Quản lý và sử dụng nguồn nhân lực Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Trong sự nghiệp phát triển bảo tàng, việc quản lý và sử dụng nguồn nhân lực là một nhiệm vụ trọng tâm cả hiện tại và tương lai, nhất là trong xu thế hội nhập toàn cầu với sự phát triển mạnh mẽ của các bảo tàng trên thế giới và khu vực hiện nay.

Nguồn nhân lực Bảo tàng LSQS Việt Nam và các bảo tàng Quân đội

Bảo tàng LSQS Việt Nam là một thiết chế văn hoá của Nhà nước, của Quân đội, đây cũng là một trong những công cụ quan trọng phục vụ hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội ta. Bảo tàng Quân đội là một bộ phận cấu thành của hệ thống Bảo tàng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiện nay, trong Quân đội có 26 bảo tàng được tổ chức trong các Quân khu, Quân đoàn, Quân binh chủng, Tổng cục; với đội ngũ gần 500 cán bộ, nhân viên do cơ quan chính trị các cấp quản lý. Trong đó, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là cơ quan trực thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là một trong 6 bảo tàng Quốc gia và là bảo tàng đầu hệ của hệ thống Bảo tàng Quân đội. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã và đang là nơi lưu giữ, phát huy các di sản văn hoá quân sự đặc sắc của dân tộc Việt Nam thông qua trưng bày, giới thiệu với khách tham quan trong và ngoài nước những hình ảnh, hiện vật phản ánh quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, mà trọng tâm là hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, mà trực tiếp là Tổng cục Chính trị; được sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội; các thế hệ cán bộ, nhân viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã phát huy bản chất tốt đẹp và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Thủ trưởng TCCT về chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ công tác bảo tàng trong toàn quân; đồng thời, tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ, trưng bày hiện vật về lịch sử quân sự, di sản văn hóa quân sự, phục vụ hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc và Quân đội; góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Do vừa là một cơ quan văn hóa vừa là một đơn vị Quân đội nên nguồn nhân lực của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cũng như các Bảo tàng Quân đội mang nhiều nét đặc thù riêng. Lãnh đạo, chỉ huy của bảo tàng chủ yếu được lựa chọn từ các đồng chí cán bộ chính trị đã trải qua các cương vị chỉ huy, quản lý ở đơn vị cơ sở nên đa phần chưa qua các lớp đào tạo về chuyên môn bảo tàng,  chỉ khi giữ chức vụ chỉ huy, quản lý mới được đào tạo tiếp văn bằng 2 về chuyên ngành bảo tàng.

Nghiệm thu nội dung dự án xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực tại Bảo tàng LSQS Việt Nam.

Đội ngũ cán bộ, nhân viên về cơ bản là những người đã tốt nghiệp từ các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội chuyên ngành bảo tồn, bảo tàng hoặc quản lý văn hoá, mỹ thuật công nghiệp và một số chuyên ngành khác. Nhìn chung đội ngũ cán bộ, nhân viên của Bảo tàng LSQS Việt Nam đã thực hiện tương đối toàn diện các mặt nghiệp vụ của một bảo tàng quốc gia; có tâm huyết, yêu ngành, yêu nghề, xác định tốt nhiệm vụ; nhiều người có thâm niên, kinh nghiệm trong việc nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hiện vật, kiểm kê, bảo quản, nhiều người có khả năng tốt trong việc khai thác và xử lý thông tin, viết, biên tập và lập hồ sơ khoa học cho hiện vật. Họ là những “Chiến sĩ trên mặt trận văn hoá” trong Quân đội.

Bên cạnh những mặt đã đạt được, trong công tác quản lý và sử dụng nguồn nhân lực của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nói riêng, các Bảo tàng Quân đội nói chung còn bộc lộ những điểm bất cập, hạn chế, đó là:

- Đội ngũ cán bộ, quản lý ít người có chuyên môn sâu về chuyên ngành lịch sử, bảo tàng; số có học vị thạc sĩ, tiến sĩ chưa nhiều. 

- Đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn do môi trường công tác nên tính chủ động, sáng tạo chưa cao, thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu các kỹ năng về làm việc nhóm, chưa gắn kết giữa các nhóm, các bộ phận.

- Chưa có nhiều cán bộ chuyên sâu nghiên cứu lịch sử, xây dựng sưu tập, công nghệ bảo quản tiên tiến hay các lĩnh vực thiết kế đồ họa, marketing, nghiên cứu công chúng, giáo dục bảo tàng. Ít có các chuyên gia giỏi trong các khâu công tác nghiệp vụ.

