“Tháng vui Tết độc lập” tại Hà Nội
Chương trình do Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội) phối hợp với tỉnh Sơn La và đồng bào dân tộc thiểu số nhiều tỉnh trong cả nước tổ chức chào mừng kỷ niệm 71 năm ngày Quốc khánh 2/9 - ngày Tết Độc lập của dân tộc.
Chương trình sẽ tái hiện không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc miền Tây Bắc, Đông Bắc với điểm nhấn là không gian văn hóa chợ Tây Bắc với chủ đề “Sơn La chợ phiên vui đón Tết”. Không gian chợ là sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, không gian vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc Mông, Dao, Thái, Mường, Khơ Mú, Tày... mừng Tết Độc lập.
Trung tâm chợ vùng cao là các gian hàng của Sở VHTTDL tỉnh Sơn La giới thiệu các sản vật (rau cải, măng khô, măng tươi, su su, các loại gia vị, các món ăn đặc trưng của dân tộc Mông như thắng cố, rượu ngô, mèn mén...; của dân tộc Thái là xôi nếp màu, gà nướng, thịt lợn, cơm lam, canh vón vén, cá nướng...).
Tại đây, Ban Quản lý còn quảng bá những nét đặc sắc của văn hóa, du lịch tỉnh Sơn La; giới thiệu các mặt hàng thổ cẩm của dân tộc Mông, Thái, Dao, Lào (trang phục, khăn, vòng tay, đồ lưu niệm...).
Ảnh: internet
Không gian văn hóa chợ của người Mông, người Thái với các hoạt động tái hiện tập quán làm bánh giày, dệt thổ cẩm, uống rượu ăn thắng cố, mèn mén chúc tụng chia vui của đồng bào dân tộc Mông…
Chương trình “Vui Tết Độc lập” cũng giới thiệu không gian văn hóa chợ các dân tộc đến từ Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, huyện Ba Vì (Hà Nội) cũng như các nghề thủ công truyền thống (đan lát, dệt thổ cẩm, làm nhạc cụ...), các trò chơi dân gian do đồng bào các dân tộc cùng giao lưu với du khách như: Rồng ấp trứng, đánh quay, đánh mảng, đánh đu, leo dây, đánh yến… của các dân tộc Mông, Thái, Lào, Dao tỉnh Sơn La.
Trong dịp này còn có chương trình giao lưu nghệ thuật các dân tộc mừng Tết Độc lập với các tiết mục dân ca, dân vũ mừng đất nước, ca ngợi quê hương đất nước do Sở VHTTDL tỉnh Sơn La phối hợp với Ban Quản lý và đồng bào dân tộc Thái (tỉnh Nghệ An), dân tộc Mường (tỉnh Hòa Bình), dân tộc Tày (tỉnh Thái Nguyên), người Dao (huyện Ba Vì, Hà Nội), dân tộc Khơ Mú (tỉnh Điện Biên), người Ê Đê (tỉnh Đắk Lắk), người Ba Na (tỉnh Gia Lai) và Khmer tỉnh Sóc Trăng…
Vào những ngày cuối tuần, tại các làng dân tộc Tày, Mường, Thái, Dao, Khơ Mú, Ba Na, Ê Đê, Khmer thuộc Làng VHDL sẽ có các chương trình biểu diễn văn nghệ ca ngợi tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc anh em, ca ngợi quê hương đất nước…
P.V