Nguy cơ dịch bệnh và khả năng thích ứng văn hóa
Khẩu trang: Nội lực và khả năng tự chữa lành vết thương
Tạo hóa luôn bảo đảm tính cân bằng tổng thể trong chu kỳ tuần hoàn của vũ trụ với những biểu hiện thăng - trầm, thịnh - suy rất rõ nét. Thế giới động vật cũng như thế giới thực vật được ban cho một khả năng đặc biệt là tự chữa lành mọi vết thương. Yếu tố nội lực, kể cả vật chất lẫn tinh thần, trở nên rất quan trọng. Đáng chú ý nhất là ý chí, các phương thức, phương thuật để tập trung khai thác, hướng dẫn, phát huy mọi yếu tố nội lực đó có sự khác nhau giữa các cộng đồng tộc người, làm nên những giá trị bản sắc độc đáo trong những thời điểm khác nhau, để kiến tạo tinh thần cốt lõi của y học, thiền, phù thuật, lễ nghi... truyền thống đậm nét, hữu hiệu giúp con người chế ngự hoàn cảnh.
Điều kiện địa lý tự nhiên và lịch sử xã hội là hai yếu tố quyết định làm nên bức tranh văn hóa của mỗi một cộng đồng tộc người, quốc gia lãnh thổ, cụ thể với những vấn đề bản sắc và bản lĩnh đặc trưng, trở thành chỉ dấu nhận biết cũng như thế mạnh riêng có trong bức tranh tổng thể rộng lớn xung quanh. Chính nhờ bản sắc và bản lĩnh đặc trưng đó đã mang lại nội lực giúp cộng đồng luôn luôn phát triển, kịp thời rà soát, khắc phục để phát huy những thế mạnh và loại bỏ những điểm bất hợp lý, nhất là trong những lúc cộng đồng phải đối diện với những nguy nan, những vấn nạn ngặt nghèo.
Thành tựu khoa học công nghệ và cuộc cách mạng 4.0 đã tạo nên thế giới phẳng, xóa nhòa mọi lằn ranh địa lý, giới hạn biên giới cộng đồng, quốc gia lãnh thổ, giúp con người xích lại gần nhau hơn, phổ biến trở thành biểu tượng mà người phương Tây rất lấy làm tự hào qua động tác bắt tay, chạm má, ôm ấp. Tuy nhiên, chính sự phát triển vượt bậc của nhân loại đã làm môi trường sống - Bà Mẹ Thiên Nhiên bị tổn hại và tạo hóa nổi giận. Môi trường sống bị ô nhiễm và con người đã kịp phát minh, một cách bất đắc dĩ, ra chiếc khẩu trang để kịp thời che chắn, ngăn chặn mọi thứ ô nhiễm từ bên ngoài xâm nhập. Đặc biệt, trong hệ quả ô nhiễm đó, nhân loại phải đối diện với một virus CoV nguy hiểm bậc nhất khi nó biết khoét vào sở trường quen thuộc của con người hiện đại: tiếp xúc đám đông và hơi thở. Chính vì vậy, khẩu trang, nói theo ngôn ngữ nhà Phật, cũng giúp con người “bớt khẩu nghiệp” từ bên trong do ăn, nói (nhiều, tạp), một liệu pháp “tu” để con người bớt “tham, sân, si” trong thời hiện đại. Cho nên có thể nói, khẩu trang là một phát minh đơn giản nhưng đầy biểu tượng cho khả năng thích ứng với hiệu quả cao trước môi trường sống và đồng thời, cũng là thông điệp cảnh báo con người phải trân trọng môi trường sống để nuôi dưỡng Bà Mẹ Thiên Nhiên vĩ đại, đảm bảo sự cân bằng của tạo hóa.
