Sử dụng một số trò chơi vận động nhằm phát triển thể lực cho học sinh tiểu học

Trò chơi vận động là một loại hình hoạt động giải trí, thư giãn, là món ăn tinh thần bổ ích và không thể thiếu được trong cuộc sống con người nói chung và đặc biệt đối với thanh thiếu niên học sinh nói riêng. Đối với học sinh tiểu học trò chơi vận động là hình thức vui chơi, nghỉ ngơi tích cực, là phương tiện để giáo dục học sinh một cách toàn diện, thu hút nhiều học sinh tham gia chơi và hoàn thiện kĩ năng vận động cho học sinh. Ngoài ra trò chơi vận động còn tạo điều kiện để rèn luyện tố chất, phát triển thể lực, góp phần nâng cao nhận thức, đồng thời còn giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và trí tưởng tượng. Bài viết đã đưa ra một số trò chơi vận động nhằm phát triển thể lực cho học sinh tiểu học và phương pháp tổ chức, hướng dẫn, cách tiến hành trò chơi vận động cho học sinh tiểu học.

Từ khóa: Học sinh tiểu học, thể lực, trò chơi vận động

I. Đặt vấn đề

Mục tiêu chung của chương trình giáo dục phổ thông là giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Giáo dục tiểu học được thực hiện trong 5 năm học, từ lớp 1 đến lớp 5, được kế tiếp sau giáo dục mầm non. Đây là bậc học quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em, là thời gian hình thành nhân cách và năng lực trí tuệ cho trẻ.

Ngoài ra giáo dục tiểu học còn giúp học sinh hình thành nền tảng cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, xây dựng bậc học lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển bền vững và cơ bản. Giáo dục tiểu học phải đảm bảo cho học sinh có hiểu biết đơn giản và cần thiết về tự nhiên, xã hội và con người. Học sinh cần có kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc, viết và tính toán, có thói quen rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh, có hiểu biết ban đầu về hát, múa, âm nhạc, mỹ thuật.

Vậy chúng ta phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh, phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học, bồi dưỡng khả năng tự học và khả năng làm việc theo nhóm, rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đồng thời đem lại hứng thú học tập cho học sinh.

Để học sinh đạt được những mục tiêu chung đề ra điều quan trọng nhất là cơ thể các em phải khỏe mạnh, phát triển thể lực tốt. Để góp phần vào sự  phát triển thể lực cho các em thì trò chơi vận động là một loại hình hoạt động giải trí, thư giãn, là món ăn tinh thần bổ ích và không thể thiếu được trong cuộc sống con người nói chung và đặc biệt đối với thanh thiếu niên học sinh nói riêng. Những trò chơi phù hợp nhiều khi có tác dụng giáo dục rất tích cực. Trò chơi là hình thức tổ chức các hoạt động vui chơi với nội dung kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, có tác dụng giáo dục “học mà chơi, chơi mà học”.

Trong các trường tiểu học, trò chơi vận động chiếm một vị trí quan trọng trong chương trình giảng dạy thể dục, nó phù hợp với đặc điểm phát triển tâm – sinh lí lứa tuổi thiếu niên - nhi đồng, góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh sự phát triển toàn diện cơ thể học sinh. Trò chơi vận động được sử dụng rộng rãi trong các giờ học thể dục, trong các hoạt động nội và ngoại khóa, trong những thời gian rảnh rỗi và trước giờ lên lớp hàng ngày.

II. Vai trò của của trò chơi vận động đối với học sinh tiểu học

2.1. Khái niệm trò chơi vận động

Trò chơi vận động là hoạt động của con người, nó được cấu thành bởi 2 yếu tố đó là: Vui chơi giải trí, thỏa mãn nhu cầu về mặt tinh thần và giáo dục đạo đức, ý chí, hình thành và phát triển các tố chất kĩ năng, kĩ xảo cần thiết cho cuộc sống.

Đối với học sinh tiểu học trò chơi vận động là hình thức vui chơi, nghỉ ngơi tích cực, là phương tiện để giáo dục học sinh một cách toàn diện, thu hút nhiều học sinh tham gia chơi và hoàn thiện kĩ năng vận động cho học sinh. Ngoài ra trò chơi vận động còn tạo điều kiện để rèn luyện tố chất, phát triển thể lực, góp phần nâng cao nhận thức, đồng thời còn giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và trí tưởng tượng.

