Thanh Hóa: Phục hồi Du lịch trong trạng thái bình thường mới

Dịch Covid-19 đã khiến các hoạt động du lịch cả nước rơi vào tình trạng “đóng băng”. Trong đó, tỉnh Thanh Hóa cũng không phải ngoại lệ. Lượng du khách sụt giảm mạnh, hàng trăm nhà hàng, khách sạn buộc đóng cửa, cả chục nghìn lao động thất nghiệp... Trước thực trạng đó, Thanh Hóa đang tập trung triển khai, đề xuất nhiều giải pháp để đưa hoạt động du lịch trở lại trạng thái bình thường mới.

Hàng loạt khách sạn tại TP Sầm Sơn đóng cửa do không có khách.

Theo thống kê của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lượng khách đến Thanh Hóa trong 9 tháng năm 2021 giảm mạnh. Cụ thể, tổng lượt khách ước đạt 3.154.500, giảm 51,5% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 26,9% kế hoạch; tổng thu du lịch đạt 4.617,94 tỷ đồng, giảm 46,4% so với cùng kỳ 2020, đạt 20,2% kế hoạch.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 700 doanh nghiệp du lịch và hơn 300 hộ kinh doanh cá thể. Dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 2 doanh nghiệp lữ hành và 16 cơ sở lưu trú du lịch đăng ký tạm dừng hoạt động; còn lại đa phần các doanh nghiệp du lịch hoạt động cầm chừng. Các đơn vị kinh doanh lĩnh vực lưu trú, ăn uống, vận chuyển khách du lịch đạt doanh thu thấp; lĩnh vực lữ hành không có doanh thu, trong khi đó các doanh nghiệp vẫn phải duy trì hoạt động nên khó khăn trong việc trả lãi suất ngân hàng, nộp thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuê mặt bằng, chi phí điện nước, đóng bảo hiểm xã hội, trả lương nhân viên… Nhiều doanh nghiệp muốn chuyển lĩnh vực kinh doanh nhưng đã cạn vốn. Khó chồng khó, khi phần lớn số doanh nghiệp này gần như mất khả năng chi trả trong giai đoạn hiện tại.

Theo tìm hiểu, tại huyện Bá Thước có gần 100 cơ sở lưu trú hoặc dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng; công suất phòng chỉ đạt từ 30-40% (tính đến cuối tháng 8-2021, số lượng phòng bị hủy là khoảng 300 phòng, ước tính thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng; thiệt hại dịch vụ ăn uống khoảng 5 tỷ đồng); có khoảng 300 lao động bị mất việc làm. Trong khi đó, các cơ sở lưu trú, nhà hàng vẫn phải trả các khoản lãi suất ngân hàng, thuế các loại và lương, bảo hiểm cho người lao động. Ngoài ra, việc giữ chân đội ngũ nhân lực có chất lượng và tái đầu tư khi dịch bệnh được kiểm soát cũng là vấn đề mà hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn phải đối mặt.

Cũng tại Sầm Sơn, mặc dù đã có hàng loạt hoạt động để kích cầu du lịch được diễn ra từ đầu năm 2021 nhằm thu hút khách trở lại, trong đó quyết tâm “đánh thức” thị trường khách nội địa, tuy nhiên dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nơi, dẫn đến lượng khách đến Sầm Sơn giảm rõ rệt. Hầu như các khách sạn không có khách, nhà hàng thì lác đác vài người. Theo thống kê, ước tính trong 9 tháng năm 2021, thành phố đón được 1.555.632 lượt khách, bằng 33,8% kế hoạch, giảm 49,4% so với cùng kỳ; phục vụ ăn nghỉ 3.499.576 ngày khách, bằng 29,2% kế hoạch, giảm 37,9% so với cùng kỳ; doanh thu ước đạt 1.359 tỷ đồng, bằng 35,2% kế hoạch, giảm 53% so với cùng kỳ. Có thể nói, cùng với Bá Thước, Sầm Sơn hoạt động du lịch của nhiều địa phương trong tỉnh thời gian qua cũng khá ảm đạm, đã ảnh hưởng đáng kể đến các chỉ tiêu tăng trưởng du lịch toàn tỉnh. 

