Sắc xuân trong tranh thiếu nữ của danh họa thiên tài thế giới Boucher

Trên bầu trời hội hoạ Châu Âu ở những năm của thế kỷ XVII nhiều danh hoạ thiên tài đã xuất hiện trong đó có Boucher. Những bức danh họa mà ông đã để lại, đặc biệt là những bức tranh thiếu nữ thực sự là kiệt tác nghệ thuật của thời đại ông đã sống.

Boucher sinh ngày 25 tháng 9 năm 1703 tại Paris nước Pháp và mất ngày 30 tháng 5 năm 1770 cũng chính ở Paris. Ông chào đời và lớn lên trong một gia đình bình thường. Người cha biết con mình có khiếu hội hoạ và gửi Boucher đến một hoạ sĩ tài danh để theo học tên là F. Lemoyne. Ở đây ông tập trung cao độ cho việc học và nhất là phương pháp nghiên cứu về giải phẫu, tìm dáng thế, động tác và ánh sáng. Boucher sống và làm việc trong xã hội mà nghệ thuật hội hoạ của Châu Âu đang chao đảo, bộc lộ nhiều trường phái. Nhiều quan điểm hội hoạ khác nhau đã xuất hiện kể cả việc tìm chủ đề và cách miêu tả chân dung. Có ý kiến cho rằng, hội hoạ Châu Âu đang đà xuống dốc giữa việc thể hiện tác phẩm kỳ công tỉ mỷ, chân thực, gợi cảm với những chân dung đơn giản, khái quát, ước lệ hơn của trường phái miêu tả mảng màu đường nét mạnh mẽ không rườm rà.

Thế kỷ XV là Triều đại Louis XV ở Pháp thường xuất hiện trường phái Rococo thiên về cách trang trí rất cầu kỳ chú ý từng chi tiết. Các tác phẩm này chủ yếu là tranh tường thường là Cung điện nguy nga tráng lệ, nhà thờ. Là  hoạ sĩ có năng khiếu bẩm sinh xuất chúng, được theo học một danh hoạ bậc thầy, Boucher đã nắm bắt rất nhanh kể cả màu sắc, bố cục và hình hoạ. Nhiều tác phẩm đầu tay của ông đã làm công chúng thán phục bởi những đường nét sinh động nhất là tranh sơn dầu, tranh khắc và tranh minh hoạ, bức chân dung thiếu nữ là một điểm nhấn.

Tác phẩm: "Leda and con thiên nga", Francois Boucher, 1742. (Ảnh: TL)

Do có lòng yêu nghề, năng khiếu bẩm sinh và được gia đình ủng hộ khuyến khích, ông đã trưởng thành ở lĩnh vực nghệ thuật tạo hình.

Đến năm 24 tuổi, ông tự bỏ tiền đi Italia để làm việc và học thêm. Ông dành nhiều thời gian để nghiên cứu những tác phẩm hội hoạ của các danh họa bậc thầy thời kỳ cổ điển và đương đại. Với sự sáng tạo trong việc sử dụng chất liệu và tính cần mẫn, chịu khó, ông đã gặp được các hoạ sỹ tài danh để học hỏi và bình phẩm những bức tranh của ông sáng tác.

Sau khi từ dã Viện Hàn lâm mỹ thuật của Pháp ở Roma (Italia) về Pháp năm 1731, ông đã bắt tay ngay vào một công việc rất khó khăn và nhạy cảm đối với nền mỹ thuật đương đại đó là vẽ tranh lịch sử. Tranh lịch sử  là loại tranh đòi hỏi hình hoạ phải vững và phải hiểu sâu sắc về lịch sử cũng như phương pháp cách thức miêu tả tình cảm nhân vật. Năm 1735, ông được phong hàm Giáo sư. Với cương vị ấy ông được làm bạn với Pompadour người mà Vua Louis XVII rất quan tâm ưu ái, ngưỡng mộ. Từ những quan hệ mở rộng mà Boucher nhận được rất nhiều hợp đồng sáng giá của Cung đình Pháp, các nhà giàu, quý tộc. Những tác phẩm nổi tiếng của ông vẽ về Thiếu nữ, ở nhiều thể loại với nhiều phác thảo, chất liệu khác nhau. Năm 1765, ông được phong Giám đốc Viện Hàn lâm Paris, chức danh đánh dấu tài năng nghệ thuật và quan hệ đối ngoại rộng rãi có uy tín trong giới hoạ sỹ đương đại. Điều mà nhiều hoạ sỹ thời ấy chú ý trong tình yêu của ông là vợ 17 tuổi là người mẫu nổi tiếng, với hình thể cân đối hấp dẫn, quyến rũ, chính người vợ đã giúp ông thành công nhiều tác phẩm nổi tiếng sau này như: “Con sói bị thương đuổi theo SIMA”, “Cô gái nằm”, “Đám cưới trong hoa” v.v…

