Một vài suy nghĩ về dân ca nói chung, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh nói riêng.
Trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam, âm nhạc dân gian chiếm một vị trí khá quan trọng. Trong đó nổi bật nhất là dân ca các vùng miền, các dân tộc như: Dân ca các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Dân ca Nam bộ, Dân ca Liên khu Năm, Dân ca Bình-Trị-Thiên, Dân ca Khơ - me Nam Bộ, Dân ca Tây Nguyên, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh…Không gian của dân ca có loại chỉ trong phạm vi một tỉnh (hát Xoan Phú Thọ), có loại mở rộng ra trong nhiều tỉnh (Quan họ Bắc Ninh; Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Đờn ca Tài tử Nam Bộ, hát Chầu Văn, Hát Then…).
Dân ca bắt nguồn từ lao động sản xuất và sinh hoạt đời sống của người lao động. Sáng tác theo phương pháp ngẫu hứng, phù hợp với hoàn cảnh lao động và sinh hoạt đời sống của người lao động và được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Có thể gọi đây là loại hình văn nghệ tự túc để phục vụ cuộc sống hàng ngày. Bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, người lao động hễ gặp nhau là hát dân ca. Dân ca là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người lao động.
Tuy nhiên, những năm tháng chiến tranh kéo dài, cả nước phải tập trung cho nhiệm vụ chống giặc ngoại xâm, xây dựng đất nước, dân ca có lúc bị lãng quên hoặc không được quan tâm đúng mức. Trừ một số làn điệu quen thuộc được các tác giả đặt lời mới, hát theo phong cách mới để phục vụ nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu, số còn lại dường như bị lãng quên.
Hòa bình lập lại (1954), miền Bắc tiến lên xã hội chủ nghĩa, cùng miền Nam đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Thời kỳ này các địa phương trong cả nước, nhất là các địa phương ở miền Bắc đã có điều kiện đầu tư cho việc sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu vốn văn hóa dân gian, trong đó có dân ca. Nghệ An, Hà Tĩnh cũng bắt đầu xuất hiện các nhà nghiên cứu như: Nguyễn Đổng Chi, PGS Ninh Viết Giao, nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh, nhạc sĩ Đào Việt Hưng, Lê Hàm, Vi Phong, Thanh Lưu…Nhiều tài liệu nghiên cứu về Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và các làn điệu dân ca do các nhạc sĩ ghi lại đều được công bố rộng rãi, bằng nhiều hình thức khác nhau như: Xuất bản sách, xuất bản băng, đĩa dân ca, tuyên truyền trên hệ thông tin đại chúng các chương trình hát dân ca, dạy hát dân ca, tổ chức các chương trình đàn và hát dân ca phục vụ nhân dân ở khắp các địa phương trong tỉnh, nhất là trong thời kỳ chống chiến trang phá hoại của đế quốc Mỹ, xuất hiện các phong trào “chắc tay súng, vững tay cay”, “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”…Dân ca không những đến với các phong trào mà còn trở thành động lực thúc đẩy các phong trào đó phát triển mạnh mẽ.
Dân ca Quan họ Bắc Ninh
Như vậy, dân ca một thời bị lãng quên, giờ đây lại được khơi dậy và từng bước đi vào đời sống của nhân dân. Nhiều nơi đã thành lập được câu lạc bộ hát dân ca hoặc đội văn nghệ quần chúng hát dân ca thay cho hát phường, hát hội.
