Quan điểm tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Lịch sử nước ta” vẫn còn nguyên giá trị
Các tham luận và phát biểu tại Hội thảo tập trung thảo luận về hoàn cảnh ra đời, nội dung và những quan điểm của Nguyễn Ái Quốc trong tác phẩm; Giá trị và ý nghĩa của tác phẩm; Từ tác phẩm bàn về công tác dạy và học bộ môn Lịch sử hiện nay.
Theo PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Tác phẩm Lịch sử nước ta của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xem là một trong những tác phẩm có giá trị về lý luận và thực tiễn trong tiến trình cách mạng Việt Nam. Chỉ với 208 câu thơ lục bát ngắn gọn, súc tích, Người đã giới thiệu những nhân vật lịch sử để khái quát lên truyền thống hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Từ đó khơi dậy và phát huy truyền thống dân tộc nhằm tuyên truyền, giác ngộ quần chúng bước vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Toàn cảnh Hội thảo
Trong Tác phẩm này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng nêu lên những quan điểm có tính nguyên tắc chỉ đạo làm phong phú thêm kho tàng tư tưởng lý luận của Đảng, trong đó Người đã rút ra một bài học lớn về tinh thần đoàn kết, đó là: Dân ta xin nhớ chữ đồng. Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh. Bên cạnh đó, chỉ ra vai trò quan trọng của việc giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống của dân tộc đối với các tầng lớp nhân dân trong quá trình đấu tranh cách mạng cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có thể nói, những quan điểm tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh trong tác phẩm Lịch sử nước ta đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Ngày 28 tháng 1 năm 1941, sau 30 năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trở về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Để khơi dậy tinh thần yêu nước, động viên quần chúng tham gia các tổ chức của Mặt trận Việt Minh, đưa cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi, Người đã viết tác phẩm Lịch sử nước ta. Tác phẩm được Việt Minh Tuyên truyền bộ xuất bản lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1942.
P.V