Nhận diện và phát huy giá trị “Di sản ký ức”

Di sản ký ức là gì? Kinh nghiệm gìn giữ và phát huy di sản ký ức ra sao?... là những vấn đề được đặt ra và chia sẻ trong Tọa đàm “Di sản ký ức” do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, CLB phụ nữ với di sản văn hóa (Hội DSVH Việt Nam) và Quỹ "Mãi mãi tuổi 20" phối hợp tổ chức ngày 5-11, tại Hà Nội.

Theo TS Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam, Ủy viên Hội đồng DSVHQG, ký ức con người là một loại hình di sản đặc biệt, không thể định lượng. Việt Nam đã, đang và cần nhận diện rõ hơn nữa giá trị di sản này để có giải pháp sưu tầm, lưu trữ, bảo vệ và phát huy giá trị, bởi lẽ, ký ức là một phần quan trọng cấu thành nên mỗi con người. Ký ức của mỗi con người hợp lại thành ký ức chung của gia đình, dòng họ, dân tộc, quốc gia và nhân loại.

Thượng tá Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, cho rằng, bảo tàng nói chung và Bảo tàng Lịch sử Quân sự nói riêng là một trong những nơi lưu giữ ký ức, điều này đòi hỏi bảo tàng phải có những đổi mới hơn nữa trong sưu tầm và trưng bày để giới thiệu lịch sử một cách sinh động hơn, như là không gian đầy ắp ký ức, mang đến cơ hội học tập, trải nghiệm và chạm đến cảm xúc của du khách.

Các đại biểu chia sẻ tại Tọa đàm.

Tại tọa đàm, các nhân chứng lịch sử đã chia sẻ những câu chuyện, hồi ức về di sản. Đó là ký ức về sự hy sinh của toàn bộ các y sĩ, bác sĩ, thương bệnh binh Trạm phẫu thuật tiền phương Q21, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ qua phần chia sẻ của Đại tá Nguyễn Cao Lưu, nguyên Phó Trung đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Trung đoàn 4, nguyên cán bộ địch vận, du lịch huyện Quảng Điền.

Câu chuyện của Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, Anh hùng LLVTND, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, Chủ tịch Quỹ "Mãi mãi tuổi 20" về các trận đánh ở Khe Sanh, Tây Nguyên, Sài Gòn… tiến tới Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã mang đến cho người nghe nhiều cảm xúc.

Đó còn là câu chuyện của những người tham gia bảo vệ Di sản ký ức sau 45 năm khi trạm phẫu thuật tiền phương bị đột kích (3/1975-3/2020). Nhờ nỗ lực của các Cựu chiến binh quân đoàn 4, sự đóng góp tri ân của vợ chồng chị Phương Nga và anh Nguyễn Tuấn Anh cùng tập thể cán bộ nhân viên TAAD Group, Di tích Trạm phẫu đã được phục hồi, để bảo tồn di sản ký ức về sự kiện này, một đài tưởng niệm và một ngôi nhà trưng bày đã được xây dựng để kể những câu chuyên ký ức, tôn vinh sự hy sinh to lớn của các liệt sỹ, để chúng ta và thế hệ trẻ mãi mãi nhớ về họ.

Buổi tọa đàm, giao lưu với các nhân chứng lịch sử đã góp phần để thế hệ ngày nay như được trở về quá khứ, nhớ lại những ký ức hào hùng mà các thế hệ cha ông đã hy sinh biết bao xương máu để xây dựng lên nền độc lập, tự do cho dân tộc. Đây cũng là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23-11. 

                                                                                                P.V

Top