Tết Ba Tư
Tết Ba Tư/ Năm mới Ba Tư/ Nowruz là một trong những lễ hội lâu đời nhất trên thế giới, tồn tại hơn 3 ngàn năm nay. Theo thời gian, Tết Ba Tư trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa truyền thống của nhiều dân tộc theo đạo Hồi. Ở một số quốc gia, Tết Ba Tư được công nhận là lễ hội quốc gia. Vào thời gian này, tất cả các thị trấn, làng mạc trên toàn cõi Ba Tư cổ xưa đều tổ chức các nghi lễ đón chào năm mới, đi đôi với các hoạt động lễ hội... Nowruz còn là một ngày lễ Hỏa giáo, có ý nghĩa quan trọng đối với các tín đồ Hồi giáo, nó cũng được tổ chức ở nhiều nơi khác nhau tại Tiểu lục địa Nam Á với đặc điểm là lễ hội đón chào Năm mới. Đồng thời, Nowruz cũng là một ngày linh thiêng của người Sufi, người Ismail, người Alawi, người Alevi, người Babi và các môn đồ Bahá'í, và là ngày nghỉ lễ chính thức tại nhiều quốc gia như: Afghanistan, Albania, Azerbaijan, Gruzia, Kosovo, Kyrgyzstan, Iran, Iraq, Kazakhstan, Mông Cổ, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan, người Kurd hải ngoại…
Việc chuẩn bị cho lễ Nowruz bắt đầu vào đầu tháng 3 với lễ gieo hạt giống các loại đậu, lúa mì và lúa mạch - những lương thực chính ở vùng Trung Đông, để cầu mong một vụ mùa tốt tươi trong năm mới. Tiếp theo đó là lễ quét dọn nhà cửa, rửa thảm, sơn lại nhà, quét sân trước và chuẩn bị đồ lễ. Theo quan điểm của Bái Hỏa giáo, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ đuổi được tà ma. Sau lễ gieo hạt giống và quét dọn nhà cửa là lễ mua sắm cho năm mới. Các thành viên trong một gia đình người Iran sẽ cùng nhau đến hiệu may đo đặt may những bộ quần áo, giày, mũ mới để diện trong dịp năm mới. Thức ăn và các đồ trang trí ngày Tết, nến và hoa quả cũng sẽ được mua trong thời gian này. Các bà nội trợ đảm đang sẽ chuẩn bị nhiều loại bánh mì, bánh ngọt, đồ ăn truyền thống phục vụ cho dịp đón năm mới. Sau khi mua sắm đầy đủ đồ dùng, vật dụng để đón Tết, các gia đình sẽ đến ngân hàng để rút một khoản tiền mang tính tượng trưng gồm những đồng xu hoặc đồng bạc giấy mới tinh để cầu tài, cầu lộc.
Xưa kia, Nowruz là lễ hội quan trọng nhất trong năm, được tổ chức trong vòng một tháng. Trong thời gian diễn ra lễ hội, thị trưởng của tất cả các thành phố thuộc đế quốc Ba Tư phải nhường quyền lãnh đạo thành phố cho người điều hành lễ hội và sáu đại biểu khác do người dân bầu chọn. Tuy nhiên, cùng với thời gian, đặc biệt là sau khi Iran rơi vào tay người Ả Rập, những kẻ thống trị mới không muốn dân bản địa nắm quyền dù chỉ trong hoạt động lễ hội nên người điều hành lễ hội không còn vai trò quan trọng như trước mà bị đổi thành một nhân vật vui nhộn, gây cười, được đặt tên là Haji Firuz - một chú hề bôi mặt đen, mặc quần áo đỏ, đeo trống cơm và hát vang bài ca “Haji Firuz, chỉ một lần trong năm!”. Mọi người sẽ tụ tập quanh những chú hề đó cùng với đoàn tùy tùng của anh ta để nghe những điệu nhạc và tiếng trống náo nhiệt đón chào năm mới. Những người chơi nhạc hay nhất sẽ được nhận các cơn mưa đồng xu mới tinh từ đám đông khán thính giả. Đối với những gia đình Iran giàu có, họ thường mời các Haji Firuz chuyên nghiệp về trình diễn tại nhà riêng để vợ và các con gái - những người không được chen chúc trong đám đông ngoài phố, có thể xem các Haji Firuz biểu diễn.
