Những bộ đàn đá Lâm Đồng trong sưu tập đàn đá cổ Việt Nam

Trải qua thời gian hơn nửa thế kỷ, tính từ khi nhà dân tộc học người Pháp Georges Condominas phát hiện ra bộ đàn đá Ndut Liêng Krak (Dak Lak) vào ngày 5 tháng 2 năm 1949, giới khảo cổ học, dân tộc học và nhạc học thế giới lúc bấy giờ đã đặc biệt quan tâm đến sự kiện này. Ngay sau đó đàn đá Ndut Liêng Krak được đưa vào trưng bày tại Bảo tàng Con Người ở Pháp, các nhà nghiên cứu trong nước và thế giới đều công nhận đàn đá Ndut Liêng Krak là một nhạc khí tiền sử lần đầu tiên phát hiện tại Việt Nam.

Đàn đá B’Lao

Dựa trên cơ sở một số thông tin của nhân dân và căn cứ vào một số tài liệu của ông Jean Boulbet (một người Pháp ở đồn điền trà B’Lao đã lấy vợ người Mạ) có rất nhiều tài liệu và bài viết nghiên cứu về sứ Mạ hoang - Lâm Đồng đăng trong Tạp chí L’Anthroplogie xuất bản ở Pháp năm 1958, giới thiệu khá chi tiết về bộ đàn đá ở B’Lao (tỉnh Lâm Đồng). Ngành Văn hóa - Thông tin tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam cử cán bộ đi xác minh, tìm kiếm. Sau một thời gian dài điền dã tại các buôn làng xứ Mạ, tới tháng 5-1979 họ mới tìm ra được 3 thanh đàn đá cổ tại nhà ông K’Bơroi, một người dân tộc Mạ sinh sống tại buôn Bùđơ - B’Lao (Bảo Lộc - Lâm Đồng). Đây đúng là 3 thanh đàn đá  cổ mà trước đây ông Jean Boulbet đã trực tiếp xem xét và chụp ảnh.

Năm 1980, đàn đá B’Lao đã được công nhận là đàn đá quốc gia. Hiện nay bản chính đang được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam, bản phục chế được đưa về trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng Lâm Đồng.

Đàn đá Đinh Lạc

Ngày 20-7-1997, nhận được tin báo của Phòng VHTT huyện Di Linh về việc phát hiện 12 thanh đàn đá tại địa phương, cán bộ Bảo tành tỉnh Lâm Đồng đã xuống ngay hiện trường điều tra và khảo sát. Các thanh đá trên được ông Nguyễn Đình Tiến ở khu 6 thị trấn Di Linh tình cờ phát hiện khi đang làm đất trồng cà phê trên sườn phía Tây đồi 1010 thuộc xã Đinh Lạc huyện Di Linh. Qua mô tả của ông Tiến và một số người chứng kiến thì tất cả 12 thanh đá nằm dưới ụ le, ở độ sâu gần 1m, chúng được xếp theo kiểu xỉa bài hình rẻ quạt (thanh này đè lên một phần của thanh kia) theo thứ tự từ nhỏ đến lớn. Các thanh đá có hình dạng thon dài mình dẹt, hai đầu thanh đá nở rộng, hai bên mép được đẽo mỏng. Kích thước và độ dày không đồng đều: thanh dài nhất là 1,10m, hai đầu nở rộng 18cm, phần thắt ở giữa thanh đá 15cm, thanh ngắn nhất là 0,55cm hai đầu nở rộng 17cm, phần thắt ở giữa thanh đá 12cm, độ dày giữa các thanh đá chênh lệch từ 2cm đến 7cm, theo đồng bào dân tộc K’Ho bản địa, khu vực phát hiện bộ đàn đá trên, trước gọi là buôn K’Brạ (buôn Con Công) là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào K’Ho. Hiện nay đàn đá Đinh Lạc – Di Linh đang được trưng bày giới thiệu tại Bảo tàng Lâm Đồng.

Đàn đá Đinh Lạc

Đàn đá Sơn Điền

Ngày 21-4-2004, trong khi đang dàn dựng, trưng bày triển lãm lưu động tại huyện Di Linh, đoàn cán bộ Bảo tàng Lâm Đồng nhận được tin báo tại xã Sơn Điền có phát hiện được một bộ đàn đá. Ngay chiều hôm đó ông Lương Nguyên Minh, cán bộ của Bảo tàng lập tức lên đường vào xã Sơn Điền để điều tra khảo sát. 

