Thanh Hóa: Chùa Am Các - Tầm nhìn bảo vệ biển của Phật giáo Trúc Lâm

Chùa Am Các, nay thuộc xã Định Hải, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Chùa tọa lạc trên núi Các, dân địa phương nhiều người gọi là “Cát”, bởi cát, đất và đá trên núi quyện với nhau, khiến địa hình và khí hậu nơi đây rất thích hợp phát triển rừng, với hàng trăm hec-ta xanh tốt rừng tái sinh còn được bảo vệ.

Sườn phía Đông núi Các, trông ra hồ Hao Hao rộng lớn, mây phủ trắng mặt hồ. Xa hơn là biển Nghi Sơn ngút mắt, như một minh đường kép của thiên nhiên ban tặng cho chùa Am Các. Đỉnh núi là hậu trẩm, hai vòng cung như hai tay ngai “tả thanh long, hữu bạch hổ”, ôm lấy ngôi chùa Trung, hẳn là linh hồn và hạt nhân của cả hệ thống kiến trúc Am Các, do thế phong thủy tuyệt vời để nhận ra điều này, trên con đường hành hương ba cấp: chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng, vốn là nguyên thủy thời chùa mới khởi xây. Người dân Tĩnh Gia nói riêng, Thanh Hóa nói chung, cùng không ít khách hành hương, dựa vào cảnh quan, khí hậu, môi trường và lối bố trí bậc cấp, phong cho Am Các là Tiểu Yên Tử, dù cho, kiến trúc nguyên khởi của chùa không còn, chủ yếu là phế tích nằm dưới lòng đất. Am Các hiện nay là những đơn nguyên mới được xây dựng, dựa trên những dấu tích xưa, chưa có sự chính xác và thuyết phục.

Khám phá quần thể chùa Am Các

Điểm dừng chân đầu tiên là chùa Hạ, bên cạnh một suối nhỏ chảy từ đỉnh núi xuống hồ. Tại đây, những nhà khảo cổ học đã phát hiện một phù điêu đức Phật trên một hòn đá tự nhiên cực lớn, qua những nét đục phóng khoáng và thô phác, diễn tả đức Phật ngồi thiền trên tòa sen. Đây là tác phẩm nghệ thuật Phật giáo chưa từng thấy, với tôi và hẳn là lạ lẫm với nhiều người, khi phong cách phù điêu, thể hiện đức Phật trên đá tự nhiên, dường như hiếm hoi trong điêu khắc Phật giáo truyền thống Việt. Đây cũng là Phật điện của một ngôi chùa cổ, nay chỉ còn phế tích, qua những vỉa gạch được xếp, đã bị xô lệch do thời gian và nước lũ, đã được khảo cổ học làm xuất lộ, ngay chính dưới tòa sen của Đức Phật.

Chùa Thượng, dường như chưa tìm ra dấu tích cổ, nay hiện hữu một đơn nguyên mới xây dựng, gợi nhớ về tầng cấp, dựa theo triền núi mà Phật giáo Trúc Lâm đã triển khai nơi phát tích của tôn giáo này tại Yên Tử, Thanh Mai và Côn Sơn. Công việc tìm kiếm dấu tích chùa Thượng cần thời gian, công sức khảo sát trong tương lai.

Chùa Trung được khảo cổ học cung cấp một mặt bằng lý tưởng, rõ nhất và sớm nhất là lớp kiến trúc thời Trần với móng và tường là những viên đá tự nhiên khai thác tại chỗ. Lớp kiến trúc thứ hai, ấn tượng và quy mô hơn, được xây bằng gạch, có niên đại thế kỷ 17, 18, thời Lê Trung hưng. Tuy nhiên, những tàn tích đồ gốm tìm thấy ở nơi này, lại cho thấy, các triều Lê sơ và Mạc vẫn sử dụng Am Các như một trung tâm Phật giáo lớn ở xứ Thanh.

Đặc biệt, ở chùa Trung, hiện còn một hệ thống lũy được xếp đá, giống như đá tự nhiên được sử dụng ở móng và tường chùa, có niên đại thời Trần. Nó chẳng khác nào một tường bao, kiêm một vòng lũy, vừa có nhiệm vụ bảo vệ ngôi chùa, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ cho một khu đồn của đội quân thời đại ấy.

Tại đây và phụ cận, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy chứng tích vật chất, đó là đồ dùng bằng gốm men ngọc ngoại quốc nhập khẩu, men nâu, men trắng, gốm hoa nâu cao cấp Đại Việt thế kỷ 14… chứng tỏ, đây là nơi nhận được sự quan tâm lớn của Hoàng gia mà những đồ thờ bằng gốm đã mách bảo. Những đồ gốm cao cấp ấy, có thể còn là đồ dùng của vương hầu, quý tộc, được Triều đình cử đến. Am Các để chỉ huy đội quân bảo vệ mà di tích lũy và đồn nêu trên đã gợi mách.

