Nón lá Phủ Cam

Làng nón Phủ Cam nay thuộc phường Phước Vĩnh, trung tâm thành phố Huế, bên bờ Nam sông An Cựu, tỉnh Thừa Thiên Huế, là một trong những nơi nổi tiếng về nghề nón từ xưa đến nay.

Nghề lắm công phu

Chiếc nón Huế góp phần tạo vẻ đẹp bản sắc riêng cho di sản văn hóa Huế và ngày nay là thành phố Festival Huế. Hình ảnh cô gái Huế trong trang phục áo dài, đội nón bài thơ, tóc thề xõa ngang vai từ lâu đã đi vào thi ca, nghệ thuật như một biểu tượng về nghệ thuật sống và phong cách dịu dàng, đằm thắm, thanh lịch của con người đất Cố đô xưa.

Chiếc nón Huế tạo vẻ đẹp bản sắc riêng cho di sản văn hóa Huế.

Theo sử sách, từ thế kỷ XVII, một cộng đoàn giáo dân ở Phủ Cam đã được hình thành, khi linh mục người Pháp là Langlois được điều về Huế, đã lập ra giáo xứ này, quy tụ dân chúng theo đạo, phát triển và mở rộng nghề chằm nón. Trải qua chiều dài lịch sử, Huế thơ mộng đã nâng bước cho nón lá Phủ Cam bay xa.

Nón lá trông giản dị là vậy, nhưng để tạo ra chúng thì thật công phu và tỉ mỉ. Công phu đến từ khâu làm khung, từ việc tạo ra 16 chiếc vành to nhỏ khác nhau, từ việc chọn, phơi lá, ráp khung. Những công đoạn tỉ mỉ để cho ra đời một chiếc nón là một nghệ thuật. Đầu tiên là vót tre, chuốt bộ vành và xây khung sao cho tròn, cân xứng. Dáng nón trước hết phụ thuộc vào khung nón, phải giữ kỹ thuật tạo dáng mái, khoảng cách giữa các vành và độ tròn của vành. Nón Huế duyên dáng còn do bộ xương mười sáu cái vành lớn nhỏ khác nhau. Những nan vành được uốn thành vòng thật tròn, với hai đầu tre được liền với nhau bằng sợi chỉ khéo léo.

Sau khung là lá nón sao cho có màu trắng xanh. Phải chọn lá vừa đủ tuổi để chỉ 8 – 9 lá đủ chằm một cái nón. Có lá đúng tuổi còn phải xử lý qua một quy trình công nghệ sấy và ủ phức tạp. Lá dùng để làm nón mang từ rừng về phải phơi, cho vào lò sấy, rồi om, ủ sao cho vừa tới, lá khô nhưng sắc lá vẫn tươi xanh trắng mịn màng, không bị vàng thâm đen.

Nghề làm nón ở Phủ Cam - Thừa Thiên Huế.

Bước tiếp theo là chọn và ủi lá. Dùng một miếng chảo bằng gang bỏ trên lò than đang cháy, lấy một nùi vải, tẩm dầu nón để ủi vuốt lá. Lá ủi xong láng bóng mịn rất bắt mắt. Khâu cuối cùng là chằm nón, phải chằm một cách tỉ mỉ và kỹ lưỡng những sợi chỉ cước trong suốt gắn những tấm lá trắng xanh được xếp đều đặn vào bộ vành. 

Chìm giữa hai lớp lá là các hoạ tiết, hoa văn được cắt bằng giấy màu hình ảnh biểu trưng của Huế như cầu Tràng Tiền, sông Hương núi Ngự, chùa Linh Mụ, Đại Nội, hay đôi câu thơ ca về Huế. Đưa nón lên soi trong nắng, những hoa văn, hoạ tiết vừa thực vừa mơ như những bức tranh thuỷ mặc hiện ra.

Tinh hoa của nón lá chủ yếu đến từ công đoạn chằm, ngoài kinh nghiệm còn đòi hỏi sự tỉ mỉ, cần mẫn, cộng chút khéo tay mới kết thành những chiếc nón có đường may đẹp, tinh tế.

