Tết Việt trong mắt người nước ngoài

Đối với nhiều người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam thì Tết là khoảng thời gian mà họ khám phá được rất nhiều điều thú vị về văn hóa cũng như được nhìn thấy một hình ảnh rất khác của đất nước này với những con đường vắng, yên tĩnh và sạch sẽ. Tạp chí Thế giới Di sản đã có cuộc phỏng vấn ngắn với ông Colm Pierce, người nước ngoài về Tết tại Việt Nam.

Phóng viên : Chào ông. Ông có thể giới thiệu cho độc giả Tạp chí Thế giới Di sản về đất nước ông, về cuộc sống và công việc ông đang làm tại Việt Nam ?

Mr Colm Pierce: Tôi đến từ Dublin, Ai-len. Tôi đã có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc như một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Tôi đã học nhiếp ảnh tại Trường Nhiếp ảnh tư liệu ở Newport, Wales, sau đó tôi chuyển về Pari để làm việc, nơi tôi đã sống trong 15 năm. Những bức ảnh của tôi đã được chọn in trong một số xuất bản phẩm như The Guardian (Vương quốc Anh), Le Point (Pháp), LA Times (Mỹ), và The Nation (Việt Nam). Tôi cũng là một trong những nhà sáng lập ra Tiêu điểm Việt Nam, một công ty du lịch qua ảnh dựa trên kinh nghiệm, hiểu biết và trải nghiệm về du lịch và nhiếp ảnh ở Việt Nam.

Tục đi chùa đầu năm của người Việt

Phóng viên: Xin ông cho biết những tục lệ trong ngày Tết ở đất nước ông?

Mr Colm Pierce: Ai-len là quốc đảo ở Tây Bắc châu Âu đón năm mới vào ngày 1-1 hàng năm. Chúng tôi còn gọi là Tết Noel. Người Ireland thắp nến trên cửa sổ để mời các vị Thánh hoặc những người qua đường mệt mỏi đang tìm nơi dừng chân vào trong nhà của họ trong ngày lễ Noel. Theo truyền thống, bất cứ người qua đường nào đã dừng chân tại một ngôi nhà có thắp nến trên cửa sổ đều được chủ nhà mời ăn tối và một chỗ để nghỉ đêm. Một ngày sau ngày lễ Giáng sinh, cũng là ngày quốc lễ của Ai-len., các chàng trai trẻ, được coi là các con chim hồng tước đi từ nhà này sang nhà khác, ca hát và mang theo một chiếc gậy dài có gắn cây nhựa ruồi. Cây nhựa ruồi được coi là nơi trú ẩn của chim hồng tước, biểu tượng của Thánh Stephen.  

Người Ai-len. tổ chức tiệc sum họp đêm Giao thừa và bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên và những người thân đã khuất. Trong bữa tiệc năm mới, sẽ có một chỗ trang trọng dành cho người thân đã khuất về dự tiệc và mở rộng các cánh cửa trong nhà.

Đêm Giáng sinh, người dân Ai-len dùng bánh mì đập vào tường và cửa ra vào của ngôi nhà. Họ tin rằng điều này sẽ mang lại may mắn và xua đi những rủi ro, xui xẻo trong năm mới. Những cô gái độc thân ở Ai-len sẽ đi ngủ với một cây tầm gửi đặt ở dưới gối. Theo phong tục, vào thời khắc chuyển giao giữa hai năm, điều này sẽ mang đến tình duyên cho họ trong năm mới và giải thoát họ khỏi những điều kém may mắn.

Ngoài ra, người Ai-len chú ý tới nhân vật “xông nhà” đầu năm. Nếu đó là một người đàn ông vạm vỡ, khỏe mạnh, năm mới hứa hẹn sẽ may mắn, thành đạt. Còn nếu xông nhà là một người phụ nữ tóc đỏ hoặc vàng, năm đó sẽ là một năm đau buồn và không may.

Ông Colm Pierce

Phóng viên: Được biết, ông đã có 8 cái Tết ở Việt Nam. Ông có thể cho biết những cảm nhận của ông về Tết Việt?

Mr Colm Pierce: Tôi đã ở và ăn Tết Việt Nam được 8 năm, mỗi cái Tết thực sự là thời khắc thú vị để trải nghiệm những khía cạnh của lịch sử, truyền thống và văn hóa Việt Nam. Tôi cũng may mắn từng được ăn Tết ở Hà Nội, ở Quản Bạ, Hà Giang và ở Bắc Ninh. Tôi ấn tượng nhất với Tết của người Dao ở Quản Bạ, Hà Giang. Phong tục đón năm mới ở Việt Nam và Ai - len cũng có một số tục lệ giống nhau, đó là tục đi lễ chùa, đi nhà thờ; tục quét dọn nhà cửa và các gia đình gặp nhau mừng năm mới. Điều đặc biệt khác nhau giữa Tết Việt Nam và Ai-len là về thời gian. Ở Ai-len, chúng tôi chỉ có môt ngày nghỉ và ngày đó không quá đặc biệt. Thường thì chúng tôi tổ chức 1 bữa tiệc nhỏ trước thời khắc bước sang năm mới. Còn ở Việt Nam Tết kéo dài hơn nhiều và mọi người cũng chuẩn bị nhiều thứ hơn, từ chuẩn bị trang hoàng nhà cửa với những cành hoa đào đến việc gói bánh chưng… Đặc biệt mỗi ngày Tết đều có sự khác biệt, ngày đầu thường quây quần bên gia đình, ngày thứ 2 thì đi chúc Tết bạn bè, rồi đi lễ… Điều này không có ở nơi tôi sinh ra. Tôi cảm nhận được không khí lễ hội của gia đình và cộng đồng ở Tết Việt Nam. Ai trông cũng vui và thoải mái hơn thường ngày.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Quỳnh Hương

(thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Top