Tháp Sùng Thiện Diên Linh cần được phụng dựng

Chùa Đọi Sơn (xưa có tên gọi Long Đội Sơn), thuộc huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, là một trong đại danh lam của thời Lý, được vua Lý Nhân Tông cho xây dựng trên núi, dựa trên một ngôi chùa nhỏ làm bằng tranh, tre, do nhà sư Đàm Cửu Chỉ trụ trì khoảng những năm 1054-1058.

Chùa được mở rộng từ năm Hội Tường Đại Khánh thứ 9 (1118) đến mùa thu, niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (1121) thì hoàn thành. Ngày khánh thành, đích thân vua Lý Nhân Tông xuống đặt tên cho núi là Long Đội và cho tòa bảo tháp là Sùng Thiện Diên Linh. Như vậy, ngay từ lúc xây dựng, tháp Sùng Thiện Diên Linh đã là linh hồn, là kiến trúc trung tâm cho toàn bộ ngôi chùa mà những đơn nguyên khác, chỉ giữ chức năng như hành cung.

Thế nhưng, suốt từ đó, ngôi chùa và tháp luôn bị tàn phá. Nặng nề nhất là năm 1407, giặc Minh đã hủy hoại toàn bộ chùa tháp, đập vỡ bia, khiến cho nơi đây hoang tàn, để mãi tới năm 1591, mới được tái dựng, do một quan đầu huyện kêu gọi dân các thôn quanh vùng công đức dựng lại bia đổ, bắc lại xà nhà, dựng lại tượng, “khiến cho sau hơn 500 năm, một nơi thắng cảnh trong chốn tùng lâm lại được mới mẻ” (văn bia mặt sau Sùng Thiện Diên Linh).

Sang thời Nguyễn, chùa chỉ có những tu sửa nhỏ, tập trung chủ yếu vào thời Tự Đức. Năm 1860 sửa thượng điện, gác chuông, tam quan, xây Trường Hạ 100 gian làm nơi dậy học. 1864 sửa hành lang, đúc tượng Di Lặc, khánh và chuông đồng.

Chùa Long Đọi Sơn hay còn gọi là chùa Đọi có tên chữ Diên Linh Tự nằm trên đỉnh núi Đọi. (Ảnh: TL)

Năm 1947, chùa lại một lần nữa bị giặc Pháp phá hủy, mãi tới 1957-1958, mới được dân làng xã dựng lại với tầm mức khiêm tốn của một sơn tự, lấy cảnh quan làm trọng.

Năm 1992, chùa được xếp hạng di tích cấp Quốc gia và luôn được quan tâm tu bổ, tôn tạo,dựa trên nếp chùa cũ, và trở thành trung tâm hành hương hấp dẫn, thu hút khách thập phương đến chiêm bái và vãng cảnh.

Điểm qua một vài chặng mốc về Long Đọi Sơn, để thấy được quá trình khởi dựng và hưng suy của nó, qua đó, nhận ra sự hiện diện của trung tâm Phật giáo này vốn từ ngôi chùa làng, theo ý nguyện lòng dân, rồi trở thành Quốc tự, mà chắc hẳn đó là công trình cầu cho sự trường tồn của vương triều, của quốc gia “Sùng tôn diệu quả, mong cho lịch số lâu dài, kiểu lạ xây dựng lầu cao, kỳ vọng tuổi vua thọ mãi” (văn bia mặt trước Sùng Thiện Diên Linh).

Long Đọi Sơn trải qua nghìn năm, đã có lúc hoang tàn, đổ nát. Nhưng ở bất cứ thời điểm nào thuận lợi, bất cứ khó khăn thử thách gì, nó vẫn được tái thiết, như là thể hiện ý nguyện của nhân dân, sự khiến sui của trời đất, theo đó, mang khí thiêng, hàm chứa tâm linh, khiến chúng ta phải nghĩ suy để ứng xử với nó như cha ông ta đã ứng xử, ngay khi không còn là Quốc tự, rồi lại trở thành di tích cấp Quốc gia như hiện nay.

Do nằm trên đỉnh núi, du khách phải leo qua hơn 300 bậc đá uốn quanh co men theo triền núi khá đẹp mắt. (Ảnh: TL)

Ngay từ đầu đề bài viết, tôi đã cổ xúy cho việc phục dựng ngôi tháp Sùng Thiện Diên Linh với những suy nghĩ còn chưa thật tận tường, thiên nhiều về cảm tính mà đôi lời trên đây đã tỏ bầy. Thế nhưng, cơ sở để phục dựng nó cũng còn nhiều dữ kiện khác, khiến yên tâm để cảm tính không quá bị chi phối, theo đó, không mang tiếng là chủ quan.

