Phủ Tây Hồ
Hàng năm, vào Rằm tháng Giêng Âm lịch, khách hành hương về đây rất đông, vừa đi lễ Mẫu ban cho điều lành và mọi sự may mắn, vừa đi thưởng ngoạn cảnh đẹp Hồ Tây và địa danh khác của Hà Nội.
Sự tích vị Thánh Mẫu thờ trong Phủ Tây Hồ được người dân tổng Thượng, huyện Phụng Thiên xưa (nay là vùng Yên Phụ, Nghi Tàm, Tây Hồ, Quảng Bá, Xuân La, Vạn Dâu) kể lại rằng: Quỳnh Hoa là con gái Ngọc Hoàng Thượng đế ở Đệ nhị Thiên Cung, do đánh rơi chén ngọc dâng rượu chúc thọ đã phải xuống trần gian đầu thai làm Giáng Tiên - con gái thường dân Lê Thái Công ở An Thái - Vân Cát - Vụ Bản - Nam Định vào năm 1557. Lớn lên, có nhan sắc tuyệt trần, lại giỏi thi thơ, song lấy chồng và sinh con - một trai, một gái thì Giáng Tiên chớp mắt thăng Thiên đình. Nàng giáng trần lần thứ nhất để gặp lại người thân, có hai nữ thần Quế Nương, Thị Nương hậu vệ; lần hai hiển linh để cứu nhân độ thế, trừng phạt kẻ bất lương trêu ghẹo người này, lại gia ơn cho kẻ khác và du ngoạn khắp chốn danh lam, giáng bút đề thơ.
Phủ Tây Hồ nằm trên một bán đảo nhô ra giữa Hồ Tây, trước là đất của một làng cổ của Kinh thành Thăng Long nằm ở phía Đông Hồ Tây, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. (Ảnh: TL)
Có truyền thuyết kể rằng, chính tại mảnh đất Phủ Tây Hồ ngày nay, Quỳnh Hoa đã tái ngộ xướng họa thơ văn cùng Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (lần thứ nhất đàm đạo tại xứ Lạng) trong vai cô chủ quán tửu lâu Tây Hồ phong nguyệt, ít ngày sau Trạng Bùng quay lại đã thấy biến mất cả người lẫn quán, chỉ còn hồ nước mênh mông. Quỳnh Hoa được dân chúng lập phủ thờ, đặt tên là Bà Chúa Liễu Hạnh, được xem là một trong bốn vị “tứ bất tử”, là tấm gương về sự tự mình tạo lấy hạnh phúc. Bà Chúa Liễu Hạnh theo quan niệm dân gian đã trở thành một mẫu quyền năng vô lượng và phân thân, hóa thân thành các thần linh cai quản muôn mặt của vũ trụ: Mẫu Cửu Thiên Huyền Nữ cai quản trên trời, Mẫu Thượng Ngàn cai quản núi rừng, Mẫu Thủy (hay Mẫu Thoải) cai quản trên sông biển, thể hiện sự ngưỡng mộ chân thành, coi trọng vai trò của người mẹ.
Phủ Tây Hồ còn gắn liền với truyền thuyết về Kim Ngưu (Trâu Vàng) và ở Phủ Tây Hồ cũng dựng một đền thờ là đền Kim Ngưu để thờ thần Trâu Vàng.
