Quảng trường Ba Đình xưa và nay

Cùng với Đông Đô - Thăng Long- Hà Nội, Quảng trường Ba Đình là một phần của thủ đô ngàn năm văn hiến. Nơi đây đã chứng kiến bao lịch sử thăng trầm của dân tộc. Từ mùa Thu tháng Tám 1945 Ba Đình trở nên gần gũi và thiêng liêng ghi lại dấu ấn không thể phai mờ về sự bắt đầu một thời đại mới của dân tộc- Thời đại độc lập- tự do- hạnh phúc- Thời đại Hồ Chí Minh, và để đến ngày hôm nay Ba Đình trở thành nơi hội tụ của hồn thiêng sông núi, nơi hội tụ của đồng bào cả nước và cả bè bạn khắp năm châu.

Quảng trường Ba Đình xưa là cổng phía Tây của Kinh thành Thăng Long với dân cư đông đúc và nhiều làng nghề cổ. Thời Pháp thuộc khu Ba Đình là nơi đặt trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính Phủ Toàn quyền Pháp ở Đông Dương.

Dưới thời Chính phủ Trần Trọng Kim, cùng với việc đặt tên mới cho hàng trăm con phố ở Hà thành mà cho đến nay vẫn được dùng; ở phía Bắc của con đường, nay là đường Điện Biên Phủ có một bãi đất trống cỏ dại mọc có tên là Poanh (point tức là một điểm), được đặt tên là Quảng trường Ba Đình.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Chính phủ nước Việt Nam mới cũng đã quyết định lấy tên cuộc khởi nghĩa Ba Đình, một trong những bản anh hùng ca chống Pháp của phong trào Cần Vương để đặt tên cho khu đất đặc biệt này của Hà Nội. Sau ngày 2-9-1945 các phương tiện thông tin trong và ngoài nước đã đồng loạt đưa tin: Ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau thời điểm đó Quảng trường còn có tên là Quảng trường Độc lập. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Quảng trường Ba Đình còn có tên là Hồng Bàng. Từ ngày 1-1-1955 cuộc mít tinh trọng thể đón mừng Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ  trở về Thủ đô Hà Nội, nơi đây lại được gọi là Quảng trường Ba Đình. Sau sự kiện Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 thì cuộc mít tinh trọng thể ngày 1-1-1955 là sự kiện trọng đại thứ hai của lịch sử dân tộc và Thủ đô Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh. Ba Đình từ đó càng trở nên thiêng liêng hơn đối với mỗi người Việt Nam. Thêm nữa, từ sau ngày Thủ đô được giải phóng, Bác Hồ về sống và làm việc tại  Ba Đình, trong khu vực trước đó là Dinh Toàn quyền Pháp ở Đông Dương. Đây là nơi Bác đã sống và làm việc trong 15 năm từ 1954 đến 1969. Nơi Bác đã cùng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ ngày đêm lo lắng, lãnh đạo nhân dân ta xây dựng cuộc sống mới ở miền Bắc và cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đây cũng là nơi ghi dấu tình cảm yêu mến vô hạn của Bác Hồ đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, với bạn bè, đồng chí và nhân dân thế giới. Sau khi Bác qua đời, nơi đây trở thành Khu Di tích đặc biệt quan trọng của nước ta.

Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945

Cùng với việc gìn giữ và phát huy giá trị Khu Di tích Phủ Chủ tịch, Đảng và Nhà nước ta còn quyết định xây dựng Lăng Bác ngay trên Quảng trường Ba Đình. Lăng Bác được đặt tại vị trí của Kì đài năm xưa nơi Bác đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Lăng được khởi công xây dựng ngày 2-9-1973 và 2 năm sau được khánh thành ngày 29-8-1975, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 30 Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và là mùa Thu đầu tiên đất nước ta được hoàn toàn thống nhất. Lăng Bác và lễ đài là một thể thống nhất, đáp ứng nhiều giá trị sử dụng khác nhau. Đây là nơi tổ chức các lễ hội lớn của cả nước, nơi sinh hoạt chính trị, văn hóa, biểu diễn nghệ thuật. Đến năm 1990, một công trình văn hóa lớn tưởng niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh lại được xây dựng sau Lăng Bác, trên Quảng trường Ba Đình, đó là Bảo tàng Hồ Chí Minh. Bảo tàng được khởi công xây dựng ngày 31-8-1985, nhân kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9; và khánh thành đúng vào ngày 19-5-1990, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào thời điểm nhân dân toàn thế giới mừng ngày sinh của Người với danh nghĩa là Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và là nhà văn hóa kiệt xuất.