Vấn đề thích ứng văn hóa
Triết gia François Jullien khi nêu vấn đề Không có bản sắc văn hóa thì chính ông đã làm cho độc giả phải phản tỉnh để xem xét bản sắc văn hóa một cách đa diện, đa chiều hơn. Thông thường, truyền thống và hiện đại được đặt thành cặp đối lập, nhấn mạnh yếu tố xưa và nay, thậm chí có khi loại trừ lẫn nhau mà quên đi tính liên tục, kế thừa hòa quyện tự bên trong. Khái niệm truyền thống và di sản văn hóa truyền thống cần được nhìn nhận, xem xét trong tính kế thừa, liên tục của hệ giá trị văn hóa xuyên thời gian, trong mọi bối cảnh. Truyền thống văn hóa đã tạo nên những sắc thái biểu hiện cụ thể qua các thời kỳ, làm nên bản sắc văn hóa, cho nên bản sắc văn hóa đọng qua những lớp áo văn hóa. Hình thái biểu hiện của văn hóa có sức sống cội nguồn dài lâu, mãnh liệt, giúp chủ thể văn hóa chấp nhận loại bỏ những điều không phù hợp, tích hợp những yếu tố mới phù hợp từ bên ngoài để làm giàu bản sắc văn hóa. Trong quá trình lan tỏa, giao lưu và tiếp biến, nhất là giữa hai chủ thể văn hóa, tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của khoảng cách ở giữa, để từ đó, hai bên có phương thức lan tỏa, thu hút ảnh hưởng lẫn nhau, nhờ vào động năng văn hóa. Chính từ động năng văn hóa đó mà con người luôn vận động thích ứng tối ưu với hoàn cảnh và những kết quả, phương diện - khía cạnh biểu hiện ra bên ngoài, những lớp vỏ được định vị là bản sắc văn hóa sẽ thường xuyên có sự thay đổi tương ứng. Không có bản sắc văn hóa là cách đặt vấn đề mới để tiếp cận lại khái niệm bản sắc văn hóa trong tính năng động của văn hóa mà không bị ám thị bởi định kiến, khuôn mẫu cứng nhắc. Động năng của văn hóa, với cách tiếp cận đó, càng thêm ý nghĩa tham khảo thiết thực trong việc nghiên cứu bức tranh phong phú, đa dạng của văn hóa Việt Nam, đặc biệt ở khía cạnh nguồn nuôi dưỡng văn hóa khi xem xét diễn trình lịch sử văn hóa Việt Nam suốt hàng nghìn năm qua, đã giúp cho cơ thể văn hóa Việt Nam kiện toàn, thích ứng trước vô vàn khó khăn nghiệt ngã của vấn nạn ngoại xâm thường trực, thiên tai dịch bệnh triền miên (F. Julien, Không có bản sắc văn hóa, Trương Quang Đệ dịch, Nxb. Đại học Huế, 2018).
Nghiên cứu sự thích ứng về văn hoá là nghiên cứu sự thâm nhập hỗ tương giữa các nền văn minh để phản ứng lại trào lưu theo quan niệm truyền bá luận (vay mượn) phổ biến ở các nước phương Tây, trong đó đáng chú ý tới nguyên tắc sàng lọc hay tuyển chọn để tích hợp, tiếp thu những giá trị tích cực, phù hợp. Theo Herskovits, chấp nhận hay khước từ sự tiếp thu là tuỳ thuộc vào nền văn hoá đã tồn tại trước đó và bối cảnh của tình huống tiếp xúc. Điều này lý giải cho sự đa dạng của những hình thức đáp ứng trong nhiều bối cảnh xâm nhập hỗ tương về văn hoá, nhưng để cho sự vay mượn có thể dài lâu thì trước hết, yếu tố vay mượn phải phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của hình thái tổ chức xã hội tiếp thu, phù hợp với cái cốt lõi văn hóa. Đồng thời, tiếp thu cái mới phải được diễn giải lại, tham chiếu vào hệ giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng (Melville J Herskovits, Les bases de l’anthropologie culturelle, Paris: Payot, 1967, tr. 218).
