Lời giới thiệu
- Bảo tàng và di tích có thể làm gì để tạo cho các em nhỏ tới tham quan có được trải nghiệm khuyến khích học hỏi và làm giàu tri thức?
- Liệu chuyến tham quan bảo tàng hay di tích có phải là cơ hội để học tập, nâng cao hiểu biết về khoa học, môi trường tự nhiên, hay những vấn đề lịch sử và văn hóa?
- Liệu bảo tàng và di tích của một quốc gia có giúp chúng ta suy nghĩ sáng tạo về cách giải quyết vấn đề trong thế giới ngày nay?
Đây chính là những vấn đề đang được nhóm các chuyên gia di sản của Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa(CCH), đặt ra và tìm cách trả lời.
Trung tâm CCH là một tổ chức trực thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Giám đốc Trung tâm, TS Lê Thị Minh Lý và Phó Giám đốc Trung tâm PGS.TS Nguyễn Văn Huy (Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam), nhóm CCH đang làm những công việc đặc biệt nhằm thúc đẩy khả năng đóng góp của các di sản văn hoá Việt Nam đáp ứng nhu cầu giáo dục và phát triển của đất nước.
Những cơ quan mà Trung tâm này tham gia tư vấn khoa học gồm: Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội và một số di tích quan trọng của quốc gia như Dinh Độc Lập ở thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mới được khai trương lại năm ngoái.
Công việc của Trung tâm được dẫn dắt bởi những nguyên tắc làm việc chủ yếu của bảo tàng học quốc tế là ý tưởng “Nhìn qua hiện vật”. Điều quan trọng ở đây là sự quyết tâm dạy và học thông qua những buổi tiếp xúc chuyên sâu với những hiện vật lý thú tại các bảo tàng và di tích quốc gia. Với phương pháp tiếp cận công chúng và nâng cao năng lực sáng tạo và hợp thời này, quan điểm “Nhìn qua hiện vật” của nhóm CCH đã mở ra một hướng đi mới tạo nên sức sống cho các cơ quan nắm giữ di sản của đất nước.
Những năm gần đây, trong những chuyến làm việc thường xuyên của tôi tại Việt Nam với tư cách là nhà nghiên cứu nhân học của Đại học Cambridge, với sự quan tâm đặc biệt tới lịch sử và văn hóa Việt Nam, tôi đã có vinh dự được góp phần trong những sáng kiến này của Trung tâm CCH. Tôi luôn cảm thấy rất tuyệt mỗi khi có dịp được trao đổi quan điểm và kinh nghiệm với các chuyên gia của Trung tâm, được tham gia vào các buổi làm việc, lập kế hoạch và xây dựng chiến lược của họ với các bảo tàng mà họ tư vấn.
Tượng Chủ Tịch Hồ Chí Minh bằng đồng bên trong bảo tàng Hồ Chí Minh nằm ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình - Hà Nội - Ảnh: Keegan Govender
Nhờ những nỗ lực tiên phong của CCH, các bảo tàng, cơ quan di sản ở Việt Nam đang phát triển những chương trình giáo dục mới. Mỗi chương trình đều được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu kỹ càng những nhu cầu và mối quan tâm của trẻ em, trên những nguồn lực và trí tuệ phong phú của mỗi bảo tàng một cách sáng tạo và độc đáo.
Ngoài những cơ quan nêu trên, nhóm CCH cũng rất thành công khi giúp xây dựng các chương trình giáo dục tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội, Bảo tàng Huế, Chùa Láng ở Hà Nội. Họ còn thực hiện những bước sáng tạo trong phát triển quy hoạch cho một dự án về mở rộng ra phía bờ sông của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc ở Thái Nguyên. Hiện tại, họ đang thảo luận những chương trình tương tự cho Bảo tàng Nhà tù Côn Đảo, một di tích lịch sử quan trọng của quốc gia, nơi nhiều anh hùng cách mạng đã bị lưu đày trong thời kỳ tiền độc lập.