Đặc biệt, sau khi đất nước thống nhất (1975), xả nước bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Hai nhiệm vụ quan trọng của thời kỳ này là: “Công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước”, “Hội nhập và phát triển”. Nhiều văn bản pháp luật của Nhà nước ra đời đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, trong đó có dân ca. Nhất là năm 2001, Luật Di sản Văn hóa ra đời; Đến năm 2009, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa cũng được ban hành. Từ đó, di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nói riêng, trong đó có dân ca được Nhà nước và xã hội quan tâm hơn. Dân ca một số địa phương, vùng miền đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại như: Quan họ Bắc Ninh, Ca Trù, hát Xoan Phú Thọ, Đờn ca Tài tử Nam Bộ… Một số khác đang trình hoặc đang lập hồ sơ để trình UNESCO công nhân là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại như: Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Hô bài Chòi - Dân ca Liên khu Năm, nghi lễ hát Chầu văn, nghi lễ hát Then…
Để thực hiện có hiệu quả Luật Di sản Văn hóa, nhiều địa phương trong cả nước đã thành lập cơ quan chức năng làm nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản dân ca, đưa dân ca về với cộng đồng. Ở Nghệ An, trước đây chỉ có một vài cán bộ làm công tác sưu tầm, nghiên cứu dân ca nằm trong Phòng Văn nghệ Ty Văn hóa, sau này là Sở Văn hóa. Đến khi thành lập Đoàn Dân ca, công tác này được chuyển về cho đoàn. Từ khi Đoàn Dân ca được nâng lên thành Nhà hát Dân ca và ngày nay là Trung tâm Bảo tồn Di sản Dân ca xứ Nghệ, công tác này được đầu tư đúng mức, kể cả việc bổ sung cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đến việc đầu tư kinh phí để thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án bảo tồn và phát huy Di sản Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ. Bên cạnh Trung tâm Bảo tồn Di sản Dân ca xứ Nghệ, còn có một hệ thống câu lạc bộ hát dân ca và hàng nghìn hội viên câu lạc bộ được thành lập ở 15 huyện của tỉnh Nghệ An và 12 huyện của tỉnh Hà Tĩnh. Hàng năm tổ chức các cuộc thi hát dân ca, từ cơ sở lên tỉnh. Từ năm 2012 đến nay, hai tỉnh đã phối hợp tổ chức Liên hoan hát Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh (2012 Nghệ An đăng cai, 2013 Hà Tĩnh đăng cai). Những cuộc liên hoan nói trên là dịp để củng cố phong trào truyền dạy và hát dân ca trong các cơ sở câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng ở nông thôn, trường học. Và cũng là dịp để tuyên truyền sâu rộng những giá trị đặc sắc, riêng có của Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ trong cộng đồng người Nghệ, người Nghệ xa quê và du khách gần xa.
2. Sự biến đổi và sức sống của dân ca nói chung, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh nói riêng trong xã hội đương đại.
a) Về sự biến đổi
Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật đặc trưng nhất tại Hậu Giang
Dân ca nói chung, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh nói riêng khi mới ra đời chỉ là những câu hát đơn sơ, mộc mạc, quá trình lưu truyền trong đời sống người lao động được bổ sung, hoàn thiện thành những làn điệu dân ca lúc thì trữ tình, sâu lắng, lúc thì ngọt ngào, bay bổng làm say đắm lòng người. Quá trình đó đã hình thành một số thể hát như: Thể Hò, thể hát Ví, thể hát Giặm; Trong hát Ví phường Vải, hát Giặm nam nữ lại hình thành lề lối hát như: Quy cách hát Ví, thủ tục hát Giặm (thủ tục hát Giặm chỉ có trong hát Giặm nam, nữ). Quá trình hoàn thiện đó do nhiều yếu tố tác động: Do nếp sống sinh hoạt thay đổi, do trình độ nhận thức của người lao động được nâng lên…Thí dụ: Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ khi chỉ có người lao động bình thường hát thì giai điệu, lời ca còn rất chất phát, mộc mạc; Đến khi có sự tham gia của từng lớp trí thức bình dân, nhà nho yêu nước thì bắt đầu có thêm chất trí tuệ, thâm thúy. Sự thay đổi đó thể hiện trong nội dung, hình thức diễn xướng phù hợp với từng hoàn cảnh lao động, sinh hoạt đời sống. Dân ca là hiện thân của cuộc sống người lao động. Cuộc sống thay đổi thì dân ca cũng thay đổi theo.
Ngày nay trong xã hội đương đại, sự biến đổi của dân ca nói chung, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh nói riêng được thể hiện như sau:
Thứ nhất: Người hát dân ca bây giờ chủ yếu là lớp trẻ, được đào tạo chu đáo (kể cả học hát chuyên nghiệp), ở nông thôn chủ yếu là thanh niên, số nghệ nhân hát dân ca còn lại rất ít (chủ yếu làm nghề truyền dạy), người lớn tuổi khác thì yêu thích nhưng không biết hát dân ca. Người hát như vậy chắc chắn họ sẽ làm cho dân ca biến đổi theo phong cách mới, phù hợp với cuộc sống đương đại.
Thứ hai: Môi trường diễn xướng ngày xưa hát phường, hát hội không còn nữa, thay vào đó là hát dân ca trong từng gia đình, từng câu lạc bộ, trước giờ hội họp, trên sân khấu, sàn diễn, nơi gặp mặt bạn bè, đám cưới… Đó là sự biến đổi về môi trường hát dân ca.