- Đội ngũ cán bộ, nhân viên của Bảo tàng được đào tạo cơ bản, chính quy nhưng phần lớn được đào tạo tại các trường đại học trong nước chất lượng trung bình, đa phần là trình độ cử nhân; số cán bộ có trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ ít (dưới 10%) nhưng chủ yếu tập trung ở Bảo tàng LSQS Việt Nam.

- Nhiều cán bộ bảo tàng làm việc trái ngành, nhất là ở bảo tàng các đơn vị do đặc thù luân chuyển cán bộ trong Quân đội, ít người thành thạo về các ngoại ngữ chính như Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc. Một số đồng chí biết ngoại ngữ nhưng ít được thực hành giao tiếp, ngoại trừ số hướng dẫn thuyết minh, nên việc sử dụng ngoại ngữ để nghiên cứu, khai thác kinh nghiệm từ các tài liệu nước ngoài hầu như không có.

Chính vì vậy, nên nguồn nhân lực của Bảo tàng chưa có khả năng và ít cơ hội cập nhật những vấn đề, những quan điểm mới về lĩnh vực bảo tàng học tiên tiến trên thế giới. Số cán bộ trẻ ít có cơ hội được đào tạo chuyên sâu ở các lớp tập huấn của ngành di sản văn hóa; với cơ chế chính sách hiện nay, đội ngũ cán bộ chuyên môn ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hầu như không có cơ hội được đi nước ngoài đào tạo. Các chính sách về tuyển dụng, nhân sự, đào tạo chưa phù hợp với đặc thù xây dựng và tổ chức các bảo tàng trong quân đội. Chưa có chiến lược hoặc kế hoạch lâu dài để đào tạo nguồn nhân lực kế cận, phần lớn chờ đợi hoặc phụ thuộc vào sự điều động, bổ nhiệm, luân chuyển của cấp trên.

- Tuổi nghề của cán bộ bảo tàng trong Quân đội ngắn do điều kiện tuyển dụng và các quy định của Luật Sĩ quan, Pháp lệnh về Quân nhân chuyên nghiệp… Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đội ngũ cán bộ bảo tàng trong Quân đội.

Quản lý và sử dụng nhân lực ở Bảo tàng LSQS Việt Nam và các bảo tàng Quân đội

Như đã đề cập ở trên, Bảo tàng LSQS Việt Nam là một thiết chế văn hoá của Nhà nước, của Quân đội; đồng thời, Bảo tàng cũng là một đơn vị Quân đội nên tổ chức, biên chế, hoạt động cũng như việc quản lý, sử dụng nguồn nhân lực trong Bảo tàng LSQS Việt Nam và các Bảo tàng Quân đội được thực hiện theo Luật Sĩ quan, Luật QNCN và Điều lệnh Quân đội. Ngoài việc hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ chuyên môn, thực hiện 6 khâu công tác nghiệp vụ của một bảo tàng, đội ngũ cán bộ, nhân viên của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và các Bảo tàng trong Quân đội phải thực hiện các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, hoạt động CTĐ, CTCT như các đơn vị Quân đội (tham gia tập luyện bắn súng, luyện tập điều lệnh đội ngũ, học tập chính trị, hội thao, hội diễn...) nên áp lực công  việc rất cao; vừa phải giành thời gian thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện theo các tiêu chuẩn của Quân đội. Điều này đòi hỏi các bảo tàng phải tổ chức, bố trí, sắp xếp công việc, quản lý nhân sự sao cho hợp lý để hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Để làm được việc này, đòi hỏi việc quản lý và sử dụng nguồn nhân lực bảo tàng phải năng động, sáng tạo, bố trí đúng người, đúng việc đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong hoạt động của Bảo tàng.

Để quản lý và sử dụng một cách hợp lý nguồn nhân lực hiện có, Bảo tàng áp dụng theo 2 phương pháp:

- Phương pháp quản lý về thời gian (Phương pháp quản lý cứng) theo đúng Điều lệnh Quân đội quy định; phương pháp này có ưu điểm là quản lý được nhân lực thường xuyên, hàng ngày, duy trì thời gian làm việc tại cơ quan, bắt buộc cán bộ, nhân viên phải đến cơ quan làm việc theo đúng chế độ, chấp hành nghiêm quy định về thời gian làm việc. Hạn chế của phương pháp này là “cứng nhắc”, phương pháp này phù hợp với các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp; ít khơi dậy được cảm hứng sáng tạo cho cán bộ, nhân viên, nhất là đối với một cơ quan văn hoá, chuyên phục vụ cho việc nghiên cứu, tham quan, giáo dục cộng đồng.

