Những viên ngọc của Thăng Long - Hà Nội

Với tấm lòng trân trọng đối với di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, chào mừng 60 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/9/2014); ngày 24-9-2014, tại nhà Thái Học, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã tổ chức khai mạc Triển lãm “Một số hình ảnh về 9 di tích quốc gia đặc biệt của Thủ đô Hà Nội”, giới thiệu trên 100 hình ảnh, tài liệu quý về 9 di tích quốc gia đặc biệt của Thủ đô là: Thành Cổ Loa, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đền Hai Bà Trưng, Đền Hát Môn, Đền Phù Đổng, Hồ Hoàn Kiếm - Đền Ngọc Sơn, Đình Tây Đằng, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Đây không những là địa chỉ du lịch, lịch sử - văn hóa nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội mà còn là những pho sử giáo dục truyền thống, cùng nhiều truyền thuyết thấm đượm chất nhân văn, anh hùng ca về những địa danh, những con người Việt Nam kiên trung, bất khuất, trí tuệ và văn hóa trong suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử.

VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM

Văn Miếu xây dựng năm 1070 dưới triều Vua Lý Thánh Tông, là nơi thờ Khổng Tử và các bậc Tiên Hiền, Tiên Nho. Quốc Tử Giám xây dựng năm 1076 dưới triều Vua Lý Nhân Tông, là trung tâm giáo dục lớn nhất Việt Nam thời quân chủ.

Trải qua gần 1000 năm lịch sử, Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ đào tạo ra hàng nghìn các bậc đại khoa, hiền tài có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước mà còn là nơi hun đúc, lưu truyền và bảo tồn nhiều truyền thống tốt đẹp của dân tộc như: Hiếu học, hiếu nghĩa, tôn sư trọng đạo, tôn trọng nhân tài…

Mặc dù đã trải qua nhiều lần tu sửa nhưng Di tích vẫn giữ được dáng vẻ cổ kính với đặc điểm kiến trúc của nhiều triều đại và nhiều hiện vật quí như: Điện Đại Thành, Khuê Văn Các, 82 bia Tiến sĩ (Di sản Tư liệu Thế giới), nghiên mực, bút lông, tượng thờ... cùng những cây đa, cây đại cổ thụ đã từng chứng kiến việc tế lễ, học hành, thi cử Nho học của nước Đại Việt.

Ngày nay, Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những địa chỉ du lịch, văn hóa, tham quan, học tập tiêu biểu bậc nhất của Thủ đô Hà Nội và cả nước.

HOÀNG THÀNH THĂNG LONG

Năm 1010, Vua Lý Thái Tổ cho dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La. Sau khi định đô, Nhà vua gấp rút cho xây dựng Kinh thành Thăng Long. Thành lũy lúc đầu dựng theo kiểu tam trùng thành quách gồm: Vòng ngoài là La thành hay Kinh thành. Vòng giữa là Hoàng thành, nơi ở và làm việc của các quan lại. Vòng trong cùng là Tử Cấm thành, nơi ở dành cho Vua.

 Dưới thời Trần, Lê sơ, La thành được tu bổ, xây đắp, mở rộng thêm. Thời Mạc, Lê trung hưng, Kinh thành bị tàn phá nhiều lần. Đến thời Nguyễn,Thăng Long chỉ còn là Bắc thành. Năm 1805, Vua Gia Long cho phá bỏ tường thành cũ và xây dựng Thành Hà Nội theo kiểu Vauban với quy mô nhỏ hơn. Điện Kính Thiên và Hậu Lâu trong thành được giữ lại làm hành cung của Nhà vua. Thời Pháp thuộc, Thành Hà Nội bị phá đi để xây dựng công sở và trại lính. Từ năm 1954 đến sau năm 2000, nơi đây là Trụ sở của Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Hiện nay, Di sản Văn hóa Thế giới Hoàng thành Thăng Long trải rộng trên diện tích 18.39ha, bao gồm Khu Di chỉ khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu và Cụm Di tích: Cột cờ, cửa Đoan môn, Bắc môn, điện Kính thiên, Hậu lâu … Đây chính là “Bộ lịch sử sống” để nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội trong suốt hơn 10 thế kỷ (XI-XXI).

DI TÍCH CỔ LOA

Năm 208 TCN, Thục Phán xưng Vương, lập nên nước Âu Lạc, định đô ở Cổ Loa, cho xây dựng thành lũy để bảo vệ đất nước. Dấu tích sự kiện này được lưu lại tại Di tích Cổ Loa trong các ngôi đền An Dương Vương, am Mỹ Châu, đình Cổ Loa, đình, chùa Mạch Tràng và Di tích Thành cổ.