Thứ ba: Hát dân ca theo phương pháp ngẫu hứng, truyền miệng ngày xưa giờ đây cũng không còn nữa, thay vào đó là hát có bài bản, hát có nhạc đệm, thậm chí có phối âm, phối khí chuyên nghiệp, không đệm tòng như hát chèo, hát cải lương. Đó là sự thay đổi về phương pháp sáng tạo, phương pháp mới này có phần ảnh hưởng của nền âm nhạc đương đại.
Thứ tư: Về hình thức diễn xướng, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã hoàn thiện đến mức cao nhất là quy cách hát Ví, thủ tục hát Giặm. Ngày nay trong xã hội đương đại, quy cách và thủ tục đó chỉ phục vụ cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy. Còn phục vụ công chúng thì phải tổ chức những hình thức khác như: Liên khúc dân ca, tổ khúc dân ca, chương trình đàn và hát dân ca…
Thứ năm: Nội dung của từng làn điệu dân ca (dân gian phonclo) cũng thật trong sáng, giản dị, phản ánh tâm tư tình cảm của người lao động trong quá khứ. Hiện tại, nội dung đó vẫn còn sống mãi, nhưng được bổ sung thêm các nội dung mới cho phù hợp với cuộc sống hôm nay. Người ta hay gọi bình cũ rượu mới (giai điệu cũ, lời ca mới). Đó là sự biến đổi về nội dung, đôi khi kéo theo cả giai điệu cũng phải sửa đổi một tí cho phù hợp. Những biến đổi của dân ca nói trên đã có sự so sánh với dân ca nguyên bản (dân gian phonclo). Trong xã hội đương đại còn có sự biến đổi mà không tiện so sánh, đó là:
- Dân ca được hát theo phong cách mới, hát cộng minh, hát bè… các nhạc viện, trường âm nhạc trong cả nước, kể cả các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp đã thể nghiệm hát dân ca theo phương pháp mới này.
- Dân ca được trình diễn như một tiết mục nhạc mới, hoành tráng, có giàn nhạc đệm, có múa phụ họa mà vẫn giữ được âm hưởng dân gian.
- Dân ca được biến tấu thành tác phẩm khí nhạc, khi trình diễn người nghe vẫn biết được tác giả đã lấy dân ca nào để biến tấu.
- Ngoài ra, chúng ta còn gặp một số hình thức khác như: Mô phỏng dân ca, cải biên, phát triển dân ca, lấy chất liệu dân ca để viết thành tác phẩm mới… Các nhạc sĩ chuyên nghiệp và không chuyên, các nhà nghiên cứu âm nhạc đã làm như vậy trong nhiều thập kỷ qua. Họ đã để lại cho đất nước một khối lượng đồ sộ các tác phẩm âm nhạc mang âm hưởng dân gian truyền thống. Có thể những hình thức đó không gọi là biến đổi dân ca, nhưng nó đã xảy ra trong xã hội đương đại thì cũng cần phải đề cập tới.
Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh
b) Về sức sống
Chưa ai biết chính xác dân ca nói chung, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh nói riêng ra đời từ năm nào. Theo một số nhà nghiên cứu, dân ca có thể ra đời cách đây hàng trăm năm. Từ khi con người được sinh ra, biết làm ăn sinh sống, biết chống chọi với thiên nhiên, ác thú để tồn tại. Như vậy dân ca đã ra đời cách đây khá lâu, nó vẫn lưu truyền trong đời sống người lao động và tồn tại cho đến ngày hôm nay. Dân ca luôn xuất hiện trong mọi hoàn cảnh lao động như: Đi cấy, hái củi, kéo rợi, đan lát, chèo thuyền… hoặc trong sinh hoạt đời sống như: Trảy hội, du xuân, thăm viếng bạn bè… Đành rằng qua từng giai đoạn lịch sử, dân ca có sự biến đổi nhất định cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội. Nhưng biến đổi để hoàn thiện, để phát triển cao hơn chứ không thay đổi bản chất của dân ca (dân gian phonclo). Điều đó cho thấy, dân ca tự nó đã có sức sống trường tồn, không tách rời người lao động, không tách rời môi trường sản xuất và sinh hoạt đời sống của họ.
