Nỗi buồn lo từ các phương án bảo tồn cầu Long Biên

Thời gian gần đây, người dân cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng xôn xao bình luận về các phương án bảo tồn cầu Long Biên - một di sản, một trong những biểu tượng của thủ đô, có tuổi đời vắt qua ba thế kỷ.

Có thể tóm lược ba phương án của Bộ giao thông vận tải đưa ra như sau:

Phương án 1: Xây dựng cầu mới tại tim cầu Long Biên hiện tại và di dời 9 nhịp cầu về thượng lưu, cách khoảng 85m để bảo tồn.

Phương án 2: Dỡ cầu Long Biên cũ và xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện nay rồi kết cấu nhịp dàn thép, giống như cầu Long Biên thiết kế và xây dựng khoảng 1898 – 1902.

Phương án 3: Xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn.

Có thể nói, cả ba phương án trên đây đã phần nào quan tâm tới việc bảo tồn và theo tôi hiểu, trong tâm can của những người lập phương án, muốn có sự dung hòa trong mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, hiện đang là “thời thượng” trong những diễn đàn, nhằm thuyết phục những nhà quản lý an tâm và người dân đồng thuận.

Đây hoàn toàn là suy luận, nhưng chắt ra từ câu chữ của ba phương án trên đây, không thể phủ nhận được sự quan tâm tới bảo tồn để phát triển giao thông thủ đô, cho một tương lai, của một thành phố đôi bờ. Dẫu rằng, để có một thành phố hai bờ sông, chắc hẳn không chỉ có những cây cầu, và cũng không thể chỉ có ngần ấy các cây cầu như hiện nay, mà còn nhiều yếu tố khác mà ta đã thấy ở Pari, Mạc Tư Khoa, Thượng Hải…

Vậy nên, cả ba phương án trên đây, nếu cứ theo chiều hướng suy luận của riêng mình, thì sự phát triển cũng chẳng đến nơi, vì Hà Nội đôi bờ cần thêm nhiều cây cầu nữa với những thiết kế đẹp mắt hơn, công năng sẽ chuyên biệt hơn, kể cả những đường hầm dưới lòng sông Cái. Như thế, cầu Long Biên hiện hữu chỉ làm đẹp, làm cổ kính thêm cho một thủ đô hơn nghìn năm tuổi. Còn vấn đề bảo tồn, như ba phương án đề ra cho cầu Long Biên, thiết nghĩ, những người lập phương án chưa thật hiểu những bài học về bảo tồn và dường như, họ chưa thật sự cầu thị để hỏi thêm những người làm công tác bảo tồn như thế nào cho đúng. Di dời cả cây cầu đi nơi khác, chứ chưa nói là 9 nhịp, thì đâu còn là bảo tồn tại chỗ. Và, giá trị tại chỗ của nó với bao câu chuyện vật thể và phi vật thể của gần 3 thế kỷ, đã và sẽ được tư liệu hóa, để giới thiệu cho khách tham quan, thì hay biết nhường nào. Dỡ cầu cũ, xây cầu mới giống như thiết kế cầu Long Biên 1898 - 1902 là một sự xâm phạm thô bạo, mà chùa Trăm Gian, thiết tưởng là bài học đắt giá. Để lại một phần ở tim cầu và giữ nguyên nhịp cầu cũ là một cách làm “đầu cá vá đầu tôm” -  một thuật ngữ của giới chơi cổ ngoạn chê bai những người phục dựng hiện vật không có cơ sở khoa học, được lấp liếm bằng bàn tay tài khéo của nghệ nhân, đánh lừa người thưởng ngoạn. Nhưng ở cầu Long Biên đây, mới cũ lồng vào nhau, hiển lộ, có lẽ không còn sự kệch cỡm nào hơn!

Bảo tồn cầu Long Biên trước hết là phải giữ nguyên gốc và nguyên vị trí, đồng thời phải có sự bảo quản tổng thể, phục dựng những hạng mục. Phục dựng những gì do thời gian làm mất mát, do chiến tranh tàn phá. Tuy nhiên, vết tích của chiến tranh cũng là một di sản cần được bảo tồn, theo đó, cần phải khảo sát, đánh giá lại toàn bộ di sản này ở trên cầu, để bảo tàng hóa một vài điểm mốc v.v. Và, cầu Long Biên vẫn là cây cầu của giao thông được khoác thêm những giá trị văn hóa lịch sử, để phát huy nó trong hiện tại cũng như tương lai, thì đó mới đúng là yêu cầu của bảo tồn vì phát triển.

Đã có một thời ấu trĩ hay chủ quan, chúng ta đã làm biến dạng một Hỏa Lò, Hilton mà người Mỹ đã nhặt từng viên đá ở đây tháo dỡ, đưa về nước cùng với sự tái tạo những xà lim của di tích này như những kỉ vật buồn, rồi một khung thép chợ Đồng Xuân, nhà xưởng cơ khí Trần Hưng Đạo bị người nước ngoài mua như sắt vụn, nhưng thực chất là di sản của một thời khai phá thuộc địa của chủ nghĩa thực dân. Rồi Bưu điện Bờ Hồ, UBND Thành phố Hà Nội bị đập đi, xây lại, đầu tầu hỏa hơi nước, những toa tầu điện không còn kiếm đâu ra, trong khi bảo tàng rất cần những hiện vật đó để trưng bày, thì với di sản cầu Long Biên, chúng ta càng phải thận trọng hơn, mà với tôi, nó chẳng khác nào tháp Eiffel giữa Pari hoa lệ, nếu nó được bảo tồn, tôn tạo theo đúng chuẩn mực để phát huy.

Chẳng ở đâu xa, ngay ở Vương quốc Thái Lan láng giềng, cách đây 20 năm, tôi có dịp sang dự một khóa học tại SPAFA tại Thủ đô BangkoK. Trong khóa học, các bạn đồng nghiệp Thái đưa chúng tôi đến một lô - cốt Pháp nằm giữa ngã tư đông đúc, đã được bảo tồn và người dân tự hào về một di sản của một thời tiếp biến văn hóa. Khi ấy, di sản đó chưa thực sự đông đúc khách tham quan, nhưng người giới thiệu tin rằng, nó sẽ là điểm đến của du khách trong tương lai. Nhưng quan trọng hơn hết thảy, dự án bảo tồn này đã giữ lại cho thế hệ mai sau nhiều trực quan và bài học lịch sử quý giá - người hướng dẫn viên nói với chúng tôi như vậy.

Cầu Long Biên hẳn giá trị gấp nhiều lần chiếc lô - cốt nọ.

Phạm Quốc