Tết cổ truyền xưa và nay của người Dao ở Yên Bái

Nhìn chung các nhóm- ngành người Dao Đỏ, Dao Quần Trắng, Dao Quần Chẹt và Dao Tuyển ở Yên Bái đều ăn Tết cổ truyền như đại gia đình các dân tộc ở Việt Nam, từ mùng 1 đến mùng 3 Tết tháng Giêng. Điểm khác là từ 24 đến 29 tháng Chạp, các gia đình trưởng tộc tổ chức ăn Tết năm cùng tập thể dòng tộc huyết thống, để cho phép các nhà “lều” được ăn Tết năm cùng. Trong khoảng thời gian này, đồng bào khá bận rộn chuẩn bị mọi thứ cho ngày Tết tiếp theo của năm mới như: gạo, thịt, củi đóm… vệ sinh, trang trí nhà cửa ngăn nắp. Đặc biệt nhất là sắm quần áo mới để diện trong nghi lễ, đón xuân và du xuân trong những ngày Tết.

Với người Dao, đã là thông lệ, trở thành tập tục, vào tối 30 Tết, mọi người trong gia đình đều phải thay phiên nhau tắm lần cuối cùng trong năm.Ngày 30 Tết, nhà nào cũng phải tắm có ý nghĩa giũ sạch bẩn thỉu, xấu xa của năm cũ để bước vào năm mới sạch sẽ. Các loại bánh thường cúng và ăn trong những ngày Tết là bánh dầy, bánh chưng dài và bánh rán là chính và hình như hợp khẩu vị với đồng bào hơn- có lẽ điều này cũng xuất phát từ tập quán ăn nóng của đồng bào.

Trên bàn thờ năm nào cũng chỉ cắm hoa cây dó, hoa mào gà, cắt mỹ thuật hoa lá cành xanh đỏ, tím vàng bằng giấy dó, đỏ đèn liên tục, trong chén lúc nào cung có nước và rượu, hương đốt liên tục.

Tất cả quần áo, đồ dùng trong ngày Tết đều phải lấy sẵn ra ngoài từ trước đêm Giao thừa. Nếu thứ gì quên không lấy ra, ngày Tết sẽ không được lấy ra. Cả 3 ngày Tết đều phải kiêng không được mở rương hòm, có như vậy, cả năm làm được gì thì sẽ giữ được, đồng bào vẫn tin như thế. Trước hết, người ta sẵn sàng san sẻ, giúp đỡ nhau để cùng đủ đồ ăn Tết, nhưng trong 3 ngày Tết không bao giờ cho ai thứ gì ngoài mừng tuổi trẻ con và mời ăn uống tại nhà.

Chiều 30 Tết nhà nào cũng lập đàn cúng (đơn giản) gà luộc, thịt lợn luộc, bánh dầy, rượu, nước để lên ban thờ, mời gia tiên, các thần linh … về ăn Tết cùng con cháu.

Tối 30 Tết “tầm nhiẳng muôn” nam giới các gia đình đến nhà trưởng tộc để đọc sách và “Hộ lạp miên” tập múa cho ma (trong các lễ lớn, cấp sắc,  Tết nhảy… đều có nhảy múa, vì vậy lớp trẻ mới lớn phải tập luyện, để nhảy múa trong dịp này, còn các cụ thì đọc bài cúng) tại nhà tộc trưởng, nhà thờ tổ được trang trí bằng các hình hoa giấy, có đàn cúng, đốt hương thơm, con cháu, anh em cả tông tộc đến, người đánh trống, thổi kèn, người hát, người múa (mỗi người múa đều cầm một nhạc cụ ở tay: chuông, chũm chọc hoặc “Háp chảo” tất cả nhạc-hát-múa đều tồn tại theo tính cổ truyền, chưa được phép cải biên, chỉ kế thừa nguyên vẹn từ thế hệ này sang thế hệ khác, bằng hình thức tập múa này, lễ được tổ chức vào đêm cuối năm và kéo dài đến hết Tết).