Đàn đá Sơn Điền

Tại thôn Bờnơm, ông Minh cán bộ Bảo tàng đã trực tiếp khảo sát, đo vẽ và chụp ảnh 18 thanh đá đang được cất giữ tại nhà ông K’Bờ Ranh. Theo lời kể của ông K’Bờ Ranh: Bộ đàn đá trên có tổng số 20 thanh, gia đình ông đào được vào khoảng tháng 6-2003, ông không biết đó là đàn đá nên đã dùng để lót đường đi từ nhà trên xuống bếp, mãi tới đầu tháng 4-2004, khi đội thanh niên tình nguyện của Tỉnh đoàn Lâm Đồng về công tác tại xã mới phát hiện, nghi đây là đàn đá (trong đội công tác có một thanh niên đã từng xem đàn đá tại Bảo tàng) nên đề nghị gia đình ông K’Bờ Ranh gom lại và bảo quản trong nhà, lúc này số thanh đá trên chỉ còn lại 18 thanh (2 thanh bị thất lạc không tìm thấy). Các thanh đá trên có màu xám tro, gồm 2 loại hình tạo dáng khác nhau: 

Loại hình 1: có 12 thanh (1 thanh gãy đôi, 2 thanh gãy mất một nửa) được chế tác thon dài, mình dẹt, hai bên mép ghè mỏng, có dáng thắt ở giữa, 2 đầu nở rộng cân đối: thanh dài nhất 1,50m, hai đầu rộng 20cm, phần thắt ở giữa thanh đá 14cm, dày 3cm, thanh ngắn 52,5cm, hai đầu rộng 14cm, dày 2,5cm.

Loại hình 2: có 6 thanh được chế tác mình thon dẹt, bản rộng hình chữ nhật tương đối đều, có độ dài và dày khác nhau: Thanh dài nhất 76cm, rộng 15cm, dày 4,5cm; thanh ngắn nhất 43,5cm, thân rộng 12,5cm, dày 2,5cm. Độ dày các thanh đá của 2 loại hình chênh lệch từ 2,5cm-4,5cm. Số lượng các thanh đá trên đã được đưa về Bảo tàng Lâm Đồng lưu giữ. Sau đó Bảo tàng Lâm Đồng đã mời giáo sư nhạc sĩ Tô Vũ giám định về chất lượng bộ đàn đá này.

Khách tham quan đang xem phần trưng bày đàn đà tại Bảo tàng Lâm Đồng

Từ các số đo hình dáng và chất liệu đã được nghiên cứu, so sánh cho thấy: Số thanh đá ở loại hình 1 Sơn Điền gồm 12 thanh đá có đặc điểm khá giống với các thanh đá trong bộ đàn đá Đinh Lạc - Di Linh, tuy nhiên hình thức chế tác của bộ Sơn Điền có vẻ thô mộc hơn và dấu vết sử dụng rất mờ nhạt. Cả 2 bộ Đinh Lạc và Sơn Điền – Di Linh đều được phát hiện trong trạng thái được chôn dấu và cùng nằm trong vùng đất của người K’Ho đã sinh sống lâu đời. Phải chăng chủ nhân của chúng chính là những người dân tộc K’Ho bản địa? Và vì một lý do nào đó đã được chôn dấu trong quá khứ? Số lượng 6 thanh đá ở loại hình 2 Sơn Điền lại có dáng vẻ và có chất liệu khá giống với các thanh đá trong bộ đàn đá B’Lao. Về số lượng cả 2 bộ đều có số lượng 6 thanh như nhau (bộ đàn đá B’Lao đã bị mất 3 thanh). Ngoài ta Bảo tàng Lâm Đồng còn sưu tầm thêm được 02 bộ đàn đá Hòa Nam (36 thanh) và Liên Đầm (23 thanh). Như vậy, tỉnh Lâm Đồng hiện có 05 bộ đàn đá được sưu tầm chủ yếu trên khu vực cao nguyên Di Linh.  Xét về không gian địa lý thì giữa Đinh Lạc, Sơn Điền, B’Lao tạo thành 3 điểm góc của một tam giác theo 3 hướng Đông - Tây - Nam cự ly của 3 cạnh tam giác là tương đương trong khoảng trên dưới 50km). Những đặc điểm trên cho chúng ta thấy văn minh đàn đá đã có một thời kỳ phát triển rực rỡ trong các cộng đồng cư dân bản địa Mạ và K’Ho ở Lâm Đồng thời xa xưa. Liên hệ rộng hơn tới các bộ đàn đá được phát hiện ở Đắc Lắc, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước... Có thể khẳng định đàn đá là một nhạc khí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của các cư dân cổ xưa sinh sống ở khu vực miền núi các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Đàn đá cổ xưa có sự hấp dẫn diệu kỳ làm nên sắc thái phong phú, độc đáo của bộ sưu tập đàn đá Việt Nam, trong đó có sự góp mặt khá đặc sắc của đàn đá cổ ở Lâm Đồng.

 

Top