Những trang sức Champa mang yếu tố phồn thực và totem
Tuy nhiên, Vương quốc Champa ban đầu khi mới giành được độc lập chịu ảnh hưởng khá nhiều từ văn hóa nghệ thuật Trung Hoa, sự ảnh hưởng này thể hiện rõ qua các chứng tích mà các nhà khảo cổ đã tìm thấy như: nhiều tượng Phật, mảnh gốm men ngọc, men màu... Ngoài ra các mảnh vỡ kiến trúc với những ngói ống trang trí mặt hề, động vật tìm thấy tại những di tích cổ Champa cũng có nguồn gốc từ văn hóa Hán.
Khuyên tai, trang sức bằng vàng có trọng lượng 2,2 lượng, vào khoảng thế kỷ II - III của người Champa
Nhưng thật sự là sau khi độc lập, cư dân Champa đã xây dựng nên một nền văn hóa độc đáo mang đậm tính bản địa và chịu ảnh hưởng tôn giáo Ấn Độ trong đó chủ yếu là Bà la môn giáo và Phật giáo. Trong đạo Bà la môn, người Chăm tôn thờ Shiva trong tam vị nhất thể, Vishnu và Brahma ít quan trọng hơn. Văn hóa Ấn Độ hiện diện rất sớm trên địa bàn của Vương quốc Champa. Đó là những đồ trang sức và kỹ thuật chế tác đồ trang sức bằng mã não, thủy tinh, đá ngọc trong các “quan tài” bằng chum đất nung thuộc văn hóa Sa Huỳnh. Trong các di tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh giai đoạn muộn chuyển sang văn hóa Champa sớm ở Trà Kiệu còn tìm thấy loại đồ gốm ở miền Đông Ấn Độ. Từ khi giành được độc lập thì những mối quan hệ giao lưu kinh tế, văn hóa với Ấn Độ càng được tăng cường bằng phương thức là theo những đoàn thương gia và tu sĩ truyền đạo nên được cư dân bản địa dễ dàng tiếp thu và chấp nhận. Vì vậy, ảnh hưởng nhiều mặt của văn minh Ấn Độ đã hầu như trở thành chủ đạo trong nền nghệ thuật của Vương quốc Champa nói chung và nghệ thuật trang sức Champa nói riêng.
Trang sức không chỉ là sản phẩm làm đẹp thêm cho cơ thể mà bản thân nó còn thể hiện vẻ đẹp mang giá trị thẩm mỹ, là biểu hiện tư duy thẩm mỹ của tâm hồn con người trước thiên nhiên và xã hội, là yếu tố tâm linh, tình cảm của con người đối với thần linh. Trang sức là sự cộng hưởng của hai yếu tố cơ bản: tạo dáng và nghệ thuật trang trí trên vật thể. Hai yếu tố này dựa trên nhu cầu và ý thức thẩm mỹ của người chế tạo và người sử dụng.
Nền nghệ thuật trang sức của Champa trải qua tiến trình lịch sử lâu dài. Cư dân Champa đã biết chế tác và sử dụng trang sức từ rất sớm, họ đã kế thừa nền nghệ thuật truyền thống trang sức của Sa Huỳnh, tiếp thu thành tựu nghệ thuật Ấn Độ, sáng tạo nền nghệ thuật trang sức Champa khá độc đáo. Mỗi đồ án hoa văn đều mang một ý nghĩa tâm linh và yếu tố phồn thực thể hiện rất rõ cho từng loại trang sức. Những sản phẩm kim hoàn của nền văn hóa này, hiện nay ngành khảo cổ đã phát hiện được rất nhiều, bao gồm các chủng loại như: trang sức trên mũ, nhẫn, vòng, khuyên tai, ghim cài áo…
Trang sức tạo hình nhũ hoa, một môtip quen thuộc trong tạo hình nghệ thuật Champa
Trang sức hình khuyên được làm bằng chất liệu đồng có 2 phần: phần ngoài là hình tượng bảy nhũ hoa có núm đặt cạnh nhau tạo thành vòng tròn hở dính liền với phần trong là một vành khăn hở.
Với cách tạo hình độc đáo này, khuyên tai bảy nhũ hoa là một thiết kế khá thú vị về mặt thẩm mỹ cũng như kỹ thuật chế tác trang sức Champa cổ, vừa mang tính trang trí vừa mang tính phồn thực cao. Niên đại của hiện vật này vào khoảng thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ VI.
Trâm cài đầu là một vật dụng quen thuộc của người phụ nữ ở nhiều dân tộc. Nó vừa là vật dụng để giữ cho tóc gọn gàng vừa là đồ trang trí đầu tóc tạo nên cái duyên của người mang nó. Trâm đồng thời cũng là vật trang sức của phụ nữ, có những cái trâm rất đắt tiền làm bằng chất liệu quí như vàng, ngọc...
Trâm cài tóc gồm hai phần: phần thân trâm và phần đầu trâm.
Phần đầu trâm như hình bánh xe được trang trí bảy nhủ hoa nổi vòng quanh.
