Rối nước Hồng Phong

Múa rối nước (Trò rối nước) ở tỉnh Hải Dương là di sản văn hoá phi vật thể, thuộc loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian, đã được Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia (đợt 1) năm 2012. Chủ thể văn hóa của di sản này hiện nay là nhóm nghệ nhân của 3 phường rối nước, thuộc xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang; xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà và xã Lê Lợi, huyện Gia Lộc. Trong những năm gần đây, việc bảo tồn và phát huy môn nghệ thuật múa rối nước đang được nhiều địa phương quan tâm, trong đó có phường múa rối nước Hồng Phong. Dưới bàn tay của những nghệ nhân dày dạn kinh nghiệm, những con rối vốn vô tri vô giác trở lên sống động, mang đầy hơi thở của cuộc sống. Mỗi khi đến cảnh đoạn hay, tiếng vỗ tay lại vang lên như những tràng pháo nổ.

Thôn Bồ Dương (xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) nằm giữa vùng đồng bằng trù phú, rất đặc trưng cho nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, và cũng là nơi nuôi dưỡng loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của nền văn minh lúa nước: Nghệ thuật múa rối nước.

Những người cao tuổi nhất của thôn Bồ Dương cũng không biết rối nước có ở đây từ bao giờ. Nhưng theo dấu tích trên các con rường ở đình làng (nơi thờ tướng Cao Xuân Hựu, làm quan ở cuối thời nhà Lê), có chạm khắc hoa văn hình các con rối như: Tễu vuốt râu rồng, tiên đơn, đô vật, cáo leo cột... được chạm trổ tinh xảo, người ta có thể khẳng định rối nước đã có ở nơi đây từ trước thế kỷ XVII. Như vậy, cho đến hôm nay, nghệ thuật rối nước tồn tại ở xã Hồng Phong đã hơn 300 năm. Các tài liệu và hoạ tiết chạm khắc còn lưu giữ tại đình thôn Bồ Dương cho thấy, nghề Múa rối nước được truyền từ  Bắc Ninh về thôn Bồ Dương từ thế kỷ XIV, sau này ở phường có cụ Lý Tiêu sang dạy học trò ở Nguyên Xá (Thái Bình) và trở thành một phường rối nước nổi tiếng của cả nước.

Ngày xưa, các hòm đựng con rối đều được cất giấu trong hậu cung của đình một cách cẩn thận. Mỗi khi gánh rối đi biểu diễn ở các lễ hội của làng thì đều phải xin hạ thuỷ chú Tễu giáo đầu ở ao múa rối phía Đông đình và ao đó cũng là nơi để cho gánh rối chuyên biểu diễn nên được gọi là ao múa rối (nay gọi là Thuỷ đình). Trong thời gian đó, gánh rối làng Bò Dương (nay là làng Bồ Dương) vẫn đi biểu diễn ở khắp các nơi trên địa bàn tỉnh và thời gian lưu diễn lên tới hàng tuần... Trải qua hai cuộc kháng chiến, rối nước Hồng Phong qua nhiều bước thăng trầm.

Thực hiện chủ trương phát huy tiềm năng, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc với mục tiêu xã hội hoá các hoạt động văn hoá, năm 1992, UBND huyện Ninh Giang ra quyết định thành lập phường rối nước Hồng Phong trên cơ sở nâng cấp từ phường rối nước Bồ Dương. Lúc bấy giờ cụ Nguyễn Văn Trảo - làm Trưởng ban, cùng với 40 thành viên. Với phương châm “Ai biết gì làm việc đó. Ai nhớ tích trò gì đưa ra bàn luận rồi đục gọt rối theo tích trò ấy”. Sau 3 tháng ròng “Cơm nhà vác tù và hàng tổng”, toàn phường đã làm được một số con rối và xây dựng được một số tích trò mới, như: Tễu giáo đầu, Quy đốt lá suý - bật cờ - mở lọng, Đấu ngựa cửa sóc, Tiên đơn mừng hội, Chọi trâu; tích trò mới “Lê lợi hoàn kiếm”, “Chiến thắng Điện Biên Phủ”...