- Sử cũ như Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí, đều có nói tới sự kiện xây dựng và khánh thành cây bảo tháp này. “Nhâm Dần (Thiên Phù Duệ Vũ) năm thứ 3 (1122)…tháng 3, ngày Mậu Dần, mở hội khánh thành bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh ở Đọi Sơn (Đại Việt Sử ký toàn thư). Lịch Triều hiến chương loại chí còn ghi chi tiết hơn “Núi Đọi Sơn ở xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, chân núi có dòng sông, Lý Nhân Tông đã dựng bia ở tháp Diên Linh… cuối đời Trần, người Minh đập phá bia đi. Khi Lê Thái Tổ bình dựng được nước, lại sai dựng bia lên”.

- Tài liệu văn bia Sùng Thiện Diên Linh, dựng ngày 6 tháng 7 năm Tân Sửu, niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (1121) do Thượng thư bộ hình Nguyễn Công Bật soạn, nói rõ hơn cây bảo tháp này: “…. lấy đá mân làm dấu, dùng đá vũ dựng hiên. Tháp xây mười ba tầng chọc trời, mở bốn mươi cửa hứng gió. Vách chạm rồng, xà treo chuông đồng. Tầng trên đặt hộp vàng xá lị… đỉnh nóc xây tiên khách bưng mâm…tầng dưới chia tám tướng khôi ngô, đứng hộ vệ có thần cầm kiếm. Chính giữa có đặt tượng Đa Bảo Như Lai…. Sân thềm có bậc, lang vũ hai bên”.

Điều dễ nhận thấy khi tới thăm chùa Đọi là vẻ thanh bình vốn có của nơi đây. (Ảnh: TL)

Đó là những thông tin khẳng định sự có thật cây bảo tháp ở Long Đọi Sơn và gợi tới hình hài của ngôi tháp, để khỏi phải luận suy số tầng, khỏi phải giả định chức năng, không phải giả thiết hoa văn và vật liệu xây tháp…, mà những chỉ dẫn của khảo cổ học được lược ghi dưới đây cũng là những tài liệu tham khảo cần thiết.

Cuộc khai quật tháp Sùng Thiện Diên Linh năm 2001 đã cho hay, những điều ghi chép trong biên niên sử và văn bia là hoàn toàn đúng. Kết quả ấy đã cho biết mặt bằng, vị trí xưa cũ của bảo tháp trong quần thể hiện nay của chùa Long Đọi. Vật liệu kiến trúc với sự kết hợp gạch, đá như một tín hiệu mang tính thời đại. Hoa văn trang trí, những lá đề, chim thần, rồng, phượng… đều là những thành phần quan trọng đã gợi ý cho việc phục dựng cây bảo tháp tương lai. Tư liệu khai quật năm 2001 ấy, nếu được kết hợp với kết quả khai quật tháp Tường Long (Hải Phòng), Chương Sơn (Nam Định), Phật Tích (Bắc Ninh) sẽ là những tiền đề cần thiết để thiết kế Sùng Thiện Diên Linh tương lai, có được tinh thần của thời đại đã sản sinh ra và hàm chứa một phần sáng tạo của ngày hôm nay. Ngoài tư liệu khảo cổ học đồng thời, những cây tháp Phổ Minh, Bình Sơn, Vân Đồn niên đại thời Trần cũng như Nhạn Tháp (Nghệ An) cuối thời thuộc Bắc đều là những tài liệu cần cho một ngôi tháp phục dựng ở Núi Đọi đứng được với thời gian, chịu được thử thách của dư luận, tương đối đầy đủ tư liệu khoa học, có giá trị thực tiễn… Vấn đề là, mặt bằng dựng tháp ở đâu, cần phải được chọn lựa và tính toán kỹ, để vừa đảm bảo tính hài hòa giữa không gian tự nhiên và di tích hiện còn của ngôi chùa, vừa chứa đựng được hàm ý của tổ tiên, của tín ngưỡng, tâm linh, khi mà mặt bằng xưa cũ của nó quá chật hẹp, bao bởi những đơn nguyên của chùa và có nguy cơ hủy hoại vết tích tháp, đang là một khu trưng bày ngoài trời. Lẽ đương nhiên, hàm ý của tổ tiên, tín ngưỡng và tâm linh để lại trong bảo tháp quá nhiều, khiến chúng ta khó bề giải mã hết, nhưng việc dựng lại ngôi tháp là mong muốn của lòng dân và của Phật tử, rất cần được lưu tâm.