Học thông qua thực hành
Những chương trình giáo dục dành cho trẻ em của CCH đã được triển khai rất tốt tại những không gian khám phá, hoặc không gian sáng tạo dành riêng cho trẻ em. Những không gian này được thiết kế sao cho thật gần gũi với các gia đình và các nhóm học sinh, có thể sử dụng cho các hoạt động trước hoặc sau tham quan trưng bày chính. Bầu không khí ở đó vừa thân thiện, vừa kích thích học tập, với những đồ dùng màu sắc phù hợp với kích thước của trẻ, với các tiện nghi máy móc công nghệ, cũng như các trang thiết bị để sáng tạo hoặc thiết kế. Những không gian như thế có thể sử dụng cho những hoạt động tăng cường sự trải nghiệm. Ở đó trẻ em làm việc theo nhóm rồi báo cáo, chia sẻ những kết quả của mình với các bạn và với những người lớn tuổi hơn. Nhờ những tư vấn của CCH mà những trang thiết bị như vậy đã được đưa vào sử dụng và thử nghiệm thành công tại phòng khám phá của một số bảo tàng.
Mùa thu năm 2011, tôi có dịp tham gia lễ khai trương Phòng Khám phá tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với sự tham gia đầy nhiệt huyết của các em nhỏ và sự có mặt của những chuyên gia giáo dục quan trọng trong nước và quốc tế. Trẻ em đã thể hiện sự thích thú vì có cơ hội được tự thể nghiệm vẽ tranh, in tranh Đông Hồ và các kỹ thuật vẽ khác mà những nghệ sĩ nổi tiếng đã sử dụng trước đây, và hiện nay các tác phẩm của họ đang được trưng bày tại Bảo tàng. Những hoạt động như thế thể hiện tinh thần của phương pháp tiếp cận của CCH đối với sứ mệnh giáo dục di sản mà họ đề ra. Họ tạo cho các em nhỏ một cơ hội thực sự để nâng cao trình độ bằng cách gắn kết những giá trị mà bảo tàng lưu giữ, với cách tiếp cận những câu chuyện kể, những hoạt động tô màu, làm bằng tay, làm cho những hiện vật được trưng bày trở nên thực sự sống động để thưởng ngoạn và tôn vinh.
Hình ảnh Phòng họp bên trong Hội trường Thống Nhất hay còn gọi là Dinh Độc Lập ở Tp Hồ Chí Minh (Ảnh: vietnamnet.vn)
CCH gồm tập hợp những nhà chuyên môn có kinh nghiệm, và họ có hiểu biết về nhiều chương trình giáo dục di sản ở nước ngoài, cả ở các quốc gia châu Á lẫn các quốc gia phương Tây. Khi làm việc cùng nhau, chúng tôi nhận thấy là sẽ hiệu quả nếu có thể chia sẻ những quan sát của mình về các chương trình giáo dục di sản ở nước ngoài. Vì thế, trong khi làm việc với các đối tác, Trung tâm CCH đã đưa yếu tố so sánh này trao đổi với các lãnh đạo và nhân viên giáo dục của các bảo tàng, và bản thân những đối tác của CCH cũng cảm thấy được nâng cao nhận thức và biết thêm thông tin khi được giới thiệu về những chương trình hoạt động của Viện Smithsonian ở Washington D.C và của Bảo tàng Anh ở London.
Đây là hai trong số những bảo tàng quốc tế coi các hoạt động dành cho trẻ em là trọng tâm của những hoạt động dành cho công chúng. Những hoạt động của họ bao gồm cả chương trình trên mạng lẫn chương trình tại bảo tàng, gồm có các tờ phiếu in màu và những công cụ khác, tạo cho trẻ em sự tiếp xúc thú vị với hiện vật. Những hiện vật lớn, nhỏ đều có thể được lựa chọn cho những hoạt động này. Những hiện vật như tượng hoàng gia, kiếm, tiền, dụng cụ đo lường, thậm chí cả đồ chơi trẻ em được khai quật từ các ngôi mộ cổ đều có thể là chất xúc tác giúp trẻ em suy nghĩ về chủ đề như làm thế nào người Ai Cập cổ đại có thể xây được kim tự tháp, hay những người dân sống ở đảo nước Anh đã sống ra sao trong thời kỳ Đế chế La Mã.
Trẻ em tham gia những hoạt động này còn được hưởng lợi từ những hoạt động dành cho công chúng, được xây dựng dựa trên công tác khoa học của bảo tàng. Hiểu biết của các em về các lĩnh vực như vật lý hay hóa học có thể được tăng lên khi nghe các chuyên gia giải thích cặn kẽ về việc nghiên cứu và bảo quản một hiện vật cổ như thế nào, ví dụ thông qua chiếu tia X-quang và định vị các-bon, hay sử dụng kiến thức về thực vật học để phân tích các thành phần thức ăn và tìm hiểu người xưa đã trồng và buôn bán lương thực ra sao.
