Sức sống của Hội Gióng truyền thống và tiếp biến

Tiếp biến văn hoá là chuyện thường tình, có thể thấy ở khắp mọi nơi và mọi lúc đối với các nền văn hóa và các hiện tượng văn hóa. Văn hóa không bao giờ bất biến. Ở Hội Gióng cũng vậy. Hội Gióng xưa cũng có thay đổi và nay lại càng thay đổi. Mỗi sự thay đổi đều có nguyên nhân của nó.

Vào năm 1938, nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huyên đã ghi nhận được một chi tiết thú vị về tính linh hoạt trong cách ứng xử của Hội Gióng mà ít người nhận ra. Ông dự Hội năm 1937 và năm 1938 ông lại tham dự một lần nữa. Nhờ sự tỷ mỉ, cụ thể và tinh tế ông nhận ra rằng có 3 khúc hát mới do phường Ải Lao trình bày đã xuất hiện năm này (1938). Ông đã kể về bối cảnh của của sự thay đổi đó: Viên Tri huyện Tiên Du (làng Phù Đổng thuộc huyện này) năm trước cũng dự lễ hội này và cho rằng ca khúc đó không mấy giá trị, không xứng đáng với Đại linh được tôn thờ ở đây. Vừa hay người trợ tá của ông lại là một nho sĩ của nền cổ học. Thế là các quan chức trong huyện bấy giờ mới bắt tay vào việc sáng tạo ra bài thơ tám câu theo thể lục bát. Bài thơ được chuyển cho Phường Ải Lao hát. Các ca sĩ của Phường đã linh hoạt sử dụng lời mới, nhưng giữ làn điệu cũ. Trong bản tiếng Pháp, ông Huyên viết “Đoàn ca sĩ hát lên những bài ca đó theo nhịp vốn có của chúng bằng cách biến cải hai câu hát liên tiếp thành một đoạn ca 6 câu”(1). Đó là một trong những sự đổi mới của Hội Gióng mà giờ đây ta còn có tư liệu nhận biết được. Sự đổi mới này ngay từ thời đó đã theo nguyên tắc là cần được sự chấp nhận của cộng đồng mà ngày nay trở thành nguyên tắc quan trọng nhất trong bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Ta nghe ông Huyên nhận xét: “Ca khúc mới này đều được dân làng tiếp nhận nhiệt liệt. Chúng tôi đã hỏi nhiều người, các thân hào cũng như thường dân ở đây, về cách cải biên hợp thời của viên quan huyện thì mọi người đều tỏ ra ưng ý, tự hào là khác nữa”. Như vậy, cách đây hơn 70 năm, đã có những động thái làm mới Hội Gióng bằng việc sáng tác lời ca mới. Chưa đầy một thế kỷ sau, nó đã trở thành “truyền thống”.

(Ảnh: TL)

Chỉ trong vòng hơn nửa thế kỷ qua, Hội Gióng vẫn tiếp tục thay đổi đáng kể. 9 năm kháng chiến chống Pháp không tổ chức Hội. Hòa bình lập lại có tổ chức Hội 3 lần vào các năm 1956, 1957 và 1958. Sau đó chiến tranh chống Mỹ lại làm gián đoạn việc tổ chức Hội trong nhiều năm. Năm 1980 lần đầu tiên Hội được tổ chức lại nhưng chỉ là hội lệ, tức hội diễn ra không đầy đủ với chỉ một trận đánh ở Sòi Bia, không có Phù giá, không có Cô tướng… Đến khi khôi phục lại Hội (năm 1995 Hội chính) thì bối cảnh kinh tế, xã hội đã có nhiều thay đổi. Trước đây Hội được tổ chức 7 ngày với kịch bản rất chặt chẽ được ghi trong Sổ Hội(2). Nay với sự chỉ đạo của cấp trên, của ngành văn hóa, dân làng quyết định rút thời gian tổ chức xuống chỉ còn 3-4 ngày, kịch bản được cô đọng lại. Kịch bản Hội Gióng hiện nay (1998) là một kịch bản mới phù hợp với việc trình diễn trong 3 ngày(3). Với sự rút ngắn thời gian nhưng tính thiêng, tinh thần cũng như các hoạt động trình diễn của hội vẫn được bảo tồn. Về mặt xã hội, kịch bản mới cũng chú ý nhiều hơn đến tính bình đẳng cộng đồng. Trước kia việc phân công công việc của Hội do các giáp chỉ của 2 thôn đảm nhiệm. Nay giáp không còn vai trò nữa, cả xã có 4 thôn nay cộng đồng quyết định chia đều công việc cho cả 4 thôn cùng tham gia, mỗi thôn nhận một vai ông Hiệu (hiệu cờ, hiệu trống, hiệu chiêng, hiệu trung quân kèm với 2 tiểu cổ).