Những phụ nữ trong trang phục truyền thống nhảy múa ăn mừng Lễ hội mùa xuân Newroz
Các nghi lễ Nowruz chính thức bắt đầu vào buổi tối thứ Tư cuối cùng của năm cũ. Bắt đầu buổi tối sẽ có bắn pháo hoa và mọi người chuẩn bị một bữa tiệc long trọng, sau đó, lễ nhảy qua lửa sẽ được tiến hành. Các gia đình sẽ ngồi quây quần quanh đống lửa lớn và những thanh niên can đảm nhất sẽ nhảy qua đống lửa đó. Hành động này được coi như là một lời chúc phúc đến toàn thể thành viên trong gia đình. Họ cũng cùng nhau ăn trái cây, các loại đậu và kể cho nhau nghe những câu chuyện đến tận đêm khuya, những câu chuyện này thường in đậm trong tâm trí của tất cả các thành viên tham dự. Sau khi tàn tiệc, lửa tắt, đống tro - biểu tượng của mùa đông lạnh lẽo cùng những điều xui xẻo, sẽ được gom lại, mang ra khỏi nhà và chôn sâu ở ngoài cánh đồng. Người được giao trọng trách đảm nhiệm công việc này sau khi hoàn thành việc được giao, trở về nhà và thực hiện nghi thức truyền thống, đó là họ sẽ gõ cửa, hỏi đáp một đoạn đối thoại quen thuộc: - Ai đấy?; - Tôi đây.; - Bạn từ đâu đến?; - Từ một đám cưới.; - Bạn mang theo gì?; - Hạnh phúc và niềm vui. Sau đó, cửa mới được mở và người báo tin được phép vào nhà. Đoạn đối thoại này sẽ được lặp đi lặp lại ở tất cả các gia đình, sau khi có người đi chôn tàn tro của đống lửa ở bữa tiệc nhảy qua lửa.
Trong những ngày chính thức diễn ra lễ hội, mỗi gia đình đều chuẩn bị một bàn lễ Haft Sin, gồm bảy lễ vật đều bắt đầu bằng chữ “S”. Đây là một truyền thống lâu đời không thể thiếu. Những vật phẩm trên bàn tượng trưng cho bảy sáng tạo của thượng đế và những vị thần bất tử bảo vệ chúng. Haft Sin thay đổi theo thời gian nhưng vẫn giữ nguyên ý nghĩa tượng trưng truyền thống. Mọi gia đình đều cố gắng bày biện một bàn Haft Sin đẹp nhất có thể bởi nó không chỉ mang ý nghĩa tinh thần và truyền thống mà còn là nơi để khách khứa đến nhà chiêm ngưỡng vào ngày lễ. Bảy vật phẩm bắt đầu bằng chữ “S” được đặt lên bàn Haft Sin gồm: Sabzeh - các hạt lúa mì, lúa mạch hay đậu được trồng trong một cái đĩa, tượng trưng cho sự tái sinh; Samanu - một chiếc bánh ngọt làm từ lúa mì non, tượng trưng cho sự sung túc; Senjed - quả nhót đắng khô tượng trưng cho tình yêu; Sir- tỏi tượng trưng cho thuốc; Sib - táo tượng trưng cho sức khỏe và sắc đẹp; Somaq - quả sumac tượng trưng cho mặt trời mọc; Serkeh - giấm tượng trưng cho tuổi tác và sự kiên nhẫn. Vào thời điểm giao thừa, tất cả các thành viên gia đình tụ tập quanh bàn Haft Sin, mặc quần áo mới và nắm trong tay những đồng xu mới tinh, sáng bóng để cầu may, cùng nhau chứng kiến một quả trứng xoay trên tấm gương để trên bàn, cùng reo hò, ôm hôn nhau và chúc mừng năm mới. Sau đó, cả gia đình sẽ cùng đi thăm họ hàng, người thân. Các buổi lễ trong chuỗi các sự kiện lễ hội của lễ Nowruz kết thúc vào ngày thứ 13 của tháng thứ nhất trong năm mới theo lịch Ba Tư. Trong ngày này, mọi người kết thúc các hoạt động lễ hội, và từ ngày thứ 14 trở đi, mọi người quay trở lại công việc thường nhật.
Nowruz được coi là lễ hội còn lưu lại được nhiều nét đẹp truyền thống nhất trong một xã hội đang thay đổi từng ngày, từng giờ. Năm 2010, UNESCO đã ghi danh Nowruz vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ hội mừng năm mới/Tết Ba Tư/ Nowruz có sự giao thoa văn hóa giữa phương Đông và phương Tây, cho thấy sức sống và những giá trị tinh thần trường tồn của xứ sở nghìn lẻ một đêm.
Thu Hà