Thành Cổ Loa được xây bằng đất, đá và gốm vỡ, mặt ngoài lũy dốc thẳng đứng, mặt trong thoải xuống để bên ngoài đánh vào thì khó, bên trong đánh ra thì dễ. Tương truyền, Thành bao gồm 9 vòng xoáy trôn ốc, song hiện nay chỉ còn lại 3 vòng: Thành Nội, thành Trung và thành Ngoại. Mỗi vòng thành đều có hào nước bao quanh, kết hợp dòng sông Hoàng và các bức tường uốn lượn theo địa hình cao thấp của các gò đồi biến Cổ Loa trở thành một mê cung quân sự vừa có lợi thế cho tấn công và phòng thủ vừa có thể cư trú thuận tiện.

Thành Cổ Loa là sự sáng tạo độc đáo của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước và chống ngoại xâm. Truyền thuyết nỏ thần cùng hàng vạn mũi tên đồng, trống đồng, rìu lưỡi xéo, đồ dùng gốm sứ… khai quật tại Cổ Loa là những tư liệu vô cùng quí báu để nghiên cứu về lịch sử dân tộc cách đây gần 2000 năm.

ĐỀN HAI BÀ TRƯNG

Thời Bắc thuộc, nhà Hán thi hành chính sách đồng hóa, bóc lột, tô thuế nặng nề, đời sống nhân dân ta vô cùng cực khổ. Năm 40 sau Công nguyên, hai vị nữ anh hùng dân tộc là Trưng Trắc và Trưng Nhị đã dấy binh khởi nghĩa đánh đổ ách thống trị của nhà Đông Hán, xưng Vương, đóng đô ở Mê Linh. Quân giặc dồn tổng lực phản công, bất chấp chênh lệch về tương quan lực lượng, Hai Bà cùng ba quân đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Năm 43 sau Công nguyên, Hai Bà Trưng tử tiết tại sông Hát. Tưởng nhớ công ơn Hai Bà, nhân dân lập đền thờ tại quê hương ở thôn Cổ Lôi Trang (thuộc Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội ngày nay).

Đền nằm cạnh Thành cổ Mê Linh, nhìn ra sông Hồng, hướng Tây Nam, trước mặt có nghi môn, hồ mắt voi, hồ tắm voi, suối vòi voi, qua sân đến gác chuông, gác trống, đền chính, đền thờ phụ mẫu, đền thờ các nữ tướng, nam tướng....Trong đền, tượng Hai Bà mặc hoàng áo bào, đầu đội mũ phù dung, ngồi lẫm liệt uy nghi hai bên thanh song kiếm.

Lễ hội Đền tổ chức hàng năm từ 4 đến 10 tháng Giêng. Chính hội ngày mùng 6 (ngày Hai Bà dựng cờ khởi nghĩa) với các nghi lễ rước kiệu, múa cờ, khao quân cùng nhiều trò chơi dân gian thể hiện tinh thần thượng võ, anh dũng chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

ĐỀN HÁT MÔN

Đền Hát Môn được xây dựng sau khi Hai Bà Trưng hóa sinh vào cõi bất diệt. Tương truyền Hát Môn là nơi Hai Bà lập đàn, mở hội thề tụ nghĩa trước khi xuất binh đánh Thái thú Tô Định nhà Hán. Lời thề trước đất, trời và ba quân tướng sĩ của bà Trưng Trắc được dân gian mãi lưu truyền (Thiên Nam ngữ lục): 

Một xin rửa sạch nước thù

Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng,

Ba kẻo oan ức lòng chồng

Bốn xin vẹn vẹn thửa công lênh này.

Ngôi đền tọa lạc ở một dải đất cao ráo, rộng thoáng trên triền đê sông Hát. Từ ngoài vào các công trình kiến trúc của đền bao gồm: Quán Tiên, miếu Tạm ngự, Nghi môn, nhà Phương đình, Đàn thề, Tam quan, nhà Tiền tế, Trung đường, Hậu cung, hai nhà Tả - hữu mạc, Gò giấu ấn, Nhà tưởng niệm bà Nguyễn Thị Định… 

Lễ hội đền Hát Môn được tổ chức vào 3 kỳ trong năm: ngày 6 tháng 3 Âm lịch – Lễ kỷ niệm ngày hoá của Hai Bà, ngày 4 tháng 9 Âm lịch - Hội Tụ nghĩa tế cáo Thiên địa, ngày 24 tháng Chạp Âm lịch – Lễ mừng chiến thắng và chuẩn bị đăng quang.

HỒ HOÀN KIẾM VÀ ĐỀN NGỌC SƠN

Hồ Hoàn Kiếm xưa có tên là Hồ Lục thủy là nơi lưu giữ truyền thuyết Vua Lê trả gươm cho thần Kim Quy sau khi chiến thắng quân Minh.                 

Đền Ngọc Sơn trên đảo Ngọc giữa hồ có từ thời Trần. Trong đền có tượng thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo và một số vị thần văn học nhằm đề cao tinh thần yêu nước, tôn trọng trí thức, khát vọng trường tồn của dân tộc.