Từ chùa Trung, có thể bao quát được cả một vùng biển rộng lớn Nghi Sơn - nơi mà những chiến thuyền của quân xâm lược Champa thường qua đây đánh vào Thăng Long, được sử sách Đại Việt bao lần ghi chép. Vị trí chiến lược ấy đủ hiểm yếu, đủ rộng lớn, dành cho đội quân đánh chặn, kết hợp với những chốt chặn khác ở ven biển Thanh - Nghệ - Tĩnh, sẽ là hữu hiệu, làm giảm sức mạnh của kẻ địch, trước khi tiến vào Thăng Long.

Sang đến thời Lê sơ và Mạc, chùa Am Các vẫn tồn tại và giữ vai trò một trung tâm Phật giáo, đồng thời vẫn là một khu đồn trú, thông qua chứng tích là sưu tập gốm men có niên đại thế kỷ 15, 16 phát hiện ở đây. Sự dòm ngó tới Đại Việt từ Chămpa đã suy giảm, nhưng vẫn còn, thì việc sử dụng căn cứ Am Các vẫn được duy trì. Tuy nhiên, hiện tượng giảm thiểu tỷ lệ đồ gốm của hai triều đại này so với thời Trần, cùng với việc không phát triển quy mô và bình đồ kiến trúc chùa vào thời Lê - Mạc, phần nào phản ánh vị trí, vai trò của Phật giáo Trúc Lâm khi thịnh phát. Đó cũng là sự phản ánh sự thật, khi nguy cơ tấn công và xâm lược của Chămpa đối với Đại Việt không còn nhiều áp lực.

Thế nhưng, sang đến thời Lê Trung - hưng, thế kỷ 17, 18 quy mô chùa được mở rộng, với một bình đồ được khảo cổ học phát hiện qua nhiều đơn nguyên với nhiều vật liệu kiến trúc vững bền, đồ thờ và bi ký phong phú, đồ gốm cao cấp và dân dụng dầy đặc… minh chứng cho sự hồi sinh của Am Các. Việc xây dựng ở đây, thời kỳ này, thường xuyên và quy mô tới mức, những lò nung vật liệu xây dựng đã được thực hiện ngay tại chỗ để cung cấp cho những công trình sẽ sửa chữa, sẽ mở rộng và sẽ xây mới. Khu lò nung gạch ở Am Các đã được thám sát và khai quật tuy còn khiêm tốn, nhưng chắc chắn quy mô phải vô cùng lớn mới thỏa mãn được công cuộc xây dựng ở đây. Những đồ gốm dân dụng dầy đặc, cho phép nhận ra sự tập trung cao độ lượng người ở Am Các, để phục vụ cho xây dựng, phục vụ sản xuất vật liệu và cho cả sự tăng cường lực lượng quân đội.

Sở dĩ, đến thời Lê Trung - hưng, chùa Am Các được hồi sinh với cả hai chức năng, bởi vị thế chiến lược của nó được Trúc Lâm chọn lựa, bởi chiến tranh Trịnh - Nguyễn vẫn là mối bận tâm của Chúa Trịnh, khi mà sự đe dọa của Chúa Nguyễn Đàng trong luôn toát lộ ý đồ “phò Lê, diệt Trịnh”.

Chỉ đến thời Nguyễn, chính xác là sau thời Gia Long, Am Các mới mất đi vị thế và vai trò của nó trong hệ thống phòng vệ bờ biển phía Nam, đồng thời cũng mất đi một trung tâm Phật giáo quan trọng, khi mà đất nước đã thống nhất hai miền Nam - Bắc. Sự đe dọa từ giặc ngoại xâm phía Nam không còn, theo đó là sự lụi tàn của Am Các, được khảo cổ học nhận ra qua những lớp lang của kiến trúc, kéo dài nhiều thế kỷ.

Qua Am Các và không chỉ có Am Các, hệ thống chùa - tháp của thời Trần nói chung và Phật giáo Trúc Lâm nói riêng, luôn gắn với những vị trí bảo vệ biển đảo và biên viễn của Đại Việt. Những vị trí ấy đắc địa và phát huy được hiệu quả tới mức, nhiều triều đại sau đó vẫn sử dụng, cũng là sự kết hợp như Phật giáo Trúc Lâm. Đó là tầm nhìn, là hành động để Trúc Lâm không chỉ thuộc về tôn giáo mà thuộc cả về dân tộc, về nhân dân.

Bài và ảnh: TS Phạm Quốc Quân

Top