2.2. Đặc điểm của trò chơi vận động  cho học sinh tiểu học

Hầu hết những trò chơi vận động được sử dụng trong giáo dục thể chất ở trường tiểu học đã mang sẵn tính mục đích một cách rõ ràng. Tổ chức hoạt động trò chơi trên cơ sở chủ đề có hình ảnh hoặc là những quy ước nhất định để đạt mục đích nào đó, trong điều kiện và tình huống luôn thay đổi hoặc thay đổi đột ngột.

Trò chơi mang tính tư tưởng rất cao: Trong quá trình chơi học sinh tiếp xúc với nhau, cá nhân phải hoàn thành nhiệm vụ của mình trước tập thể ở mức độ cao, tập thể có trách nhiệm động viên, giúp đỡ cá nhân hoàn thành nhiệm vụ của mình, vì vậy tình bạn, lòng nhân ái, tinh thần tập thể… được hình thành. Cũng trong quá trình chơi đã xây dựng cho học sinh tác phong khẩn trương, nhanh nhẹn, tính kỉ luật, sự sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ với chất lượng cao… góp phần giáo dục đạo đức và hình thành nhân cách cho học sinh.

Hoạt động vui chơi có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác giáo dục thể chất cho thế hệ trẻ: Hoạt động vui chơi là một yêu cầu mang tính sinh học của trẻ em, nhất là ở lứa tuổi tiểu học và mẫu giáo. Có thể nói, vui chơi cần thiết và quan trọng như ăn, ngủ, học tập trong đời sống thường ngày của các em. Chính vì vậy, dù được hướng dẫn hay không, các em vẫn tìm mọi cách và trảnh thủ mọi thời gian và điều kiện để chơi. Khi được chơi, các em tham gia hết sức tích cực và chủ động.

Trò chơi vận động mang đặc tính thi đua rất cao: Trong quá trình tham gia vào trò chơi, các em biểu lộ tình cảm rất rõ ràng như niềm vui khi thắng cuộc và buồn khi bị thua, vui mừng khi thấy đồng đội hoàn thành nhiệm vụ, bản thân thấy có lỗi khi không làm tốt phần việc của mình… Vì tập thể mà các em phải khắc phục khó khăn, phấn đấu hết khả năng để mang lại thắng lợi cho đội, trong đó có cả mình. Mỗi trò chơi có những quy tắc, luật lệ riêng nhưng cách thức để đạt được lại rất đa dạng, trong khi đó trò chơi lại mang tính thi đua và sự tự giác rất cao. Vì vậy khi đã tham gia trò chơi, học sinh thường vận dụng hết khả năng, sự tập trung chú ý, trí thông minh và sự sáng tạo của mình.

Khả năng định mức và điều chỉnh lượng vận động khi thực hiện trò chơi vận động bị hạn chế: một vấn đề mà giáo viên hướng dẫn trò chơi phải quan tâm đó là tránh để học sinh chơi quá sức dẫn đến mệt mỏi, trong trường hợp như vậy không những không có lợi  cho sức khỏe mà ngược lại. Đây là đặc điểm quan trọng mà người giáo viên phải chú ý khi tổ chức cũng như hướng dẫn cho học sinh chơi một cách hợp lý nhất.

Đối với học sinh tiểu học, trò chơi vận động được sử dụng tích cực để giảng dạy những động tác (kĩ năng vận động cơ bản): đi, chạy, nhảy, ném, vượt chướng ngại vật…Nội dung trò chơi ở các lứa tuổi (các lớp) có khác nhau.

Ở các lớp (đầu cấp học Tiểu học) trò chơi vận động diễn ra theo xu hướng hình thành thói quen vận động, khả năng giao tiếp, các mối quan hệ cá nhân với tập thể tạo cho học sinh môi trường hoạt động tự nhiên , kích thích và đảm bảo sự phát triển thể chất một cách bình thường.

Đối các lớp cao hơn (cuối bậc Tiểu học) trò chơi vận động có đặc điểm mang nhiều ý nghĩa đến sự phát triển các tố chất thể lực, khối lượng vận động tăng, thời gian chơi kéo dài hơn, cần huy động nhiều các nhóm cơ toàn thân tham gia, qua đó củng cố, tăng cường sức khỏe cho học sinh.