Ngày từ những ngày đầu khôi phục, phường rối nước Hồng Phong luôn tổ chức các buổi biểu diễn. Tuy những tiết mục còn đơn sơ, chưa thành thạo nhưng luôn nhận được sự động viên của khán giả. Để các tiết mục biểu diễn chuyên nghiệp hơn, phường rối nước Hồng Phong đã mời Nhà hát Múa rối Trung ương và Câu lạc bộ UNIMA Việt Nam về dự và hỗ trợ chuyên môn. Các hội viên đã được hướng dẫn về nghiệp vụ... Năm 1994, phường rối nước Hồng Phong đã tham dự liên hoan múa rối nước toàn quốc tại thủ đô Hà Nội với tích trò “Tiếng trống Hạ Hồng Châu” nói về tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ dấy binh đánh chiếm thành Tống Bình, dựng quyền tự chủ. Trong lần đầu tiên tham gia liên hoan này, phường rối nước Hồng Phong đã giành được 1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, 1 Bằng khen của Bộ Văn hoá - Thông tin và 1 Bằng khen của Trung tâm UNIMA Việt Nam.

Từ năm 2001 đến năm 2006, được sự quan tâm của Quỹ Văn hóa Thụy Điển-Việt Nam, Quỹ FORD, phường rối nước Hồng Phong đã phát triển thêm nhiều tiết mục mới; tham gia các cuộc liên hoan lớn về múa rối nước, như: liên hoan tại Công viên Hồ Tây năm 2001, Festival Huế năm 2003... Nhất là từ năm 2006 đến nay, phường rối nước Hồng Phong đã ký hợp đồng biểu diễn phục vụ khách du lịch với nhiều công ty du lịch. Đồng thời, thành điểm đến của các tour du lịch trong và ngoài nước. Bên chiếc ao Thủy Đình của xã Hồng Phong, du khách không chỉ xem múa rối nước mà còn được thưởng thức các điệu múa đầy màu sắc của những con vật linh: long, lân, quy, phượng; xem các trò chơi dân gian như: thả đèn trời, đánh pháo đất, đốt pháo bông...

Điểm đặc sắc của rối nước Hồng Phong nằm ở cách điều khiển con rối. Trong khi nhiều phường rối khác điều khiển con rối bằng hệ thống sào hoặc sào kết hợp với dây thì các nghệ nhân ở đây có cách điều khiển con rối hoàn toàn bằng hệ thống dây. Sự phức tạp và bí quyết nằm ở cách bố trí hệ thống dây sao cho có thể điều khiển được con rối có những cử động rất phức tạp, sinh động và có thể chạy ra rất xa.

Để có những tích trò biểu diễn đòi hỏi phải tạo được hình con rối chuẩn, đẹp. Đây là công đoạn đầu tiên và hết sức quan trọng đối với mỗi phường rối. Và để có được một con rối, phải trải qua nhiều công đoạn chuẩn bị như làm thủy đình, đóng cọc, dẫn dây, rồi tác tạo hình tượng những con rối phù hợp với từng tích, trò. Các công đoạn không phức tạp lắm nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo, khiếu thẩm mỹ, sự kiên trì của các nghệ nhân tạo hình. Các con rối của phường Hồng Phong luôn sinh động hơn nhiều nơi khác, do chúng được thực hiện bởi các nghệ nhân làng mộc Cúc Bồ nổi tiếng với tay nghề tinh xảo. Các con rối được làm bằng gỗ sung là loại gỗ nhẹ, nổi trên mặt nước, không bị mọt, không dập, không vỡ và dễ đẽo gọt. Sau khâu đẽo gọt, phơi khô là khâu quan trọng nhất của các con rối - công đoạn lắp ráp tay chân với máy điều khiển, trước khi chúng được “mặc” áo quần bằng những lớp sơn chống nước và vẽ mặt mày theo từng vở diễn. Để điều khiển các con rối diễn uyển chuyển trên mặt nước theo ý mình, các nghệ nhân đã phải tập tay rất công phu hàng tháng trời cho mỗi vở diễn.