"Phòng trang điểm of Venus," của Boucher, (1750) (Ảnh: TL)

Trong nhiều tác phẩm vẽ về thiếu nữ thì mỗi bức tranh miêu tả một góc cạnh khác nhau, có ý tứ nội dung, cách thể hiện khác nhau. Tác phẩm “Diana sau khi tắm” (sơn dầu), là bức tranh miêu tả khá tỷ mỷ sâu sắc đến từng chi tiết. Cách miêu tả và sử dụng màu sắc, ánh sáng khá tài tình làm người xem có thể thấy được từng khối cơ ở từng bộ phận cơ thể nhân vật hiện rõ trong tranh. Sự giao hoà lãng mạn gợi cảm, tưởng chừng như thô lỗ nhưng lại rất kín đáo mà người xem khao khát từ cảm thụ trực giác chuyển hoá thành biểu hiện tình cảm thực của lòng người. Sự bố cục sắp xếp các thiếu nữ trong tranh được tác giả đặt trong một không gian rất thoáng nhưng cũng rất chặt chẽ cả về nghĩa thực và ảo. Toàn bộ bức tranh nằm trong một cấu trúc giữa người và cảnh với một gam màu trong sáng hài hoà có điểm nhấn rất cụ thể. Cách lựa chọn ánh sáng có chủ điểm rất phù hợp với quy luật tự nhiên, đậm nhạt, lộ ra những khối đẹp của tạo hoá một cách gợi cảm đến lạ thường. Trong tác phẩm “Cô gái nằm” vẽ năm 1752 (sơn dầu) với một gam màu ấm, hiện ra những đường cong uốn lượn với thân hình mũm mĩm, mịn màng, đầy sức quyến rũ của sự khát khao tự nhiên về tinh thần và thể chất. Với cách dùng màu điêu luyện và nghiên cứu chân dung thiếu nữ khá công phu, hoạ sỹ làm cho người xem tranh “Cô gái nằm” hết sức thích thú. Cách bố cục rất tài năng được sắp đặt theo ý tác giả nhưng cũng rất tự nhiên, làm người xem choáng ngợp vì sự logic giữa hình thể với tình cảm mà tác giả miêu tả qua con mắt với bàn tay đặt ở miệng và hàm mặt của thiếu nữ.

Bức họa "Louise O’Murphy" (1752) (Ảnh: TL)

Trong cuộc đời sáng tác của danh hoạ thiên tài Boucher đã để lại cho nền mỹ thuật Châu Âu và thế giới nhiều tác phẩm nổi tiếng. Hàng trăm tranh có chất lượng cao với nhiều chất liệu khác nhau như sơn dầu, gốm, thảm, màu nước, v.v… và nhiều thể loại, tranh phong cảnh, tĩnh vật, và đặc biệt là tranh chân dung, đã thu hút hàng triệu công chúng đến với tranh ông.

Với ông, nghệ thuật tạo hình là tất cả, tranh thiếu nữ lại là chủ đề nâng tầm cao danh hoạ Boucher vượt lên trên nhiều hoạ sỹ cùng thời. Một quan điểm triết lý trong tranh thiếu nữ của ông là vũ trụ, là thiên nhiên, là tạo hoá khó có sự vật nào sánh nổi. Hình tượng sáng tối đậm nhạt trong tranh ông tạo nên những đường cong khối tròn tính mềm mại mượt mà như cánh hoa hồng trong sương báo hiệu sắc xuân thiếu nữ một kiệt tác của tạo hoá. Có được những tác phẩm hội hoạ đẹp là cả một thời gian của cuộc đời học hỏi tìm tòi khổ công sáng tạo mới có được. Ấy thế mà thời đương đại trong giới mỹ thuật Châu Âu cũng có nhiều tiếng bấc, tiếng chì đối với những tác phẩm nổi tiếng của ông nhất là chân dung gợi cảm về thiếu nữ.

"Four Seasons: Winter" được vẽ cho Quý bà de Pompadour, người tình chính thức của vua Louis XV. (1755) (Ảnh: TL)

Mãi đến năm 80 của thế kỷ XVIII người ta mới đánh giá sự sáng tạo tuyệt vời của danh hoạ thiên tài Boucher một cách  đúng mức trong nền mỹ thuật thế giới.

Hoàng Hoa Mai