2.3. Phân loại trò chơi vận động

Trò chơi vận động rất đa dạng và phong phú vì vậy có nhiều cách phân loại khác nhau. Dưới đây là 4 cách phân loại trò chơi vận động:

- Căn cứ vào những động tác cơ bản của quá trình chơi có thể phân loại thành: Trò chơi về chạy, nhảy, ném, leo trèo, mang vác… và những trò chơi phối hợp hai hay nhiều hoạt động trên với nhau. Mục đích của cách phân loại này là để cho người dạy dễ chọn và sử dụng trong việc rèn luyện những kĩ năng vận động cơ bản cho học sinh.

- Căn cứ vào sự phát triển các tố chất thể lực trong quá trình chơi có thể phân loại thành: Trò chơi rèn luyện sức nhanh, sức mạnh, sức bền, khéo léo, dẻo dai…

- Căn cứ vào khối lượng vận động: phân ra trò chơi vận động ‘tĩnh” và trò chơi vận động “động”.

- Căn cứ vào yêu cầu về công tác tổ chức trò chơi có thể phân loại: Trò chơi chia thành đội, trò chơi không chia đội và trò chơi có một nhóm chuyển tiếp ở giữa.

2.4. Vai trò của trò chơi vận động đối với học sinh tiểu học

Trò chơi vận động được sử dụng như những quá trình đào tạo nhân cách văn hóa của mỗi con người từ tấm bé cho đến già, vì thế ở mỗi lứa tuổi đều có trò chơi. Trò chơi vận động nằm trong hoạt động vui chơi của học sinh, nó mang nhiều chức năng và mục đích giáo dục như: Chức năng giáo dục, chức năng giao tiếp, chức năng văn hóa, chức năng giải trí.

- Chức năng giáo dục: Trò chơi là phương tiện giáo dục hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thiết thực của học sinh, tác động toàn diện đến tất cả các mặt khác nhau của nhân cách, về thể chất, tâm lý, đạo đức và quan hệ xã hội. Trò chơi giúp các em nâng cao thể lực, rèn luyện sự nhanh nhẹn, dẻo dai và bền bỉ của cơ bắp, thần kinh, phát triển tốt các chức năng của các giác quan (thị giác, xúc giác, khứu giác, thính giác,…), các chức năng vận động, phát triển tốt các phẩm chất và năng lực tư duy sáng tạo, linh hoạt. Trò chơi còn phát triển tốt các phẩm chất nhân cách cho học sinh như tính tập thể, tính hợp tác, tính kỉ luật, tính sáng tạo, tính tự chủ, tính tích cực, sự nỗ lực ý chí, lòng dũng cảm, tính linh hoạt, tính tự tin, sự thân thiện, lòng bao dung, những tình cảm đạo đức, tình cảm thẩm mĩ lành mạnh… Trò chơi là một phương tiện để giúp học sinh nâng cao hiểu biết về tự nhiên, xã hội, về khoa học - kĩ thuật, văn hóa, văn nghệ, phát triển tốt các năng lực tư duy, trí nhớ ngôn ngữ, tưởng tượng (đặc biệt là trò chơi trí tuệ và trò chơi sáng tạo). Chơi cũng đòi hỏi học sinh tư duy, ứng dụng tri trức vào hành động, phát triển năng lực thực hành, chơi cũng là một con đường học tập tích cực.

- Chức năng giao tiếp: Trò chơi là một hình thức giao tiếp, trò chơi tạo cơ hội để học sinh tham gia vào các mối quan hệ giao tiếp bạn bè, phát triển tốt các năng lực giao tiếp, trò chơi đồng thời là một phương tiện mà thông qua đó, học sinh có thể giao tiếp được với nhau một cách tự nhiên và dễ dàng.

- Chức năng văn hóa: Trò chơi là một hình thức sinh hoạt văn hóa lành mạnh của con người, thể hiện những đặc điểm văn hóa có tính bản sắc của mỗi dân tộc độc đáo. Tổ chức cho học sinh tham gia trò chơi là một phương pháp tái tạo văn hóa, bảo tồn văn hóa và phát triển văn hóa rất có hiệu quả.

