Núi Vua - Trung tâm trang trại của bà Hoàng Hậu Bạch Ngọc
Núi ở địa phận làng Hòa Yên, giáp làng Đông Hòa nay là xã Đức Lạc - Đức Thọ. Gọi là đồi thì đúng hơn vì đó là những dãy đồi từ núi Khe Côốc, trong dãy Trà Sơn đổ xuống. Núi gần như không chóp, không đỉnh, chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, hai đầu hạ thấp, nối với các đồi tiếp theo. Trong bản đồ, không thấy ghi độ cao, nhưng mấy ngọn đồi bên cạnh như đồi Nhân Thi, đồi Trẫm Bàng đều được ghi độ cao 43m, trong một tài liệu về địa chí của xã sở tại chép núi Vua cao 30m. Con số có lẽ chưa phải đã qua đo đạc chính xác nhưng ước lượng đó có thể chấp nhận.
Xa xưa, đây là một khu đồi rậm. Từ khi bà Hoàng về dựng lán, lập trại khai hoang, cây cối, chim muông đều được bảo vệ. Sau ngày Bà mất, điện Ngũ Long, chỗ ở và làm việc của Bà được giữ lại, tôn tạo thêm, trở thành ngôi đền thờ Bà, toàn bộ khu rừng trở thành rừng cấm, cây cối ngày một sầm uất.
Những năm đầu thực dân Pháp sang xâm lược, một bộ phận lực lượng “Cần Vương” hoạt động tại đây. Rừng bị Pháp đốt, hoạt động cách mạng bí mật vào những năm sau đó cũng thường sử dụng khu đồi này làm nơi liên lạc, tập hợp. Tây đồn Linh Cảm coi đây như những cái gai chọc thẳng mắt chúng, chúng đã căm tức chặt phá, triệt hạ toàn bộ khu rừng. Từ đó khu rừng trở thành đồi trọc.
Về phương diện địa lý, nếu công nhận vùng Bắc Trà Sơn - sông Sâu có một thung lũng khá rộng, đó là khu kinh tế có tầm chiến lược, thì núi Vua chính là trung tâm của khu kinh tế ấy. Ở đây, vô số ngọn núi, ngọn đồi thấp tà tà, lác đác lại có vài ngọn cao vượt hẳn lên. Chúng nối liền nhau, đoạn thưa, đoạn dày, thung rộng, thung hẹp... Từ núi Vua, núi Miệu, núi Nậy, núi Am đến núi Ne, núi Dạ, núi Dẻ, núi Dầu... gần như giống nhau, chúng đã tạo ra từ dưới chân chúng những cái thung lòng chảo, rộng, hẹp, sâu, cạn có khác nhau, hoặc những bãi bồi khá rộng. Dưới đáy lòng chảo và bãi bồi ấy được bồi tích khá dày chất mùn từ các sườn núi, mái núi đổ xuống. Địa hình bắt buộc chúng phải khép kín, sâu thì gọi là bàu, là khe, không sâu lắm thì gọi là lầy, trũng; rồi đến đồng sâu, đồng cạn; cũng có khoảnh gọi là bãi, gọi cồn. Đó là bàu Ngũ Hương, lầy Trẫm Bàng, đồng Ông, đồng Đà, đồng Suông, đồng Trại... Qua các đợt khai hoang, cải tạo chúng đã trở thành những cánh đồng, những đồi ruộng lúa tốt, thuộc loại “nhất, nhị đẳng điền” mà sau này ta gọi là loại ruộng “Cao sản”, chúng đã đi vào ca dao, ngạn ngữ...
Chùa Am được bà Hoàng xây dựng khi về vùng núi này. Ảnh: internet
- Nhất Cận Kỵ, Nhì Mỹ Xuyên;
- Khoai làng Hạ, Cá Hồ Thông;
- Sống Đồng Ông, Đồng Đà, chết Cửa Cà, Mụ Nậy...
Cận Kỵ là Kẻ Dạ nay thuộc xã Đức Long; Mỹ Xuyên là Kẻ Bàu nay xã Đức Lập; làng Hạ ở Đức Đồng; hồ Thông ở Đức Long; Đồng Ông nằm dưới chân núi Vua, thuộc làng Hòa Yên nay xã Đức Lạc, Đức Hòa. Sống, chết ở đây ý nói: được cày ruộng ở những cánh đồng ấy là những gia đình có phúc đức; Cửa Cà, Mụ Nậy là tên những bãi tha ma, những cồn đất cao ráo, sạch sẽ thoáng mát.
