Tâm linh và sức khỏe

Từ lâu trong lịch sử nhân loại người ta đã nói đến việc thực hành các hành vi dựa trên niềm tin rằng những tác động nào đó về phương diện tâm linh có tác động ở những mức độ khác nhau đến sức khỏe của con người. Dân tộc nào cũng vậy, dù ngày nay đã đạt tới trình độ văn minh cao hay đang ở những trình độ bán khai đều ít nhiều tích lũy được các kinh nghiệm trong thực thi các nghi lễ của các thầy cúng, thầy phù thủy chữa bệnh cho con người bằng các phương pháp phi y học. Ngày nay, trong những xã hội văn minh không ít trường hợp người ta vẫn tìm kiếm các cách chữa bệnh như vậy hay vừa chữa bệnh bằng y học vừa kết hợp với chữa bệnh bằng cúng lễ với tinh thần “có bệnh thì vái tứ phương”, “còn nước còn tát” !

Các vị thầy lang dân gian chữa bệnh bằng phương pháp phi y học này đều có quan niệm rằng con người do hành động nào đó của mình vô tình hay hữu ý đã “xúc phạm” tới các thần linh và bị các ngài quở phạt buộc phải làm lễ để “tạ lỗi” các thần linh. Trường hợp khác là bị các “ma quỷ” thâm nhập vào cơ thể gây ra bệnh tật phải làm lễ để thầy phù thủy cao tay “xua đuổi” chúng. Cũng phải nói thêm rằng, theo truyền thống đạo giáo dân gian, các thầy cúng thường kết hợp cúng lễ với cho thuốc bằng thảo mộc hay khoáng chất nào đó, làm tăng thêm hiệu quả của chữa bệnh bằng phương pháp chữa bệnh mang tính kết hợp này.

Tục đi chùa cầu sức khỏe của người Kinh (Ảnh: TL)

Tất nhiên, trong ký ức dân gian của mỗi cộng đồng đã từng ghi nhận những thất bại hay thành công của cách chữa bệnh bằng tác động tâm linh. Dân gian cũng có sự phân biệt giữa hai loại bệnh “bệnh âm” và “bệnh dương”, trong đó “bệnh âm” thường phải chữa bằng tác động tâm linh mới khỏi, còn “bệnh dương” thì như có lần tôi đã được chứng kiến, thầy cúng từ chối con bệnh đến yêu cầu chữa vì họ cho đó là “bệnh dương”, mà loại này, theo họ phải đến bệnh viện y học thì mới khỏi.

“Bệnh âm”, theo quan niệm dân gian là loại bệnh do sự tác động của một lực lượng siêu nhiên (thần thánh, ma quỷ...) khiến cho cho người bệnh phải đau ốm, do vậy thày cúng, thày phủ thủy phải đoán xem người bệnh do lực lượng siêu nhiên nào tác động gây bệnh và sau đó áp dụng các biện pháp nào để chữa chạy. Nếu bị thần thánh quở phạt thì phải làm lễ xin tạ tội, còn nếu bị ma tà thì phải dùng các biện pháp mạnh tay để xua đuổi trừng trị, như dùng các bùa của Đức Thánh Trần để áp đảo chúng hay dùng các loại vũ lực, như dùng roi dâu để đánh phạt, vì theo quan niệm dân gian cây dâu hay roi dâu là loại cây mà ma tà rất kỵ. Các cách nhận biết và chữa bệnh kiểu này rất đa dạng, phụ thuộc vào mỗi địa phương, dân tộc, những đặc điểm về niềm tin tôn giáo...

Lễ cầu an thường bắt đầu tại nhà Rông của đồng bào Ba Na quy tụ toàn bộ người dân trong buôn làng. (Ảnh: TL)

Các cách chữa bệnh hay thờ cúng trên rõ ràng là dựa trên một quan niệm ít nhiều mang tính hoang đường, tức là quan niệm không dựa trên cơ sở xác định mang tính khoa học của xã hội đương đại. Đó là quan niệm thừa nhận có sự tồn tại của lực lượng siêu nhiên, mà trên thực tế hoặc là nó không bao giờ tồn tại hoặc là hiện tại loài người chưa có được cách thức khoa học để nhận biết được sự tồn tại của các lực lượng siêu nhiên đó. Trong tình trạng còn tù mù về nhận thức như vậy, thì trong ký ức của người dân ở nơi này hay nơi kia người ta vẫn ghi nhận những kết quả của cách chữa bệnh thông qua các thực hành tâm linh. Chính tình trạng “nước đôi” về nhận thức và thực hành nghi lễ như vậy vẫn nuôi dưỡng những niềm tin mang tính tín ngưỡng trong dân gian mà khoa học hay cách nhận thức lý tính khó có thể xóa bỏ được.

Thầy cúng làm lễ đuổi tà ma xung quanh ngôi nhà mới để gia chủ luôn khỏe mạnh, may mắn trong “xo dung” của người Pa Cô. (Ảnh: Tạ Nguyên)

Cũng có thể có cách nhìn nhận khác về vấn đề phức tạp và nhạy cảm này. Theo quan niệm phương Đông,  sự tồn tại của vũ trụ, con người, quan hệ tương tác của chúng đều quy về quan niệm âm dương, sự cân bằng hay mất cân bằng âm dương. Người xưa quan niệm con người là một “tiểu vũ trụ” cũng chịu sự tương tác ấy. Theo đó, bệnh tật phát sinh chính là sự mất cân bằng âm dương, do vậy chữa bệnh cho bệnh nhân tức là phải xác lập lại sự cân bằng âm dương ấy. Mà muốn xác lập lại cân bằng âm dương trong cơ thể, thì có nhiều cách, dùng thuốc (Đông y hay Tây y), ăn uống thức ăn mà trong thức ăn đó chứa đựng các nhân tố có thể giúp cân bằng âm dương trong cơ thể hay giữa cơ thể và môi trường. Và còn có một cách thức khác không kém phần quan trọng để góp phần xác lập cân bằng âm dương, đó là tác động tinh thần, tâm sinh lý người bệnh bằng con đường tâm linh, bằng niềm tin tín ngưỡng. Chính cách tác động tâm linh, tín ngưỡng này tuy nó rất siêu hình nhưng nhiều khi nó có tác động mạnh hơn cả tác động của vật chất.

Bởi thế, trong sự hữu hạn của sự nhận thức của con người trước sự mênh mông và vô hạn của thế giới thì khôn ngoan hơn cả vẫn là để ngỏ mọi khả năng, hơn là quy mọi đúng sai vào sự hữu hạn của tri thức con người hiện tại.

Hải Hà

Top