Quy chế xét công nhận Cây Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam
Điều 1. Mục đích ý nghĩa của việc công nhận Cây Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam
Tôn vinh giá trị lịch sử văn hóa của cây, vừa mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong việc chăm sóc, bảo vệ cây cổ thụ, cây gắn với di tích lịch sử văn hóa; tích cực tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh, cây bóng mát ở nơi công cộng theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa ngày 29-6-2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18-6-2009, Luật Đa dạng sinh học ngày 13-11-2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, Luật Đa dạng sinh học; Quyết định số 39/QĐ-TTg, ngày 05-10-2012 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Quy chế quản lý cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ và phù hợp tôn chỉ mục đích, Điều lệ Hội Sinh vật cảnh Việt Nam.
Điều 2. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này quy định về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục công nhận Cây Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam trong khuôn khổ hoạt động xã hội của Hội SVC Việt Nam.
2. Đối tượng áp dụng: áp dụng đối với tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, các cấp hội, hội viên Hội Sinh vật cảnh và cá nhân trong nước sở hữu, quản lý, chăm sóc cây cổ thụ gắn với giá trị di tích lịch sử văn hóa Việt Nam.
3. Cây cổ thụ đã được cơ quan chức năng nhà nước xếp hạng cần được tổ chức hội tham gia tôn vinh và chăm sóc.
Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam trao Bằng công nhận Cây Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam đối với 02 cây Đại tọa lạc tại thôn Tây Lạc, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ảnh:internet
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Một số từ ngữ trong Quy chế này được hiểu như sau:
1. Cây Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam là cây cổ thụ thân gỗ có cả rễ, thân, cành, có hoặc không có lá; có độ tuổi trên 50 năm hoặc đường kính thân cây tại vị trí 1,3 m từ 50 cm trở lên được trồng trong khuôn viên công cộng gắn với một cơ sở di tích lịch sử văn hóa. Trong trường hợp cây có chủ, nếu được chủ nhân đề xuất và nhân dân đồng tình.
2. Hồ sơ giám định cây cổ thụ là giấy tờ do một tổ chức khoa học có chức năng xác nhận tên cây, tuổi cây, mô tả hiện trạng cây, đặc điểm sinh thái yêu cầu ngoại cảnh của cây, đề xuất quy trình giải pháp chăm sóc bảo tồn cây cổ thụ đảm bảo cho cây sinh trưởng và phát triển tốt.
3. Hồ sơ đề xuất công nhận Cây Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam là hồ sơ do các tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, các cấp hội, hội viên Hội Sinh vật cảnh và cá nhân trong nước đang sở hữu, quản lý, chăm sóc cây cổ thụ gắn với giá trị di tích lịch sử văn hóa Việt Nam lập có xác nhận của chính quyền địa phương nơi có cây.
Điều 4. Tiêu chí Cây Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam
Cây được xét công nhận là Cây Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chí sau:
1. Cây có từ 50 năm trở lên;
2. Cây có đường kính tại điểm 1,3 mét tính từ mặt đất từ 50cm trở lên;
3. Cây gắn với công tích của các bậc tiền nhân trong quá trình dựng nước và giữ nước hoặc gắn với các sự kiện lịch sử cách mạng như: nơi treo cờ Đảng; địa điểm liên lạc của du kích; nơi cất dấu truyền đơn; nơi đặt đài quan sát của bộ đội, du kích… hoặc do lãnh tụ Đảng, Nhà nước trồng lưu niệm;
