Tháng Tám và tên gọi Bác Hồ Chí Minh
“Bác”, tiếng gọi thân thương xuất hiện trong thời gian diễn ra Hội nghị Trung ương lần thứ tám tháng 5-1941 tại Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng
Theo hồi ký của Hoàng Quốc Việt: Trong thời gian diễn ra Hội nghị, gặp đại biểu quốc tế Nguyễn Ái Quốc, các đại biểu về dự không biết xưng hô thế nào, lúc đầu đều gọi là đồng chí, sau gọi là cụ. Nhưng về sau thấy anh Trường Chinh và anh Hoàng Văn Thụ dùng tiếng “Bác”, thấy như vậy hợp với lòng mình, nên từ đó chúng tôi bắt đầu thưa với Bác bằng cái tên thân yêu mà cho đến nay mọi người Việt Nam đều gọi.
Dưới sự chủ trì của Bác, Hội nghị Trung ương lần thứ VIII đã xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ cấp thiết của cách mạng nước ta. Hội nghị nêu rõ: Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được. Tại Hội nghị quan trọng này, theo sáng kiến của Bác đã quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, mang tên Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh), nhằm liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn.
Lán Khuổi Nậm ở Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, nơi họp Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ VIII, tháng 5/1941
Hội nghị Trung ương VIII gắn với tên tuổi của Bác, có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, đó cũng là cống hiến to lớn của Người mà chúng ta không thể không nói tới khi khẳng định nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Tên gọi Hồ Chí Minh xuất hiện công khai trong chuyến đi lịch sử của Bác sang Trung Quốc, tháng 8-1942
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bác, Mặt trận Việt Minh đã trở thành một tổ chức rộng lớn, mạnh mẽ, thực sự là tổ chức của toàn dân và đã trở thành một đạo quân chính trị hùng mạnh. Trước biến chuyển mới của tình hình cách mạng, một nhiệm vụ bức thiết là phải thực hiện liên minh quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ của lực lượng Đồng minh. Trước mắt là phải phối hợp hành động giữa phong trào Việt Minh và phong trào chống Nhật của nhân dân Trung Quốc và các lực lượng Đồng minh chống phát xít trên chiến trường Thái Bình Dương. Trong số những người cách mạng Việt Nam lúc đó, chỉ có Bác là người hiểu biết Trung Quốc hơn cả, bởi vì Người đã có thời gian dài tham gia cách mạng Trung Quốc. Do đó Bác đã đảm nhận nhiệm vụ này.
Khi đi Bác đem theo giấy tờ tuỳ thân mang tên Hồ Chí Minh, đó là: Giấy giới thiệu của tổ chức Việt Nam độc lập đồng minh hội và của Phân hội Việt Nam thuộc Hiệp hội quốc tế chống xâm lược. Nhớ lại sự kiện này, trong hồi ký của mình, đồng chí Vũ Anh kể: Tháng 8 năm 1942, Bác có việc phải đi ra nước ngoài. Tôi được Bác giao nhiệm vụ chuẩn bị giúp Bác. Gọi là chuẩn bị nhưng công việc cũng chẳng có gì. Trong túi của Bác chỉ có một bộ quần áo chàm người Nùng. Tôi lấy đá mềm khắc hai con dấu: Một con dấu của Việt Nam độc lập Đồng minh hội và một của Quốc tế phản xâm lược Việt Nam phân hội. Bác tự tay viết hai giấy giới thiệu của hai đoàn thể trên cử cụ Hồ Chí Minh đi gặp Chính phủ Trung Quốc. Mục đích chính của Bác là đi gặp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cái tên cụ Hồ Chí Minh ra công khai từ đó.
Ngoài các giấy tờ trên Bác còn có một số giấy tờ khác mang tên Hồ Chí Minh mà Người có được trong thời gian hoạt động và tham gia cách mạng Trung Quốc, từ cuối năm 1938 đến trước khi về nước năm 1941. Đó là: Thẻ hội viên “Hội ký giả thanh niên Trung Quốc”, thẻ phóng viên báo chí và giấy thông hành do văn phòng Bộ Tư lệnh Đệ tứ chiến khu cấp từ năm 1940.
Tối ngày 13-8-1942 Bác lên đường, hơn 10 ngày đi bộ, đến phố Túc Vinh thuộc huyện Đức Bảo, tỉnh Quảng Tây thì bị tuần tra của trụ sở Quốc dân Đảng ở đây giữ lại. Khi kiểm tra giấy tờ, chúng phát hiện ngoài Chứng minh thư của “Quốc tế phản xâm lược hiệp hội Việt Nam phân hội”, các giấy tờ khác như thẻ hội viên “Hội ký giả thanh niên Trung Quốc”, các giấy tờ là phóng viên báo chí và giấy thông hành do văn phòng Bộ Tư lệnh Đệ tứ chiến khu cấp từ năm 1940 đều đã quá hạn sử dụng, vì vậy chúng nghi là gián điệp nên đã bắt giữ, đó là vào ngày 29-8-1942. Bài thơ Đường đời hiểm trở trong tập thơ Nhật ký trong tù Hồ Chí Minh đã viết về sự kiện này như sau:
“Đi khắp đèo cao, khắp núi cao/ Ngờ đâu đường thẳng lại lao đao/ Núi cao gặp hổ mà vô sự/ Đường thẳng gặp người bị tống lao.”