- Chức năng giải trí: Trò chơi là một phương thức giải trí tích cực và hiệu quả, giúp học sinh tái tạo năng lực thần kinh và cơ bắp sau nhưng thời gian học tập, lao động căng thẳng. Trò chơi giúp học sinh thư giãn, thay đổi tâm trạng, giải tỏa những buồn phiền, những mệt mỏi về trí tuệ và cơ bắp, tạo niềm vui, hứng khởi, sự hồn nhiên, yêu đời… để học sinh tiếp tục học tập và rèn luyện tốt hơn. Những trò chơi vui nhộn và hứng thú không chỉ thỏa mãn nhu cầu của các em mà còn mang những giá trị tinh thần hết sức to lớn và hữu ích.

III. Một số trò chơi  vận động nhằm phát triển thể lực cho học sinh tiểu học

Trước hết phải nắm được phương pháp và các hình thức thực hiện trò chơi vận động nhằm phát triển kĩ năng vận động và các tố chất thể lực cho học sinh tiểu học. Bước đầu xác lập được một số trò chơi vận động nhằm phát triển kĩ năng vận động và các tố chất thể lực phù hợp đặc điểm tâm – sinh lí lứa tuổi của học sinh tiểu học. Có khả năng tổ chức, điều hành thi đấu một số trò chơi vận động nhằm phát triển kĩ năng vận động và các tố chất thể lực cho học sinh tiểu học.

Một số trò chơi vận động nhằm phát triển thể lực cho học sinh tiểu học

3.1. Trò chơi rèn luyện cơ quan hô hấp, phản xạ, sự tập trung chú ý và khả năng định hướng

- Chim bay, cò bay

- Ai nhanh và khéo hơn

- Nhóm ba, nhóm bảy

- Làm theo hiệu lệnh

- Bịt mắt bắt dê

- Đoán xem ai

- Mèo và chim sẻ

- Diệt các con vật có hại

3.2. Trò chơi rèn luyện kĩ năng đi, chạy, phát triển sức nhanh và mạnh

- Hoàng anh, hoàng yến

- Giành cờ chiến thắng

- Ai nhanh hơn

- Chạy nhanh theo số

- Người thừa thứ ba

- Bóng chuyền sáu

- Dẫn bóng bằng hai tay tiếp sức

- Đội nào nhanh hơn

3.3. Trò chơi rèn luyện kĩ năng bật, nhảy và phát triển sức mạnh

- Nhảy đúng, nhảy nhanh tiếp sức

- Bật tiếp sức

- Tình bạn

- Trồng nụ trồng hoa

- Nhảy bao bố

- Gà đuổi cóc

- Mèo rình chuột

- Tâng bóng bằng đùi

3.4. Trò chơi rèn luyện kĩ năng ném đẩy, co kéo, khiêng vác, leo trèo, phát triển sức mạnh tay, chân, khả năng thăng bằng và sự khéo léo nhanh nhẹn.

- Tung bóng vào rổ

- Ném trúng đích

- Ai kéo khỏe

- Ai nhiều điểm nhất

- Đẩy gậy

- Kéo co

- Chuyển nhanh, đẩy nhanh

- Chuyển hàng tiếp sức

* Phương pháp tổ chức – hướng dẫn trò chơi vận động cho học sinh tiểu học

- Chọn trò chơi và soạn giáo án tổ chức – hướng dẫn:

+ Xác định được mục đích yêu cầu của trò chơi định chọn;

+ Chú ý đến trình độ và sức khỏe của học sinh, đặc điểm giới tính;

+ Địa điểm tổ chức chơi;

+ Soạn giáo án và tổ chức hướng dẫn từng bước .

- Chuẩn bị địa điểm, phương tiện để tổ chức chơi

+ Về phương tiện: Giáo viên chuẩn bị phương tiện gì? học sinh chuẩn bị phương tiện gì?

+  Về địa điểm: bằng phẳng, sạch sẽ, thoáng mát phù hợp với nội dung và mục đích của trò chơi.

- Tổ chức đội hình cho học sinh chơi

+ Tập hợp học sinh theo các đội hình khác nhau phù hợp với trò chơi, đối tượng chơi và ổn định tổ chức;

+ Phân chia đội (nếu trò chơi phải chia đội);

+ Chọn vị trí đứng của giáo viên để giải thích trò chơi và điều khiển trò chơi;

+ Chọn đội trưởng cho từng đội hoặc những người tham gia đóng vai chính của cuộc chơi.