Thiên tai, địch họa và khả năng thích ứng của văn hóa Việt Nam
Từ miền trung du tiến về tụ cư và canh phá vùng châu thổ sông Hồng, truyền thống nông nghiệp lúa nước của người Việt được phát huy rõ nét, hiệu quả qua phương thức be bờ đắp đập đôi bờ sông Hồng và hệ chi lưu của nó, đồng thời quai đê lấn biển theo phương thức “cây cói đi trước, lúa nước theo sau) với vùng chua mặn ven biển (thực ra là Vịnh Bắc Bộ). Hai vấn nạn đe dọa thường trực vùng châu thổ Bắc Bộ là thiên tai và địch họa, buộc cộng đồng cư dân Việt phải có khả năng thích ứng phù hợp, hữu hiệu, tất cả đã được biểu tượng hóa qua những hình ảnh - câu chuyện mang nhiều thông điệp như Thần Kim Qui, Sơn Tinh Thủy Tinh, Phù Đổng Thiên Vương..., những thành tựu nổi bật của văn minh sông nước, nhất là bơi lội, ghe thuyền, cộng đồng làng xã. Nhờ nội lực đặc biệt đó, cộng với sự phò trợ bao trùm của các yếu tố thủy thổ trong một xứ sở nhiệt đới nắng lắm mưa nhiều, nhờ sự khu trú đặc biệt của dãy Ngũ Lĩnh đầy “sơn lam chướng khí” đối với mọi xâm nhập từ phương Bắc nên người phương Bắc đã bao phen khốn đốn với dân Lĩnh Nam (phía Nam dãy Ngũ Lĩnh). Tiền nhân Việt đã luôn để lại những thông điệp sâu kín cho hậu thế mãi cảnh giác thường trực trước mọi nguy cơ bị diệt vong, như câu chuyện chiếc lông ngỗng hay những truyền khẩu Cao Biền trấn yểm tồn tại phổ biến, sâu rộng trong đời sống dân gian tận ngoài Bắc, trong Nam.
Không chỉ có vậy, chính nhờ môi trường nhiệt đới ẩm gió mùa mà để chống lại sơn lam chướng khí, biên độ thay đổi thời tiết ngắn, tri thức bản địa dân gian của người Việt đã định hình nên thành một kho tàng quí giá, độc đáo để giúp con người chống lại, thích ứng với thiên tai, dịch bệnh. Có thể thấy được điều đó trong di sản ẩm thực, y dược học truyền thống, được thiêng hóa để tạo dựng niềm tin, sự lạc quan qua vô vàn những lễ nghi thấm đẫm các phương thuật của Đạo giáo, Phật giáo trộn lẫn với sắc thái đa dạng của tín ngưỡng dân gian ở mỗi một vùng miền Tổ quốc, được thực hiện đồng thời, biện chứng từ dân gian cho tới nhà nước qua các thời kỳ.
Vượt qua Đèo Ngang, rồi Hải Vân, người Việt phải đối diện với cả một xứ “Ô châu ác địa”, cả trong điều kiện tự nhiên lẫn nhân quần xã hội bởi sự khắc nghiệt, dị biệt của phong thổ cùng vô số những phong tục tập quán, tín ngưỡng lễ nghi, những vị nữ thần bản địa phương Nam xa lạ. Chính khát vọng hòa bình và mở cõi mãnh liệt đã giúp Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vận dụng sáng tạo mọi hoàn cảnh để hiện thực hóa nhu cầu cố kết nhân tâm, thu phục lòng người trong chiến lược xây dựng vùng đất mới. Chỉ qua một giấc mơ, Cô Gái Áo Xanh ở Ái Tử (Quảng Trị) hiện ra giúp Chúa Tiên có được trận chiến thắng đầu tiên trước quân Mạc năm 1572, để đến năm 1601, bên bến sông Hương (Huế), truyền thuyết Bà Trời Áo Đỏ được thiêng hóa cho sự tái lập chùa Thiên Mụ, chính thức đưa Phật giáo thành hệ tư tưởng chính thống của Nam hà. Tiếp xúc, tiếp biến văn hóa càng bồi bổ cho động năng văn hóa và nguồn nuôi dưỡng văn hóa Đại Việt, đưa đất nước mở cõi về Nam một cách vững chắc. Đi về phía Nam, người Việt còn hướng ra biển để khai thác biển trên phương diện kinh tế thủy sản, giao thông vận tại, nhất là an ninh quốc phòng biển khi thích ứng, sáng tạo nên thần điện biển hoàn chỉnh: Bà Mẹ Xứ Sở bao trùm, Vua Thủy tề là Nam Hải Long Vương cùng quần thần hùng mạnh như Nam Hải Cự tộc Ngọc lân, Lang thát Nhị đại tướng quân..., để từ đó, hoàn thiện tri thức và kinh nghiệm đi biển.
