“Pơng cộ Tết”

Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, người dân ở huyện vùng cao Minh Hóa (Quảng Bình) lại thực hiện một tục lệ đặc biệt mà chỉ riêng họ lên mẹ cha khi cha mẹ vẫn còn sống. Tục lệ này người dân huyện Minh Hóa gọi là “Pơng cộ Tết”, nôm na theo tiếng người Kinh gọi là Bưng cỗ Tết.

Tục lệ có từ khi nào người dân huyện Minh Hóa vẫn không biết, họ chỉ biết, mỗi dịp Tết đến, con cái dù ở nơi đâu cũng về quê, sắm sửa một mâm cơm tươm tất để dâng lên ông bà, cha mẹ mình. Bởi người được dâng cỗ là người đang còn sống nên tục này cũng được xem là “giỗ sống”, đền ơn, báo hiếu những bậc sinh thành.

Tích xưa kể lại rằng, tục lệ “mâm cơm báo hiếu” xuất phát từ câu chuyện về lòng hiếu thảo của một chàng trai Minh Hóa đối với mẹ mình. Tương truyền, một năm nọ vùng đất Minh Hóa xảy ra tai ương. Năm đó liên tục xảy ra hạn hán rồi lại lũ lụt dẫn đến mùa màng thất bát, dân làng đói khổ, bệnh tật. Trong làng có một cụốm thập tử nhất sinh, nghĩ mình sẽ không thể qua khỏi nên buột miệng nói: “Giá mà được ăn một bữa ngon như trước thì có nhắm mắt cũng thỏa lòng”. Người con dâu của bà nghe được, liền đem chuyện kể lại cho chồng. Hai vợ chồng thương mẹ, nhưng nhà nghèo không có tiền để mua những món ngon nên bèn đem chút thóc giống cuối cùng của nhà ra giã gạo thổi cơm. Người chồng cũng không quản ngại trời rét buốt của tháng Chạp, lặn lội ra suối bắt cá. Người vợ ở nhà thì làm thịt con gà cuối cùng của gia đình, sắp sửa một bữa cơm thịnh soạn cho mẹ ăn. Kỳ lạ thay, khi ăn bữa cơm đó, người mẹ khỏi bệnh và mạnh khỏe trở lại như thường đón Tết cùng con cháu. Năm sau đó, gia đình người con ăn nên làm ra, có của ăn, của để.

Một thời gian sau, dân làng biết chuyện đều nói là nhờ con cái hiếu thảo nên trời đất phù hộ. Từ đó, cứ vào dịp Tết đến là các gia đình trong vùng đều học theo anh trai làng hiếu thuận chọn thức ăn ngon nhất dâng lên cha mẹ để báo hiếu bậc sinh thành. 

Mâm cỗ dâng lên ông bà, cha m được làm rất tỉ mẩn và thường là những món ăn cha mẹ ưa thích. Với những người dân Minh Hóa, mâm cơm báo hiếu xuất phát từ tấm lòng thành của con cháu nên nhà có gì thì họ dâng th đó. Nếu nhà nghèo khó, thì những người con cháu ra suối bắt cá, hái ngọn rau rừng, thổi nồi cơm trắng dâng lên cha mẹ mình. Những bậc sinh thành tuyệt nhiên không hề trách cứ điều gì nếu như “mâm cơm báo hiếu” được dâng lên quá đạm bạc. Họ hiểu rằng, các bậc con cháu của mình đã cố gắng để thể hiện lòng hiếu nghĩa, chỉ là gia cảnh nên không thể chuẩn bị được những mâm cơm tươm tất hơn.

Đối với những người con, họ biết những món cha mẹ thích ăn và tìm cách để dâng lên. Và khi mâm cơm được dâng lên, con cháu lần lượt sẽ nói với ông bà, cha mẹ những lời sám hối của mình nếu như trong năm qua khiến các bậc sinh thành phải phiền lòng. Sau đó, cả nhà cùng dùng bữa cơm báo hiếu để cầu chúc cho cha mẹ, ông bà sống lâu trăm tuổi, cầu mong năm mới gia đình đầm ấm.

Mâm cơm báo hiếu, ngoài việc thể hiện lòng hiếu nghĩa với cha mẹ, ông bà, đây cũng là dịp để đại gia đình được quây quần bên nhau mỗi khi Tết đến, Xuân về. Vậy nên dù ở xa, cứ đúng dịp con cháu lại gác bỏ công việc để về bên gia đình lớn cho con cháu gặp nhau, chúc tụng thăm hỏi nhau, thắt chặt tình đoàn kết gia đình. “Mâm cơm báo hiếu” là một nét văn hóa đẹp, riêng có của người Minh Hóa.

Truyền thống này có từ xa xưa nhưng đến nay vẫn giữ nguyên bản sắc. Dù cuộc sống ngày càng văn minh, hiện đại nhưng đối với mỗi người con Minh Hóa, dù đi làm ăn xa, cứ mỗi độ Tết đến, xuân về cũng đều nhớ về quê hương, nhớ gia đình. Đây cũng là dịp để con cháu sum vầy và báo hiếu lên những bậc sinh thành. “Mâm cơm báo hiếu” có giá trị nhân văn sâu sắc, nên không chỉ người dân Minh Hóa, nhiều người ở các huyện khác lên sinh sống và lập gia đình ở Minh Hóa hoặc người Minh Hóa đi nơi khác lập nghiệp cũng học theo và ngày càng lan tỏa.

HOÀNG VIỆT ANH

Top