Thanh Hóa: Hang Con Moong được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt

Sáng ngày 23-11-2016, tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Thạch Thành, UBND tỉnh Thanh Hóa đã long trọng tổ chức Lễ đón Bằng Di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong và các di tích phụ cận huyện Thạch Thành.

Hang Con Moong ở bản Mọ, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa nằm trong dãy núi đá vôi thuộc hệ tầng Đồng Giao, có niên đại khoảng 240 triệu năm cách ngày nay. Di chỉ hang Con Moong được phát hiện cách đây 41 năm - 1974 và khai quật lần đầu vào năm 1976. Cùng với Thành Nhà Hồ, hang Con Moong được Thủ tướng Chính phủ cho phép nghiên cứu lập hồ sơ để trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.

Sau 5 mùa điền dã, khai quật khảo cổ, ngày 29 - 30/10/2014 tại Thanh Hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về Di chỉ hang Con Moong và phức hợp các di chỉ phụ cận. Tại hội nghị này, báo cáo tham luận của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế đã thông báo những kết quả nghiên cứu bước đầu tại hang Con Moong và không gian sinh tồn của người Việt cổ ở Thanh Hóa.

Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa (bìa phải) đón Bằng Di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong.

Các nhà khoa học bước đầu nhận xét, đánh giá những giá trị văn hóa nổi bật của hang Con Moong với những nội dung chính:

Địa tầng dày trung bình 9,5m, gồm 10 tầng có cấu trúc khác nhau, hang Con Moong là một trong số rất hiếm di chỉ khảo cổ học có tầng địa dày và được bảo tồn tốt nhất hiện nay ở Việt Nam và cả Đông Nam Á.

Các di vật khai quật được ở hang Con Moong là những bằng chứng xác thực về truyền thống cư trú trong hang, truyền thống chế tác và sử dụng công cụ đá với sự thay đổi về loại hình và kỹ thuật chế tác công cụ, từ đó có thể nghiên cứu sự thay đổi về hành vi, ứng xử của người cổ trước những biến động của khí hậu và môi trường tự nhiên. Các di vật ở hang Con Moong cũng cho thấy quá trình thay đổi về chất liệu chế tác công cụ, từ đá quartz sang đá cuội, từ kỹ thuật mảnh tước đá quartz sang kỹ nghệ cuội ghè, điển hình ở Đông Nam Á thuộc giai đoạn văn hóa Sơn Vi.

Phát biểu tại Lễ đón Bằng, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, khẳng định Di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận huyện Thạch Thành có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ đối với việc nghiên cứu thời đại nguyên thủy ở Thanh Hóa mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với lịch sử Việt Nam. “Đây là một sự kiện có ý nghĩa to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, là mốc son xác định rõ vị trí của Di tích hang Con Moong và các di tích phụ cận của đất và người xứ Thanh trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Việc được trở thành Di tích quốc gia đặc biệt có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trên hành trình để Di tích hang Con Moong tiến tới đề nghị UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa Thế giới.

Có thể bạn quan tâm

Top