Trong khi nhiều phường rối khác điều khiển con rối bằng hệ thống sào hoặc sào kết hợp với dây thì các nghệ nhân ở đây điều khiển con rối hoàn toàn bằng hệ thống dây. Trong khi nhiều phường rối khác ngoài hệ thống cọc và dây cần phải dùng một bộ máy điều khiển gọi là “khung củi” hay “bàn máy” thì hệ chuyển động của rối nước Hồng Phong chỉ gồm các cọc được đóng dưới đáy ao, dây và các ròng rọc. Sự phức tạp và bí quyết nằm ở cách bố trí hệ thống dây sao cho có thể điều khiển được con rối có những cử động rất phức tạp, sinh động và có thể chạy ra rất xa. Như trong tích trò “Vinh quy bái tổ”, một hàng rối cả chục con diễu vòng quanh ao, cách xa người điều khiển hàng chục mét mà vẫn đi rất đều, rất thẳng hàng. Hay như trong trò “Đấu ngựa cửa sóc”, hai con ngựa xoay vòng quanh, biểu diễn đấu nhau rất sinh động. Hệ thống dây điều khiển con rối phải được mắc trước khi diễn. Một buổi diễn của phường rối Hồng Phong thường kéo dài gần 1 tiếng với hơn 10 tích trò. Các tích trò này được diễn liên tục, không thể có thời gian dừng lại để mắc lại dây. Chính vì thế các nghệ nhân phải mắc dây trước đó theo thứ tự, lớp lang nhất định để có thể diễn hết trò này sang trò khác mà dây không bị rối vào nhau.

Từ chỗ chỉ diễn trong hội làng và lưu diễn tại các địa phương xung quanh mỗi khi được mời, đến bây giờ hoạt động của phường rối chuyển sang chủ yếu phục vụ khách du lịch. Hàng tuần, các công ty du lịch ở Hà Nội lại đăng ký tour rồi đưa khách về xem biểu diễn. Bên chiếc ao Thủy Đình của xã Hồng Phong, du khách không chỉ xem múa rối nước mà còn được thưởng thức các điệu múa đầy màu sắc của những con vật linh: long, lân, quy, phượng; xem các trò chơi dân gian như: thả đèn trời, đánh pháo đất, đốt pháo bông... Điểm đặc biệt là khách du lịch về xem múa rối đa phần là người nước ngoài. Trong năm 2012, chỉ có 2 đoàn khách người Việt Nam, còn lại là du khách Pháp, Ý, Đức… Những người phương Tây đến đây đều mê mẩn với nền văn hóa truyền thống lâu đời đậm chất phương Đông, với phong cảnh làng quê đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ, với rối nước - loại hình nghệ thuật dân gian vừa dân dã, vui tươi lại vừa kỳ bí. Những tháng cao điểm phường rối diễn tới gần 40 suất, còn thông thường cũng được khoảng 25 suất một tháng. Mật độ biểu diễn của phường rối Hồng Phong không thua kém các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, nhưng thu nhập của họ chẳng đáng là bao. Trong khi đó, duy trì một phường rối đòi hỏi nhiều chi phí như: tiền mua mành, rèm, gỗ, sơn để làm con rối, trang phục biểu diễn, nhạc cụ, loa đài… Các nghệ nhân biểu diễn lấy niềm vui là chính vì được giữ gìn truyền thống của cha ông, tự hào vì giới thiệu được với du khách khắp nơi trên thế giới về nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Tiếp tục phát huy nét văn hóa đặc sắc của nghệ thuật múa rối nước ở Việt Nam nói chung, Hải Dương nói riêng cũng như đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật múa rối nước của nhân dân địa phương, du khách trong và ngoài nước, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã phối hợp với Tổ chức JICA hỗ trợ xã Hồng Phong xây dựng Nhà trưng bày Múa rối nước tại thôn Bồ Dương. Công trình được khởi công xây dựng vào tháng 1-2013 và được hoàn thành sau 3 tháng thi công, trên tổng diện tích 140m², gồm các hạng mục: nhà trưng bày giới thiệu hình ảnh các con rối, mô hình theo các nội dung: công đoạn làm con rối, sự ra đời, phát triển của phường nghệ thuật rối nước Hồng Phong; hệ thống tường bao và hành lang. Ngày 8-6-2013, tại Nhà văn hóa xã Hồng Phong (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương), Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức lễ bàn giao công trình Nhà trưng bày Múa rối nước Hồng Phong cho UBND xã Hồng Phong.

Công trình này khi được đưa vào sử dụng, sẽ trở thành điểm đến để du khách khám phá về môn nghệ thuật truyền thống độc đáo của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Đỗ Lăng