(Ảnh: TL)
Ngày nay, vượt qua cổng Phủ Tây Hồ sừng sững bên cây đa cổ, con đường vào phủ uốn lượn theo mép hồ lơ thơ liễu rủ lại đưa bước chân du khách tới hai cây vối lớn hiếm thấy và một cây si cổ thụ ngay trước cửa Động Sơn Trang, vươn những chùm rễ đại ra mặt nước cho chim chóc đua nhau về làm tổ. Tam quan vào cổng Phủ Tây Hồ đắp đao lửa, mái làm giả ngói ống, dưới diềm khắc 4 chữ Hán “Phong đài nguyên các” (Đài gió gác trăng), câu đối hai bên trụ nói về sự tích Phùng Khắc Khoan gặp Liễu Hạnh. Phủ chính có quy mô kiến trúc lớn, mặt trước Phủ có cửa tam quan 2 tầng, mái giữa ghi “Tây Hồ hiển tích” (Dấu để Tây Hồ), được trang trí tỉ mỉ, công phu. Bốn cánh cửa giữa phần trên chạm tứ quý, phần dưới chạm tứ linh, giữa chạm đào thọ. Qua tam quan vào là phương đình 2 tầng, 8 mái. Nhà tiền tế xây sát sau phương đình. Phần thờ tự theo thứ tự từ ngoài vào: lớp thứ nhất thờ Tam phủ công đồng, Tứ phủ vạn linh và Hội đồng các quan, có tượng ông Hoàng Bảy, Hoàng Mười, 3 đôi câu đối ca ngợi Chúa Liễu Hạnh. Lớp thứ hai, thờ Ngọc Hoàng và Nam Tào, Bắc Đẩu, có câu đối ca ngợi thắng cảnh Tây Hồ. Lớp thứ ba thờ Tam Tòa Thánh Mẫu có cửa võng đề “Tây Hồ phong nguyệt” và đôi câu đối ca ngợi bà Liễu Hạnh. Trên nóc mái giáp cửa hậu treo đại tự “Mẫu nghi thiên hạ”, hai bên có câu đối bằng gỗ. Lớp trên cùng hậu cung là nơi đặt tượng của bà Liễu Hạnh và tượng Chầu Quỳnh, Chầu Quế. Trên cao là bức đại tự “Thiên tiên trắc giáng” và “Mẫu nghi thiên hạ”. Sát Phủ chính là lầu Sơn Trang 3 tầng, 8 mái cong, lòng nhà có 2 tầng, tầng trên thờ Quan Âm, tầng dưới là 3 động Sơn Trang chiếm 3 gian. Phía ngoài Phủ chính xây 2 am thờ nhỏ thờ Cô và Cậu. Phía trước lầu có tháp nhỏ, dưới gốc si là tấm bia Từ chỉ của xã Vĩnh Thuận dựng năm Thiệu Trị 5 (1845). Di vật trong Phủ còn khá phong phú với nhiều câu đối, cửa võng, long ngai, bài vị, sập thờ. Cửa cuốn, cửa võng được chạm khắc đẹp, mang nét nghệ thuật thế kỷ XIX. Ngoài ra còn có các loại tàn, tán, lọng, 3 quả chuông đồng, 1 bát hương đồng ghi “Đông Cung Điêu”, bát hương đá, 10 đạo sắc phong (3 đạo phong chúa cho Liễu Hạnh, 7 đạo phong cho thần Kim Ngưu), 50 pho tượng tròn lớn nhỏ.
Hàng năm, vào Rằm tháng Giêng Âm lịch, khách hành hương về đây rất đông, vừa đi Phủ Tây Hồ lễ Mẫu ban cho điều lành và mọi sự may mắn, vừa đi thưởng ngoạn cảnh đẹp Hồ Tây và địa danh khác của Hà Nội. (Ảnh: zing.vn)
Vào những ngày Rằm, mùng Một Âm lịch hàng tháng, không chỉ những người Hà Nội, mà khách hành hương từ nhiều nơi khác cũng kéo nhau về, vừa đi lễ Mẫu ban cho điều an lành và mọi sự may mắn, vừa đi thưởng ngoạn cảnh đẹp hữu tình Hồ Tây.
Phủ Tây Hồ được coi là một trong những chốn linh thiêng nhất trong hệ thống đình chùa của Hà Nội. Đây là di tích trong quần thể di tích ven Hồ Tây, một thắng cảnh đẹp của Thủ đô. Phủ Tây Hồ được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa năm 1996. v
Chính Nguyễn (tổng hợp)