; gần 61.700 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 12 di sản được UNESCO ghi danh; 7 Di sản Tư liệu UNESCO ghi danh (gồm 3 Di sản Tư liệu Thế giới và 4 Di sản Tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương). Hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa từ nhiều năm nay đã thật sự trở thành một dòng chảy sôi động không thể thiếu trong đời sống xã hội. Nhiều phương thức, cách thức xã hội hóa đã được ngành Văn hóa và các địa phương thực hiện hiệu quả, huy động được các nguồn lực và sự tham gia đóng góp của nhân dân cho tu bổ, tôn tạo di tích lên tới hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí còn nhiều hơn cả kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước, chưa kể tới những đóng góp về công sức và những hiện vật quý giá. Cũng với phương thức xã hội hóa, hình thức hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật, nghệ thuật truyền thống và dân gian ngày càng đa dạng với các trung tâm nghiên cứu, câu lạc bộ, tập hợp được các chuyên gia, nghệ nhân và những người tâm huyết hoạt động rất hiệu quả. Nhiều ngành nghề thủ công truyền thống không những được phục hồi mà còn đang phát triển mạnh mẽ mang lại hiệu quả cả trong và ngoài nước. Không ít lễ hội dân gian được khôi phục và trở thành những sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc, đáp ứng nhu cầu tinh thần không thể thiếu của nhân dân và tạo ra hiệu quả trong các hoạt động kinh doanh, phát triển du lịch, thậm chí cả trong việc quảng bá hình ảnh của Việt Nam với bạn bè và du khách quốc tế...

Ảnh từ trên xuống: Khu Bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (Thái Nguyên); Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam (Hà Nội) và Bảo tàng Cội nguồn Phú Quốc (Kiên Giang) là những mô hình xã hội hóa trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản được cộng đồng ghi nhận

Những thành tích này có đóng góp không nhỏ của nhiều người nguyên là lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành; của nhiều nhà quản lý và đội ngũ cán bộ nhân viên làm công tác quản lý, bảo tồn di sản văn hóa; của các nhà khoa học, các nghệ nhân, các doanh nhân và cả những người dân bình thường nhưng nặng lòng với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Họ tham gia bảo vệ di sản bằng nhiều hình thức, nhiều cách làm khác nhau, từ đóng góp tu bổ, vận động xã hội hóa, trực tiếp tham gia quá trình truyền dạy cho thế hệ sau đến bỏ công sức hay hiến tặng tư liệu, hiện vật…

Và điều đáng mừng là số người tự nguyện đến với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng tăng. Chỉ tính riêng năm 2018, và cũng chỉ mới tính riêng trong hoạt động của Hội DSVH Việt Nam thì số người xin gia nhập Hội đã lên tới gần 500 hội viên.

Truyền dạy cho thế hệ sau để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, chia sẻ: “Di sản văn hóa chỉ thật sự được bảo vệ và phát huy giá trị một cách bền vững khi có sự chung tay, góp sức giữa Nhà nước và nhân dân. Việc xét tặng Kỷ niệm chương đúng người, đúng đối tượng là hình thức khen thưởng của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, ghi nhận thành tích của những cá nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc và sự phát triển của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. Và tôi nghĩ đây cũng là cách, là động lực góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa”.

Hơn 600 hồ sơ đề nghị xét tặng

Cũng theo PGS.TS Đỗ Văn Trụ, mặc dù là năm đầu tiên Hội DSVH Việt Nam tổ chức trao tặng Kỷ niệm chương nhưng quy chế và quy trình xét tặng được Hội tiến hành và triển khai chặt chẽ, bảo đảm công bằng, dân chủ, công khai…

Lễ chào cờ tại Lễ trao tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp di sản văn hóa Việt Nam"

Theo đó, Hội đồng xét tặng từ cấp Trung ương Hội đến cấp các tổ chức, đơn vị thuộc Hội đã tổ chức nhiều phiên họp để xem xét. Có tổng số 621 hồ sơ đề nghị từ các tổ chức Hội, Sở VHTTDL các địa phương và các doanh nghiệp. Kết quả Hội đồng xét tặng đã thông qua danh sách 268 hồ sơ, là những người thật sự tiêu biểu khi tham gia vào các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đóng góp xây dựng và phát triển Hội.

Kỷ niệm chương chỉ xét tặng một lần cho cá nhân, không có hình thức truy tặng và được tổ chức định kỳ, mỗi năm một lần vào dịp kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam. So với hàng nghìn, hàng triệu người tham gia công tác bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa trên cả nước, số người được trao tặng Kỷ niệm chương đợt 1 - năm 2018 chưa nhiều, song đó là hình thức động viên kịp thời, giúp những người yêu di sản yên tâm gắn bó với công việc mà mình tâm huyết.

GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phát biểu tại Lễ trao tặng 

Trao tặng Kỷ niệm chương là việc làm thiết thực góp phần phát huy truyền thống và nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa, động viên và thu hút mọi tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa của Đảng và Nhà nước. Việc này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh nhận thức về vai trò của di sản và trách nhiệm của toàn xã hội đối với di sản văn hóa chưa đầy đủ; ý thức pháp luật trong việc tôn tạo và bảo vệ di sản chưa cao; chưa rõ trách nhiệm trong bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích; không ít di sản đang đứng trước nhiều thách thức và có nguy cơ mai một…

Top