Tương truyền, bà Hoàng đã cho bổ những nhát cuốc đầu tiên, mở đầu cho các đợt khai hoang lập ấp ở vùng đồi này. Khi mở tuyến đường sắt Bắc - Nam (đoạn Vinh - Đông Hà), vì núi Vua là ngọn đồi vừa thấp thoai thoải, vừa dài theo hướng gần như Bắc Nam, nên người ta đã nhe nhắm, cắm mốc, đặt đường ray đi dọc theo đồi này. Đoạn giữa đồi, đường sắt, gần sát mé nền phía Tây, ngôi đền Ngũ Long, nơi thờ bà Hoàng.
Theo “Tiền triều phả hệ thực lục” do trợ giáo Trần Cao Vân dịch, trích chép trong “Địa dư tỉnh Hà Tĩnh”, xuất bản năm 1938, sự tích Hoàng hậu Bạch Ngọc tóm lược như sau:
Bà tên là Trần Thị Ngọc Hào, con gái ông Trần Công Thiệu, quê làng Chính Bản, xã Thổ Hoàng - Hương Khê. Bà được Trần Duệ Tông (1337 - 1377) kén lập làm Hoàng hậu. Vua Duệ Tông ở ngôi được 4 năm. Trong chuyến đi Nam Chinh, bị tử trận ở thành Đồ Bàn khi Nhà vua mới 41 tuổi. Không bao lâu, Hồ Quý Ly chiếm ngôi nhà Trần. Đất nước lâm vào cảnh biến loạn. Bà Hoàng cùng con gái mình là Công chúa Huy Chân vội vã cải trang làm giới tu hành, từ Kinh thành lánh về quê nhà. Cùng tự nguyện đi theo Bà có 572 người (?). Ròng rã 50 ngày đêm mới về đến Trà Sơn - Núi Cốc. Bà dựng “doanh trại” ở đây. Trên đường về, số người đi theo rơi rớt dần, chỉ còn 172 người, trong đó có 2 gia thần và 2 cung nhân rất mực trung thành, tin cậy. Bà cho dựng trại ở đây. Cho chiêu mộ thêm ba nghìn người bổ sung lực lượng. Khai hoang đến đâu, lập làng đến đó.
Năm Ất Tỵ (1425), nghĩa quân Lê Lợi từ Nghệ An tiến quân vào Hà Tĩnh. Giải phóng xong vùng đồi này mới biết bà Hoàng Bạch Ngọc lâu nay đã tiến hành khẩn hoang ở đây. Chưa có một tài liệu nào cho biết được, bà Hoàng xúc tiến công cuộc khai hoang ở đây bắt đầu từ năm nào. Nhưng đến thời điểm ấy, phạm vi, quy mô khẩn hoang lập làng đã được mở rộng, loang dần ra như một mạng nhện. Lấy núi Vua là “chỉ huy sở” làm mốc; về phía Nam, đã mở vào đến Lâm Thao, Hòa Duyệt thuộc huyện Hương Khê; phía Bắc đến Nhân Thi, Kẻ Dạ huyện Đức Thọ, phía Tây đến Thượng Bồng, Hạ Bồng, lúc đó đang thuộc Hương Sơn, phía Đông xuống đến Thường Nga, Lai Thạch huyện Can Lộc. Trên địa bàn đó, về sau này, tính ra đã có đến khoảng 45 xã, thôn, trang ấp mới được thiết lập, nằm trong địa phận 6 tổng của 4 huyện nói trên. Ruộng đất đã khai hoang thành thục là 3.965 mẫu. Một hệ thống kho lẫm cũng được xây dựng như Kho Nhà vua ở núi Miệu, kho Cồn Kho ở núi Dẻ... Dấu tích tuy đã bị xóa mờ nhưng ít nhiều còn có thể nhận ra.
Nghĩa quân đã bố trí một cuộc gặp mặt giữa Lê Lợi với Bà Hoàng. Lê Lợi đã tiếp đón bà theo nghi lễ tiếp một bà Hoàng nhà Trần. Lúc này, cuộc kháng chiến chống quân Minh đã phát triển đến bước phản công tiêu diệt địch, yêu cầu về lương thực, hậu cần đặt ra rất lớn và cấp bách. Bà Hoàng đã hiến cho nghĩa quân các kho lương thực lâu nay bà đã dành dụm, cất giấu cùng với phần lớn ruộng đất đã khai phá thành thục có thể trồng trỉa ngay.
