Theo các nhà nghiên cứu, “Ngự chế Ngự Hà bi ký” là bài văn bia Vua Minh Mạng viết về sông Ngự Hà và “Ngự chế Khánh Ninh kiều bi ký” là bài văn bia do viết về cầu Khánh Ninh. Mỗi văn bia được khắc trên bia đá có nội dung khác nhau, nhưng tất cả đều nói đến nguồn gốc và lợi ích của sông Ngự Hà và cầu Khánh Ninh cũng những cây cầu khác đối với người dân trong việc đi lại.
Nhà bia bên cạnh sông Ngự Hà
Sông Ngự Hà là một con sông đào khởi nguồn từ một phần của con sông cũ chảy từ mặt Tây qua Ðông của Kinh thành Huế. Cụ thể hơn, Ngự Hà được đào theo một nhánh cũ của sông Hương chảy từ chợ Kim Long đến Bao Vinh để thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa ra vào Kinh thành Huế. Khoảng năm Ất Sửu (1805) dưới Triều Vua Gia Long, sông được khơi đào từ sông Ðông Ba đến Võ Khố, đi ngang qua các Kinh Thương (kho lúa), và được đặt tên là Thanh Câu. Vào năm Ất Dậu (1825) dưới Triều Vua Minh Mạng, sông được khơi nhánh đến sông Kẻ Vạn và đổi thành Ngự Hà. Thời bấy giờ, qua hai lần đào, sông Ngự Hà có chiều dài là 3.700m, rộng 44-85 m, nối liền sông Kẻ Vạn với sông Ðông Ba. Sông Ngự Hà gắn liền với những chiếc cống như: cống Thủy Quan, cống Tây Thành Thủy Quan, cầu Vĩnh Lợi, cầu Bình, cầu Khánh Ninh, cầu Son, cầu Ngự Hà, cống Ðông Thành Thủy Quan và cầu Hàm Tế. Trong những năm gần đây, sau khi UNESCO công nhận Quần thể Di tích Cố đô Huế là Di sản Văn hóa Thế giới, nhiều công trình kiến trúc có giá trị lịch sử của Triều Nguyễn đã được trùng tu và tái thiết với mong muốn phục nguyên những giá trị vàng son của một vương triều kéo dài hơn một thế kỷ; trong đó, sông Ngự Hà và hệ thống cầu cống cũng được đầu tư trong nhiều dự án.
Nguyên văn nội dung hai bài văn bia này được dịch nghĩa như sau:
Tấm Văn bia cổ
Bài văn bia Vua viết về sông Ngự Hà:
Sông này nguyên trước đây là một nhánh của sông Hương. Sau khi vua cha là Cao Hoàng đế vượt qua mọi trở ngại để lấy lại đất Thần kinh, lúc xây dựng Kinh thành, đã tùy theo địa thế mà đào lấp. Sông bắt đầu từ phía Bắc Hoàng thành, ngang qua Võ Khố, vòng quanh lên phía Bắc, qua phía Ðông, lại chuyển về phía Nam, quay lại phía Ðông ra ngoài Kinh thành lưu thông với Hộ Thành Hà. Từ đường cái ở cửa Ðông Nam trong Thành Nội qua sông đến đường cái ở cửa Chánh Bắc, đã từng bắc cầu gỗ để qua lại.
Ðến năm Canh Thìn, Minh Mạng năm thứ nhất, Trẫm nghĩ rằng ở Kinh thành tụ họp nhiều nhà cửa, người và ngựa đi trên đường cái ngày đêm, chất gỗ khó tồn tại lâu dài, cho nên đổi làm cầu đá, đó là kế chỉ làm một lần mà được nhàn rỗi lâu dài. Bèn sai Bộ Công lấy ngày lành tháng 5 năm ấy bắt đầu khởi công. Trải qua một tháng rưỡi thì chiếc cầu được xây xong. Dưới cầu để ba khoảng trống, trên cầu xây đá thanh, hai bên có lan can bằng đá để bảo vệ. Mặc khác, vì sông này trước đó chưa có tên, bèn gọi tên là Ngự Hà, cho nên cũng lấy nó để đặt tên cầu.