Tập tục “hộ lạp miên” bao hàm nhiều ý nghĩa, mục đích trước hết người biết múa, hát dạy cho người chưa biết, mà chủ yếu là thế hệ trẻ, rồi đến phục vụ gia tiên và các thần linh vui trong ngày Tết, sau nữa là một tục vui xuân rất sôi nổi, trẻ trung, lành mạnh, lại vừa mang tính giáo dục về đoàn kết huyết thống cộng đồng.

Lễ “Hộ lạp miên” thực sự là sân khấu dân gian độc đáo, về và đi chơi rồi lại quay về sàn múa-hát.

Gần đến Giao thừa, lễ khai mạc “Lạp miên” cũng tạm dừng, mọi người trở về nhà chuẩn bị đàn cúng đón Giao thừa, ngay trong đêm Giao thừa hoặc lúc 4-5 giờ sáng có tục thay nước mới đầu năm ở bàn thờ tổ tiên. Khi thay thường đem tiền ma ra máng nước lần của nhà “mua” nước mới về thờ và dùng cả năm. Đêm Giao thừa không đốt pháo mà bắn ba phát súng kíp hoặc ba phát nỏ theo hướng đã định. Phút Giao thừa vừa điểm. Ông chủ nhà lại đốt hương, khấn tụng gia tiên, bàn vương và các thánh thần về ăn Tết  và phù hộ cho con cháu. Tất cả nam giới trong nhà từ nhỏ đến lớn đều tập trung trước bàn thờ bái lạy tổ tiên, thần thánh 12 bái, khấn tụng xong thì đốt tiền ma… sau đó quây quần ăn uống vui vẻ, thanh niên được người già giở sách ra dạy học chữ Hán.

Từ đêm Giao thừa cho đến hết ngày mùng Một, họ kiêng không ăn rau mà chỉ ăn cơm, thịt, bánh dày…

Đồng bào cũng có tục nhờ người “xông nhà” từ đêm Giao thừa cho tới hết sáng mùng 1 Tết.

Sáng sớm mùng Một Tết, mọi người trong nhà lại dậy sớm luộc gà, nấu cơm, nước, lập đàn cúng. Mỗi sáng sớm ngày Tết, tất cả nam giới trong gia đình xếp hàng trước bàn thờ bái 12 bái. Bữa cơm sáng mùng một Tết rất vui vẻ.

Trong những ngày Tết, họ kiêng những người có tang, phụ nữ mới đẻ hoặc mới cưới đến nhà, kiêng nói to… không nói tục, nói bậy, không nói đến những điều không hay như ốm đau, mất mát … chỉ được nói những lời hay, ý đẹp, những điều may mắn tốt lành: làm ăn phát đạt, gà vịt đầy sân, trâu, ngựa đầy chuồng, thóc, ngô đầy bồ … người ta còn kiêng nói lóng đòi nợ.

Sau khi xong xuôi các thủ tục ở gia đình, mỗi nhà một người nam giới, thành một đoàn đi chúc Tết tất cả các nhà trong làng, họ mạc trang phục truyền thống, đầu vấn khăn người già đi trước, người trẻ đi sau, đến mỗi nhà, chủ nhà chủ nhà ra đón. Đoàn chúc Tết đều vào đứng trước bàn thờ-chủ nhà lên giọng cúng trước bàn thờ - cúng, chúc cho đoàn, đoàn bái 12 bái. Chủ nhà bắn 3 phát súng kíp chỉ thiên để chào mừng đoàn, sau khi xong, chủ nhà mới rót rượu, lấy thuốc lào và rượu chúc tết cho đoàn được gọi là rượu đối vì khi uống người ta chạm chén và chúc mừng nhau.

Khi đã chúc tụng xong trong làng, các chàng trai chưa vợ tập trung lại một nơi nào đó (nếu trời quang mây tạnh thì chọn bãi đất bằng phẳng, rộng, nếu trời mưa thì ở trong một nhà nào đó rộng rãi) tổ chức thi múa hát, họ chọn ra một chàng trai hát hay, múa đẹp, tốt bụng, đẹp trai của năm và suy tôn là “chàng trai vàng” “Miền tòn chiêm”.

