Quần thể Di tích lịch sử Văn hóa ở làng Đông Cứu

Làng Đông Cứu xưa thuộc tổng Đông Cứu, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Nội, nay là xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội.

Làng Đông Cứu nằm bên bờ sông Nhuệ, đây là một tụ cư có từ rất lâu đời, được hình thành lên sau những cuộc khai hoang lấn biển và bồi đắp tự nhiên của dòng sông Hồng. Dấu tích địa lý, văn hóa của tổng Đông Cứu, tổng La Phù, dòng chảy sông Nhuệ, địa hình thổ  nhưỡng... đã khẳng định điều đó. Đặc biệt là truyền thống văn hóa và tục thờ thành hoàng làng ở Đông Cứu có nhiều đặc điểm đáng chú ý và phải có những nghiên cứu khoa học nghiêm túc thì chắc chắn việc tìm hiểu, đánh giá lịch sử về làng Đông Cứu sẽ có những căn cứ chính xác hơn.

Đình làng Đông Cứu (Ảnh hatvan.vn)

Thành hoàng làng Đông Cứu là ba vị anh hùng có công đánh giặc chống Tống, những người anh hùng ấy không phải ai khác mà chính là những người con dân của làng, sinh ra và lớn lên từ đây rồi ra đi đánh giặc và được nhân dân tôn thờ làm Thành Hoàng. Đây cũng là một trường hợp hy hữu, ở Việt Nam ít có nơi nào mà Thành Hoàng lại chính là người dân bản địa. Căn cứ vào thần tích, thần phả còn lưu giữ được đến ngày nay thì ba vị thành hoàng có tên là ông Uy, ông Hồng, bà Mỹ Nương. Ba người là anh em cùng trong một nhà, tương truyền khi giặc Tống xâm lược nước ta, triều đình tuyển mộ người tài đi đánh giặc cứu nước, hai ông xin phép mẹ già, tình nguyện về cung ra mắt nhà vua rồi đích thân cầm quân ra trận. Thủy, bộ mỗi người một ngả, trận đầu thất bại, ông Hồng bị giặc chém chết, thấy vậy bà Mỹ Nương ở nhà bèn tuyển thêm quân rồi kéo thẳng ra vây đồn giặc tiếp ứng cho ông Uy. Trận này quân giặc tan tác, đem lại thái bình cho xã tắc. Đánh giặc xong, hai người trở về làng báo tin vui với mẹ và dân bản, khi về đến đầu làng nơi địa giới Đầu Rồng thì bỗng nhiên trời đất tối đen, mưa gió ầm ầm, hai người bèn hóa theo ông Hồng. Từ đó nhân dân xây miếu lập đền thờ tri ân công đức ba người. Triều đình thì phong tặng ông Hồng là Quốc Tử Đại Vương, ông Uy là Thái Tử Đại Vương, bà Mỹ Nương là Công chúa. Cả ba người đều là Mỹ Tự “Thượng đẳng phúc thần”, đồng thời  cấp ruộng đất, miễn thuế cho dân dựng đình và hương đăng thờ phụng muôn đời. kèm theo đó là những lời thơ ca ngợi công đức của các ngài.

Gia chi hiếu tử, quốc trung thần

Vạn cổ danh truyền cựu chí tân

Nam hữu trung trinh danh bất hủ

Nữ gia tiết hạnh kính vô trần

Tiêu danh ký tích niên niên  thịnh

Tụng đức truyền phong thế thế nhân

Dã mã võng ty hà ích giả

Bão danh tại thế ức niên huân

Nghĩa là: là con hiếu với nhà, là bày tôi trung với nước. Danh truyền muôn thủa từ trước tới nay. Nam thì có lòng trung trinh, tên tuổi không phai mờ. Nữ thì thêm tiết hạnh làm tấm gương soi, nêu danh ghi dấu tích ngàn năm thịnh vượng. Tụng đức truyền lại phong tục đẹp đời đời để tiếng thơm rực rỡ vạn năm.

Tiếp sau đó, dưới thời các vua Nguyễn, bắt đầu từ Vua Tự Đức đến Vua Khải Định triều đại nào cũng có sắc phong cho Thần.

