Những Lễ hội chính thả Diều Sáo ở Việt Nam

Ngày nay, cả nước chỗ nào cũng chơi Diều Sáo. Tuy nhiên, gốc rễ của Diều Sáo vẫn là đồng bằng Bắc Bộ. Diều Sáo Lào Cai là do đồng bào đi khai hoang mang theo, diều sáo Vũng Tàu là của người gốc Thái Bình và ngay Diều Sáo Ninh Thuận cũng vẫn phảng phất hồn quê Bắc Bộ. Để giúp bạn đọc có thể thưởng thức nghệ thuật này chúng tôi xin giới thiệu những địa phương có lễ hội thả Diều Sáo trong chương trình lễ hội dân gian của mình.

Lễ hội Thả Diều cấp quốc gia là Festival Diều quốc tế được tổ chức mỗi năm một lần vào ngày Quốc giỗ (10 tháng 3 Âm lịch) tại các bờ biển thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thi Diều ở xã Song Vân, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.

Cuộc thi này không trao giải, không tách bạch thắng thua, nhưng người chơi vẫn biết và bái phục chủ nhân của Diều nào to nhất, Sáo nào hay nhất và đặc biệt là Diều nào đỗ lâu nhất. Có con Diều đứng ở trên trời ròng rã 5 ngày 5 đêm.

Ở Song Vân, người ta chỉ chơi Diều đeo một sáo. Chỉ cần nghe tiếng sáo là phân biệt được diều to hay nhỏ.

Hội Diều ngàn tuổi ở làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội.

Hằng năm, cứ đến tháng Ba Âm lịch, dân làng lại nô nức cùng nhau mở hội thi diều để tưởng nhớ công ơn của tướng Nguyễn Cả, người con của làng đã có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Ông cùng dân làng luyện tập võ nghệ, làm lễ khao quân và mở hội thi diều.

Ngày Rằm tháng Ba, ngay từ mờ sáng, dân làng đã đứng chật sân đình. Những chủ diều, đầu chít khăn đỏ, lưng thắt đai đỏ, hàng trăm người chỉnh tề trước miếu thờ Diều làm lễ cầu phong. Sau đó, các diều dự thi phải được ban giám khảo chấm trước về mặt hình thức khi đem thả. Trên bầu trời, hàng chuỗi âm thanh của hàng trăm chiếc sáo đan quyện với nhau làm người xem mê mẩn.

Từ hàng trăm chiếc Diều, sau ba vòng chấm, chỉ còn 6 chiếc thắng cuộc. Diều thắng cuộc phải hội đủ các yếu tố: bay cao, đứng diều, đúng hoặc lớn hơn kích thước mà ban giám khảo yêu cầu. Về tiếng sáo, có thể là sáo đơn (1 chiếc) hay sáo kép (2, 3 chiếc), nhưng tiếng sáo phải ngân xa âm vang và có những khúc đổ hồi dồn dập.

Cuộc thi kết thúc là lúc trời xẩm tối. Theo yêu cầu của người xem, những Diều được giải, sẽ treo lại trước sân đình tới đêm và đêm đó tiếng sáo lại du dương, hòa trong gió mây sông nước như tiếng vọng về từ quá khứ xa xăm. Bầu trời đêm rằm dường như trong hơn!

Thi Thả Diều ở xã An Bình, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh

Giải thưởng tuy chỉ là lá cờ nhỏ xíu, phích nước, chậu thau mà tính ganh đua thì chẳng phân biệt trẻ già, thứ bậc trong làng.

Tiêu chí diều hay để chấm giải phải đạt độ cao từ 200 - 350m, dây căng đều sáo đổ tiếng tù và hay chiêng đồng. Diều khi đâm lên phải thẳng theo hiệu lệnh phất cờ, nếu diều đảo thì mất điểm hoặc không được thi nữa. Diều vào giải, Ban Tổ chức dùng “khau liêm” để chấm nếu dây diều không chạm “khau liêm” ,  sáo đổ rền thì là diều tốt.

