Tháp Bắc là tháp nhỏ nhất trong nhóm. Phần đỉnh tháp đã bị sụp đổ hoàn toàn, cửa ra vào đổ mất phần tiền sảnh. Vòm cuốn trên cửa ra vào còn tương đối nguyên vẹn, các cửa giả bị hư hại nặng.
Tháp Giữa là tháp lớn nhất trong nhóm, được bảo tồn tốt hơn 2 tháp kia. Đỉnh tháp còn lại một tầng, tiền sảnh và các cửa giả bị sụp mất phần chân. Chóp tháp bằng sa thạch rơi ngay sau tháp, gồm 2 thớt khá lớn ghép lại với nhau: thớt dưới là một hình bát giác, mỗi góc chạm nổi một lá đề, trên lá đề có mặt Kala, thớt trên tương tự thớt dưới nhưng nhỏ hơn và nhọn ở trên đỉnh, có chốt gắn vào lổ ở thớt dưới. Trên chóp tháp còn dấu vết những lỗ khoan nhỏ và những đầu đinh bằng đồng, dường như trước kia người ta đã gắn những mảnh kim loại quý vào đây.
Tháp Nam nhỏ hơn tháp Giữa và lớn hơn tháp Bắc. Phần mái tháp đã bị sụp đổ hoàn toàn. Các nhà nghiên cứu cho rằng, cũng như các nhóm 3 tháp khác (Khương Mỹ, Dương Long, Hưng Thạnh, Hòa Lai), tháp Nam Chiên Đàn được xây dựng trước, tiếp theo là tháp Giữa, sau cùng là tháp Bắc.
Ba ngôi tháp có hình dạng giống nhau, đế tháp hình vuông, mái tháp là các tầng thu nhỏ dần lên trên. Thân tháp dong dỏng cao, các tầng phía trên tỷ lệ cân đối và hài hoà, các khối dọc của các cột ốp nhô ra vừa phải đủ để tạo ra những đường nét vừa kín đáo vừa trang nhã, các vòm cửa giả không bè ra mà co lại rồi vuốt nhọn lên phía trên như hình mũi giáo. Trên thân tháp Chiên Đàn không có hoa văn trang trí. Các trụ ốp tường và các đường gờ của khối hình chữ nhật hẹp dọc theo chân tháp làm cho tháp có vẻ cao hơn. Mỗi tháp có 3 cửa giả và một cửa ra vào, phía trên các cửa có vòm uốn cong và nhọn lên trên thành hình lá đề, giữa vòm cuốn có một bức phù điêu dạng lá nhỉ. Trên các đường diềm mái bằng sa thạch có chạm một dãy mặt Kala tương tự nhau. Các tháp Chiên Đàn có dáng vẻ trang nhã và cổ điển được đánh giá là phong cách đẹp nhất của nghệ thuật kiến trúc cổ Chăm Pa.
Tháp Chiên Đàn là một trong những ngôi tháp cổ của Champa, hiện đang còn tồn tại ở làng Chiên Đàn, xã Tam An, thị xã Tam Kỳ, Quảng Nam. (Ảnh: TL)
Mặc dù tháp Chiên Đàn mang ảnh hưởng của phong cach Mỹ Sơn A1, nhưng các yếu tố điển hình của phong cách này đã bắt đầu mờ nhạt dần, chỉ có tháp Nam còn giống bởi các đường kẻ hở của cột ốp chạy từ chân lên tới hết phần đầu cột, còn tháp Trung tâm và tháp Bắc kẻ hở chỉ nằm gọn trong phần thân của cột ốp, ngoài ra vòm của giả và cửa ra vào tháp đã co lại và nhô cao như hình mũi giáo
Dựa vào các yếu tố kiến trúc và điêu khắc trên, các nhà nghiên cứu đã xếp tháp Chiên Đàn vào nhóm tháp thuộc phong cách chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn và phong cách Bình Đinh.
Qua ba đợt trùng tu, khai quật và tôn tạo vào 1989, 1997 và 2000, các nhà nghiên cứu cho rằng chưa có nhóm ba tháp nào có số lượng hiện vật nhiều bằng tháp Chiên Đàn. Đặc biệt, giữa năm 1997, các nhà khảo cổ đã khai quật một tấm bia của khu tháp này. Đó là một tảng đá lớn, được mài bằng một mặt, trên đó có khắc 8 dòng cổ tự Sanskrit - có gốc tích từ chữ Ấn Độ.
Năm 1989, tại nhóm tháp Chiên Đàn, trong một cuộc khai quật để làm phát lộ chân tháp chuẩn bị cho việc trùng tu, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một hệ thống mô típ trang trí chân tường cùng hàng trăm tác phẩm điêu khắc có giá trị bằng sa thạch, đó là những tượng nam thần, nữ thần, nhạc công, Apsara, tượng động vật, các vật trang trí kiến trúc, đài thờ, bi ký...
Phần trang trí chân tường là những thớt sa thạch lớn ghép quanh chân tháp, được chạm trổ hình những chiến sĩ cầm vũ khí đang múa cùng với các vũ nữ, nhạc công, nhưng đầu Makara, mặt Kala. Ở mặt bắc của tháp giữa có bức chạm hình một cặp voi quay đầu vào nhau, ở giữa cặp voi là một cụm hoa lá sen, cặp voi trông sống động và ngộ nghĩnh. Trong số những hiện vật tìm thấy năm l989 có một bức tympan sa thạch với đề tài Mahisasuramardini (Nữ thần giết quỉ đầu trâu), thể hiện nữ thần Devi (một hóa thân của nữ thần Uma) có 6 cánh tay, hai tay trên chắp lại trên đầu, bốn cánh tay còn lại cầm cung, tên, đinh ba, vòng. Nữ thần đạp trên lưng một con trâu, chân phải cong lại, chân phải duỗi ra trong tư thế rất dũng mãnh.
