Sóc Trăng: Độc đáo Lễ hội Nghinh Ông huyện Trần Đề
Nghinh Ông được xem là lễ hội lớn nhất trong năm của ngư dân
Nghiên cứu về tục thờ cá Ông ở Việt Nam, tác giả Nguyễn Thanh Lợi cho biết, Lễ hội nghinh Ông là lễ cúng cá Ông của ngư dân các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Bộ. Đây là lễ hội gắn liền với tín ngưỡng thờ cá Ông của cư dân vùng biển từ Thanh Hóa vào đến tận Kiên Giang. Hầu như ở các làng chài ven biển đều có lăng thờ cá Ông với những nghi thức cúng tế trang trọng, bởi lẽ đây là vị thần bảo hộ cho nghề đi biển. Trong nhiều công trình nghiên cứu, tác giả Nguyễn Thanh Lợi cho rằng nguồn gốc tín ngưỡng thờ cá Ông vốn của người Chăm mà những lưu dân Việt trên bước đường Nam tiến đã tiếp thu trong quá trình giao lưu văn hóa. Trong tâm thức của ngư dân, mỗi khi đi biển gặp khó khăn sóng to, gió lớn, họ sẽ cầu xin sự giúp đỡ của Ông. Dân gian vùng biển còn lưu truyền nhiều câu chuyện về sự linh nghiệm của Ông, vì vậy cá Ông được ngư dân tôn kính với nhiều tên gọi khác nhau như ông Nam Hải, ông Chuông, ông Khơi, ông Lớn, Ngài… thậm chí còn được Triều đình nhà Nguyễn sắc phong với các thần hiệu như “Nam Hải Đại Nam tướng quân”, “Đông Hải cự tộc Ngọc lân tôn thần”.
Truyền thuyết người dân nơi đây kể lại rằng, khi trời giông bão, mưa to gió lớn hay người đi biển gặp nạn khẩn cầu, cá Ông đến nâng thuyền cứu hộ đưa vào bờ an toàn. Cho nên khi Ông lụy xác trôi dạt vào bờ thì ngư dân vớt lên làm tang. Sau 3 năm cải táng đem Ngọc Cốt - tức bộ xương của cá Ông vào đền thờ phụng. Do tập tục chọn ngày Ông lụỵ nên mỗi vùng, dân cư ven biển có ngày lễ nghinh Ông khác nhau. Lễ nghinh Ông được xem là lễ hội lớn nhất trong năm của ngư dân. Có nhiều tên gọi khác nhau như lễ rước cốt Ông, lễ cầu ngư, lễ tế cá Ông, lễ cúng Ông, lễ nghinh Ông, lễ nghinh Ông Thủy Tướng… nhưng tất cả đều có chung một quan niệm rằng cá “Ông” là sinh vật linh thiêng ở biển, là cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển nói chung.
Lễ vật dâng cúng
Theo các ngư dân huyện Trần Đề, Lễ nghinh Ông có từ năm 1955 tại Bãi Giá (trước đây thuộc xã Trung Bình, huyện Long Phú). Thời đấy, người dân đi biển phát hiện một xác cá ông to lớn trôi dạt tại bờ kênh này. Dân địa phương đã vớt xác cá Ông vào bờ lập miếu thờ cúng bằng tre lá đơn sơ. Một thời gian sau, ngư dân làng này làm ăn phát đạt, mới dời hài cốt “Ông” cá về thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề. Dân làng đặt tên là Lăng Ông Nam Hải, thành lập Ban Quản trị và ông Trưởng vạn, có nhiệm vụ chăm sóc, hương khói hàng đêm và bảo quản di tích. Hằng năm, cứ đến ngày 21-3 âm lịch, ngư dân làng biển Kinh Ba, huyện Trần Đề tổ chức Lễ nghinh Ông với ý nghĩa cầu an. Lễ nghinh Ông dần dần trở thành một trong những lễ nghi có vị trí quan trọng trong tâm thức người dân nơi đây, đồng thời mang đậm tính truyền thống của ngư dân vùng biển. Đến ngày này, các thuyền đánh cá dù đang làm nghề ở xa hay gần, đều tề tựu về bến.