Dù đã trải qua nhiều lần trùng tu, phục dựng nhưng chùa Đọi vẫn giữ được nét cổ kính lâu đời với lối kiến trúc cũ. (Ảnh: TL)

Thật là khó khăn để dùng khái niệm nào đây để dựng lại bảo tháp tại chùa Đọi, khi mà công ước quốc tế và Luật Di sản văn hóa không có thuật ngữ phục dựng-một thuật ngữ xem ra, phù hợp hơn cả với trường hợp tái hiện Sùng Thiện Diên Linh tại Đọi Sơn, trong khi những thuật ngữ khác đã được dùng và áp dụng trong khoa học bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phù hợp với luật và công ước, lại dường như không thích ứng với trường hợp cụ thể này, khiến cho các nhà khoa học băn khoăn. Theo tôi, đây là chuyện của câu chữ và điều trăn trở của các nhà nghiên cứu là hoàn toàn có cơ sở, khi những câu chữ ấy, kể cả tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài chưa mặc định hoặc bao chứa được nội dung của công việc này. Thế nhưng, nếu coi đây là một việc làm nhằm tôn tạo cho di tích có sức hấp dẫn hơn, không hủy hoại cảnh quan và môi trường, phù hợp chức năng, đáp ứng được nghệ thuật Phật giáo, thỏa nguyện mọi tầng lớp nhân dân v.v, thì chắc chắn những công trình như thế rất cần được xây dựng, khi nó đã có tương đối đầy đủ căn cứ khoa học.

Hơn thế, sự đa dạng của đời sống luôn là những cơ sở để điều chỉnh luật tục, và cả luật pháp, thì phải chăng, những Tường Long, Sùng Thiện Diên Linh và nhiều công trình phục dựng khác, nếu có trong tương lai, là những ví dụ sinh động để những điều trong Luật cần được bổ sung, sửa đổi, mà trong thực tế, đã có bao nhiêu điều trong Luật Di sản văn hóa đã được điều chỉnh như đã thấy, năm 2008.

Bệ bia là khối đá hình chữ nhật dài 2,4m tạc hình hai con rồng uốn khúc. Mặt bia được chia làm hai nửa, tạc hình hai con rồng, đuôi ở đoạn sau, xoắn thành 4 khúc. (Ảnh: TL)

Đó là chuyện của câu chữ. Còn thực tế, tôi đã đến thăm công viên nhà Đường ở Thiểm Tây (Trung Quốc), rộng vài chục hécta, mà ở đó, những nhà bảo tồn-bảo tàng Trung Quốc cho xây dựng rất nhiều công trình lầu, gác, cung điện, chùa chiền mới, dựa trên thức kiến trúc đương thời, trong đó, tái tạo lại một số sinh hoạt của triều đình thời đại ấy, cùng những phương tiện của nghe nhìn, của nghệ thuật biểu diễn, kể cho khách câu chuyện về thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh, của Võ Tắc Thiên tắm, của Lý Thế Dân v.v. Sự tái hiện kiến trúc Đường tại công viên này, ngay bên cạnh di tích tháp Nhạn gốc, mà quanh Nhạn tháp, rất nhiều bài thơ Đường nổi tiếng được viết trên kính, đều là những hộp đèn trang trí trong công viên.

Tôi cũng đã đến thăm Đằng Vương Các ở Giang Tây-địa danh gắn liền với những nhà thơ nổi tiếng như Vương Bột, Tô Đông Pha, về câu chuyện du Giang Nam, tưởng đâu là gác Đằng Vương chính hiệu, nhưng đó là công trình phục dựng ngay trên nền cũ, mà những nhà khảo cổ học tìm được nhiều di vật cùng thời, nay được trưng bày tại một phòng lớn của tòa gác này. Tầng trệt là tất cả mô hình lầu gác của mọi thời đại, cùng nhiều tầng khác là phòng trưng bày cổ vật, biểu diễn nghệ thuật theo giờ… đem đến một thiết chế văn hóa đa dạng, thu hút công chúng đến tham quan rất đông.

Mọi so sánh đều là khập khiễng, theo đó, những dẫn dụ từ Trung Quốc  không nhằm để tham khảo cho dự án phục dựng Sùng Thiện Diên Linh mà chỉ là sự gợi ý cho một ý tưởng, khiến cho chùa Đọi trở thành một di tích hấp dẫn đối với du khách nói chung và Phật tử nói riêng.

TS.  Phạm Quốc Quân

Top