- Giới thiệu và giải thích trò chơi

Giới thiệu và giải thích trò chơi phụ thuộc vào tình hình thực tiễn.

+ Đối với trò chơi học sinh chưa biết cần giới thiệu, giải thích, làm mẫu và chơi thử.

+ Đối với trò chơi học sinh đã biết và được chơi rồi thì cô nên cho học sinh nhắc lại cách chơi và luật chơi, giáo viên không cần giải thích luật chơi cách nữa mà có thể nêu thêm một số yêu cầu cao hơn lần chơi trước.

- Điều khiển trò chơi

+ Giáo viên điều khiển phải đóng vai trò như một trọng tài trong trận thi đấu và quyết định trong quá trình chơi.

+ Trong quá trình điều khiển giáo viên phải chú ý bảo hiểm cho học sinh và có biện pháp phòng ngừa chấn thương.

- Đánh giá kết quả cuộc chơi

+ Sau mỗi lần chơi cần nhận xét, đánh giá kết quả cuộc chơi;

+ Nêu được ưu điểm và nhược điểm của các đội chơi;

+ Đánh giá cuộc chơi phải rõ ràng, công bằng.

* Cách tiến hành

Bước 1: Ổn định tổ chức, giới thiệu tên trò chơi, tác dụng của trò chơi. Sử dụng các thủ thuật nhằm kích thích sự chú ý của học sinh vào trò chơi.

Bước 2: Phổ biến nội dung, cách chơi, luật chơi. Hướng dẫn cho học sinh cách chơi, luật chơi (Phân vai chơi đối với trò chơi phân vai, chia đội chơi với trò chơi chia đội)

Bước 3: Tổ chức cho học sinh chơi (có thể chơi thử 1 – 2 lần). Giáo viên quan sát, bao quát học sinh chơi, giải quyết khi xảy ra mâu thuẫn.

Bước 4: Nhận xét quá trình chơi, kết quả chơi (khen thưởng đội thắng, khích lệ đội thua, lưu ý không nên chê trẻ).

IV. Kết luận

Trò chơi vận động đã được sử dụng nhiều trong các hoạt động vui chơi của học sinh ở trường tiểu học, như được tổ chức vào giờ học, giữa giờ học, và cuối giờ học, đặc biệt là trong giờ học thể dục và trong quá trình hoạt động ngoại khóa và đi dã ngoại. Việc kết hợp trò chơi vận động trong các hoạt động học có chủ đích cho học sinh mang ý nghĩa to lớn trong việc: rèn luyện thể lực, sự khéo léo, nhịp nhàng, rèn luyện trí tuệ, sự nhanh trí, óc phán đoán, gợi xúc cảm thẩm mỹ, khả năng hoạt động nhóm, tập thể, sự gắn kết của tình bạn...

Các trò chơi vận động rất phong phú về thể loại, nội dung, hình thức…Vì vậy muốn đưa vào tổ chức cho học sinh chơi, người giáo viên phải nghiên cứu lựa chọn, sưu tầm cho phù hợp với nội dung, hình thức giảng dạy của học sinh ở lớp mình, để học sinh  yêu thích và tham gia tích cực vào các trò chơi vận động để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục thể chất và phát triển thể lực cho học sinh.

ThS Đào Thị Vương

Trường Đại học Hạ Long

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Viết Minh - Đậu Bình Hương (2007) Phương pháp dạy học thể dục và trò chơi vận động cho học sinh tiểu học, Nhà xuất bản Đại học sư phạm - Nhà xuất bản giáo dục.

2. Vũ Đức Thu - Đinh Mạnh Cường -Trần Đình Thuận - Hồ Đắc Sơn (2006) Giáo dục thể chất – Thể dục và phương pháp dạy học thể dục ở tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Dự án phát triển giáo viên tiểu học - Nhà xuất bản Giáo dục.

3. Trần Đồng Lâm – Đinh Mạnh Cường (2005) Trò chơi vận động, Nhà xuất bản Đại học sư phạm.

4. Đinh Văn Lẫm – Đào Bá Trì (1999) Trò chơi vận động, Ủy ban thể dục thao, trường đại học thể dục thể thao 1, Nhà xuất bản thể dục thể thao.

Top