Các thiếu nữ cũng tập trung lại thành từng tốp ngồi quay vào nhau, vừa hát, vừa thêu hoa trên những mảnh vải chàm. Họ chọn ra một cô thêu đẹp, hát hay, xinh đẹp, giỏi công việc cả năm, suy tôn là cô gái bạc “sịa tòn nhàn bẹ”.

Nếu chàng trai vàng và cô gái bạc ưng nhau, họ sẽ được kết duyên tạo thành đôi vợ chồng vàng - bạc đó là niềm vui, tự hào của “đôi vàng - bạc” cũng như của cả làng, họ đã chọn được người ngoan - giỏi tượng trưng trong năm, tập tục này quả là mỹ tục của các làng Dao, tạo nên mỗi quan hệ tốt đẹp giữa người với người, sự gắng sức vươn lên của mỗi thành viên trong cộng đồng. Mỹ tục này không chỉ lựa chọn ra “đôi vàng - bạc” mà chỉ là lý do để nhiều đôi khác cũng nên đôi, nên lứa từ đây.thật sự là một sự giao cảm tuyệt vời giữa mùa xuân của đất trời và mùa xuân của lòng người, sự giao cảm giữa nam và nữ.

Hết ngày mùng 3 cũng là hết Tết. Đồng bào làm cơm, chuẩn bị đồ lễ “tiễn”gia tiên và thả cái lười đi (rác của 3 ngày Tết) mang ra xa nhà và đốt, sau khi đốt xong đi về không được ngoảnh lại nhìn vì sợ cái lười lại theo người trở về nhà, từ đó con cháu xin phép bước vào một năm làm ăn mới.

Có nhà làm lễ “tiễn” vào buổi sáng, nhưng cũng có nhà làm lễ “tiễn” vào buổi chiều tuỳ gia chủ chọn giờ. Họ làm gà luộc, bánh chưng lập đàn cúng và đốt khá nhiều tiền ma, tự làm gấp từ giấy bản để tiễn gia tiên “tiễn” trong năm.

Vào tối mùng 3, tại nhà Trưởng tộc, nam giới dòng tộc đem lễ vật đến để tiễn tổ tiên chung và kết thúc lễ “hộ lạp miên”. Bốn người đàn ông biết múa hát lúc đầu lại múa hát bài “tiễn đưa” gia tiên, ông Trưởng tộc đốt hương, khấn tụng cảm tạ gia tiên, thần linh đã về vui Tết, vui “lạp miên” với con cháu, cầu mong gia tiên sang năm mới ở cõi âm được bình yên vô sự, phù hộ nhiều cho con cháu, họ tộc để “lạp miên” sang năm sẽ đông vui hơn, rồi xin phép kết thúc Tết, kết thúc lễ; cảm ơn bà con trong làng đã cùng anh em họ tộc vui “lạp miên” và hẹn “lạp miên” năm sau.

Cho đến nay, người Dao vẫn còn lưu giữ tập tục ăn Tết cổ truyền, nhưng lễ “hộ lạp miên” không được chú ý nữa, ở vùng thấp, sống xen cài các tộc người khác nên tập tục Tết cổ truyền ngày càng mờ nhạt mà có xu thế ăn Tết cổ truyền theo tập tục của người đa số. Lễ “lạp miên” họ đã và đang lãng quên. Ngày nay, đồng bào thường múa vào các dịp Tết nhảy hay lễ quá tăng. Khi hát múa bao giờ người biết cũng đi trước hoặc đứng giữa, để người đi sau hoặc xung quanh, người chưa thành thạo làm theo, người múa, chỉ trẻ em trai múa … Vì vậy, xong một lễ thì thêm nhiều người biết múa hát và điều khiển nhạc cụ… Nói là vậy, nhưng để trở thành một thầy múa, hát cũng không hề đơn giản, người tiếp thu nhanh nhất thì cũng phải mất 4- 5 năm mới có thể thành thạo được.

Ghi chép của Lý Kim Thoa

Top