Những hiện vật phát hiện được vào năm l989 đã làm cho các nhà nghiên cứu có một cái nhìn khác về khu tháp Chiên Đàn, bởi lẽ trước đây các học giả người Pháp chỉ tìm thấy một số lượng nhỏ các tác phẩm điêu khắc ở đây, do vậy họ đã xếp các tượng ở Chiên Đàn vào phong cách nghệ thuật Chánh Lộ (thế kỷ XI).
Mặt sau của tháp Chiên Đàn (Ảnh: TL)
Tại khu vực này còn có phòng trưng bày hiện vật Chămpa với nhiều bức phù điêu; tượng người: nữ thần, vũ nữ, các chiến sĩ cầm vũ khí; tượng linh vật: rắn Naga, chim thần Garuda, voi, sư tử, bia đá... có giá trị nghệ thuật cao được các nhà nghiên cứu và du khách quan tâm.
Trong số các hiện vật phát hiện được ở Chiên Đàn có 2 bàn thờ chạm nổi hình hoa sen khá độc đáo, bàn thờ hình tròn, đường kính lớn nhưng mỏng, được để trên phần đế rời, mặt bàn thờ chạm 2 tầng hoa sen, mỗi tầng có 8 cánh hoa, ở giữa là gương sen lớn có những hạt sen tròn. Tại khu vực tháp Nam, người ta tìm thấy một tấm lá nhỉ thể hiện nữ thần Uma có 6 tay, 2 tay chắp lại trên đầu, 4 tay còn lại cầm cung, tên, đinh ba, vòng. Nữ thần đứng trên lưng một con bò, chân phải co lại, chân trái duỗi ra, hai bên nữ thần có 2 người cầu nguyện. Có lẽ đây là tấm lá nhỉ gắn trên vòm cửa ra vào của tháp Nam. Ngoài tượng người, ở Chiên Đàn có nhiều tượng động vật: rắn Naga, ngỗng thần Hamsa, chim thần Garuda, Voi, Sư tử, Nai... Động tác múa của các vũ nữ Chiên Đàn mô phỏng theo các vũ nữ ở đài thờ Trà Kiệu, nhưng không còn vẻ mềm mại, trang phục cũng thay đổi, kiểu váy ngắn đến đùi, thắt lưng vải buông thành một vạt lớn, giống như 1 chiếc khố, cong và nhọn ở đầu mút. Đồ đeo cổ là một vòng bằng kim loại. Vào giữa năm 1997, chúng tôi đã khai quật được tấm bia của khu tháp Chiên đàn, đó là một tảng đá lớn, được mài bằng ở một mặt, trên đó có khắc 8 dòng chữ Sanskit.
Không chỉ có thế, vào cuối năm 2000, trong đợt tôn tạo cảnh quan sân vườn quanh khu tháp, tại khu vực phía trước tháp giữa đã phát hiện được nền móng của một phế tích có thể là một ngôi nhà dài (mandapa), phần chân móng của mandapa nằm ở độ sâu khoảng 1 mét so với móng của tháp giữa, cũng giống như chân tháp, dưới chân mandapa được lót những viên đá cát hạt thô màu trắng đục, từ chân lên đến nền mandapa các lớp gạch được xây giật cấp, chạm trổ thành những tầng sen cách điệu dạng kỷ hà; bao quanh phần còn lại của thân mandapa là một số tượng người ngồi xếp bằng được chạm trực tiếp vào gạch. Tiếp theo mandapa về phía đông có lẽ là một tháp cổng (gopura); trong hố khai quật còn tìm thấy khoảng 100 hiện vật, gồm tượng các nam thần, nữ thần, Kinnnara, vũ công, tu sĩ Bà-la-môn, tượng động vật, đồ trang trí kiến trúc, cùng nhiều mảnh vỡ của các di vật bằng sa thạch.
(Ảnh: TL)
Các tượng ở Chiên Đàn được thể hiện khá đơn điệu, mộc mạc; chúng không còn vẽ duyên dáng nhẹ nhàng như phong cách Trà Kiệu, đồng thời cũng chưa đến mức rườm rà, chi tiết như phong cách Tháp Mẫm. Kéo dài trong khoảng một thế kỷ, các tác phẩm điêu khắc ở Chiên Đàn đã bộc lộ sự tiến hóa khá rõ nét; những tượng vũ công thuộc giai đoạn sớm vẫn mô phỏng theo động tác uốn mình của các vũ công trên đàn thờ Trà Kiệu, tuy nhiên kém mềm mại hơn; những búi tóc to hình ô-van nằm ngang, đôi mắt hình khuy áo không có con ngươi; những con Garuda với đôi tay đưa thẳng lên đầu; những con voi có đầu quay ngang với đôi tai to là ảnh hưởng của phong cách Trà Kiệu ở cuối thế kỷ X. Những tượng ở giai đoạn muộn (cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII) đă xuất hiện một số đặc điểm gần với phong cách Tháp Mẫm : những con Gajasimha mập và lùn với những chi tiết khá tỉ mỉ trên bộ lông bờm; trên các bệ thờ, bàn thờ, chạm trổ những cánh sen có đầu mút cong nhọn vễnh lên...
Tất cả các hiện vật đó đang được bảo quản tại nhà trưng bày cạnh khu tháp. Có thể nói, cho đến nay chưa có nhóm 3 tháp nào có số lượng hiện vật nhiều bằng Chiên Đàn. Đa số các nhà nghiên cứu đã xếp các tác phẩm điêu khắc ở Chiên Đàn vào phong cách Chánh Lộ, thế kỷ XI-đầu thế kỷ XII.
PV (Tổng hợp)