1. Tối ngày mồng 8 tháng 9 năm 2012, khán giả truyền hình cả nước đã trực tiếp quan sát cảnh lực lượng công an, biên phòng tỉnh Quảng Ngãi được huy động để bảo vệ vùng cửa biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, khi những ngư phủ ở đây và phụ cận đang hút cát để đào phá trái phép cổ vật trong một con tàu cổ bị đắm. Ngay sau đó, lực lượng văn hóa của tỉnh Quảng Ngãi đã vào cuộc, với những công văn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản Văn hóa, cử cán bộ chuyên môn vào xem xét và xin được khai quật khẩn cấp, khi khu vực con tàu cổ bị đắm đang hàng ngày bị tấn công trái phép, cho dù lực lượng bảo vệ ở đây đã được thường trực ở cả trên bờ và dưới biển 24/24h.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn cho phép tỉnh tổ chức khai quật khẩn cấp, nhưng với thái độ thận trọng của UBND tỉnh Quảng Ngãi, nhằm lựa chọn những đối tác có kinh nghiệm khai quật khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam, phối hợp với các nhà khoa học để thực hiện công trình khai quật này có hiệu quả, đảm bảo tính khoa học, theo đó công việc xem xét hồ sơ năng lực đã được giao cho một hội đồng gồm 9 thành viên do Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm Chủ tịch Hội đồng. Sau khi lựa chọn được đối tác, trước khi khai quật khẩn cấp, công việc khảo sát phải được tiến hành, nhằm xác định chính xác tọa độ của con tàu đắm, quy mô và kích thước của con tàu, độ dày che phủ của bùn cát trên con tàu, khí hậu và dòng chảy nơi con tàu bị đắm... để có kế hoạch sát thực, khả thi cho công tác khai quật sau này. Một phương án thăm dò, khai quật khẩn cấp đã được xây dựng và đang được bổ sung. Một Ban chỉ đạo khai quật và Ban khai quật đã bước đầu hình thành đang chờ Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Công tác bảo vệ hiện trường vẫn đang được thực hiện nghiêm ngặt, nhưng thời tiết mùa gió chướng gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng bảo vệ, khi mà ngư dân địa phương lại quá quen thuộc luồng lạch vẫn ngày đêm đe dọa con tàu cổ.
Quang cảnh "Eo biển Vũng Tàu" hiện nay ở Bình Châu. (Ảnh: TL)
Biển chỉ còn êm chưa đầy một tháng. Không biết việc khai quật khẩn cấp có thể thực hiện được, còn chờ vào kết quả khảo sát thăm dò? Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có phương án cho thời gian kéo dài và đợi chờ mùa gió thuận. Mọi nỗ lực đã được huy động, nhưng chắc chắn còn vô cùng gian nan, dù cho thông tin bước đầu về con tàu là vô cùng hấp dẫn.
2. Đến hiện trường, chúng tôi được ngư dân vớt lên ở dưới biển và cho xem một số đồ gốm sứ bị vỡ - do những kẻ trộm cắp bỏ lại. Vết vỡ còn mới tinh, chứng tỏ những kẻ đào phá vô cùng tàn bạo, dùng xà beng cậy, khi chúng còn thành hàng lớp trong khoang hàng hóa con tàu. Đồ gốm sứ ở đây chủ yếu là bát celadon màu xanh ngọc và ô liu, chậu nông lòng men nâu da lươn, đĩa men trắng in nổi song ngư, bạc khẩu. Số lượng ít ỏi, loại hình đơn điệu chỉ cho chúng tôi cảm nhận, đó là hàng hóa được sản xuất từ các lò gốm cổ Trung Hoa.
Ngày 14 tháng 9 năm 2012, chúng tôi được tiếp xúc với một bộ sưu tập lớn hơn, do công an và bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi thu được trong đó có những chiếc bát celadon có dáng lồng bàn có màu xanh ngọc và ô liu, đường kính chủ yếu 18-20cm, trôn bát thô và để mộc, trang trí trong lòng hoa văn in: hoa sen, hoa cúc, người vật nhau… Một chiếc đĩa celadon, đường kính 33 cm bị vỡ, sâu lòng, miệng lợi chậu, trôn mộc, ở giữa có men dầy. Thành trong đĩa trang trí hoa cúc nổi, giữa lòng là cành hoa in chìm. Trong số những đồ gốm celadon, có 3 chiếc lư hương nhỏ, dáng hình trụ có 3 chân quỳ, màu ngọc ngả tím, phủ trên toàn bộ khí vật. Loại hình và màu men này khá đặc trưng và mang tính thời đại trong phổ hệ gốm sứ Trung Hoa.
