Suy nghĩ về sân khấu hóa trong Lễ hội hôm nay

Thuở xưa, người Việt cổ đã tổ chức nhiều lễ hội mang màu sắc dân tộc khá rõ nét. Mỗi vùng miền đều có những lễ hội rất khác nhau, tùy thuộc vào quan niệm triết học về thực tại và tâm linh gắn với quan hệ dòng tộc, dòng họ, xã hội mà có những hình thức và nội dung lễ hội cũng khác nhau.

Trong thực tế nhân dân ta tổ chức lễ hội rất bài bản, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, có nội dung cụ thể phản ánh tâm tư tình cảm của con người, qua đó làm cho họ bước vào cõi chân thiện mỹ một cách thoải mái và rất tự nhiên. Thực chất lễ hội ngày xưa cũng như ngày nay, suy cho cùng là con người đưa hoạt động lễ và hội hòa quyện vào nhau để tôn vinh trời, đất và chủ thể là con người vì thế ý nghĩa cụm từ “Thiên, địa, nhân” là nội dung chính của lễ hội. Người ta làm lễ tế trời là mong cầu thượng đế phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, hoa quả đầy vườn... Tế địa là đất linh thiêng, phù hộ cho cháu con bình an khỏe mạnh, học hành giỏi dang, địa có linh thiêng thì mới sinh ra nhiều người hào kiệt, giúp dân dựng xây bờ cõi và đất lành chim mới đậu, thiên và địa cùng giao hòa để mang lại hạnh phúc cho con người. Tế “nhân” là tôn vinh những người có công với nước với dân, đó là những anh hùng, hào kiệt, những vị Hoàng đế anh minh, những người tiền bối gia tiên dòng tộc, thần nhân huyền thoại. Tùy theo mức độ tính chất, ảnh hưởng của người đã khuất mà có quy mô và hình thức lễ hội khác nhau. Tất cả đó là nhằm mong cầu của người ở trần thế, thành kính đến tiên tổ phù hộ cho thế gian bình an, hạnh phúc, ấm no và qua việc tế lễ trong mối quan hệ “thiên, địa, nhân” cũng là người còn sống đang lao động sản xuất, học tập, người cầm súng bảo vệ tổ quốc, bày tỏ lòng thành kính, lời hứa, lời biết ơn sâu sắc đối với trời đất, tổ tiên sinh ra và nuôi dưỡng họ trưởng thành. Như vậy lễ hội truyền thống của ông cha ta đã tạo dựng hàng ngàn năm nay đều có hai phần đó là hội và lễ. Lễ là để làm công việc tâm linh thiêng liêng mang tính nghi thức thành kính tri ân và rất nghiêm trang thường là lời thỉnh cầu qua chúc văn kèm theo đó là lễ vật mặn hay hoa quả, hương, đèn,… theo một nghi thức truyền thống Việt. Sau phần lễ là phần hội, hội chính là người trần thế vui mừng trước sức mạnh siêu nhiên phù hộ, độ thế cho nhân dân hưởng phúc bình an, no ấm, phấn khởi, vui tươi bởi những bài hát, bài ca, điệu múa, trò chơi, trò diễn do quần chúng tạo ra,... Ở đâu có tích gì thì ở đó có trò chơi, trò diễn phản ánh sắc thái sự tích tại địa phương đó. Vì thế người ta mới nói một câu mang tính triết lý và hết sức thực tế “có tích thì phải có trò”, có nghĩa là chẳng hạn có anh hùng cầm quân đánh giặc giữ nước xảy ra trận chiến ở đâu và người anh hùng đó hy sinh chỗ nào thì ở đó nhân dân lập đền thờ tổ chức lễ hội tưởng nhớ công ơn họ tại nơi ấy.