(Ảnh: TL)

Tuy nhiên chiến tranh, thời gian dài trôi đi, Sổ Hội của làng bị mất. Người ta dựng lại Hội theo trí nhớ của dân làng (1998). Tuy còn một số cụ tuổi trên dưới 80 tuổi nhưng đa phần lớp người tham gia lãnh đạo hay thực hành Hội cuối cùng đã ra đi nhiều. Có cái nhớ, có cái quên. Việc dân làng hiện nay giải thích và thực hành việc ông Hiệu Cờ phất cờ từ trái qua phải hay từ phải qua trái ở các trận đánh Đống Đàm hay Sòi Bia là theo trí nhớ của người dân hiện tại. Mỗi cách phất cờ ở mỗi trận đánh là một biểu tượng có ý nghĩa riêng. Những người thực hành Hội năm 1937 và 1938 có cách giải thích của mình. Những người thực hành Hội hiện nay sau khi khôi phục Hội lại có cách hiểu khác với cách hiểu của năm 1938. Có thể khi phục hồi Hội, dân làng đã không tiếp cận được những nguồn văn bản ghi chép về di sản của chính mình (Lúc đó bài về Hội Gióng của ông Huyên bằng tiếng Pháp vừa được dịch ra tiếng Việt và in - 1995 gần cùng thời điểm với việc lập ra Sổ lễ hội mới (1998) của làng, chắc chưa đến tay cộng đồng). Đây cũng là dịp để các truyền thống văn bản và truyền miệng được trực tiếp giao diện với nhau để tìm ra phiên bản đồng thuận. Những người làm công tác di sản cần cung cấp thông tin đầy đủ cho cộng đồng để mỗi người trong cuộc, chứ không chỉ là những người trong Ban Tổ chức, ban khánh tiết hoặc chấp sự, thực sự hiểu sâu sắc và đồng thuận về triết lý của mỗi trận đánh, mỗi kiểu phất cờ. Mọi chi tiết cần phải do chính cộng đồng tìm hiểu, bàn thảo, quyết định và thực hành.

(Ảnh: TL)

Là một kho tàng vô giá của các biểu tượng và hành động biểu trưng tiếp nhận không ngừng những nguồn ý tưởng mới, Hội Gióng chắc chắn còn chứa rất nhiều nhân tố của các lớp văn hóa khác nhau. Một chi tiết có lẽ khá gần đây, theo tôi, là việc các Cô Tướng tay cầm cờ trắng. Biểu tượng tướng giặc là nữ với những lần lui quân và thua trận là đủ. Không biết từ khi nào đã xuất hiện cờ trắng như một biểu tượng cho sự quy hàng trong Hội Gióng. Đó có phải là một “truyền thống” không? Nó cổ xưa tới mức nào? Theo tôi, đứng từ góc độ chủ thể văn hóa, việc truy tìm nguyên gốc của các biểu tượng và hành động biểu trưng và quy gán điều này “truyền thống” hơn, “cổ xưa” hơn điều khác, có lẽ không thực sự quan trọng. Cái chính là cộng đồng tiếp nhận và thấy đó là phù hợp. Hội Gióng trong bối cảnh mới chắc chắn sẽ có những thay đổi, tiếp thêm những nhân tố mới. Nhưng tôi hy vọng, và mong sao, những nhân tố mới đó cần phải xuất phát từ chính cộng đồng chứ không phải từ bên ngoài đưa vào. Mọi người - từ già đến trẻ, đàn ông cũng như phụ nữ - phải được cùng tham gia bàn thảo và quyết định. Tiếng nói của cộng đồng phải được tôn trọng và thậm chí ưu tiên hơn tiếng nói chuyên gia. Cuối cùng, sự vận động không ngừng do chính chủ thể văn hóa tạo ra mới chính là quy luật, là sức sống của Hội và của văn hóa.
 

PGS.TS Nguyễn Văn Huy