Nhà sàn, không gian thiêng của đồng bào Macoong
Ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình người Ma Coong sinh sống tập trung tại vùng biên giới phía Tây giáp nước bạn Lào, thuộc địa giới hành chính của 2 xã Tân Trạch và Thượng Trạch. Đồng bào dân tộc Ma Coong còn lưu giữ được nguyên vẹn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình trong đời sống sinh hoạt, sản xuất cũng như các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng. Các giá trị đó được hiện hữu ở khắp mọi nơi, trong mọi lĩnh vực của cuộc sống từ cái nết ăn, nết ở, trong phong tục, tập quán cho đến công việc sản xuất… Ở đâu cũng in đậm các bản sắc văn hóa riêng có của dân tộc Ma Coong mà ngôi nhà sàn chính là nơi thể hiện rõ nhất các giá trị văn hóa bản địa đó.
Nhà sàn của người Ma Coong ở Quảng Bình.
Trong xã hội truyền thống cũng như hiện đại, nhà sàn là nhà ở phổ biến của các hộ gia đình người Ma Coong. Nhà sàn của người Ma Coong cơ bản được xây dựng theo kiểu nhà sàn thường thấy của một số dân tộc thiểu số khác trên dải đất hình chữ S. Tuy nhiên nó lại mang những đặc điểm khác biệt so mà chỉ ở ngôi nhà sàn Ma Coong mới có. Nhìn từ bên ngoài, ngôi nhà sàn của người Ma Coong được kết cấu có 2 mái chính (trong đó mái trước dài hơn mái sau do được nối dài thêm để làm mái hiên) và một mái phụ được nối liền vào đầu hồi của hai mái chính tạo thành mái bếp. Nguyên vật liệu dùng làm nhà sàn truyền thống là những thứ có sẵn trong tự nhiên như: tranh, tre, nứa, lá, mây…ngày nay có thêm một số vật liệu hiện đại hơn đảm bảo kết cấu của ngôi nhà sàn chắc chắc hơn như gạch, ngói, tấm lợp….nhưng cơ bản vẫn giữ nguyên kết cấu truyền thống của ngôi nhà sàn Ma Coong từ bao đời truyền lại.
Nhà sàn Ma Coong được chia ra 3 mặt bằng phù hợp với sinh hoạt của đồng bào: phần trên cùng là gác mái dùng để đựng đồ gia đình, cất giữ lương thực; phần sàn nhà là nơi diễn ra mọi sinh hoạt của gia đình và nơi nghỉ ngơi của các thành viên; phần gầm sàn dùng để đựng dụng cụ sản xuất…. Nhà sàn được bố trí 2 cửa ra vào: 01 cửa chính để đi vào nhà được bố trí 01 chiếc cầu thanh bằng gỗ và 01 cửa hông để vào bếp; có 2 cửa sổ: 01 cửa được mở ra phía mặt trước ngôi nhà và một cửa được mở phía bên ngôi nhà (với người Ma Coong cửa này được gọi là cửa hồn, nó là phần rất quan trọng và thiêng liêng của ngôi nhà mà bất cứ người đang sống nào cũng không được đi qua).
Không gian thờ cúng trong nhà sàn.
Điểm đặc biệt trong ngôi nhà sàn Ma Coong đó là việc phân chia rõ ràng không gian của ngôi nhà đối với từng thành viên trong gia đình. Bởi với đồng bào Ma Coong, nhà không chỉ là nơi để ở mà đó còn là không gian thiêng liêng chứa đựng các giá trị của đời sống tinh thần, chứa đựng đầy đủ các giá trị văn hóa cũng như các yếu tố tâm linh, tín ngưỡng truyền thống riêng có của người Ma Coong.
Trong ngôi nhà của người Ma Coong, không gian được chia theo cả chiều dọc và chiều ngang. Từ cầu thang chính bước vào là gian chính của ngôi nhà sàn. Đây là nơi tiếp khách cũng là nơi diễn ra mọi sinh hoạt quan trọng của gia đình từ cưới hỏi cho đến ma chay…. Ở giữa gian chính là nơi đặt ché rượu cần hay bếp lửa khi trong gia đình có việc trọng đại hoặc có khách. Người Ma Coong lấy điểm trung tâm của gian chính để phân chia thành các khu vực rõ ràng cho các thành viên trong gia đình: đối với một phần tư gian tính từ điểm trung tâm về phía cột đầu hồi (thường gọi là cột thờ Ma Mót) đây là không gian quan trọng nhất của ngôi nhà, khu vực này chỉ giành riêng cho những người chủ gia đình và tuyệt đối cấm kỵ đối với vợ và con dâu trong nhà (vì theo quan niệm của người Ma Coong, đây là không gian thờ thần linh, nếu vợ và con dâu đi vào là phạm húy, mất thiêng và những người phạm vào sẽ bị xui xẻo); một phần tư gian tính từ điểm giữa gian chính đi ra phía cửa chính là không gian dành cho con rể; khu vực từ giữa gian chính đi về phía gian bếp là dành cho vợ và con dâu.
Sự độc đáo và phong phú trong kết cấu và sử dụng nhà ở của đồng bào dân tộc Ma Coong đã làm nên những bản sắc văn hóa riêng có, hấp dẫn của bản làng nơi đây. Dẫu cho cuộc sống có phát triển thế nào đi chăng nữa cũng rất cần lưu giữ và phát huy những nét độc đáo, khác biệt của mỗi ngôi nhà, mỗi bản làng nơi núi rừng Bố Trạch để cho nhà sàn Ma Coong vừa là nơi ở của các thành viên trong gia đình và cũng chính là nơi sản sinh, lưu truyền, phát huy các nét đẹp của phong tục tập quán, tính cách phóng khoáng của người Ma Coong, để nhà sàn mãi là không gian thiêng bao đời trong tâm hồn của mỗi người dân Ma Coong chất phác, hồn hậu.
LÊ HỮU LỢI