Lễ hội Bà Chúa Kho – Bắc Ninh (Ảnh: TL)

Ngày nay kế thừa lễ hội truyền thống, nhân dân ta có nhiều đổi mới trong tổ chức lễ hội. Đó là phần lễ được trang trí nghiêm trang, tùy theo tính chất và nội dung mà có treo cờ Tổ quốc, cờ Đảng, chân dung lãnh tụ, khẩu hiệu... Diễn văn cũng ngắn gọn, súc tích, người đọc lời giới thiệu hay lời chào mừng hoặc diễn văn được các trang thiết bị âm thanh hỗ trợ nên nói chung các buổi lễ tăng thêm phần tôn vinh nghiêm trang. Phần hội cũng vậy, căn cứ vào tính chất nội dung, sự kiện của lịch sử mà phần hội cũng được cấu trúc thích hợp gọn nhẹ bởi có chương trình nghệ thuật sân khấu hóa. Sân khấu hóa là một thuật ngữ mới từ ý tưởng sáng tạo thực tiễn của các nhà đạo diễn, diễn viên tìm ra trong quá trình nghiên cứu lễ hội hiện đại gắn với truyền thống.

Trong thực tế, những năm qua nhiều loại hình lễ hội ra đời như lễ hội cung đình Huế, lễ hội tâm linh Phủ Na, Bà Chúa Kho, lễ hội đền Sòng, lễ hội đền Hai Bà Trưng, lễ hội đền Hùng và tiếp đó là các lễ hội gắn truyền thống với sân khấu hóa mang tính tổng hợp. Hiện nay người ta sử dụng loại hình lễ hội tổng hợp là có truyền thống, có sân khấu, nhạc kịch, múa, đạo cụ và lồng ghép qua phim ảnh,... là cách thức lễ hội đang phổ biến hiện nay còn nhiều vấn đề cần phải bàn. Nếu cứ cách viết kịch bản như vừa qua thì mấy năm nữa chúng ta sẽ có một mẫu hình kịch bản theo công thức toán học. Từ đó mà người ta chỉ việc xào xáo nấu nướng thêm mắm muối là từ kịch bản nơi này áp dụng cho nơi khác được mà vẫn tốn kém tiền nhuận bút kịch bản và còn cao hơn nhiều. Thực chất cách viết nội dung kịch bản là minh họa lịch sử, ví như là phải có cảnh nhân dân lầm than đói khổ bị thực dân phong kiến áp bức, đánh đập, sau đó có Đảng nhân dân vùng dậy đánh đuổi giặc thù, giành lại độc lập tự do rồi phất cờ hô khẩu hiệu... Một cách làm mà ai đó dự lễ hội cũng sẽ đoán được nội dung kịch bản và diễn xuất sẽ như đã từng biết. Thế rồi một lớp diễn viên với phục trang quần áo, mũ nón rách rưới màu xám xịt uốn éo có vẻ là khổ sở cơ cực, quay đi quay lại với điệu nhạc ảm đạm bi ai, ta oán thật là thảm thương biết chừng nào, sau đó là chiến thắng và cảnh tay vung cao, chân nhảy nhót hò reo, tung hô thắng lợi... Với cách diễn xuất như vậy đâu có rung cảm được ai mà trái lại người xem cảm thấy hình như giống đâu đó mà mình đã xem rồi, rất phản cảm.

Lễ rước bóng tại Lễ hội Đền Sòng - Bỉm Sơn - Thanh Hóa (Ảnh: TL)