Bà gả Công chúa Huy Chân cho Bình Định Vương Lê Lợi. Lán trại lâu nay Bà ở và làm việc tại núi Vua được nghĩa quân xây lại khang trang, gọi là điện Ngũ Long. Một ngôi nhà khác ở chân núi Phượng được dùng riêng cho Công chúa Huy Chân, gọi là lầu Phượng Hoàng. Huy Chân lấy Lê Lợi chỉ sinh độc nhất một gái, được phong là Trang Từ Công chúa.
Từ ngày về đây, bà Hoàng lần lượt cho dựng hai ngôi chùa: chùa Am (Diên Quang Tự) và chùa Lã (Tiên Lữ tự). Bà cũng năng vào ra, kinh kệ thường lề.
Khi đã về già, cả ba mẹ con, bà cháu đều nhóm về sinh sống ở khu đồi trung tâm khai hoang Bắc Trà Sơn này. Bà Hoàng Bạch Ngọc mất vào thời Hồng Đức (1470 - 1497), chưa rõ năm nào, giỗ Bà vào ngày 22 tháng 6 Âm lịch hàng năm, lễ hội được tổ chức rất trọng thể.
Một nhân vật lịch sử đặc biệt hàng mấy thế kỷ, chưa dễ có một tài năng và tâm huyết như bà. Hẳn sẽ phải có những công trình tầm cỡ từ những cơ quan có trách nhiệm đặt ra một cách nghiêm túc để nghiên cứu riêng về con người và sự nghiệp của bà.
Trong mấy tư liệu ít ỏi đã có, phần thì do ghi chép quá sơ lược, phần thì có những chi tiết đang tồn nghi hoặc còn những chỗ ghi chép có khác nhau. Dù sao, trong phạm vi tư liệu đã có, cùng với những truyền ngôn, thần tích, huyền thoại hiện còn, đã gợi cho ta những vấn đề lớn rất đáng suy nghĩ về Bà.
Thứ nhất, Bà xứng đáng là vị nữ tướng khai hoang lập ấp đầu tiên trên đất nước ta, trên quê hương xứ sở ta.
Nếu tôi không nhầm, trước Bà, trong các bộ sử ta chưa thấy chép một ai như thế. Sau Bà, cách sau 400 năm, ở Hà Tĩnh xuất hiện một vị tướng khai hoang lỗi lạc, đó là Nguyễn Công Trứ. Có điều, xét về các mặt vị thế, địa bàn, vốn liếng, lực lượng khai hoang thì khác hẳn Bà.
Nguyễn Công Trứ được phái đi khai hoang trong một hoàn cảnh khác. Thời điểm ấy, dù sao, ông cũng đang giữ chức Tham tri Bộ Hình (hàm tòng nhị phẩm - quan chế Minh Mệnh). Ra đi, mang ấn khâm sai Dinh điền sứ, có một đội lính gánh tiền đồng xuất từ quốc khố ra để cho ông chi về khai hoang; có một số quân lính đi theo để ông sai phái, phục dịch. Còn bà Hoàng thì khác hẳn. Là một bà Hoàng thất thế, chạy loạn, người ta quen miệng gọi thế, thực ra khi về đây, Bà đâu còn có chức vị là bà Hoàng? Số người tự nguyện đi theo Bà cũng như khi về đây, bà chiêu mộ thêm người đến khai hoang, đều là dân nghèo khổ, theo Bà để mong có ruộng đất, có công việc làm ăn sinh sống. Tuy có mấy gia thần và cung nhân đi theo, nhưng toàn bộ quyền hành quản lý, chỉ huy công cuộc khẩn hoang lập ấp đều tập trung quyền nơi Bà. Vốn liếng chi cho khai hoang là tiền túi bà lâu nay dành dụm, chắt lót, nên phải “đo bò làm chuồng”, “liệu cơm gắp mắm”. Một mình Bà vừa lo quản lý, chỉ huy, vừa lo “tay hòm chìa khóa”. Đó là một con người có bản lĩnh, nhân cách tuyệt vời: vừa có tài năng, vừa có gan dạ chí khí. Bà thực xứng đáng là vị khai hoang đầu tiên ở nước ta, trên quê hương ta.
Thứ hai, nổi bật ở Bà là một con người có tài ứng xử hết sức nhanh nhạy và sáng suốt. Trước một tình thế hết sức rối ren, biến loạn đã sắp ập đến, việc Bà lánh về quê, dựa vào Trà Sơn để lập nghiệp là một quyết định rất kịp thời và chính xác, có tầm “chiến lược”, vừa nuôi sống dân nghèo trước mắt, vừa góp phần đáng kể hậu cần nuôi quân đánh giặc lâu dài.
