Những hạt giống đỏ đầu tiên ở Việt Nam

Ngày 3-2-1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời từ những “hạt giống đỏ” đầu tiên do Nguyễn Ái Quốc ươm mầm và gieo trồng trong nước từ những năm 1924-1926.

Những hạt giống đỏ đầu tiên được gieo trồng về nước đó là những ai? Và đã được người thầy của cách mạng Việt Nam gieo trồng về nước như thế nào?

Cuối năm 1924, từ Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc) hoạt động trực tiếp để chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho cách mạng Việt Nam với danh nghĩa là cán bộ Bộ Phương Đông Quốc tế cộng sản. Tại đây, Người đã tìm gặp và tiếp xúc với nhóm thanh niên Việt Nam yêu nước Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong và sau đó là Trương Văn Lĩnh, Lê Quảng Đạt, Lưu Quốc Long, Lê Thiết Hùng… dần từng bước, Ông Nguyễn đã chỉ ra cho lớp thanh niên giàu nhiệt huyết này biết đâu là lối cần đi, đâu là những việc cần làm để cứu dân, cứu nước. Tháng 6-1925, Nguyễn Ái Quốc cùng nhóm học trò đầu tiên tại Quảng Châu này thành lập Hội Thanh niên cách mạng Việt Nam để mở rộng tổ chức và chuẩn bị gây dựng cơ sở cách mạng ở trong nước.

Giữa năm 1926, khi công việc tổ chức Hội đã ổn định, Người bàn với Tổng bộ Thanh niên cho người về nước tìm chọn những người yêu nước trẻ tuổi đưa sang Quảng Châu để Người trực tiếp huấn luyện chính trị và phương pháp hoạt động rồi trở về gây dựng cơ sở trong nước.

Nguyễn Lương Bằng (người Hải Dương) được giao đảm nhận đường dây giao thông liên lạc giữa Tổng bộ với trong nước bằng đường biển Quảng Châu-Hải Phòng.

Lê Duy Điếm (người Nghệ-Tĩnh) được cử về Nghệ An liên lạc với nhóm Phục Việt của Trần Phú, Tôn Quang Phiệt bàn cách sáp nhập nhóm này vào tổ chức Thanh niên và tìm chọn người đưa sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện.

Lê Hữu Lập (người Thanh Hóa) được cử về Nam Định tìm gặp Đinh Chương Dương cùng nhóm học sinh Trường Thành Chung quê Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa để lựa chọn người xuất dương.

Tháng 8-1926, khóa huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy cho đoàn trong nước do Lê Duy Điếm và Lê Hữu Lập đưa sang khai giảng. Trần Phú, Nguyễn Công Thu, Nguyễn Danh Thọ, Phan Trọng Bình, Phan Trọng Quảng, Nguyễn Ngọc Ba, Nguyễn Văn Lợi… dự khóa huấn luyện này.

Cuối năm 1926, lớp huấn luyện kết thúc. Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ cho 6 người trở về nước gây dựng cơ sở và tiếp tục tìm chọn người đưa sang học tập: Nguyễn Công Thu, Nguyễn Danh Thọ về Hà Nội; Nguyễn Ngọc Ba, Phan Trọng Quảng về Vinh; Phan Trọng Bình, Nguyễn Văn Lợi về Sài Gòn. Trước khi chia tay tiễn các học trò về nước, Ông Nguyễn dặn dò tỉ mỉ từng người những việc cần làm, những điều cần chú ý trong khi hoạt động bí mật.

Đó chính là những hạt giống đỏ đầu tiên do Nguyễn Ái Quốc ươm mầm và gieo trồng về trong nước.

Về Hà Nội, sau một thời gian ngắn, dựa vào mối quan hệ sẵn có, Nguyễn Công Thu bắt mối liên hệ, tuyên truyền giác ngộ được một số thanh niên học sinh yêu nước và thành lập Chi bộ Hội Thanh niên cách mạng Việt Nam đầu tiên ở Hà Nội gồm 11 người: Nguyễn Công Thu, Nguyễn Danh Thọ, Nguyễn Danh Đới, Mai Lập Đôn, Vương Văn Mùi, Trần Quang Huyến, Nguyễn Phong Sắc… Sang năm 1927, 1928, từ chi bộ đầu tiên, Hội Thanh niên phát triển gây dựng nhiều cơ sở mới ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Đông, Sơn Tây, Cao Bằng… cung cấp cho cách mạng nhiều nhà hoạt động nổi tiếng như: Ngô Gia Tự, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Danh Đới, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Đức Cảnh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Ngọc Vũ, Trịnh Đình Cửu…

Về Sài Gòn, đầu năm 1927 Phan Trọng Bình và Nguyễn Văn Lợi đã giác ngộ và kết nạp vào tổ chức được 3 người: Ngô Thiêm, Lê Mạnh Trinh, Lê Văn Phát. Tiếp đó, qua Mai Bạch Ngọc ở Báo Chuông Rè (La cloche fêlée), Phan Trọng Bình đã gặp được Tôn Đức Thắng và một số người trong tổ chức Công hội bí mật của Bác Tôn. Sau khi tìm hiểu tổ chức, chương trình, điều lệ của Hội Thanh niên cách mạng và cuốn “Đường Kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc, Tôn Đức Thắng đã tham gia Hội Thanh niên và tiếp tục giác ngộ kết nạp vào Thanh niên những cán bộ, hội viên tích cực của Công hội bí mật: Dương Quang Đông, Trần Ngọc Giải, Đặng Văn Sâm, Bùi Văn Thêm, Trần Công Hòa…

Về Nghệ-Tĩnh, Nguyễn Ngọc Ba, Phan Trọng Quảng cùng một số hội viên tiên tiến của Hội Phục Việt như Nguyễn Sĩ Sách, Phan Đăng Lưu, Hà Huy Tập đã tuyên truyền, giác ngộ và xây dựng được một số cơ sở Thanh niên ở Vinh-Bến Thủy, Nhà máy Xe lửa Trường Thi…

Những hạt giống đỏ ban đầu đã đâm chồi nảy lộc phát triển thành các Huyện bộ, Tỉnh bộ, Kỳ bộ Hội Thanh niên cách mạng Việt Nam trong cả nước. Năm 1929, Hội Thanh niên đã có một hệ thống tổ chức lớn mạnh từ Tổng bộ xuống các chi bộ với trên dưới 1.700 hội viên. Từ đó, qua phong trào công nhân và phong trào yêu nước, ba nhóm cộng sản ra đời thay thế cho tổ chức Thanh niên. Và tháng 2 năm 1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.

ThS Trần Thị Thu Hà

Top