Trước thực trạng đó, Thanh Hóa đang tập trung triển khai, đề xuất nhiều giải pháp để sớm khôi phục lại hoạt động du lịch. Điển hình như Hội nghị kích cầu du lịch Thanh Hóa tại Hà Nội; đề xuất chủ trương tổ chức Lễ phát động “Tôi yêu Thanh Hóa”; ban hành Kế hoạch liên kết phát triển du lịch 4 tỉnh miền Trung là Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình. Cùng với đó, phối hợp với Mobifone Thanh Hóa phát triển du lịch Thanh Hóa thông qua chuyển đổi số và du lịch thông minh.

Mới đây (ngày 07/10/2021), UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp khôi phục du lịch Thanh Hóa trong trạng thái bình thường mới. Theo ý kiến thảo luận tại hội nghị, để chuẩn bị cho việc khôi phục hoạt động trở lại, các đại biểu cho rằng, tỉnh Thanh Hóa cần tập trung đề xuất những giải pháp khởi động hoạt động du lịch trong bối cảnh “bình thường mới” như: Xây dựng lộ trình liên kết với các địa phương lân cận, các thị trường khách trọng điểm như Hà Nội, Ninh Bình, Nghệ An; dành nguồn lực cho công tác truyền thông, quảng bá du lịch Thanh Hóa đảm bảo hiệu quả nhất; xây dựng các điểm đến an toàn để xây dựng liên kết với các địa phương khác, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xây dựng hành trình kết nối; kiểm tra lại năng lực và khả năng đón khách an toàn của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh… hướng tới xây dựng hành lang điểm đến an toàn để dần mở cửa du lịch nội địa.

Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa cho biết, trước yêu cầu phát triển du lịch trong trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh", đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch an toàn vừa phát triển kinh tế - xã hội, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá đã đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa lộ trình "mở cửa" hoạt động du lịch từng bước, theo tiêu chí "an toàn đến đâu mở đến đó, mở cửa phải an toàn", trước hết là phục vụ khách du lịch nội tỉnh với các "điểm xanh" (điểm đến và dịch vụ an toàn), tiếp đến là khách du lịch nội địa đến từ các "vùng xanh" (các tỉnh/thành phố an toàn); sau đó sẽ mở ra đón khách du lịch trong nước và quốc tế khi đạt được "miễn dịch cộng đồng" với độ bao phủ của vắc xin phòng Covid-19 trong cả nước và trên thế giới.

Cũng theo ông Hồng, để thực hiện lộ trình đón khách đã đề ra, sẵn sàng cho việc khôi phục hoạt động du lịch, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá đã tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như:  Phối hợp với ngành Y tế và các đơn vị liên quan xây dựng Bộ tiêu chí an toàn trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh Thanh Hoá ban hành. Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và phát triển du lịch, trong đó tập trung hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp đăng ký mã QR trong việc khai báo y tế, quản lý khách; ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường trong việc giới thiệu quảng bá các khu, điểm du lịch; khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh, giao dịch online; giới thiệu, chào bán dịch vụ trên môi trường mạng….

Trong thời gian tới, ngành Du lịch Thanh Hóa sẽ hướng dẫn, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp làm mới các sản phẩm dịch vụ du lịch hiện có; đồng thời đổi mới, sáng tạo để hình thành các sản phẩm mới, dịch vụ mới đáp ứng được xu hướng mới của thị trường như: du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ, du lịch trải nghiệm văn hoá cộng đồng…; xây dưng và công bố các chiến dịch kích cầu du lịch với phương châm “Tăng tối đa chất lượng, giảm tối đa giá thành”; tổ chức các sự kiện, hoạt động (bằng hình trực tiếp và trực tuyến) nhằm thu hút khách du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để bù đắp cho sự thiếu hụt của dịch bệnh gây ra. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền "Thanh Hoá - điểm đến an toàn, hấp dẫn" trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.

Mạnh Dũng

 

 

Top