Thế là, cùng với các công trình kiến trúc nơi làm việc của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ xung quanh Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi ở và làm việc của Bác, Lăng và Bảo tàng về Người trở thành tượng đài độc đáo về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Cụm di tích lịch sử- văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Quảng trường Ba Đình là biểu tượng về lòng biết ơn vô hạn của dân tộc Việt nam đối với Bác Hồ, Người đời đời sống mãi với các thế hệ người Việt Nam, dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi lên trên con đường độc lập, tự do, hạnh phúc. Từ hai phía Lăng có đường đi ra Lễ đài. Độ cao của Lễ đài bằng với độ cao của phòng nơi đặt thi hài Bác. Đây là nơi các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đứng trong những buổi lễ trọng đại của dân tộc.

Quảng trường Ba Đình ở phía trước Lăng Bác có gần 200 ô vuông trồng cỏ

Quảng trường Ba Đình ở phía trước Lăng Bác có gần 200 ô vuông trồng cỏ rộng hàng chục ngàn mét vuông với sức chứa 20 vạn người. Đường Hùng Vương dài 1260 mét, phần qua trước Lăng rộng 100 mét, như còn âm vang những bước chân dồn dập của đoàn quân chiến thắng.

Nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương đã diễn tả niềm tự hào của người dân Việt Nam đối với Ba Đình bằng lời ca tha thiết: “Ta về đây hôm nay trên Quảng trường Ba Đình. Cùng dâng lên Bác kính yêu biết bao ân tình. Một niềm vui son sắt vô bờ và cả bao hy vọng ước mơ…”. “ Trông trời cao mây bay trên Quảng trường Ba Đình. Dường như nghe Bác kính yêu nói câu ân tình. Từ mùa Thu sông núi rợp cờ, và đẹp bao hy vọng ước mơ…”

Tượng đài các anh hùng liệt sỹ nằm trên đường Bắc Sơn, con đường nhìn từ phía Quảng trường Ba Đình nối tượng đài tưởng niệm thẳng với cửa chính của Lăng. Trên đoạn đường 280 mét, rộng 60 mét là một vườn trồng những cây hoa tiêu biểu được đem về từ mọi miền đất nước.Tất cả hội tụ về Quảng trường Ba Đình như thì thầm bên tai các liệt sỹ anh hùng đã hiến dâng cuộc đời cho dân tộc.

Điều đặc biệt quý ở Quảng trường Ba Đình đó là bên cạnh quần thể kiến trúc văn hóa tưởng niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở đây vẫn giữ lại ngôi chùa cổ có kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam, đó là chùa Một Cột, có tên chữ là chùa Diên Hựu. Sự tồn tại nguyên vẹn của ngôi chùa độc đáo có một không hai này càng làm cho những di tích lịch sử- văn hóa ở đây thêm thanh tao, thấm đượm hồn thiêng sông núi. Lúc sinh thời Bác Hồ đã từng nhiều lần đến thăm chùa và giới thiệu với bạn bà quốc tế về lịch sử, ý nghĩa của ngôi chùa này. Chùa Một Cột được xây dựng năm 1049. Với gần 1000 năm lịch sử, chùa Một Cột được coi là Quốc tự và là một nơi rất linh thiêng.

Chùa Một Cột đã qua nhiều lần tu sửa. Thời Lý chùa to hơn chùa thời nay. Chùa thời Trần cũng không giống chùa thời Lý nữa. Sách toàn thư ghi lại, năm 1249, mùa Xuân, tháng Giêng sửa lại chùa Diên Hựu, xuống chiếu vẫn làm ở nền cũ. Thời Lê nhiều lần Triều đình cho tu sửa, thu nhỏ kích thước tòa sen và cột đá. Năm 1838, Tổng đốc Hà Ninh Đặng Văn Hòa tổ chức quyên góp thập phương chữa điện đường, hành lang tả hữu, gác chuông và cửa Tam quan. Năm 1852, bố chính Tôn Thất Giao xin đúc chuông mới. Năm 1864, Tổng đốc Tôn Thất Hàm hưng công trùng tu, làm sàn gỗ hình bát giác để đỡ tòa sen, chạm trổ thêm công phu, tráng lệ. Năm 1954, trước khi rút khỏi Hà Nội, quân Pháp đã đặt mìn phá đổ chùa. Sau ngày tiếp quản Thủ đô, Bộ Văn hóa đã cho tu sửa chùa Một Cột theo đúng kiểu mẫu cũ để lại từ thời Nguyễn.

Chùa Một Cột trên mảnh đất Ba Đình lịch sử đã được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử- kiến trúc- nghệ thuật ngày 24-8-1962. Ngày 4-5-2006, chùa Một Cột được ghi vào sách kỷ lục Ghiness Việt Nam với danh hiệu “ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam”.

Thật kỳ diệu là với việc phát tích của Hoàng thành Thăng Long ngay bên cạnh Quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc, có Lăng nơi Người đời đời yên nghỉ, có Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đó là những đóa hoa sen trắng đời đời tỏa hương giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Nơi đây là chốn linh thiêng mỗi người con đất Việt ai ai cũng mong ước được về thăm dù chỉ một lần trong cuộc đời.

TS Nguyễn Thị Tinh

Top