- Phương pháp quản lý công việc theo chức năng nhiệm vụ được giao (Phương pháp quản lý mềm). Ưu điểm của phương pháp này là tạo điều kiện để phát huy tối đa sức sáng tạo của cán bộ, nhân viên, rất phù hợp cho những người thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, sáng tác mỹ thuật, đi sưu tầm hiện vật. Hạn chế của phương pháp này là không quản lý được cán bộ, nhân viên về thời gian, vì vậy rất dễ bị một số người thiếu tính tự giác lạm dụng.

Do tính chất, nhiệm vụ của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam rất đa dạng; nhiều nhiệm vụ thực hiện mang tính tập thể, trong đó có nhiều lĩnh vực chuyên môn mà một người không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Qua nghiên cứu cho thấy hoạt động của bảo tàng là hoạt động mang tính cộng đồng, chủ yếu là hoạt động theo nhóm; trong khi số lượng cán bộ thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ. Vì vậy, nhiều năm nay Bảo tàng LSQS Việt Nam thực hiện việc luân chuyển cán bộ, nhân viên; để một cán bộ, nhân viên có thể được luân chuyển làm nhiệm vụ ở nhiều công việc khác nhau, hoặc bố trí một người kiêm nhiệm nhiều việc, với yêu cầu một người có thể giỏi một việc nhưng đảm nhiệm được nhiều việc; đặc biệt là áp dụng làm việc theo nhóm. Nếu trước kia để tổ chức một cuộc triển lãm chuyên đề, thường phân công mỗi ngưòi đảm nhiệm một công việc khác nhau, hiện nay Bảo tàng đã tổ chức phân công nhiệm vụ theo một nhóm đề tài, để cùng phối hợp thực hiện tổ chức một cuộc triển lãm; do vậy đã phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng người, chính sự hợp tác sáng tạo của nhóm đã tạo sự thay đổi căn bản trong hoạt động của bảo tàng.

Là một đơn vị Quân đội nên tổ chức, biên chế của Bảo tàng bị khống chế theo tổ chức, biên chế của Quân đội. Tuy nhiên, do khối lượng công việc lớn, nhiều nhiệm vụ mới, đột xuất, nguồn nhân lực theo biên chế của Bảo tàng không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; vì vậy, Bảo tàng LSQS Việt Nam phải tuyển thêm 30 nhân viên lao động hợp đồng. Lực lượng này đảm nhiệm trên tất cả các mặt công tác chuyên môn của bảo tàng từ sưu tầm, kiểm kê, bảo quản đến trưng bày, truyên tuyền, bảo vệ hiện vật...Đây cũng là nguồn lực “dự trữ” quan trọng để “sàng lọc” tuyển dụng vào biên chế cho bảo tàng. Điều này giảm bớt áp lực công việc cho Bảo tàng. Song, đó cũng là gánh nặng lớn khi Bảo tàng không đảm bảo nguồn thu để trả lương cho lực lượng này. Vì vậy, quản lý và sử dụng đối tượng này cần được tính toán một cách khoa học, hợp lý và hiệu quả.

Một số đề xuất, kiến nghị về quản lý và sử dụng nguồn nhân lực

Trong Quy hoạch tổng thể hệ thống Bảo tàng Việt Nam đến năm 2020 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 23/6/2005), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một trong bốn bảo tàng cấp quốc gia được xây dựng mới. Thực hiện chủ trương này Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo xây dựng “Đề án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam”. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trong tương lai là một thiết chế văn hoá động, không ngừng đổi mới cả về nội dung, kỹ thuật, mỹ thuật trưng bày, hình thức và phương thức hoạt động đáp ứng yêu cầu tốt nhất cho khách tham quan nhằm thu hút công chúng đến với bảo tàng.

Điều đó, đòi hỏi nguồn nhân lực của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phải có trình độ và năng lực chuyên môn nghiệp vụ cao, hoạt động chuyên nghiệp, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ của Bảo tàng trong giai đoạn mới, xứng tầm với một bảo tàng hiện đại, tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Để quản lý và sử dụng tốt nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của một bảo tàng hiện đại, cần một số giải pháp:

Một là, cần tạo bước chuyển cơ bản trong nhận thức về vị trí, vai trò và yêu cầu xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và hệ thống Bảo tàng Quân đội. Phải luôn nhận thức rằng nguồn nhân lực là tài sản quan trọng nhất, là yếu tố bảo đảm sự thành công của mỗi bảo tàng, nhất là trong thời đại “Công nghệ số” và “Thế giới phẳng” hiện nay; khi mà các chuẩn mực giá trị dễ bị đảo lộn bởi một “thế giới ảo”. Vì vậy, phải làm cho mọi người thấy rõ trách nhiệm trong việc xây dựng, bồi dưỡng, đào tạo, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, coi chất lượng nguồn nhân lực là nguồn lực “nội sinh” để phát triển sự nghiệp bảo tàng. Đội ngũ cán bộ, nhân viên trong các Bảo tàng Quân đội rất cần được đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nghiệp vụ theo hướng cơ bản, chuyên sâu về chuyên môn bảo tàng, được tiếp cận với những tri thức tiên tiến về khoa học bảo tàng.