Từ một người con của dân làng trở thành Thành Hoàng làng là một vinh dự lớn của dân thôn, nên tổ tiên các thế hệ xưa đã tôn kính và lập thờ trang trọng các vị tại Đình, riêng bà Mỹ Nương có miếu thờ riêng. Đình xưa đã bị đổ nát, nơi thờ hiện nay là do nhân dân tôn tạo mới nhưng rất bề thế, nguy nga. Đền Mỹ Nương tuy không to nhưng vẫn giữ được kiến trúc cổ, hoa văn trang trí, chạm khắc trên các vì kèo, bức cốn đều mang dấu tích nghệ thuật và kiến trúc thời Hậu Lê. Đồ tự khí, liễn đối, hoành phi tương đối đầy đủ và còn nguyên bản. Trong đó có những thứ rất có giá trị về mặt lịch sử và nghệ thuật, kể cả các văn tự ghi chép để minh chứng về lịch sử niên đại cũng như sự nghiệp của Thần.

Nghề thêu làng Đông Cứu (Ảnh: TL)

Cùng với việc thờ Thần là thờ Phật, làng Đông Cứu có một ngôi chùa được khởi dựng từ rất lâu đời. Nếu căn cứ vào tấm bia đá nói về lần trùng tu, bia dựng năm Vĩnh Thọ thứ 5, tức năm 1662 thì ngôi chùa đã có trước đó rồi, nay đổ nát mới được xây dựng lại. Vậy nếu chỉ tính từ lần trùng tu ấy tới giờ đã là 355 năm, những lần trùng tu tiếp theo không thấy ghi chép lại. Chùa hiện nay, kiến trúc không lớn như một số chùa khác nhưng đồ tự khí lại rất đặc biệt, hầu hết các bức hoành phi, liễn đối, thiều châu, cửa võng đều còn nguyên bản xưa. Đặc biệt là hệ thống tượng pháp trong chùa rất đầy đủ, lớp lang ổn định và tôn nghiêm, hầu hết là tượng cổ được tạo tác rất nghệ thuật và mang dấu ấn nghệ thuật điêu khắc thời Hậu Lê là chủ yếu, kết hợp hài hòa với nghệ thuật chạm khắc thời Nguyễn. Chùa Đông Cứu có thể ví như một bảo tàng nghệ thuật điêu khắc tượng thờ và đồ tự khí.

Làng Đông Cứu lại có cả nghề thêu, tuy Đông Cứu không phải là nơi phát tích nghề thêu nhưng cũng rất gần với Ngũ Xã, nơi thờ tổ sư nghề thêu Việt Nam là Lê Công Hành. Nếu căn cứ vào những sắc phong: bản thứ nhất vào năm Cảnh Hưng thứ 7 tức năm 1746, bản thứ hai vào năm Chiêu Thống thứ nhất tức năm 1787 thì nghề thêu ở đây  có từ trên 300 năm trở về trước. Những người thợ thêu xưa ở làng Đông Cứu, cũng đã lập miếu thờ vị tổ sư nghề ở riêng làng mình. Miếu thờ hiện hữu nằm trong quần thể di tích chùa và đền thánh Mỹ Nương.

Một làng, dân không đông, diện tích không lớn mà có cả một quần thể di tích vừa thờ Phật, thờ tổ nghề, thờ thánh, điều đó chứng tỏ truyền thống tôn sư trọng đạo, tri ân công đức những bậc tiền bối của các thế hệ người làng Đông Cứu là rất đáng trân trọng và cần được làm bài học cho các vùng dân cư khác. Để làm được việc đó lại cần có sự hỗ trợ của các cơ quan hữu trách giúp nhân dân làng Đông Cứu trong việc đánh giá giá trị, tầm vóc của di tích, đặc biệt là công trạng của các vị thần, mà các triều đại phong kiến xưa đã từng phong tặng. Để từ đó có những chính sách và đầu tư kinh phí để nhân dân tiếp tục bảo tồn các di tích ấy không bị xuống cấp, đồng thời có điều kiện tôn tạo cảnh quan xung quanh cho di tích thật sự là những công trình văn hóa  cho muôn đời sau.

Nguyễn Nguyên Hoài

Top