“Ta là đại biểu dân Việt Nam/ Tìm đến Trung Hoa để hội đàm/ Ai ngờ đất bằng gây sóng gió/ Phải làm “khách quý” tại nhà giam”.
13 tháng, Hồ Chí Minh bị giải tới, giải lui qua 18 nhà lao thuộc 13 huyện của tỉnh Quảng Tây. Nhờ sự vận động tích cực của Đảng ta, của bà con Việt kiều và sự can thiệp của nhiều nhân vật quan trọng trong Chính phủ Trung Quốc, nên Hồ Chí Minh đã được trả lại tự do, đó là vào ngày 10-9-1943.
Chỉ sau đó vài ngày, giữa tháng 9 Hồ Chí Minh đã tìm cách báo tin về cho các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh…Trên mép của tờ Quảng Tây nhật báo, Người làm bài thơ chữ Hán, dịch nghĩa như sau: “Núi ấp ôm mây, mây ấp núi/ Lòng sông gương sáng, bụi không mờ/ Bồi hồi dạo bước Tây Phong Lĩnh/ Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa”. Và kèm theo bài thơ còn có dòng chữ Hán: “Chúc chư huynh ở nhà mạnh khoẻ và cố gắng công tác. Ở bên này bình yên”. Cùng với tờ báo, Bác còn gửi kèm theo một bức thư báo tin tuy đã được trả tự do nhưng bọn Quốc dân Đảng Trung Quốc vẫn giữ làm cố vấn, ở nhà cần có những vận động mạnh mẽ hơn để chúng trả tự do thật sự. Và mãi đến gần một năm sau, tháng 8-1944 Hồ Chí Minh mới được phép trở về Việt Nam.
Thư gửi đồng bào toàn quốc. Tài liệu đầu tiên ký tên Hồ Chí Minh. Tháng 10/1944.
Trong thời gian gần một năm bị ở lại tại Quảng Tây, Hồ Chí Minh đã liên lạc với các tổ chức của người Việt Nam chống Nhật, Pháp ở Liễu Châu và tranh thủ sự ủng hộ của một số tướng lĩnh trong quân đội Tưởng Giới Thạch để tổ chức họp Đại hội đại biểu các tổ chức cách mạng Việt Nam ở hải ngoại. Từ ngày 25 đến 28-3-1944 Đại hội đã được họp tại Liễu Châu. Thay mặt cho tổ chức Phân hội Việt Nam thuộc Hiệp hội Quốc tế chống xâm lược, Hồ Chí Minh đã đọc báo cáo về hoạt động của Mặt trận Việt Minh và Đảng Cộng sản với phong trào cách mạng trong nước, nêu rõ tiền đồ của sự nghiệp giải phóng dân tộc ở Việt Nam; mối quan hệ mật thiết giữa hai nước Việt-Trung. Người nói: Bây giờ cần nêu khẩu hiệu đoàn kết, mở rộng khối đoàn kết đến toàn dân để đạt tới mục đích hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Báo cáo của Hồ Chí Minh đã thấy rõ sức mạnh của tổ chức Việt Minh do Người lãnh đạo, tướng Trương Phát Khuê - Tư lệnh Đệ tứ chiến khu đã trả lại tự do cho Hồ Chí Minh và cho phép Người trở về Việt Nam. Đó là vào ngày 9-8-1944. Sau này tướng Trương Phát Khuê đã viết trong hồi ký của mình trước khi rời Liễu Châu về nước là Hồ Chí Minh đã nói với ông ta rằng: Tôi là một người cộng sản, nhưng điều mà tôi quan tâm hiện nay là độc lập và tự do cho nước Việt Nam, chứ không phải là chủ nghĩa cộng sản. Cuối tháng 9-1944 Hồ Chí Minh về đến Pác Bó, Cao Bằng. Tháng 10 năm 1944, Người lần đầu tiên ký tên Hồ Chí Minh dưới bức Thư gửi đồng bào toàn quốc. Người viết: Tháng 8 năm 1942, tôi vâng lệnh Đoàn thể đi cầu ngoại viện. Chẳng may gặp sự hiểu lầm ở ngoài, làm cho đồng bào, đồng chí lo phiền cho tôi hơn một năm giời… Nhưng trong sự rủi lại có sự may. Nhân dịp ở ngoài mà tôi đã hiểu rõ tình hình thế giới và chính sách của các hữu bang, trước hết là Trung Quốc… Phân tích tình hình và nhiệm vụ cấp bách của cách mạng Việt Nam, với tầm nhìn của vị lãnh tụ thiên tài, Người tiên đoán: Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh. Và đó cũng là lần đầu tiên tên gọi Hồ Chí Minh từ Cao Bằng truyền đi trong cả nước, đem ánh sáng, niềm tin hy vọng và sức cổ vũ tới mọi người dân Việt Nam đứng lên giành độc lập.
Tháng Tám về lại nhớ núi rừng Pác Bó, nơi có ngọn núi Các Mác hùng vĩ, có dòng suối Lênin ngàn năm tuôn chảy, nơi Bác Hồ đã khởi nguồn thắng lợi cho cuộc cách mạng vĩ đại, mở ra thời đại vẻ vang nhất của dân tộc-thời đại Hồ Chí Minh.
TS Nguyễn Thị Tình
Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh; Ủy viên BCH Hội DSVH Việt Nam