Khai quật tàu cổ đắm ở Bình Châu-Bình Sơn (Ảnh: TL)
Ngoài men ngọc, gốm men nâu da lươn ở đây cũng rất phổ biến, chủ yếu là bát và chậu nông lòng, đáy và thân ngoài không tráng men. Đĩa men trắng, miệng bạc khẩu, giữa lòng in nổi 2 con cá chép ngược chiều nhau, là loại hình phổ biến của gốm sứ thời Tống - Nguyên Trung Quốc, nhưng trong phả hệ gốm sứ chính thống của Trung Hoa, chất lượng của chúng cao hơn nhiều. Men trắng ở đây có chất lượng thấp, kỹ thuật tạo tác và nung kém, rất có thể thuộc sản phẩm của lò gốm phía Nam Trung Quốc.
Đặc biệt, trong sưu tập có 11 chiếc chậu men nâu dính nhau, trong đó có cả những đồng tiền cháy, không đọc được niên hiệu. Đây là vật chứng khẳng định trước khi con tàu đắm nó đã bị hỏa hoạn. Nguyên nhân của sự hỏa hoạn cần chờ kết quả khai quật.
3. Thông tin báo hình, báo mạng, báo viết cho đây là con tàu có niên đại thời Minh, Trung Quốc, thế kỷ XV, qua nhận định của một số người sưu tầm. Tuy nhiên, căn cứ vào đồ gốm sứ, đặc biệt là đồ gốm celadon với những chiếc bát, đĩa, lư hương mang đặc trưng về kiểu dáng, phong cách và kỹ thuật, thì niên đại chiếc tàu này thuộc thế kỷ XIV mới hợp lý. Những tiêu bản gốm sứ này khá tương đồng với những di vật mà chúng tôi khai quật được trong các ngôi mộ Mường ở Hà Tây và Hòa Bình. Chúng cùng giống với những đồng loại tìm thấy trong lớp văn hóa có niên đại này ở nhiều di chỉ khảo cổ lịch sử Việt Nam. Chúng cũng là đồng loại đã được các nhà gốm sứ Trung Quốc và thế giới từ lâu xếp vào khung niên đại thế kỷ XIV.
Cổ vật tìm thấy trong tàu cổ đắm ở Bình Châu - Bình Sơn (Ảnh: TL)
Nhận định này của chúng tôi còn được sự trợ giúp của sưu tập tiền đồng, do anh Trương Hữu Truyền ở thành phố Đà Nẵng cung cấp với khoảng 3kg, mua được từ con tàu này. Tất cả đều là tiền thời Tống (Hy Nguyên thông bảo, Hoàng Tống thông bảo, Nguyên Phong thông bảo). Cửa biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, năm 1999, đã phát hiện được một con tàu đắm, có chứa nhiều hàng hóa và vật dụng của thủy thủ đoàn. Đó là đồ gốm sứ celadon, đồ gốm sứ xanh trắng, tượng đá, ấm và đĩa đồng... một số hiện vật đang được lưu giữ trong Bảo tàng tỉnh và niên đại của chúng thuộc thế kỷ XVI - XVII. Không chỉ có 2 con tàu, biển Bình Châu còn rất nhiều báo dẫn về tàu đắm, chứng tỏ nơi đây là một cửa biển quan trọng của quốc gia Chăm Pa và sau này là của Đại Việt. Cửa biển ấy có thể là một hải cảng, một điểm dừng chân của những thương thuyền trên hải trình đến những vùng đất xa xôi. Vùng biển ấy đã được chính sử vinh danh mà địa thế giờ đây vẫn còn đọng lại của một thời vàng son, nay đã dần mất vị trí do cát bồi đắp 6, 7 thế kỷ đã qua.
4. Bước đầu tiếp xúc với sưu tập gốm nhỏ nhoi trong con tàu Châu Thuận Biển, ngoài đồ gốm celadon quen biết, cũng còn có một số đồ gốm men trắng và men nâu khá lạ lẫm trong phức hợp gốm thương mại Trung Hoa tới Việt Nam, rất cần được tìm hiểu xuất xứ, nguồn gốc. Việc khai quật để nghiên cứu toàn diện, kỹ càng con tàu và đặc biệt là xuất xứ đồ gốm sứ là vô cùng có ý nghĩa, vì đối với người Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung, đồ gốm sứ xuất khẩu Trung Hoa trước thế kỷ XVIII còn là một ẩn số, mà bí mật con tàu này phải chăng sẽ là một trong những giải đáp cho ẩn số ấy?
TS Phạm Quốc Quân - TS Nguyễn Đình Chiến