Rước kiệu Ông ra biển
Tại Nam Bộ, hầu như các làng ven biển làm nghề cá đều có lăng thờ cá Ông. Thống kê của tác giả Phan Thị Yến Tuyết cho biết, Kiên Giang là địa bàn có nhiều lăng miếu cá Ông nhất ven biển Tây Nam Bộ. Vùng duyên hải tỉnh Sóc Trăng có ba lễ hội thờ cúng cá Ông tại các địa phương: Cù lao Dung (huyện Cù Lao Dung), xã Vĩnh Châu (huyện Vĩnh Châu), làng biển Kinh Ba (huyện Trần Đề), trong đó Lễ hội cúng Ông Nam Hải (còn gọi là Lễ hội nghinh Ông) ở huyện Trần Đề có quy mô lớn, thu hút sự tham gia của nhiều cư dân địa phương và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Gắn kết mật thiết với ngành nghề mưu sinh của bà con vạn chài
Theo hồ sơ di sản của Lễ hội nghinh Ông huyện Trần Đề, lễ bắt đầu từ 5 giờ sáng, ngày 21-3 âm lịch. Nghi thức này được đông đảo dân vạn chài tham gia. Dẫn đầu đoàn rước gồm có ông Chánh vạn, Phó vạn, tiếp theo là bốn người khiêng kiệu long đình, các lễ sinh, ban nhạc lễ, đoàn múa lân sư rồng. Bốn người khiêng kiệu long đình là những chàng trai khỏe mạnh chưa vợ (trong kiệu gồm có ngọc cốt của Ông và các lễ vật). Các lễ sinh mặc áo dài xanh, hai người mang cờ màu đỏ ở giữa thêu chữ Nam Hải màu vàng, hai người mang lọng màu đỏ, tám người cầm chấp kích và ban nhạc lễ. Đoàn rước tiến ra cửa sông để xuống một chiếc ghe riêng đã được chọn sẵn, gọi là ghe lễ. Chiếc ghe lớn được trang hoàng cờ hoa rực rỡ, có bàn thờ sắc thần. Đây là ghe của gia chủ làm ăn phát đạt, không vướng mắc những điều xấu. Trên ghe bày bàn thờ có sắc thần, hai bên là nhang đèn, trước bàn thờ bày heo quay nguyên con nằm ngửa, bên cạnh là một đĩa đầy đủ cả gan, lòng heo và các lễ vật khác như xôi nếp, trái cây, nước uống, rượu, nhang, đèn. Trên ghe chính bao giờ cũng có một trống cái để điều khiển các nghi lễ. Sau ghe lễ là các ghe chở đoàn múa lân sư rồng và các ngư dân trong vạn. Trên các ghe này đều bày biện bàn thờ với các lễ vật tương tự như ghe lễ. Theo sau là hàng trăm chiếc tàu đánh cá của những ngư dân cùng người dân địa phương và du khách tham gia lễ hội. Đoàn rước tiến về cửa biển cách vạn chài khoảng 2 km thì dừng lại. Trên ghe, ông Chánh vạn đốt thêm nhang đèn tiến hành lễ nghinh Ông. Vị Chánh vạn đứng ra khấn vái thỉnh mời ông Nam Hải, cầu mưa thuận gió hòa, ngư dân được mùa bội thu. Trong khi đó các lễ sinh dâng rượu và trầm hương. Sau khi cúng vái xong, ông Chánh vạn sẽ nguyện “xin keo”. Thủ tục xin keo là hai đồng xu, mỗi đồng xu đều một bên sơn đỏ, một bên để trắng. Sau khi vái xong ông Chánh vạn để đồng xu lên cái dĩa. Theo qui ước, sau khi thả đồng xu nếu cái trắng cái đỏ là Ông đã chứng giám, còn hai cái trắng, hai cái đỏ không được. Việc xin keo thành công có nghĩa là Ông đã chứng cho tấm lòng thành của ngư dân, sau đó, theo lệnh của Chánh vạn, các tàu quay vào bờ.
Các thuyền của ngư dân cùng theo ra biển tham gia lễ hội
Đến bờ, đoàn nghi lễ sẽ diễu hành và hầu Ông về Lăng. Tiếp đến, đoàn sẽ thực hiện các nghi thức rước Ông vào lăng rất trang trọng với phần nhạc lễ, múa lân và dâng lên Ông những sản vật mà ngư dân đã thu hoạch được. Lễ chánh tế được tiến hành vào lúc 13 giờ 30. Trong lễ này, Ban tổ chức chọn một người lớn tuổi, có đức độ song toàn, được mọi người trong vạn chài kính trọng làm nhiệm vụ khai mõ...
Lễ hội được bảo tồn và phát triển cho đến ngày nay nhờ nhiều yếu tố, trong đó, yếu tố giữ vai trò quan trọng nhất là sự gắn kết mật thiết với ngành nghề mưu sinh của ngư dân; sự tham gia tích cực, ủng hộ của cộng đồng dân cư. Lễ hội nghinh Ông không chỉ bảo tồn bản sắc văn hóa mà còn góp phần kích thích sự phát triển kinh tế thông qua thu hút khách du lịch. Lễ hội Nghinh Ông được diễn ra từ ngày 21-23.3 âm lịch. Ngoài những nghi thức trong ngày chính lễ 21-3, những ngày sau, bà con vạn chài, các đoàn hội đem lễ vật đến cúng Ông và tham gia các trò chơi dân gian và hát Bội…
Bài và ảnh: NGUYỄN THÁI HÒA