Trước cửa đền, trên bờ phía Đông Bắc dựng nghi môn hai bên đắp nổi hai chữ “Phúc, Lộc”, kế tiếp là Tháp Bút vút cao với 3 chữ  “Tả Thanh Thiên” (Viết lên trời xanh) thể hiện chí khí của sĩ phu Bắc Hà. Rồi đến Đài nghiên rồi đến “Cầu Thê Húc (Cầu đón nắng ban mai), Vọng nguyệt Lâu (Lầu ngắm trăng), trấn Ba Đình và tòa chính điện. Kiến trúc mái đền Ngọc Sơn cổ kính ẩn mình dưới những vòm cây cổ thụ cùng Tháp Rùa thơ mộng soi bóng nước Hồ Gươm đã đi vào thi ca của biết bao thế hệ người Việt:

Kiến hữu dư linh quang nhược thủy,

Văn tòng đai khối thọ như sơn.

Dịch nghĩa: Gươm rớt khí thiêng ngời tựa nước,

Văn hoà trời đất thọ tày non.

ĐỀN PHÙ ĐỔNG

Đền Phù Đổng thờ Thánh Gióng (tức Phù Đổng Thiên Vương) - Một trong Tứ bất tử là vị Thánh biểu tượng cho sức mạnh chống ngoại xâm của dân tộc ta trong buổi đầu dựng nước và giữ nước.

Tương truyền, đền được dựng từ thời Lý, trên nền nhà cũ của Thánh Gióng. Đền quay hướng Nam, trông ra đê sông Đuống, bao gồm: Thủy đình, cổng Ngũ môn, Phương đình, Tiền đường, Trung đường, Hậu cung, Tả hữu mạc, nhà Giám, nhà Ba gian, nhà Khách, nhà Hiệu. Trong đền hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quí như: Bia đá, bài vị, đồ thờ và 37 đạo sắc phong có niên đại thời Lê trung hưng và Tây Sơn.

Lễ hội đền Phù Đổng được tổ chức từ ngày 7 đến 9 tháng tư Âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam với nhiều màn diễn xướng anh hùng ca độc đáo (lễ dâng hoa tre, khám đường, duyệt tướng, đánh trận...) chứa đựng khát vọng hòa bình mãnh liệt của người Việt thời dựng nước. Hội Gióng đã được công nhận là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại tháng 10 năm 2011.

ĐÌNH TÂY ĐẰNG

Đình Tây Đằng có niên đại vào thế kỷ XVI, là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật cổ kính, tiêu biểu, độc đáo nhất của Việt Nam.

Đình xây theo hình chữ Nhất, kết cấu rường chiêng - giá trống, gồm có nghi môn, cổng chính, nhà tả - hữu mạc, đại đình với các đầu đao, xà, đấu, cốn, kèo gắn long, ly, quy, phượng bằng đất nung và hàng nghìn bức chạm khắc gỗ, chi tiết hoa văn trang trí đặc sắc hình: Rồng bay, phượng múa, tiên nữ cưỡi rồng, dân thường săn bắt, hái lượm, chiến đấu, bơi thuyền, gánh con, đốn củi, chải tóc, múa hát... mang đậm dấu ấn tư duy và nghệ thuật của người Việt cổ.

Đình Tây Đằng thờ 3 vị Thành hoàng là: Tản Viên, Cao Sơn, Quí Minh (Tam vị Thánh Tản) – Các vị thần biểu trưng cho sức mạnh của dân tộc trong công cuộc chiến đấu chống lại thiên tai, địch họa.

Mỗi năm 3 kỳ (xuân, hè, thu), bốn thôn Đông, Nam, Đoài, Bắc thuộc thị trấn Tây Đằng lại tề tựu về Đình Tây Đằng để tổ chức lễ Giao Điệt, lễ Hạ Điền và lễ Thượng Điền (lễ hội nông nghiệp) cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân khang, vật thịnh.

KHU LƯU NIỆM CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TẠI PHỦ CHỦ TỊCH

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là nơi sống và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 19-12-1954 đến 02-9-1969.

 Tại đây, Người đã cùng Đảng và Chính phủ đề ra đường lối, chiến lược đúng đắn để lãnh đạo nhân dân ta thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ở  miền Nam, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Di tích rộng hơn 10 ha, bao gồm: các khu nhà, sân, vườn, ao cá, cây xanh, thảm cỏ, trong đó có 3 điểm trọng tâm là: Nhà 54, Nhà 67 và Nhà sàn Bác Hồ - Nơi mọi đồ dùng sinh hoạt của Bác Hồ cùng với các tài liệu, sách báo Người đang đọc dở...vẫn được xếp đặt gọn gàng, hợp lý, khoa học, giữ nguyên như những ngày Người còn đang sống.

Phủ Chủ tịch là tòa nhà của Phủ Toàn quyền Đông Dương xưa. Dinh thự mang kiến trúc Pháp, gồm 30 phòng, mỗi phòng có một phong cách trang trí khác nhau. Từ năm 1954 đến nay, đây là nơi làm việc của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. 

                                     Nguồn: Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Top