Nhờ “sức mạnh mềm” đó của văn hóa, người Việt càng tự tin hơn khi đối diện với đại nạn, để xã hội hóa, tích hợp sự đồng lòng từ thôn dân cho tới chính thể nhà nước, nổi bật với giá trị pháp lý nghiêm minh, tính nhân văn cao cả. Bài học lịch sử thời Nguyễn là trước những đại nạn, cả nước phải nhanh chóng, kịp thời báo cáo và xử lý hiệu quả. Nhà nước mở cửa, có cơ chế rõ ràng để phát động, kêu gọi mọi người phát huy lòng tương thân tương ái, đồng lòng giải quyết, để kịp thời khen thưởng (đắc nhân tâm) và nghiêm trị những tệ lậu, phao tin đồn nhảm, trục lợi (thất nhân tâm), làm rối loạn phép nước và lòng người. Hệ thống lễ nghi Cầu đảo là phương thuật hội tụ nhiều giá trị tinh hoa, dễ lay động lòng người, gắn kết thần linh trong cõi Trời - Đất, đồng thời từ bậc quân vương cho tới bá tánh phải thành tâm tự răn mình đã không đủ tài, đức lo cho dân cho nước nhanh chóng vượt qua cảnh mưa bão, hạn hán hay dịch bệnh.
Trong tư tưởng tự răn mình đó, những nội dung công việc không phù hợp, kém hiệu quả, gây lãng phí... nhanh chóng bị dẹp bỏ để tập trung mọi nguồn lực giải quyết những đại nạn tai ách. Nhà nước khẩn cấp chi dùng nguồn nhân lực, tài lực qui mô lớn để kịp thời giải quyết vấn nạn thiên tai, địch họa và dịch bệnh. Nổi bật trước dịch bệnh, Triều đình Nguyễn nhanh chóng điều bổ ngự y đến các địa phương, kê đơn và ban cấp thuốc thang, như trận đại dịch tàn khốc mùa hè năm 1820 từ Quảng Bình đến Nam Bộ, mà thiệt hại vẫn rất kinh khủng về nhân mạng và tài sản (206.835 người chết), ngân khố chẩn cấp tới hơn 73 vạn quan tiền (Thực lục, t. 2, tr. 75-76, 80, 108). Từ đầu thế kỷ XX, y học cổ truyền đã kết hợp chặt chẽ với Tây y để phòng chống dịch hiệu quả cho người và gia súc, như trận đại dịch đầu năm 1915 thời Duy Tân, với nhiều qui định dịch tễ chi tiết từ thời gian, qui cách, trang thiết bị vật liệu sử dụng cho phù hợp, khoa học (Thực lục Đệ lục kỷ phụ biên, mục 1952).
Chính những động thái an dân về tâm lý - tư tưởng và những hoạt động chiến lược vĩ mô của nhà nước đã kịp thời chế ngự tình hình, giúp người dân an tâm và tiếp tục huy động mọi nguồn lực xã hội để phòng chống thiên tai, dịch bệnh một cách hiệu quả. Liệu pháp tổng hòa từ cầu đảo (tư tưởng), phát chẩn (kinh tế), cấp phát thuốc, khám chữa bệnh (y tế), thưởng phạt kịp thời nghiêm minh (luật pháp)... thực sự an dân, củng cố nội lực để xử lý đại họa.
Văn hóa chính là tổng hòa nội lực, phương thức ứng xử hiệu quả của con người trước môi trường sống, với những đặc tính nội sinh và tự chữa lành rất độc đáo. Cho nên, động năng văn hóa và nguồn nuôi dưỡng văn hóa sẽ là công cụ, sức mạnh giúp nhân loại nói chung và con người - văn hóa Việt Nam nói riêng sớm thích ứng và chế ngự dịch bệnh.