Thời xưa, người chơi dùng giấy bản hồ từng lớp rồi dán lên khung diều, nhưng nay để diều vừa nhẹ, vừa bền người chơi khâu bằng ni lông. Màu sắc cánh diều tùy thuộc vào từng sở thích của chủ diều. Trước đây, người chơi diều lớn phải dùng dây từ cật tre, nhưng nay đã cải tiến dùng dây cước hay dây dù, vừa gọn vừa bền. Có cuộn dây đảm bảo cho diều bay cao gần 400m.

Diều Sáo trông đơn giản nhưng phải khéo tay mới làm được. Sáo to hay nhỏ phụ thuộc vào kích cỡ của diều. Sáo lớn tiếng kêu trầm, vang. Sáo nhỏ thanh, cao, réo rắt. Khi gió dồn, gió thúc Sáo Diều hòa quyện vào nhau, tạo nên bản hòa tấu vui nhộn, đẩy màu sắc âm thanh trên bầu trời.

Ngày hội Sáo Diều làng An Lão (xã Song An, huyện Vũ Thư, Thái Bình)

Tổ chức vào các ngày từ 24 đến 26 tháng Ba Âm lịch. Hội này còn được gọi là Sáo Đền hoặc hội Phù Mẫu (hội mẹ vua). Sử sách ghi rằng: nhớ ơn sinh thành nuôi dưỡng Lê Thánh Tông đã về thăm An Lão, và xây một ngôi đền lớn để phụng thờ. Việc các đời vua  lại đến đây để tế lễ đã trở thành ngày hội của dân quanh vùng và hội làng cho đến ngày nay. Ngày hội làng có tổ chức tế lễ long trọng và nhiều trò chơi. Trong đó, có các cuộc thi sáo diều. Có người đem Diều đến, nhưng không tham dự thi mà chỉ để trình diễn. Có cái Diều to đến mức cánh dài 8m mà khi di chuyển cần phải có 10 người khiêng diều, dây và sáo.

Hội làng có nhiều trò chơi dân gian cổ truyền nhưng người ta vẫn háo hức chờ đợi thi Sáo Diều, thả Diều là thú chơi phổ biến ở nhiều địa phương nhưng đến mức sâu sắc thành lễ tục, thành nghi lễ, thành lễ hội thì thật hiếm.

Liên hoan Diều vào dịp Giỗ Trần Hưng Đạo (Rằm tháng 8) tại xã An Thụ, huyện Kinh Môn, Hải Dương

Vào những năm cuối thế kỷ 18, quân Mãn Thanh đánh chiếm vùng quê An Phụ, tàn sát dân làng. Quan dân tổ chức chống giặc, khi giặc đến thì thả Diều không có sáo để báo động. Khi giặc lui, dùng tiếng Sáo Diều ở dộ cao từ 200m đến 300m để báo an. Vùng núi An Phụ còn ngôi đền thờ thần phụ Hưng Đạo Đại Vương. Vì hai sự kiện này mà lễ hội ở đây tổ chức vào ngày Rằm tháng 8.

Người xem cần chú ý phân biệt số lượng sáo trên mỗi diều. Sự khác nhau về hình dáng, kết cấu là đặc tính riêng từng vùng trong huyện Kinh Môn, Diều An Sinh khác Diều Huề Trì, Diều Thái Thịnh lại có nét riêng khác. Diều cánh cắt khác Diều cánh cốc. Diều dái khác Diều cô Tiên, Diều con ong. Rất muôn hình muôn vẻ.

Bạn đừng bỏ qua lễ Hạ Diều trong các làng Diều Kinh Môn của đêm hội làng. Khi ấy, âm thanh của sáo lên bổng xuống trầm, át cả tiếng sáo ca nương. Liền anh, liền chị tiễn khách, nét đẹp ấy nay vẫn còn, hẹn một lễ hội thả Diều sang năm.

... “Lẳng lơ như tiếng

Hữu Quang

Top