Ðến tháng tư năm Minh Mạng thứ 11, lại thấy ở chỗ Ngự Hà chảy về phía Ðông ra ngoài Kinh thành, nguyên có chiếc cầu gỗ tên là cầu Thanh Long, cũng sai thay bằng đá. Dưới cầu đặt chánh cửa làm cửa quan. Trên cầu, ở lan can bảo vệ, trổ ra 13 cửa dùng để bắn súng đại bác. Cầu được đổi thành Ðông Thành Thủy Quan. Cầu giúp ích nhiều cho việc qua lại, thuận lợi cho xe thuyền, lại được phòng bị nghiêm túc, làm cho Kinh đô thêm hùng tráng. Kinh phí tiền bạc trước sau đến vài vạn, vẫn không tiếc. Nay làm bài ký để khắc vào bia đá.
Sáng sớm ngày mồng Một tháng 10 năm Minh Mạng thứ 17.
Cận cảnh nhà bia
Bài văn bia Vua viết về cầu Khánh Ninh:
Thời Gia Long đào sông Ngự Hà bắt đầu từ Võ Khố đến chỗ ra khỏi phía Ðông Kinh thành, thông với Hộ Thành Hà. Chỉ ở phần thượng lưu của nó là chưa thông. Nghĩ kỹ thấy rằng sông này rất tiện lợi cho mọi người trong sự đi lại để làm việc công cũng như việc tư. Nếu ở thượng lưu không thông thì ai muốn đi về phía Tây Kinh thành cũng gặp sự bất tiện. Vả lại, dòng nước chẳng nối tiếp với đầu nguồn thì ứ đọng đục bẩn, không thể cung ứng cho việc ăn uống và sử dụng của quân đội và dân chúng. Cho nên, vào tháng 6 năm Ất Dậu, năm Minh Mạng thứ 6, bèn đào một thủy đạo từ chỗ tắc của con sông, hướng về phía Tây, ra khỏi Kinh thành, thông với Hộ Thành Hà. Khi đó, sông đã thông ghe thuyền, nhưng trên các đường cái, người và ngựa đi lại, không thể không xây cầu để qua sông. Bèn xây cầu đá ở đường cái Ngự Hà, dùng cung Khánh Ninh, gần bên trái cầu để đặt tên là cầu Khánh Ninh. Kế đến, từ đường cái cửa Chánh Nam đến đường cái cửa Tây Bắc, ở chỗ qua sông cũng xây một cầu đá, tên là cầu Vĩnh Lợi. Lại ở chỗ phía Tây của thành vượt qua sông, thiết lập một cửa quan, trên thì xe cộ qua lại, dưới thì ghe thuyền vào ra, gọi tên là Tây Thành Thủy Quan. Trên tường đặt súng đại bác, trông càng thêm hùng tráng. Lại nữa, ở đầu ngoài quách phía Tây của thành, cũng xây một cầu đá, gọi là cầu Hoằng Tế. Các cầu và cửa quan ấy, ở dưới đều xây bằng gạch, ở trên thì xây bằng đá. Việc thi công kéo dài đến nửa năm mới hoàn tất, thật là vững chãi. Mặc dù kinh phí lên đến cả chục vạn, nhưng nào có tiếc, vì có thể để lại muôn năm, ban ơn cho hàng triệu người, nên cũng không thể không làm.
Nay nhớ đến và ghi lại nguồn gốc của con sông và các cầu để phó thác cho bia đá. Sáng sớm ngày mồng Một tháng 10 năm Minh Mạng thứ 17.
Có thể nói, việc xây dựng hai nhà bia để bảo vệ hai tấm bia đá cổ có bút tích của Vua Minh Mạng khỏi phai mờ vì mưa gió và thời gian cũng là cách chúng ta bảo tồn văn bản còn lại của Triều Nguyễn.
Trọng Bình