Thanh Hóa: Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, để thực hiện thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, từ đầu năm đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch; đồng thời, tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính vì thế, 9 tháng đầu năm 2021, Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, trong đó tốc độ tăng trưởng GRDP của Thanh Hóa nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.

Tốc độ tăng trưởng GRDP của Thanh Hóa trong 9 tháng đầu năm 2021 nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Ảnh: Báo Thanh Hóa

Nhiều kết quả nổi bật trong 9 tháng đầu năm

Trong 9 tháng năm 2021, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nên tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, không để bùng phát, lây lan ra diện rộng, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh 9 tháng ước đạt 8,06%. Đã kịp thời chuẩn bị và ban hành các chương trình, các kế hoạch, các đề án nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX để tổ chức triển khai thực hiện, đưa Nghị quyết vào cuộc sống và đặc biệt là đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan Trung ương, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, trong đó một số chỉ tiêu kinh tế tăng khá và tăng mạnh so với cùng kỳ, như: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,43%; sản xuất công nghiệp tăng 15,26%; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 8%; giá trị xuất khẩu tăng 53,2%; doanh thu vận tải tăng 13,2%; thu ngân sách nhà nước tăng 15%; thành lập mới doanh nghiệp tăng 9,3%; vốn đầu tư thực hiện tăng 6,7%; giải ngân vốn đầu tư công đứng thứ 2 trong số các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước.

Các lĩnh vực về văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ, trong đó đáng chú ý là giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao tiếp tục đạt kết quả tích cực; nhiều kỹ thuật cao trong khám, điều trị bệnh được đưa vào áp dụng tại bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện; các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được thực hiện đầy đủ và kịp thời đúng đối tượng. Đã tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2020. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo có nhiều đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các giải pháp để hoàn thành kịch bản tăng trưởng

Phát huy những kết quả đạt được, 3 tháng cuối năm, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục “quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả” hơn nữa, thực hiện tốt phương châm “Đồng tâm, đồng lòng, đồng sức, đồng bộ, đồng mục tiêu” để thực hiện thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021 với các nhiệm vụ, giải pháp đó là: tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và duy trì đà phát triển kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; khẩn trương truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm nhanh ngay khi có các trường hợp nghi ngờ để nhanh chóng tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Tiếp tục rà soát phương tiện, cơ sở vật chất, nơi cách ly tập trung và các khu điều trị, sẵn sàng triển khai các phương án, kịch bản để chủ động ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Kiểm soát chặt chẽ tại các cửa ngõ ra vào tỉnh, khu vực biên giới; đẩy nhanh tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch. Tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh ở những khu vực, những vùng an toàn với Covid-19 để đạt được mục tiêu kép đề ra.

Các cấp, các ngành rà soát, xác định các nhiệm vụ còn lại của 3 tháng cuối năm; làm rõ nguyên nhân đối với những chỉ tiêu còn khó đạt kế hoạch để rà soát, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khả thi, phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế bền vững của tỉnh giai đoạn 2022-2025 thích ứng với lộ trình kiểm soát dịch bệnh, trọng tâm là phục hồi ngành du lịch, dịch vụ và các ngành sản xuất chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.

Tiếp tục theo dõi, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh theo phương châm “an toàn để sản xuất và sản xuất phải an toàn”, không làm đứt gãy các chuỗi cung ứng lao động, nguyên liệu sản xuất. Tranh thủ tình hình dịch bệnh ổn định để thu hút đầu tư, mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất các ngành khu vực phía Nam đang bị ảnh hưởng để chiếm lĩnh thị trường, tạo việc làm cho lao động trở về từ các tỉnh phía Nam. Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiếp cận các gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ. Tập trung thu hoạch diện tích lúa và cây trồng vụ Thu mùa, triển khai phương án sản xuất và phòng trừ sâu bệnh vụ Đông.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch năm 2021. Tập trung hoàn thành các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh, nhất là các dự án hạ tầng trong Khu kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp; Dự án Đại lộ Đông - Tây thành phố Thanh Hóa; đường vành đai Đông - Tây... Chủ động rà soát thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư; tăng cường kiểm tra, cương quyết dừng thực hiện các dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư vi phạm cam kết về tiến độ, thời gian thực hiện. Xây dựng kế hoạch khởi công mới các dự án quy mô lớn, trọng điểm trong quý IV năm 2021 và đầu năm 2022 để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, tạo dư địa cho phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.

Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp tăng thu, phấn đấu vượt thu ngân sách năm 2021; tập trung làm rõ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ đấu giá, đấu thầu và khẩn trương thu hồi các khoản nợ đọng ngân sách từ đấu giá, đấu thầu các dự án phát triển đô thị, nhà ở, cấp quyền khai thác khoáng sản đã quá hạn. Có các giải pháp để mở rộng và nuôi dưỡng tạo nguồn thu ngân sách nhà nước năm 2022. Thực hiện triệt để tiết kiệm chi ngân sách, dành nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19.

Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Phương án số 198/PA-UBND ngày 02/9/2021 của UBND tỉnh về đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong cách ly tập trung.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Ủy ban của Quốc hội hoàn chỉnh Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa để thông qua tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV. Khẩn trương hoàn chỉnh quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 tỉnh Thanh Hóa; đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và trình duyệt các quy hoạch xây dựng vùng huyện, các quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết.

Tập trung đổi mới mạnh mẽ phương thức chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc của cán bộ công chức theo hướng rõ người, rõ việc, kiên quyết thay thế, bố trí lại những cán bộ năng lực yếu kém, thiếu bản lĩnh, thiếu trách nhiệm trong công việc. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ. Siết chặt các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công tác nội chính, tư pháp.

Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý dân cư, nắm chắc tình hình công dân trở về địa phương từ các tỉnh, thành phố khác để có các biện pháp hỗ trợ kịp thời. Tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Chủ động phòng, chống thiên tai, bão lũ theo phương châm “bốn tại chỗ” để xử lý khi có tình huống xảy ra.

Tin tưởng rằng với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, 3 tháng cuối năm kinh tế - xã hội của Thanh Hóa sẽ tiếp tục đạt nhiều kết quả tốt, góp phần hoàn thành kịch bản tăng trưởng năm 2021 đề ra.

Mạnh Dũng

 

Top