“Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu”

Như vẫn còn vang vọng lời Bác Hồ với cử tri đi bỏ phiếu bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946.

  Chắt lọc các luồng tư tưởng tiến bộ, những tinh hoa đông- tây- kim- cổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết tâm thực hiện việc xây dựng nhà nước kiểu mới. Đó là một nhà nước đại đoàn kết toàn dân tộc, một nhà nước lấy nhân dân làm mục tiêu phục vụ, lấy độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc làm phương hướng hoạt động, lấy “thần linh pháp quyền” làm phương pháp quản lý.

   Ngày 2 tháng 9 năm 1945, ngay sau khi Chính phủ lâm thời làm lễ tuyên thệ và nhân dân thề một lòng ủng hộ Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, Người nói: độc lập tự do là của quý báu, quý giá vô ngần, ta phải khổ sở bao nhiêu năm mới giành được, phải cố gắng giữ gìn, bảo vệ.

   Chính vì vậy, ngay sau khi tuyên bố độc lập, mặc dù trong những những điều kiên hết sức phức tạp, khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định xúc tiến việc bầu Quốc hội để quy định hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức. Tại phiên hop đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3 tháng 9 năm 1945 Người đã nêu rõ: trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống.

   Ngày 17 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 51, quy định thể lệ Tổng tuyển cử. Cũng chính vào ngày này báo Cứu quốc cũng công bố bức thư của Người gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng. Thư là lời tâm huyết của Bác đối với cán bộ và nhân dân thực hiện quyền và trách nhiệm của mình. Người viết: Ngày nay chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước được độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Vì vậy, đối với các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều phải thực hiện dân chủ, phải phục vụ quyền lợi của nhân dân. Người nói: các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng, đều  là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta. Người phê phán nghiêm khắc những thói hư tật xấu của một số cán bộ chính quyền đã mắc phải như làm việc trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo… đã làm cho dân oán thán, kêu ca, làm mất lòng tin cậy của dân, làm hại uy tín của Chính phủ. Cuối bức thư Người cảnh tỉnh: Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên ai không phạm những lầm lỗi trên thì nên chú ý tránh đi. Ai đã phạm những lầm lỗi thì phải hết sức sửa chữa, nếu không tự sửa thì Chính phủ sẽ không khoan dung. Vì hạnh phúc của dân tộc, vì lợi ích của nước nhà, chúng ta phải ghi sâu những chữ “công bình, chính trực” vào lòng.

   Ngày 31 tháng 12 năm 1945 báo Cứu quốc lại trang trọng đăng bài của Bác nhan đề “Ý nghĩa Tổng tuyển cử”. Người viết: Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Vì lẽ đó cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ, đoàn kết. Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội, Quốc hội bầu ra Chính phủ. Chính phủ thực là Chính phủ của toàn dân.

   Buổi sáng ngày 5 tháng 1 năm 1946, các báo đồng loạt đăng “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu” của Bác. Với niềm tin tuyệt đối vào tinh thần yêu nước của nhân dân ta, Bác quả quyết: ngày mai 6 tháng 1 năm 1946 là ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Đó là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì đó là ngày đầu tiên trong lịch sử nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình, sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình gánh vác việc nước. Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: vì lợi nước, quên lợi nhà, vì lợi chung, quên lợi riêng. Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc.

   Cũng ngay buổi chiều ngày 5 tháng 1 năm 1946, Bác đến khu học xá gặp đại biểu các đoàn thể nhân dân Hà Nội dự lễ ra mắt của các ứng cử viên. Bác thay mặt cho các ứng cử viên phát biểu những lời thân ái, giản dị: Ta đã phải hy sinh nhiều mới có cái quyền cầm lá phiếu ngày nay. Hướng về những ứng cử viên, Người nói: Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Hướng về các cử tri, Người nói: ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện quyền dân chủ.

  Trước ngày Tổng tuyển cử, Bác đã đem đến không khí náo nức cho cử tri cả nước, chờ đợi ngày mai sẽ được tự tay cầm lá phiếu đầu tiên của đời mình, thực hiện quyền dân chủ của người công dân của một nước độc lập, tự do.

   Thắng lợi của Tổng tuyển cử 6-1-1946 khẳng định dấu mốc phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam, mở ra triển vọng của một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản hiến pháp tiến bộ, và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Đó là Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ, nhà nước của dân, do dân, vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến và kiến quốc thắng lợi.

   Ngày bầu cử Quốc hội khóa XV đã đến. Thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cử tri, cầm là phiếu bầu, mỗi chúng ta hãy nhớ lời dặn của Bác Hồ 75 năm trước “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu”.

TS Nguyễn Thị Tình

Top