Mấy năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến qua phim ảnh, truyền hình của nhiều quốc gia trên thế giới như Úc, Trung Quốc, Anh,... họ đã đổi mới rất nhiều về phương pháp và cách thức lễ hội, họ không hề có sự trùng lặp giữa lễ hội này với lễ hội khác, có chăng là phần diễn xuất mang tính phổ thông. Điều muốn nói ở đây là kịch bản có hay, hấp dẫn đến mấy, đạo diễn không có sự tìm tòi sáng tạo, chịu khó lắng nghe dư luận xung quanh để chỉ đạo chương trình thì lễ hội sẽ kém hấp dẫn. Thực tế cho thấy bên cạnh những lễ hội nghèo nàn, khô cứng chúng ta cũng gặp một số lễ hội của nhiều địa phương có những đổi mới đáng trân trọng. Những lễ hội diễn ra ở Nha Trang, biển Quảng Ninh, Huế là những nơi có nhiều sáng tạo trong phương pháp viết kịch bản, đạo diễn và dàn dựng chương trình. Qua đó mà để lại những ấn tượng đẹp cho du khách gần xa. Ở Thanh Hóa do việc học tập cách làm ở nhiều nơi trong nước và từ kinh nghiệm lễ hội Lam Kinh, lễ hội đền bà Triệu, Hàm Rồng chiến thắng, lễ hội đón nhận bằng Di sản Thành nhà Hồ đã thành công, đó là do khâu chuẩn bị kịch bản, dàn dựng đến tổng chỉ huy chương trình. Nhà văn Chu Lai là người viết kịch bản có nhiều ý tưởng hay, súc tích, cách dùng từ ngữ phù hợp với nội dung của lịch sử. Tổng Đạo diễn Nghệ sĩ nhân dân Mai Tư là người có nhiều kinh nghiệm chỉ huy các chương trình lễ hội ở Thanh Hóa nhất là sáng tạo các lớp, diễn viên đông người và thủ pháp biểu cảm nhân vật trong hành lễ, kịch, diễn xuất, ca múa nhạc trang trí và cả việc lồng ghép hình ảnh trên sân khấu. Việc Tổng Đạo diễn sáng tạo mang tính ước lệ và khái quát hóa cao trong việc khai thác đá An tôn xây thành với một không khí khẩn trương, dưới sự quản lý khắc nghiệt của quan lại Triều Hồ để đưa đá vận chuyển một quãng đường dài hàng ngàn mét, nặng hàng chục tấn lên cao 10m đã làm cho người xem cảm thấy khâm phục, kinh ngạc trước tinh thần lao động của nhân dân ta thời bấy giờ. Để tạo điểm nhấn từ một cách nhìn mới trong việc đánh giá công lao của Hoàng đế Hồ Quý Ly đối với việc chỉ đạo thi công thành đá Nhà Hồ, Tổng Đạo diễn đã đưa hình tượng bức tranh chân dung Hồ Quý Ly ẩn hiện trên sân khấu, người xem có thể cảm thụ được sự công bằng đối với lịch sử mà hậu thế hôm nay có được một di sản thế giới đáng trân trọng “Thành nhà Hồ”. Một vài ví dụ đó thôi cũng có thể khẳng định rằng việc xây dựng chương trình lễ hội hiện đại không thể không kết hợp nhiều ưu thế nghệ thuật mà khoa học và công nghệ tiên tiến mang lại để người viết kịch, đạo diễn, diễn viên có thể yên tâm sáng tác tạo các chương trình nghệ thuật sân khấu hóa vào lễ hội vừa mang sắc thái truyền thống vừa mang tính hiện đại.

Đoàn rước kiệu trong lễ Đền thờ Hai Bà Trưng - Mê Linh - Hà Nội (ảnh: TL)

Hiện nay, có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về lễ và hội truyền thống và sân khấu hóa trong lễ hội hiện đại nhưng tất cả những gì tồn tại trong ý niệm của con người trong xã hội không có gì đứng yên mà phải đổi mới để phát triển theo chiều hướng tích cực phù hợp với tri thức của nhân dân. Lễ hội là một phạm trù của lịch sử mà lịch sử biến đổi thì lễ hội cũng biến đổi theo để thích ứng với trình độ phát triển của con người. Tin chắc rằng, lễ hội Việt Nam ngày càng đổi mới, có kịch bản hay, đạo diễn và diễn viên tài giỏi, nghi thức chương trình lễ hội văn minh, có sức hấp dẫn mang tính nhân văn sâu sắc sẽ đáp ứng được lòng mong mỏi về một thẩm mỹ cao đẹp của công chúng trong nước và quốc tế.

Chí Tâm