Renzo Piano – huyền thoại sống của ngành kiến trúc toàn cầu
Không khoa trương, không đề cao cái tôi cá nhân, Renzo Piano được giới kiến trúc sư toàn cầu ngưỡng mộ bởi nhân cách và những cống hiến không mệt mỏi cho nhân loại. Những công trình để đời của ông phải nhắc đến như The Shard, tòa nhà cao nhất châu Âu thời điểm 2012, hay trung tâm Trung tâm Văn hóa và Nghệ thuật Quốc gia Georges Pompidou của Pháp.
Renzo Piano luôn tôn vinh giá trị văn hóa lịch sử trong các công trình kiến trúc của mình
Renzo Piano đặc biệt được kính trọng bởi các công trình tôn vinh giá trị văn hóa lịch sử nhân loại. Khi xây dựng khu phức hợp âm nhạc đa chức năng Auditorium Parco della Musica, ông đã phát hiện ra nền móng của một biệt thự và một máy ép dầu có niên đại từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên. Bất chấp việc phải trì hoãn dự án một năm, Renzo Piano đã điều chỉnh kế hoạch thiết kế của mình để phù hợp với các di tích khảo cổ và xây dựng một bảo tàng nhỏ để trưng bày các hiện vật.
The Shard, tòa nhà cao nhất châu Âu thời điểm 2012 của Renzo Piano
Renzo Piano còn được ghi nhận bởi nhiều đóng góp đầy tính nhân văn. Tiêu biểu vào năm 2014, ông đã tập hợp một nhóm kiến trúc sư trẻ mang tên G124 và trả lương cho họ nhằm hồi sinh khu vực ngoại ô quê hương Italy từng bị lãng quên.
Với những cống hiến của mình, Renzo Piano được trao giải The Pritzker - được xem là giải thưởng Nobel của ngành kiến trúc, và là người Italy đầu tiên lọt vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới của tạp chí TIME năm 2006.
Kiến trúc độc đáo của Nhà hát Opera Hà Nội mà Renzo Piano mong muốn xây dựng tại khu vực Hồ Tây
Đặc biệt, Renzo Piano rất có hứng thú với lịch sử văn hoá Hà Nội, và mong muốn được xây dựng một nhà hát Opera tầm cỡ tại đây trong một lối kiến trúc kết tinh toàn bộ trí tuệ, tâm huyết và kinh nghiệm hơn 80 năm làm nghề của ông. Hiện thành phố Hà Nội đang lên quy hoạch để xây dựng Nhà hát Opera Hà Nội tại khu vực Hồ Tây, và kỳ vọng với tài năng của Renzo Piano, Việt Nam sẽ có một công trình văn hoá biểu tượng, góp phần nâng tầm hình ảnh và vị thế của đất nước với bạn bè quốc tế.
IM Pei – “Cha đẻ” của kim tự tháp bảo tàng Louvre
Kiến trúc sư quá cố người Mỹ gốc Hoa được cho là sẽ ở mãi trong lòng người dân Paris bởi di sản để lại của ông là một biểu tượng được yêu thích trên toàn thế giới - Kim tự tháp kính trên sân bảo tàng Louvre. IM Pei đã góp phần to lớn cho sự phát triển thành công của bảo tàng, khi lượng khách tăng từ 3,5 triệu đến hơn 10 triệu lượt khách sau 30 năm hình thành.
Kim tự tháp kính trên sân bảo tàng Louvre của IM Pei
Sinh ngày 26/4/1916, IM Pei ghi dấu ấn bởi các tòa nhà đô thị lớn với thiết kế trang nhã và các phức hợp như Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia ở Washington, Mỹ hay Bảo tàng Nghệ thuật Hồi Giáo ở Doha, Qatar.
Với những công trình "để đời" của mình trên toàn thế giới, ông nhận được vô vàn giải thưởng và cao quý nhất trong đó có thể kể đến Huân chương Tự do Tổng thống.
Frank Gehry – "cha đẻ" của những kiến trúc kỳ quặc
Sinh ngày 28/2/1929, sự nghiệp của kiến trúc sư người Mỹ - Frank Gehry từng bủa vây bởi nhiều tranh cãi. Giới truyền thông quốc tế thường gọi ông là "cha đẻ" của những kiến trúc kỳ quặc, bởi phá vỡ các quy ước về thiết kế tòa nhà và sử dụng những vật liệu không chính thống như kim loại, titan. Song vượt qua dư luận, Frank Gehry vẫn là một trong những kiến trúc sư đại tài trong việc kiến tạo những tòa nhà biểu tượng, vĩ đại nhất trong đó là Bảo tàng Guggenheim Bilbao.
Guggenheim Bilbao - một thiết kế kỳ quặc thành công của Frank Gehry
Hai năm đầu tiên Guggenheim được khánh thành có đến 1,1-1,3 triệu người tới đây vì hứng thú với diện mạo của bảo tàng. Kéo theo đó nhiều khách sạn, nhà hàng... mọc lên như nấm, thế chỗ những công xưởng bỏ hoang, giúp Bilbao từ thành phố công nghiệp suy thoái trở thành điểm đến văn hóa hàng đầu Tây Ban Nha.
Cesar Pelli – Kẻ phù phép cho các toà nhà cao
Khi nhắc tới Malaysia, người ta sẽ nghĩ ngay đến "trái tim thủ đô" tòa tháp đôi Petronas Twin Towers, biểu tượng quốc gia trong thế kỷ 21 ở Kuala Lumpur. Tòa tháp với cấu trúc biểu tượng cho nền văn hóa Hồi giáo này được thiết kế bởi kiến trúc sư lừng danh người Argentina - Cesar Pelli.
Tòa tháp đôi Petronas Twin Towers - một công trình để đời của Cesar Pelli
Vào thời điểm ra đời năm 1999, tòa tháp đã giành "vương miện" của Chicago, thiết lập tòa nhà cao nhất thế giới lúc bấy giờ với chiều cao 452 m và 88 tầng. Công trình ngay lập tức nhận được lời ngợi ca trên toàn thế giới, giúp ghi danh thủ đô Kuala Lumpur vào những thành phố đẳng cấp thế giới.
Sinh ngày 12/10/1926, Cesar Pelli được mệnh danh là một trong những kiến trúc sư lỗi lạc của thế kỷ 20, nổi tiếng với những thiết kế nhà cao tầng cao nhất thế giới và các công trình đánh dấu mốc khác trong đô thị. Các tác phẩm của ông đặc trưng với vẻ đẹp cuốn hút, nhẹ nhàng với chất liệu bề mặt kính hoặc veneer đá mỏng. Vài tác phẩm nổi tiếng của ông phải nhắc đến là Trung tâm Thiết kế Thái Bình Dương ở Los Angales ở Mỹ, Đại sứ quán Mỹ tại Tokyo…
P.V