4. Cây có chủ sở hữu hoặc quản lý rõ ràng, không có tranh chấp.
Điều 5. Trình tự thủ tục đề nghị
1. Hội Sinh vật cảnh các xã, phường, thị trấn (Ở những nơi chưa có tổ chức Hội Sinh vật cảnh cấp xã thì Ban quản lý di tích nơi có cây cổ thụ hoặc đơn vị tương đương) tiến hành điều tra, xác định cây cổ thụ có đủ các tiêu chí theo Điều 3 của Quy chế này lập hồ sơ đề xuất bao gồm:
- Hồ sơ cây cổ thụ theo mẫu 01/CDTLSVH có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn gửi về Hội Sinh vật cảnh huyện, thành phố;
- 04 ảnh cây phóng cỡ (20x25). Chụp 4 ảnh cây ở bốn góc khác nhau, mỗi góc chụp 01 ảnh;
- Bản cam kết bảo vệ, chăm sóc cây cổ thụ nếu được công nhận là Cây Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam (theo mẫu 02/CDTLSVHVN);
- Văn bản kiểm tra xác nhận hiện trạng của Hội Sinh vật cảnh các huyện hoặc tương tương nơi có cây cổ thụ;
2. Hội Sinh vật cảnh tỉnh/thành phố lập hồ sơ đề nghị theo mẫu 03/CDTLSVH và hồ sơ đề xuất của địa phương gửi về Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam.
3. Văn phòng Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam có trách nhiệm thẩm định, kiểm tra hồ sơ (trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định có trách nhiệm hướng dẫn địa phương bổ sung) và tiến hành các công việc tiếp theo như sau:
- Phối hợp với một tổ chức khoa học lập hồ sơ giám định cây cổ thụ (Kinh phí thực hiện do địa phương chi trả);
- Thông báo kết quả thẩm tra hồ sơ đề xuất và hồ sơ giám định cây cổ thụ cho địa phương;
- Trình Chủ tịch Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam ra quyết định công nhận đối với Hồ sơ đạt tiêu chuẩn.
Điều 6. Quyền lợi của Cây Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam
Cây đủ điều kiện và thủ tục được công nhận là Cây Di tích lịch sử Việt Nam có các quyền lợi như sau:
1. Được Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cấp bằng công nhận Cây Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam, Biển Cây Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam;
2. Được tư vấn quy trình chăm sóc, bảo tồn cây cổ thụ;
3. Được thông tin tuyên truyền, giới thiệu về giá trị di tích lịch sử văn hóa, khoa học và môi trường của cây được công nhận và cộng đồng có liên quan;
4. Được khuyến nghị với Chính quyền địa phương, các Ban ngành đoàn thể, các tổ chức và cá nhân có liên quan quan tâm tạo điều kiện chăm sóc bảo tồn cây cổ thụ.
Điều 7. Tổ chức đón Lễ công nhận Cây Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam
Khi nhận được Quyết định, Bằng công nhận và biển gắn vào cây, Hội Sinh vật cảnh xã, phường, thị trấn hoặc đơn vị lập hồ sơ đề xuất tiến hành các công việc sau:
1. Báo cáo với cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn xin chủ trương tổ chức đón nhận quyết định công nhận cây Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam.
2. Việc tổ chức đón nhận quyết định công nhận cây Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam phải đảm bảo yêu cầu vừa trang trọng, tiết kiệm vừa đảm bảo các mục đích ý nghĩa theo Điều 1 của Quy chế này.
Điều 8. Tổ chức triển khai
1. Hội Sinh vật cảnh các tỉnh/thành phố là đơn vị lập kế hoạch. Hướng dẫn triển khai việc xét hồ sơ ở địa phương trong phạm vi hoạt động.
2. Tạp chí Việt Nam Hương sắc đảm bảo vấn đề truyền thông về Cây Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam.
3. Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Sinh vật cảnh Việt Nam, Chi Hội Sinh vật cảnh Trường Đại học Lâm nghiệp phối hợp cùng các tổ chức, các nhà khoa học hỗ trợ các địa phương trong việc lập hồ sơ giám định cây cổ thụ.
4. Giao Văn phòng Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam là đầu mối hướng dẫn, phối hợp với các đơn vị có liên quan và chịu trách nhiệm trước Thường trực Trung ương Hội về việc tổ chức triển khai nội dung Quy chế này. Trong quá trình triển khai có vấn đề phát sinh vướng mắc kịp thời báo cáo Thường trực Trung ương Hội chỉ đạo giải quyết. Lưu ý trong trường hợp cây được cơ quan chức năng nhà nước tôn vinh cần động viên tổ chức hội các cấp tôn trọng và ủng hộ.
P.V