Trong xã hội đương đại, dân ca vẫn tiếp tục tồn tại. Sức sống của dân ca đi đôi với sự biến đổi của nó như đã phân tích ở phần trên. Nghĩa là sức sống gắn liền với sự biến đổi, biến đổi là để tồn tại và phát triển, đó chính là sức sống của dân ca. Trong xã hội đương đại dân ca có sự biến đổi đa dạng, phong phú thì sức sống của dân ca cũng phát triển đa dạng, phong phú. Ngày nay, dân ca đã được trả về cho cộng đồng, để cộng đồng có trách nhiệm gìn giữ và phát huy. Dân ca đã đến với từng gia đình, từng con người cụ thể, vào các trường học, câu lạc bộ hát dân ca… Phong trào hát dân ca phát triển mạnh mẽ khắp các địa phương trong cả nước, với các hình thức khác nhau như: Đàn và hát dân ca, liên hoan dân ca, Festival dân ca… Dân ca không những đến với các lĩnh vực sản xuất và đời sống ở nông thôn, mà còn đến với các công, nông trường, xí nghiệp, ra tận biên giới, hải đảo. Ngày xưa dân ca chỉ tồn tại trong một số làng quê, thôn xóm; bây giờ dân ca tồn tại trong từng vùng (không gian đến đâu tồn tại đến đó), thậm chí có những làn điệu dân ca tồn tại trong nhiều vùng khác nhau và trong cả nước. Ngày xưa chưa có điều kiện để giao lưu, trao đổi giữa các vùng văn hóa. Ngày nay, việc giao lưu đã trở thành thông lệ, không những các vùng văn hóa trong nước mà cả quốc tế. Đến với các cuộc giao lưu, dân ca các vùng miền, dân tộc, trong nước và quốc tế đều được phát huy một cách mạnh mẽ bản sắc độc đáo, riêng có của mình, đó chính là sức sống của dân ca trong thời hiện đại.
Chúng ta có thể tự đặt câu hỏi, tại sao trong xã hội đương đại, sức sống của dân ca lại phát triển mạnh như vậy? Và có thể tự trả lời: Vì xã hội đương đại là xã hội phát triển, có điều kiện để bảo tồn và phát huy di sản dân ca, đưa dân ca về với cộng đồng. Xã hội đương đại cũng có điều kiện để tiếp nhận các giá trị của dân ca bằng nhiều hình thức khác nhau như: Qua hệ thống thông tin đại chúng, qua sân khấu, sàn diễn, qua các loại ấn phẩm như sách nhạc dân ca, băng đĩa nhạc dân ca…
Ở Nghệ An, trong nhiều thập kỷ qua đã làm được một số việc quan trọng, nhằm duy trì và phát huy sức sống của dân ca trong đời sống đương đại. Đó là việc đưa dân ca vào trường học, dạy hát dân ca trên sóng phát thanh và truyền hình tỉnh. Việc làm này đã triển khai được gần 20 năm, kết quả là đã xây dựng được một phong trào hát dân ca rộng khắp trong toàn tỉnh. Hàng năm tổ chức liên hoan hát dân ca từ cơ sở lên tỉnh, nhằm trao đổi những kinh nghiệm thực tế để thúc đẩy phong trào. Gần đây lại hình thành một hệ thống câu lạc bộ hát dân ca, câu lạc bộ đã làm được một số việc như: Tổ chức các cuộc tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm bảo tồn và phát huy di sản dân ca, thực hành những màn diễn xướng dân gian để hướng dẫn cho phong trào. Tổ chức cho nghệ nhân truyền dạy dân ca cho lớp trẻ… Hiện nay, nhiều tỉnh cũng đang triển khai một số chương trình như: Đưa dân ca vào trường học, tuyền truyền, quảng bá các giá trị di sản dân ca, xây dựng phong trào hát dân ca mà nòng cốt là đội văn nghệ quần chúng làng quê, trường học, câu lạc bộ hát dân ca… Củng cố và phát triển các làng hát, phường hát như: Làng Quan họ, làng hát Xoan, phường hát Ví, hát Giặm Nghệ Tĩnh, nghi lễ Chầu văn, nghi lễ hát Then…
3. Kết luận
- Sự biến đổi dân ca nói chung, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh nói riêng trong xã hội đương đại là tất yếu, vì xã hội thay đổi, lực lượng sản xuất và phương thức sản xuất cũng thay đổi, đời sống của người lao động ngày một nâng cao, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất và đời sống, dân ca cũng phải biến đổi theo cho phù hợp với xã hội đương đại.
- Về sức sống của dân ca nói chung, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh nói riêng trong xã hội đương đại.
Dân ca là tài sản vô giá của ông cha để lại, nó ra đời bắt nguồn từ lao động sản xuất và sinh hoạt đời sống của người lao động và phục vụ chính người lao động. Vì vậy, tự thân nó đã có sức sống trường tồn. Trong xã hội đương đại, sự biến đổi của dân ca đã tạo điều kiện cho nó có sức sống phát triển mạnh mẽ, bền vững.
Nhạc sĩ Hồ Hữu Thới