Ở Huế, ngay cả quai nón cũng là một nghệ thuật, có khi là dải gấm đen tuyền, nhưng thường là dải lụa trắng bạch hay các màu nhẹ như vàng mỡ gà, hồng ráng chiều, xanh ánh trăng, biếc liễu non, tím e ấp... Mầu sắc ấy cũng lại hợp với cái nắng mưa đa tình ở xứ Huế.

Nón Phủ Cam đã xinh ở dáng, lại nhã ở màu, mỏng nhẹ như thấu quang, soi lên ánh sáng thấy rõ những hình trổ giấy về phong cảnh Huế kèm theo lời thơ được cài ở hai lớp lá.

Mai một làng nghề

Trước đây, chằm nón là nghề chính của cả làng Phủ Cam, đi đâu cũng thấy nón, tới nhà nào cũng thấy người ngồi chằm. Từ già đến trẻ, từ đàn ông đến đàn bà ai ai cũng làm. Ngoài sự khéo tay trong từng chiếc nón phổ thông (nón có ba lớp lá), người Huế còn sáng tạo ra chiếc nón bài thơ - nón có hai lớp lá, ở giữa có đôi câu thơ, cầu Tràng Tiền, chùa Thiên Mụ được cắt bằng giấy và đặt vào. Để thấy được vẻ đẹp đầy thi vị này, người ta phải soi ra trước ánh sáng. Hình ảnh này giờ thật họa hiếm. Theo thời gian, nón lá nơi đây ngày một lùi sâu vào “dĩ vãng”, rồi trong tiến trình đô thị hóa, nó được thay thế bằng những chiếc mũ thời trang, giới trẻ hầu như không còn ai đội nón lá trên đầu, có chăng cũng chỉ là những buổi trình diễn áo dài trên sân khấu. 

Những chiếc nón xinh xinh được làm ra từ bàn tay của những nghệ nhân ở Phủ Cam.

Thu nhập từ nghề chằm nón quá khiêm tốn, do vậy, từ con số hàng trăm, giờ đây Phủ Cam chỉ còn không quá mười gia đình làm nghề, mà thật ra mỗi gia đình cũng chỉ có một, hai người làm.

Trong những cuốn sách hướng dẫn mà du khách cầm trên tay có nhắc đến địa danh làng nón lá Phủ Cam. Hành trình tham quan của nhiều công ty du lịch cũng không bỏ qua vùng chằm nón. Du lịch ngày càng phát triển mạnh mẽ ở Huế thì nón lá lại càng trở thành một mặt hàng lưu niệm mang nét văn hóa đặc sắc của Huế được du khách ưa chuộng. Rất nhiều du khách đã về tận các làng nón để được tận mắt chứng kiến và tham gia vào các công đoạn của nghề làm nón. Không ít người đã thực sự bất ngờ và thích thú khi được người thợ nón lưu ảnh, tên mình trên chiếc nón mang về làm kỷ niệm. Chị Trần Thị Thúy, bị dị tật thiếu mất một cánh tay, sống ngay sau lưng nhà thờ chánh tòa là một trong số ít những người còn sót lại vẫn duy trì nghề chằm nón. Ngày nay, nhà chị là nơi những đoàn khách du lịch thường xuyên lui tới để xem, để thưởng thức một nét văn hóa của người Việt.

Nón bài thơ là bộ phận của văn hoá Huế, nghề làm nón ở Huế không chỉ là nghề thủ công thuần tuý, mà chính là một hoạt động nghệ thuật, đem lại cho xã hội những sản phẩm nghệ thuật vật chất. Nhưng làm thế nào để duy trì được làng nghề, để người theo nghề có thể sống được với chiếc nón? Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần có nhiều chính sách tạo điều kiện cho các hộ làm nghề cũng như có định hướng cho các nghệ nhân về mẫu mã sản phẩm cũng như đẩy mạnh sản phẩm ra thị trường, ví dụ như: nón lá cần phải được bán rộng rãi hơn; mặt khác, có thể cải tiến để nón lá chất lượng hơn, mang đậm văn hóa người Việt hơn nữa nhưng hợp thẩm mỹ với người phương Tây để có thể xuất khẩu ra nước ngoài.

Trần Hoang

Top