Với ý nghĩa phồn thực, trang sức được chế tác công phu với kỹ thuật đúc nổi, gò hàn tạo nên đồ án đẹp về tổng thế. Trang sức có kích thước chiều dài hơn 10cm.
Trâm và khuyên tai là những vật dụng riêng của phụ nữ, lại được tạo hình bộ phận cơ thể đặc trưng của phụ nữ là một ý tưởng khá độc đáo của người Chăm cổ. Điều này đã thể hiện tính mẫu một cách tuyệt đối như trong xã hội Chămpa.
Tạo hình trang sức với ý nghĩa thị tộc totem Cau và Dừa
Dân tộc Chăm.
Dân tộc Chăm cơ bản được hình thành từ hai thị tộc: Cau (Caramukar) và Dừa (Narikelanamsa). Về không gian sinh tồn, Champa với 5 vùng cơ bản: Amaravati tương ứng với Quảng Bình - Huế, Indrapura (Quảng Nam - Đà Nẵng), Vijaya (Quy Nhơn - Bình Định) với kinh đô là thành Chà Bàn (Đồ Bàn), Kauthara (Khánh Hòa), Pandurangar (Phan Rang).
Niên đại xuất hiện quốc danh Chiêm Thành thay cho nước Lâm Ấp vào khoảng thế kỷ thứ VII/VIII công nguyên. Và lúc đó Bôn Đà Lãng xuất hiện với tư cách một bộ phận ở phía Nam họp với bộ phận phía Bắc (Lâm Ấp) cấu thành nước Chiêm Thành. Khoảng trước thời điểm đó PôNagar với hệ thống các con gái của Bà cai quản đất đai bộ tộc Cau này. Minh văn sớm nhất ở khu vực Panduranga là thế kỷ thứ II, minh văn sớm nhất của Pô Nagar là năm 706 và 735 tức cuối thế kỷ thứ VII đầu thế kỷ thứ VIII công nguyên. Chiêm Thành là kết quả sự liên hiệp hai bộ tộc Dừa và Cau mang hôn nhân cha Dừa mẹ Cau của Harivarman III (1010-1018) là một minh chứng về quan hệ Dừa Cau.
Trang sức với tạo hình quả cau hình trứng có các hoa văn chấm tròn đều quanh đầu và cuống quả cau. Trang sức tạo hình quả cau đã chuyển tải được với ý nghĩa đặc biệt về nguồn gốc của bộ tộc này.
Trang sức có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ X-XII.
Dải yếm trang trí ở cổ thần Siva trong bộ Linga-kosa, phát hiện ở Đồng Dương, Thăng Bình, Quảng Nam.
Trang sức với cách tạo hình hết sức mới lạ, loại hình trang sức này tuy kích thước nhỏ nhưng về mặt thẩm mỹ nó mang tính nghệ thuật cao là tiền thân của các loại khuy nút, măng sét và hoa cài áo như ngày nay.
Với trình độ chế tác kim hoàn cao, người Chămpa có thể làm tất cả các loại trang sức trên cơ thể con người và thần, vật thần. Ghim cài áo có hình như chiếc mo cau uốn cong, tạo hình vừa mang yếu tố nghệ thuật vừa mang yếu tố phồn thực (trên cây cau mo cau luôn ôm lấy buồng cau khi mới hình thành và khi những trái cau lớn lên là lúc mo cau héo đi và rụng để nhường chỗ cho sự trưởng thành của buồng cau). Mặt khác người Chămpa với tên gọi bộ tộc Cau và Dừa nên hình tượng mo cau là hình tượng quen thuộc của người dân Chămpa. Chỉ có cách tạo hình mo cau thì khá đơn giản so với tạo hình những trang sức khác, trang sức ghim cài áo gồm hai phần: phần thân và phần ghim. Phần thân có hình mo cau uốn cong và có ghim để ghim vào vị trí muốn ghim, đầu ghim được cài lại ở phần đầu mo cau. Thường thì mo cau là bộ phận ít được chú ít nhất so với các bộ phận khác của cây cau. Đây là hiện vật tạo hình mo cau đầu tiên được tìm thấy trong kho tàng cổ vật Chămpa.
Trang sức có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XI.
Qua hiện vật được tạo thành đồ trang sức phần nào thấy được quá trình phát triển của nghệ thuật kim hoàn Champa. Sự tồn tại và phát triển của nó gắn liền với bối cảnh lịch sử, tạo nên những đặc trưng, ý nghĩa độc đáo về cách tạo hình. Những đặc trưng đó thể hiện đời sống sinh hoạt, tôn giáo, phong tục, tín ngưỡng của người Chăm trong lịch sử. Tất cả những tác phẩm trên, đã tạo nên một loại hình nghệ thuật trang sức mang ý nghĩa riêng có của nghệ thuật kim hoàn Champa.
Như vậy, có thể thấy những đồ trang sức của các cư dân cổ ở Vương quốc Champa xưa với những ý nghĩa độc đáo là tiêu biểu cho một nền nghệ thuật tạo tác trang sức của Champa, đồng thời minh chứng phần nào cho sự phát triển của kinh tế và văn hóa cổ Champa trong lịch sử văn minh nhân loại.
Nguyễn Thị Trâm Anh