Đang có hàng loạt vấn đề cần được làm sáng tỏ như: Bà sinh trưởng, xuất thân trong hoàn cảnh gia đình ra sao ? Bà lấy Trần Duệ Tông trong hoàn cảnh nào? Việc bà lui về lập nghiệp ở Trà Sơn là có ý định khi còn ở Kinh thành hay ngẫu nhiên khi đi qua Trà Sơn? Trong trường hợp một người đàn bà không còn quyền thế, cũng không dồi dào tiền của, nhờ vào những động lực, những yếu tố gì mà Bà làm nên sự nghiệp ?…Đó là những đề mục cần được tiếp tục khảo cứu ở những bài viết khác.
Thứ ba, thành quả rực rỡ ở những mùa đầu khai hoang lập ấp đã không phụ lòng tin cậy của hàng trăm người cày nghèo, nhất tâm đi theo Bà từ nhiều trấn ở Bắc vào đây, cũng như ba nghìn người được Bà chiêu mộ đến giúp công cuộc khai hoang mà Bà là “trại chủ”. Từ đây, họ đã có ruộng cày từ chính tay họ “khai sơn phá thạch” mà làm ra, họ đã có công ăn, việc làm và có chỗ ở ổn định. Đó cũng là niềm hạnh phúc sơ đẳng của một đời người. Hai cặp gia thần và cung nhân đi theo Bà, khi công việc khai hoang đã đi vào ổn định, Bà chuyển sang chăm lo đời tư cho họ. Bà đã tác thành giúp họ thành vợ thành chồng. Bà cho của hồi môn rất hậu. Bà cắt chia phần ruộng đất cho họ đủ lập một làng ở riêng. Cặp vợ chồng cô Kỵ với Nguyễn Thời Kính được đặt tên làng là Kính - Kỵ. Về sau, vì gặp tên húy của Vua nên đổi tên là Cận Kỵ, nay một thôn thuộc xã Đức Long. Cặp vợ chồng cô Phạm và Trần Quốc Trung được đặt tên làng là làng Trung Phạm. Về sau đổi là Trung Hòa, nay là một thôn thuộc xã Đức Lập.
Bà Hoàng Bạch Ngọc có mối tình cảm hết sức gắn bó gần như ruột thịt với dân làng cả vùng Bắc Trà Sơn này. Khi Bà mất, hầu hết các làng trong địa bàn khai hoang đều lập đền thờ, tôn Bà là vị thần tổ đầu tiên lập ra làng mình. Họ gọi đền thờ đó là đền thờ Đức Bà hoặc Đức Mẹ. Cái tên Bà và Mẹ được nhân dân vùng này kiêng cự như tên húy của Bà. Họ tự nguyện gọi người mẹ sinh ra mình là “chị” và bà nội, bà ngoại họ là “mệ”.
Trong các ngôi đền thờ Bà ở các làng xã trong vùng đất này thì ngôi đền Ngũ Long (còn gọi đền thờ Vua Bà) là tiêu biểu hơn cả. Đền được xây cất đồ sộ, chạm trổ tinh vi. Trong một dịp vào năm 1936, thầy trò Trường Quốc học Vinh đến tham quan khảo sát, ghi chép và chụp ảnh đủ các hình. Bài và ảnh được in trong Tập san “Những người bạn Huế xưa” năm 1936, sau đó đã in thành bài trong sách An tĩnh cổ lục của Giáo sư Breton, Nhà Xuất bản thế giới năm 2001. Trong các đợt “hợp tự” sau Cách mạng Tháng 8, tiếp đến các năm đánh Pháp, đánh Mỹ bom đạn ác liệt, hầu hết đền miếu đều bị triệt phá. Đền Ngũ Long rất tiếc cũng bị san phẳng, chỉ còn lại mấy bức ảnh chụp vào dịp đó. Nhờ có trí nhớ tốt của mấy vị cao niên sở tại, một số câu đối thờ còn được ghi lại như sau:
Nhất môn hiển hách minh Nam Việt;
Vạn cổ vinh bao chấn Đế đình.
Dịch: Hiển hách một dòng, rạng ngời đất Việt
Ban khen muôn thuở, vang dội sân triều.
Ý tứ câu đối làm ta giật mình. Trách nhiệm của những người lớp sau phải sao đây để chấp hành đầy đủ những quy định nghiêm ngặt trong Luật Bảo vệ Di tích văn hóa?
Võ Hồng Huy