Cách nhìn coi bảo tàng và di tích là nơi để học về khoa học và văn hóa là yếu tố quan trọng trong các hoạt động của CCH. Một ví dụ là chương trình giáo dục dành cho khách tham quan mà họ cùng các cán bộ Dinh Độc Lập xây dựng. Ý tưởng của chương trình này là thông qua các buổi làm việc và lập kế hoạch chiến lược với các cán bộ của Dinh hồi năm ngoái, tiến hành xây dựng những bài học lịch sử tại khu di tích quốc gia quan trọng của thế kỷ 20 này bằng cách thu hút sự chú ý vào các yếu tố môi trường và thiết kế đặc sắc của Dinh.
Tất nhiên, tầm quan trọng của lịch sử cần được nhấn mạnh trong chương trình này. Các buổi làm việc với các cán bộ của Dinh mà tôi có dịp tham gia năm 2011-2012 tràn đầy những suy nghĩ hài hước và xây dựng. Tôi đặc biệt ấn tượng bởi cách thức làm việc sáng tạo mà cả hai nhóm sử dụng để khám phá những khả năng phục hồi và trưng bày tranh, ảnh và các đồ dùng do những người dân địa phương chế tác để trang hoàng cho tòa kiến trúc nổi tiếng sau khi nó được xây dựng vào những năm 1960s.
Một góc trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Ảnh: TL)
Tôi cũng rất ấn tượng bởi hai chủ đề mà CCH giúp xây dựng tại Dinh. Chủ đề thứ nhất là Tầm quan trọng của môi trường cảnh quan và sinh thái trong khu vườn tuyệt đẹp của Dinh chủ đề thứ hai là Nhận thức phong phú về thế giới quan, bắt nguồn từ truyền thống khoa học của Việt Nam, kết hợp với nghệ thuật sơn, vẽ làm cơ sở cho thiết kế hiện đại của tòa nhà bắt mắt này.
Những thiết kế đó là đứa con tinh thần của người sáng tạo ra tòa nhà, nhà kiến trúc sư nổi tiếng người Việt Nam Ngô Viết Thụ (1926-2000). Vậy nên, yếu tố chủ yếu trong chương trình mới dành cho khách tham quan là: bản thân Dinh một kết cấu đặc biệt, là một trong những thành tựu kiến trúc của nhân loại về thiết kế hiện đại, đồng thời là một kiến trúc mang đậm tinh thần và thẩm mỹ của truyền thống Việt Nam.
Nhóm CCH đã nhấn mạnh tầm quan trọng phải đảm bảo rằng Dinh sẽ giới thiệu được với khách tham quan sự trải nghiệm hiểu biết và phong phú trên nhiều cấp độ. Khách tham quan luôn phải được khuyến khích tìm hiểu vai trò của một di tích đã chứng kiến những sự kiện trọng đại của đất nước, đặc biệt là sự kiện lịch sử tháng 4 năm 1975 khi những đoàn quân giải phóng đầu tiên treo lá cờ chiến thắng trên nóc Dinh Độc lập. Nhưng điều quan trọng nhất đạt được là chương trình giáo dục mới đang được xây dựng này đã làm cho những sự kiện nêu trên và những khía cạnh khác của cảnh quan môi trường đặc biệt của Dinh trở nên thú vị và có thể tiếp cận được, từ đó khiến cho khu di tích phong phú và giàu ý nghĩa này được diễn giải và giới thiệu một cách hiệu quả nhất tới công chúng Việt Nam và quốc tế.
Một ví dụ khác về phương pháp tiếp cận đa chiều với di sản có thể thấy trong dự án ở chùa Láng của CCH. Ở đây cũng thế, nhóm phát triển một chiến lược sáng tạo cho các hoạt động dành cho khách tham quan, tập trung chủ yếu vào các trường học và khu dân cư gần đó. Chương trình không chỉ chú trọng vào vẻ đẹp kiến trúc và nghệ thuật của ngôi chùa, mà là lịch sử lâu đời của chùa vốn là trung tâm khoa học của người Việt xưa, là nơi trồng những cây thuốc lâu đời. Cũng ở đây, trong một chương trình khác, trẻ em được khuyến khích kết nối những trải nghiệm của mình với những kiến thức học được hàng ngày, như tìm hiểu cây trồng và môi trường xung quanh nơi ở và trường học.
TS Susan Bayly