Hai là, cần đổi mới mạnh mẽ chương trình giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho các bảo tàng trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc tinh hoa và kinh nghiệm đào tạo của các nước phát triển, nhất là các nước có nền khoa học bảo tàng tiên tiến gắn với tinh hoa văn hoá, truyền thống của dân tộc Việt Nam. Chú trọng đào tạo lý thuyết gắn với thực hành, thường xuyên cập nhật các tri thức, kinh nghiệm từ các bảo tàng tiến tiến của quốc tế. Trong quản lý, sử dụng nguồn nhân lực cần thiết phải kết hợp giữa đào tạo bài bản, chính quy trong nước với việc cử đi nước ngoài học tập, tập huấn chuyên sâu ở các lĩnh vực khác nhau; tăng cường hội thảo khoa học nhằm trao đổi kinh nghiệm, lắng nghe và tiếp nhận sự đánh giá của công chúng, từ các nhà khoa học, các chuyên gia nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các bảo tàng.

Ba là, các bảo tàng trong và ngoài Quân đội cần tăng cường các hoạt động hợp tác, mở rộng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau; phối hợp hoạt động theo các mô hình đơn vị kết nghĩa, hợp tác và chuyển giao công nghệ, nhằm chia sẻ thông tin, nhất là trong việc ứng dụng các công nghệ tiến tiến trong một số lĩnh vực, như: đổi mới thiết kế, chất liệu hệ thống trưng bày; ứng dụng công nghệ mới trong bảo quản hiện vật; trao đổi hiện vật; phối hợp tổ chức các triển lãm chuyên đề…

Bốn là, tăng cường vai trò của nhà quản lý trong việc tuyển chọn nguồn nhân nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho bảo tàng. Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động bảo tàng, nghiên cứu, tiến tới đề xuất, áp dụng cơ chế “tự chủ”, nhất là cơ chế tự chủ về tài chính cho một số bảo tàng đang hoạt động tốt để tăng tính cạnh tranh và nâng cao chất lượng hoạt động của các bảo tàng.

Năm là, Nhà nước cần có chính sách đầu tư trọng điểm, có chiến lược cho việc tuyển chọn, thu hút nhân tài, xây dựng đội ngũ cán bộ lành nghề, chuyên nghiệp làm việc tại bảo tàng; có cơ chế tuyển dụng “đặc thù” cho các Bảo tàng Quân đội. Thực hiện chính sách “trải thảm đỏ” để ưu tiên tuyển chọn những người giỏi ngoại ngữ, những sinh viên kết quả học tập xuất sắc trong các cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài, thực hiện tốt việc trẻ hoá đội ngũ cán bộ. Trước mắt, cần quản lý và sử dụng tốt nguồn nhân lực hiện có của các bảo tàng; trong quy hoạch, quản lý và sử dụng nguồn nhân lực phải đáp ứng với chức năng nhiệm vụ của bảo tàng hiện tại và trong tương lai

Nguồn nhân lực là tài sản quan trọng nhất, yếu tố quyết định thành công của một bảo tàng. Việc quản lý và sử dụng nguồn nhân lực một cách hợp lý và khoa học sẽ phát huy được tiềm năng sáng tạo trong mỗi cán bộ, nhân viên, tạo ra sự thay đổi căn bản trong hoạt động bảo tàng. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một bảo tàng đầu hệ của các bảo tàng trong quân đội, là cơ quan nghiên cứu khoa học, là trung tâm thông tin giáo dục tri thức lịch sử, văn hóa quân sự góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho quân đội và đất nước. Trong tương lai Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sẽ là cơ sở đào tạo thực hành, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các bảo tàng trong hệ thống bảo tàng Quân đội. Vì vậy, việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là cơ sở quan trọng để Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu, học tập và vận dụng trong thời gian tới góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Hội thảo khoa học hôm nay sẽ là những kinh nghiệm quý báu, những luận cứ khoa học giá trị để Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nghiên cứu xây dựng, định hướng cho công tác quản lý, sử dụng nguồn nhân lực cho các bảo tàng Quân đội hiện nay và trong tương lai./.

TS Nguyễn Xuân Năng

Top