Nón lá Sai Nga
Điều dễ nhận thấy nhất khi về Sai Nga là những khoảng sân trắng màu lá cọ, tre nứa đã chẻ sẵn, dùng để đan nón. Trước kia, khi kinh tế còn khó khăn, lá cọ được dùng để lợp nhà, nhưng ngày nay, cọ chỉ được dùng làm nguyên liệu khâu nón. Những chiếc nón lá nhờ đôi bàn tay khéo léo của người Sai Nga tạo nên được khách hàng khắp nơi ưa chuộng.
Những người già nhất ở Sai Nga cũng chẳng còn nhớ nghề làm nón xuất hiện tự bao giờ, lại càng không thể nhớ ai là người đưa nghề nón từ làng Chuông (Thanh Oai, Hà Nội) đến với người Sai Nga. Cũng không có sách nào ghi chép về cụ tổ nghề, những người thợ chỉ truyền bằng miệng và nghề đã tồn tại cho đến bây giờ. Nhưng với người Sai Nga hôm nay nghề làm nón không chỉ giúp họ ổn định cuộc sống, mà còn gìn giữ một nét văn hoá của vùng đất Tổ.
Xã Sai Nga được chia thành mười hai đội, mỗi đội tương đương với một thôn. Theo thống kê của xã, hơn 90% số hộ trong xã duy trì nghề làm nón truyền thống. Ở Sai Nga, một học sinh tiểu học cũng có thể nói vanh vách về quy trình làm nón, bởi đây là công việc nhẹ nhàng ai cũng có thể làm được nếu chịu khó quan sát học hỏi, nhưng để tạo được những chiếc nón đẹp, bán giá cao lại phụ thuộc vào sự khéo tay của mỗi người thợ.
(Ảnh: TL)
Để làm ra một chiếc nón phải trải qua rất nhiều công đoạn như tìm chọn mua nguyên vật liệu, làm vành, là lá, quay khâu, nức, nhôi, sấy... Nguyên liệu làm nón gồm: lá, khuôn, vành, mo tre hoặc mo nứa, sợi cước, sợi len để nhôi và một lưỡi cày để là lá. Khi có đủ nguyên liệu thì bắt tay vào làm từng công đoạn. Lá làm nón là lá thanh được bà con mang từ Hà Tây về theo chợ phiên, cứ năm ngày chợ họp một lần. Điều đặc biệt và khá ngạc nhiên về sự giản đơn trong công đoạn làm nón là khâu là lá: chỉ cần một chiếc lưỡi cày, một nụt vải được bó chặt, kèm theo ít củi để hơ nóng lưỡi cày. Hơ lưỡi cày dùng củi thì mới nóng đều chứ không dùng than. Khi lưỡi cày đã nóng, chiếc lá được đặt lên và cầm nụt vải là miết trên lá. Thế là một chiếc lá xoắn đã trở nên phẳng hiện những đường gân thẳng trên nền trắng. Để chiếc lá đẹp, người là phải nhanh tay vì nếu đặt lá lâu trên lưỡi cày sẽ làm lá có màu úa mất đi tính thẩm mỹ. Một chiếc nón được hoàn thành phải mất khoảng 3 giờ, muốn nón được trắng hơn khi làm xong hơ qua diêm sinh. Bình quân một ngày mỗi người làm được 3 chiếc. Người “giỏi nghề” may nhanh tay thì 2 giờ được một chiếc, có ngày làm được từ 5 đến 6 chiếc.
(Ảnh: TL)
Nón Sai Nga không được nổi tiếng như nón Bài Thơ, nhưng không ai có thể phủ nhận chất lượng của nó. Nón Sai Nga bền, đẹp bởi nó được may từ trái tim và tấm lòng người thợ. Nếu nón Bài Thơ mỏng manh yếu ớt chỉ hợp với thời tiết nắng đẹp, thì nón Sai Nga lai vô cùng chắc chắn và là vật che mưa hữu hiệu, vì giữa 2 lớp lá còn có một lớp mo mỏng mà bền. Sản phẩm làm ra đều được thương lái thu mua tận nơi hoặc bán tại chợ phiên, đa phần người làm nón ở Sai Nga vẫn thích đem nón đến chợ phiên và coi đó như một nét văn hóa truyền thống của làng mình. Chợ phiên Sai Nga họp 5 ngày hai phiên chợ (vào Âm lịch) chủ yếu mua bán nón, vật liệu làm nón: lá, cước, len, vành, hoa nón... Nón làng Sai Nga ngày nay cũng đã sánh kịp với nón làng Chuông nổi tiếng ở miền Bắc, nón Sai Nga không chỉ góp mặt ở các phiên chợ quê mà còn được đưa đi các nơi như: Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và cả Hà Nội..
Làm nón chỉ là nghề phụ và mang tính thời vụ. Mùa hè nắng người ta thích đội nón, trẻ con lại được nghỉ hè nên nhiều nhân công vì thế chủ yếu tập trung may vào mùa này. Còn mùa đông may ít và phải làm thêm nghề khác. Dù vất vả nhưng dân làng ai cũng muốn bám chặt lấy nghề nón. Họ vẫn hàng ngày truyền kinh nghiệm cho con cháu. Nó như thứ của hồi môn quý báu cho con gái trước khi về nhà chồng. Có nhiều nghề sẽ bị quên lãng theo thời gian, nhưng khi nào còn người trên đất Sai Nga thì nghề nón vẫn tồn tại. Và hơn thế nữa nghề còn được truyền đi cả các làng lân cận. Khắp huyện Cẩm Khê xã nào cũng có người may nón.
Năm 2004, Sai Nga chính thức được công nhận là làng nghề, với 40% thu nhập từ làm nón. Sự hy sinh của cha ông, ý thức gìn giữ của con cháu, mồ hôi và cả máu đã tô đậm cái danh “làng nghề”. Tuy nhiên, làng nghề cũng đang đứng trước thực trạng thiếu nguồn nguyên liệu trầm trọng khi diện tích cọ ngày càng thu hẹp, nhường đất cho những công trình mới, khu công nghiệp, khu chế xuất... Hơn nữa, ngày nay, do nhu cầu của cuộc sống, thói quen dùng nón che mưa che, nắng của người dân đã có những đổi thay nên nghề làm nón ở đây quy mô nhỏ hơn trước. Một hướng đi mới để nghề phụ phát triển, khuyến khích làm nón, mở rộng thị trường tiêu thụ đồng thời người dân có cơ hội giao lưu với các làng nghề. Đặc biệt, nâng cao tay nghề về mẫu mã để nghề nón lá Sai Nga có “thương hiệu”, giữ được nét văn hóa của làng nghề truyền thống, đem lại hiệu quả kinh tế giúp bà con có cuộc sống ổn định.
Thúy Anh